Nhà cửa bừa bộn làm trẻ kém thông minh
Người ta thường vẫn nghĩ một đứa trẻ dốt là do đói nghèo, di truyền và môi trường sống. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng sống trong một ngôi nhà bừa bộn cũng có hại cho sự phát triển trí thông minh của trẻ em.
Để nghiên cứu mối liên hệ giữa việc sống trong một ngôi nhà bừa bộn với sự phát triển tư duy ở trẻ em, Stephen Petrill và cộng sự tại Đại học Pennsylvania đã nghiên cứu dữ liệu về một số cặp song sinh ở Anh trong khoảng thời gian giữa những năm 1994 và 1996. Bằng việc chọn cả các cặp song sinh cùng trứng và song sinh khác trứng (chỉ chung một nửa số gene của nhau), các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phân định rạch ròi ảnh hưởng của yếu tố di truyền và môi trường.
Nhóm nghiên cứu thu thập thông tin về địa vị kinh tế - xã hội, mức độ bừa bộn của nhà cửa nơi các em sống và khả năng nhận thức của khoảng 8,000 cặp song sinh trong độ tuổi từ 3 tới 4. Họ đánh giá khả năng nhận thức bằng các câu đố và các bài kiểm tra từ vựng và ngữ pháp.
Kết quả cho thấy nhà ở của những bậc cha mẹ giàu và có giáo dục tốt được sắp xếp gọn gàng hơn. Nhưng một phát hiện đáng chú ý hơn là sự bừa bộn có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ mà không hề phụ thuộc vào địa vị kinh tế - xã hội. Khi một đứa trẻ trong cặp song sinh sống trong ngôi nhà ngăn nắp, nó có xu hướng tư duy tốt hơn đứa kia. Những cặp song sinh sống trong những ngôi nhà bừa bộn nói chung nhận thức chậm hơn những trẻ cùng độ tuổi.
“Điều này rất có ý nghĩa. Nếu một đứa trẻ sống trong một ngôi nhà thật sự bừa bộn, chúng khó mà học tập một cách bình thường. Khung cảnh bừa bộn xung quanh làm cho chúng phân tán tư tưởng và do đó không thể tư duy tốt được”, Robert Plomin, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Kết quả cũng cho thấy khi môi trường xung quanh căng thẳng, trí thông minh có thể bị hạn chế.
(Theo New Scientist)