Phát hiện kho nhạc cụ cổ ở Trung Quốc
Các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện ra một bộ sưu tầm chưa từng có gồm khoảng 500 nhạc cụ bằng đất sét có từ năm 496 trước Công nguyên.
Bộ sưu tầm được tìm thấy tại một lăng mộ gồm 3 phòng thuộc tỉnh Giang Túc, phía Đông Trung Quốc. Nó bao gồm rất nhiều nhạc cụ gõ và chuông. Rất nhiều trong số đó thuộc dạng quý hiếm chưa ai biết tới, ngoài ra còn có một xấp các tài liệu viết bằng chữ cổ.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi khẳng định sự tồn tại của fou, một nhạc cụ cổ bằng đất sét”, Zhang Min, Giám đốc Viện Khảo cổ ở Bảo tàng Nam Kinh, nói. “Chúng tôi tin chắc rằng nó là một nhạc cụ vào thời đó. Hồi trước, chúng tôi chỉ nghĩ nó là một cái bình, làm bằng đất sét. Nhưng nó không chỉ là một cái bình, mà là một nhạc cụ phức tạp với âm thanh đẹp”.
Người ta cũng tìm thấy tại khu vực một vật giống như một cái cọc làm bằng đất sét tráng men, gọi là ju. Ju là một cái bệ để đặt nhạc cụ khác. Đây là lần đầu tiên nó được tìm thấy ở Trung Quốc. Âm thanh trong trẻo, vang đội của các nhạc cụ dường như ngược lại với hình ảnh của chúng. Hầu hết các nhạc cụ được điêu khắc tinh xảo và mang hình rắn hay thằn lằn. Các sử gia từng cho rằng người dân Yue thờ cúng rắn, vì vậy những nhạc cụ mới đã ủng hộ giả thuyết này.
Thành Yue, nơi nhạc cụ được tìm thấy là một điểm sáng trong lịch sử Trung Quốc, bởi nó tồn tại chỉ trong 200 năm nhưng tạo nên một trong những vị thủ lĩnh huyền thoại nhất Trung Quốc, vua Goujian, trị vì từ năm 496 trước Công nguyên.
Goujian mang một thanh gươm đồng và lãnh đạo đội quân giành chiến thắng trong nhiều cuộc chiến, trong đó có trận đánh chiếm thành Wu, nơi vua Wu đã buộc phải tự sát.
Các nhà khảo cổ vẫn chưa chắc chắn liệu ngôi mộ tại Yue có phải là của vua Goujian, hay không nhưng kích cỡ và những vật dụng bên trong cho thấy nó thuộc về một nhân vật quan trọng.
Bên cạnh các nhạc cụ, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một bộ hoàn chỉnh những bình lọ bằng ngọc bích và sứ có màu đỏ, xanh lơ và trắng bóng. Những hiện vật này đại diện cho nền gốm sứ thuở sơ khai tại Trung Quốc.
“Lò nung Yue giữ một vai trò lịch sử gốm sứ Trung Quốc”, Li He tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở San Francisco nhận định. “Nếu nói một trong những đóng góp của Trung Quốc vào thế giới là sự ra đời của nước men, thì lò nung Yue chính là cái nôi của nó”.
Các chuyên gia dự định khôi phục lại số nhạc cụ. Họ hy vọng chúng sẽ tạo ra âm thanh đúng như 2.500 năm trước.
(Theo Discovery)