SONLON, NHÀ CẢI CÁCH CỦA HY LAP CỔ
Người phương Tây cổ đại tôn sùng ''Thất hiền'' Hy Lạp (bảy vị người hiền, phẩm cách cao thượng), Solon là một trong bảy người đó.
Solon (khoảng 638 – 559 tr.CN) xuất thân từ một gia đình quý tộc bị phá sản. Thuở còn trẻ, ông đã phải làm nghề buôn bán và đã từng đi khắp nơi. Ông ra sức học tập, có được tri thức lại có vốn sống thực tế, ông còn là một nhà, thơ đã từng đoạt danh hiệu ''Nhà thơ thứ nhất của Athena''. Cuộc sống phiệu lưu vất vả đã làm cho ông có dịp gần gũi với quần chúng nhân dân lao động và có uy tín lớn đối với họ.
Thời kỳ Solon sinh sống là thời kỳ xã hội có những biến động dữ dội. Khi đó, nhà nước chiếm hữu nô lệ Athena đã được thiết lập nhưng vẫn còn bảo lưu nhiều tàn dư của chế độ thị tộc, đó là một nhà nước chuyên chính của giai cấp quý tộc thị tộc. Nếu như người nghèo vay nợ mà không trả được thì phải gia nộp mảnh ruộng đất vốn là nguồn sinh sống của họ và bản thân họ cùng vợ con sẽ trở thành nô lệ của chủ nợ. Rất nhiều người cùng khổ đã chịu mấy tự do như vậy, bị xiềng xích đem đi bán ra nước ngoài. Một số người vì trốn nợ đã phải rời bỏ quê hương lang thang phiêu bạt kiếm sống ở mọi nơi. Những người cùng khổ ở Athena chịu không nổi sự áp bức bóc lột của bọn quí tộc đã vùng dậy khởi nghĩa. Cuộc đấu tranh kéo dài trong một thời gian dài, cuối cùng mọi người đã cùng nhau thoả thuận chọn Solon làm chấp chính quan - người lãnh đạo quốc gia, và làm trọng tài để hoà giải mâu thuẫn, đồng thời giao cho ông trách nhiệm cải tổ lạc chế độ chính trị của Athena.
Solon vừa sung chức chất chính quan năm 594 tr.CN đã ban hành ngay một loạt cải cách chính trị và xã hội có ý nghĩa cách mạng lớn lao. Cuộc cải cách đó gọi là Seisachtheia, tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là trút gánh nặng. Ông tuyên bố xoá bỏ mọi nợ nần, nhổ hết những thẻ cầm cố ruộng đất cắm trên hầu hết mọi thửa ruộng của nông dân vì bị thúc nợ mà phải đem cầm cố cho bọn quí tộc chủ nợ. Ông giải phóng cho những người nô lệ vì nợ và cấm chỉ từ nay không ai được gán mình hay vợ con mình làm nô lệ cho kẻ khác để chuộc nợ. Những nông dân trước đây vì nợ mà phải bán mình làm nô lệ hoặc phải lưu vong đều lục tục kéo nhau trở về quê hương nhận phần ruộng đất cũ của mình làm ăn với tư cách là những người nông dân tự do. Ông còn thực hiện chính sách nhà nước bỏ tiền ra để chuộc những người dân Athena bị bán ra nước ngoài trước đây.
Để những người dân bình thường cũng có thể tham gia quản lý nhà nước, Solon đã tước bớt một phần quyền lực của giai cấp quý tộc, để cho những người không xuất thân quí tộc cũng có thể làm quan. Ông đã thành lập cơ quan tư pháp mới: Toà án nhân dân, một trong những tổ chức dân chủ nhất của bộ máy nhà nước Athena thời bấy giờ, vì thành phần của nó gồm có cả hội thẩm nhân dân thuộc lớp người nghèo khổ. Trước khi Solon cầm quyền, quyền lực chính trị ở Athena tập trung trong tay tập đoàn quý tộc thị tộc. Trong cải cách, Solon căn cứ vào tài sản ít hay nhiều để phân chia công dân thành bốn đẳng cấp, quy định đẳng cấp khác nhau, thì hưởng quyền lợi chính trị khác nhau. Như vậy đã xoá bỏ được đặc quyền chính trị của quí tộc thị tộc, tạo điều kiện cho lớp chủ nô công thương nghiệp phát triển. Trên cơ sở bốn bộ lạc cũ, Solon thiết lập cơ quan quyền lực mới - Hội đồng Bốn trăm - mỗi bộ lạc cử ra 100 đại biểu của mình, gồm đại biểu của các đẳng cấp, để điều hành công việc quốc gia, do đó có tinh chất dân chủ hơn.
Solon đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách, mọi người gọi đó là cải cách Solon. Solon đã trở thành một trong những nhà cải cách nổ tiếng nhất thế giới. Cuối đời, ông ở nhà viết sách, làm thơ. Ông nói: ''Tôi càng nhiều tuổi, càng học được nhiều điều hơn''.