VĂN HÓA TÂY TẠNG
Đạo Phật - quốc giáo của Tây Tạng
Văn hóa của người Tây Tạng ảnh hưởng rộng lớn tới các quốc gia láng giềng như Bhutan, Nepal, các khu vực kề sát của Ấn Độ như Sikkim và Ladakh, và các tỉnh kề bên của Trung Quốc. Trong kho tàng văn hóa đó, Đạo Phật nổi lên như một hạt nhân tiêu biểu nhất vừa tựu trung được những đặc điểm văn hóa xã hội đặc sắc của vùng đất và con người Tây Tạng vừa khái quát, lý giải được sức lan tỏa to lớn của văn hóa Tây Tạng.
Tôn giáo là thế giới tinh thần của người Tây Tạng, ở đó Phật Giáo chiếm vị trí độc tôn và trở thành quốc giáo của Tây Tạng. Được mệnh danh là miền đất Phật huyền bí, Tây Tạng là trung tâm truyền thống của Phật giáo là cái nôi sinh ra một trường phái Phật Giáo đặc biệt - Mật tông (Vajrayana). Nét độc đáo của Phật giáo Tây Tạng là ở chỗ, dù có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo Trung Quốc và Phật Giáo Ấn Độ, đạo Phật ở xứ sở núi tuyết không phải là tôn giáo nguyên thủy rập khuôn của hai quốc gia trên mà có những đặc trưng khu biệt riêng về lý thuyết và thực tiễn biểu hiện.
Tất cả được thể hiện trong tôn chỉ hình thành và lý luận của tông pháp “Mật tông”, một trường phái Phật Giáo thâm sâu, vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính kỳ bí ảo diệu. Biểu tượng nhằm hiện thực hóa tư tưởng của tông phái Mật tông cũng rất phong phú đa dạng ở các công trình kiến trúc được nhiều người chiêm ngưỡng, thán phục như Quán Đảnh, Trì Chú, ở hình tượng các vị Đạt-Lai Lạt-Ma vốn được nhiều người tôn thờ.
Phật giáo Tây Tạng không những được phổ biến ở Tây Tạng; nó còn là tôn giáo thịnh hành ở Mông Cổ và phổ biến mạnh trong tộc người Buryat ở miền nam Siberia. Tây Tạng cũng là quê hương của một tôn giáo nguyên thủy gọi là Bön (Bon). Hàng loạt các tiếng địa phương của tiếng Tạng được nói trên cả khu vực. Người Tạng viết bằng chữ Tạng.
Lịch sử ban đầu của Phật giáo tại Tây Tạng lặp lại một kiểu thức phổ biến toàn châu Á. Ban đầu được sự ủng hộ của hoàng gia, sau đó là những tai biến khiến hoàng gia thất thế. Và ngay lập tức các đối thủ lên tiếng chỉ trích việc hoàng gia ủng hộ tôn giáo ngoại quốc. Tiếp theo là thời kì ngược đãi tôn giáo, cuối cùng được tiếp nối bằng sự ủng hộ rộng rãi và sự hội nhập của tín ngưỡng Phật giáo vào trong xã hội.
Đạo Phật đã đến vùng đất Tây Tạng từ nhiều hướng vào giữa các thế kỉ VII và XII sau Công nguyên, chủ yếu từ vương quốc Pala thuộc miền Đông Ấn và xứ Kashmia. Vùng đất Pala là quê hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khu vực Đông Bắc Ấn Độ này là nơi thăm viếng chủ yếu của những người hành hương Phật giáo, bởi vì nó bao gồm những thánh địa như Bồ Đề đạo tràng, nơi Đức Phật đắc đạo và Sarnath, nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên. Đạo Phật tới Tây Tạng từ những con đường khác nhau: qua giao lưu thương mại với Nepal, từ quan hệ thương mại tích cực với Trung Quốc và các trung tâm Trung Á đặt dưới sự thống trị của Trung Quốc như Khotan, nằm trên con đường tơ lụa. Do vị trí thuận lợi, là gạch nối quốc tế giữa Đông và Tây, nối liền những sa mạc bao la của miền Tây Bắc Trung Quốc với nước Ba Tư và các nền văn hoá xa hơn về phía Tây nên sự giao lưu về văn hóa diễn ra rất sớm và liên tục trong lịch sử. Sự kết hợp giữa việc mạo hiểm thương mại và lòng mộ đạo hành hương đã đưa tôn giáo Tây Tạng ngược ra ngoài, theo những con đường thương mại này đi vào khu vực Himalaya lân cận như Nepal, Ladakh, Sikkim và Bhutan, cũng như đưa nó vào bên trong Mông Cổ và vào chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào cuối thế kỉ XIV, mối quan hệ giữa Tây Tạng với những nền văn hoá sát biên giới của nó - gồm có Kashmia ở phía Nam, Trung Á ở phía bắc và phía tây - đã biến đổi, không thể phục hồi lại được. Các cuộc xâm lăng của người Hồi giáo đã chấm dứt Phật giáo ở bắc Ấn Độ và những người Mông Cổ, tiếp nối bằng những cuộc chinh phục vũ bão của Thành Cát Tư Hãn (cuối cùng bao gồm cả Trung Quốc), đã làm thay đổi mối quan hệ của Trung Á, không những với các khu vực phía tây mà còn với toàn bộ Tây Tạng nữa.
Mặc dù không bị tác động do sự bành trướng về mặt địa lí lẫn sự đa dạng tôn giáo của Ấn Độ và Trung Quốc, một vài vùng quan trọng và nổi trội của Tây Tạng đã biến đổi trong nhiều thế kỉ. Trung Tây Tạng có thể chia thành 2 khu vực, các thung lũng vùng sông - những khu vực ổn định xung quanh Lhasa - tạo thành những trung tâm quan trọng nhất về mặt lịch sử của Tây Tạng. Đây là vùng có các tu viện cổ xưa nhất, do các vua Yarlung thuộc thế kỉ VII sáng lập, và là nơi diễn ra những ý đồ sớm nhất nhằm bành trướng quyền bá chủ chính trị vượt ra ngoài địa hạt nông nghiệp hạn chế. Ở đây có tu viện quan trọng là Samye - tu viện có thể coi là cổ xưa nhất, tu viện Kachu, tu viện Sera và những ngôi đền nổi tiếng nhất ở ngay tại Lhasa là Jokhang và Potala, hướng chính tây là một khu vực văn hoá khác tên là Tsang thuộc miền trung Tây Tạng. Những nơi định cư thuộc các tu viện quan trọng về mặt lịch sử tại đó gồm Shigatse, Gyantse và Tashilumpo. Cả hai khu vực và Tsang đều chịu ảnh hưởng đậm vì chúng giáp với miền đông bắc Ấn Độ. Xa hơn một chút về phía tây là các trung tâm tu viện thuộc vương quốc Guge nằm tại Tabo, Tholing và Tsaparang. Những nơi này lấy nguồn cảm hứng nghệ thuật từ miền đông bắc Ấn Độ ít hơn là từ các khu vực lân cận Kashmia và thông qua các con đường thương mại đi vào Trung Á. Xét về tổng thể văn hoá Tây Tạng, còn có một khu vực thứ ba là các vùng tây bắc của Amdo và Kham giáp ranh phía trên và thường nằm trong khu vực văn hoá Trung Quốc. Những phong cách mỹ thuật tại các trung tâm tu viện như Derge, Labrang và Kumbum chỉ rõ ảnh hưởng do chúng tiếp giáp với Trung Quốc.
Tu sĩ Tây Tạng có sáu cấp bậc. Mức đầu tiên là cư sĩ, đó là những người tại gia, giữ năm giới luật. Trong mức đầu này cũng có những người xuất gia phụng sự trong các tu viện, tương tự như cận sự nam (hay nữ) ở Trung Quốc. Mức thứ hai được gọi là sa-di, đó là những tiểu tăng - bảy tám tuổi - được thụ 36 giới. Mức thứ ba là tỉ-kheo, được thụ giới sớm nhất là 20 tuổi. Tỉ-kheo Tây tạng có đến 150 giới luật phải được tôn trọng. Mức độ thứ tư được gọi bằng tiếng Tây Tạng là Geshe, đó là học vị có thể dịch là “tiến sĩ Phật học”. Muốn trở thành Geshe, tăng sĩ phải nắm vững năm lĩnh vực. Đó là Luật tạng, A-tì-đạt-ma luận (Abhidharma, có khi được gọi là Thắng pháp tập yếu luận), toàn bộ Kinh Bát-nhã ba-la-mật nhất là Kinh Kim Cương, Trung quán luận và triết lý Tính Không và cuối cùng là Nhân minh luận, nhất là của Trần-na (Dignana) và Pháp Xứng (Dharmakirti). Thường thì người ta cần khoảng 12 năm mới lĩnh hội được năm lĩnh vực nói trên và phải trải qua nhiều kỳ sát hạch vấn đáp. Vị Đạt-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay cũng phải tốt nghiệp Geshe như mọi tăng sĩ cao cấp khác.
Với mức thứ tư, tuy tăng sĩ đã được đào tạo rất sâu nhưng mới xong ngưỡng cửa của tiểu thừa và đại thừa. Đó là mức độ cao cấp nhưng kiến thức vẫn còn từ sách vở sinh ra. Mức thứ năm chính là nơi mà tăng sĩ được đào tạo trong các phép mật tông, bằng lý thuyết và thực nghiệm. Lúc đó người tăng sĩ được gọi là Gyupa, “quán đỉnh”. Đó là lúc tăng sĩ đi vào truyền thống mật thừa, đi vào mối quan hệ riêng của thầy trò. Trong phái Cách-lỗ thì tăng sĩ chỉ đi vào mức thứ năm sau khi đã thật vững vàng về các giáo pháp của tiểu thừa và đại thừa. Còn trong các phái khác thì ít nghiêm khắc hơn, có khi tăng sĩ được trực tiếp đưa vào mật tông mà chưa đi qua các bước nói trên. Các vị Gyupa là đặc biệt quan trọng trong Phật Giáo Tây Tạng vì đó là những người không được đào tạo bằng kinh sách mà là những người đã thực chứng và dạy học trò bằng phép truyền tâm. Nếu họ chết đi mà không kịp trao truyền lại cho hậu thế thì dòng truyền thừa của họ tuyệt diệt.
Mức thứ sáu là Khenpo, đó là các vị sư trưởng đứng đầu các tu viện hay các vị đại sư. Các vị sư trưởng là người cho phép các vị tăng khác quán đỉnh hay thụ giới. Các vị Khenpo đều phải là những người được Đạt-lai lạt-ma ấn chứng.
Từ cấp thứ 4 trở lên, tăng sĩ được gọi là Rinpoche nghĩa là “cao quý”. Đặc biệt từ “lạt-ma” lẽ ra chỉ dành để chỉ chung cho các vị từ cấp thứ năm trở lên nhưng ngày nay trong các sách phương Tây tăng sĩ đều được gọi là “lạt-ma”.
Trong Phật Giáo Tây Tạng có thêm một đấng cấp rất đặc thù, đó là các vị tái sinh Tulku, được xem như thân tái sinh của một lạt-ma đã chết. Người Trung Quốc gọi các vị này bằng từ “tự tại chuyển thế”. Các vị này thường được “khám phá” trong số tuổi sáu bảy và được thọ giới cũng như học tập ngay. Thường các vị đó lĩnh hội rất nhanh, chưa tới 30 đã đạt danh hiệu Geshe và sau đó thường đảm nhiệm vai trò của đời sống cũ, thí dụ trở thành tu viện trưởng tại những tu viện ngày xưa.
Trong các thành phố Tây Tạng có các cộng đồng nhỏ người hồi giáo, được biết đến như là Kachee (Kache), mà tổ tiên họ là những người di cư từ ba khu vực chính: Kashmir (đối với người Tây Tạng cổ là Kachee Yul), Ladakh và các nước của người Turk ở Trung Á. Ảnh hưởng của Hồi giáo ở Tây Tạng cũng đến từ Ba Tư. Ở đây cũng có các cộng đồng Hồi giáo Trung Quốc (gya kachee) mà tổ tiên của họ là dân tộc Hồi Trung Quốc. Người ta cho rằng những người Hồi giáo di cư từ Kashmir và Ladakh đã đến Tây Tạng vào khoảng thế kỷ XII. Dần dần các cuộc hôn nhân và các mối quan hệ xã hội đã dẫn đến sự tăng dân số thành cộng đồng đáng kể xung quanh thủ đô Lhasa.