Tại sao nói “nói năng lưu loát” cũng là một kỹ năng?
Khi bàn đến khả năng ăn nói, hẳn không ít các bạn gái sẽ nghĩ rằng: “Ai mà không biết ăn nói chứ! Với khả năng nói chuyện lưu loát của mình, mình có thể nói về tất cả mọi chuyện?”. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải bất cứ ai cũng được trời phú cho khả năng ăn nói lưu loát, gẫy gọn. Bạn phải biết rằng, để được coi là một người biết ăn nói, có thể nói chuyện thoải mái và tự tin với người khác, mỗi người phải rèn luyện những kỹ năng cần thiết sau đây:
Bắt đầu từ những sự việc trước mắt
Ví dụ: Bạn mới làm quen với một người nào đó ở bến xe hoặc ở trong thư viện. Vì mới quen nên hai người không có nhiều chủ đề để nói với nhau. Vậy thì, khi đó, cách tốt nhất là hãy nói về những sự việc đang diễn ra trước mắt mà cả hai người cùng nghe, cùng nhìn thấy được. Một tấm biển quảng cáo, một đoàn khách du lịch nước ngoài đi ngang qua cũng có thể trở thành những chủ đề nói chuyện rất thú vị.
Nếu đến chơi nhà một người bạn, thấy trong phòng có treo bức tranh phong cảnh rất đẹp, bạn có thể lấy đó làm chủ đề cho câu chuyện của hai người. Hãy hỏi người bạn đó xem ai là người đã mua bức tranh, mua ở đâu, cảm nhận về màu sắc trong bức tranh như thế nào, bức tranh đã giúp tô điểm cho căn phòng ra sao,...
Tất cả những sự việc đang diễn ra trước mắt chúng ta đều có thể trở thành chủ đề và nội dung hấp dẫn cho một cuộc chuyện trò, bàn tán sôi nổi.
Nên phê bình nhẹ nhàng
Trong rất nhiều trường hợp, nhiều mối quan hệ, bạn sẽ không thể dùng những lời lẽ đanh thép, gay gắt nếu muốn phê bình hoặc phản đối một người nào đó. Hãy sử dụng phương thức phê bình nhẹ nhàng nhưng hiệu quả để đối phương nhận ra được sai sót, khuyết điểm của mình và nhanh chóng sửa chữa.
Không sử dụng quá nhiều từ thừa
Một số người có thói quen thêm rất nhiều từ thừa trong câu nói của mình. Có những người rất có “phong độ” trong khi nói chuyện nhưng lại chen vào giữa những từ ngữ trong câu chuyện một số từ rất vô nghĩa.
Ví dụ: Một số người luôn ậm ừ mãi trước khi nói ra một câu gì đó, giống như là họ phải suy nghĩ rất nhiều mới nói ra được một câu vậy. Một số khác lại thích cho thêm từ “à” hay “ồ” vào cuối mỗi câu nói của mình.
Có nhiều người rất thích sử dụng từ “ấy” hoặc “đấy” trong các câu nói của mình. Tất cả những cố tật trên đều cần được khắc phục kịp thời. Chúng làm cho những câu nói của bạn giảm đi ý nghĩa và sự tinh tế.
Nói năng lòng vòng
Những câu nói lòng vòng thường được sử dụng khi người nói muốn kết nối hai sự việc không có liên quan lại với nhau. Ví dụ: Một cậu bé hỏi cha: “Cha ơi, một lỗi lầm được tạo ra từ sự vô tình hay không cẩn thận thì có xứng đáng được tha thứ không ạ?”. Người cha trả lời: “Ai cũng có những lúc vô tình hoặc không cẩn thận, nên đương nhiên là lỗi lầm gây ra trong trường hợp này có thể tha thứ được?” Cậu bé liền nói tiếp: “hôm qua, vì không cẩn thận nên con đã vô tình làm vỡ cái bình hoa mà cha mẹ yêu thích nhất rồi”. Người cha đang định nổi cáu, bỗng ông nhớ lại câu mình vừa nói nên cười xòa: “Thôi được, cha sẽ tha lỗi cho con, nhưng lần sau nhớ phải cẩn thận hơn đấy nhé!”. Cậu bé trong câu chuyện trên đã rất thông minh khi biết vận dụng những câu nói lòng vòng nhằm mục đích được tha thứ và không bị trách phạt. Nếu thường xuyên luyện tập một cách có ý thức, chắc chắn bạn sẽ vận dụng tốt những câu nói dạng này trong cuộc sống và thấy được lợi ích to lớn của chúng.
Khả năng ứng biến
Khả năng ứng biến nhanh chính và cách bạn vận dụng tài ăn nói của mình nhằm thoát khỏi những tình huống bất lợi. Khả năng ứng biến là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá tài ăn nói của một người nào đó. Trong cuộc sống hiện đại, nếu không có khả năng ứng biến nhanh, chúng ta sẽ đánh mất đi rất nhiều cơ hội tốt để thành công.
Trong các cuộc nói chuyện, một số người sẽ vô tình hoặc cố ý đẩy bạn vào tình huống khó xử bằng những câu hỏi rất hóc búa. Đó chính là lúc bạn cần phát huy khả năng ứng biến nhanh chóng của mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần hết sức lưu ý để không trở thành người khiếm nhã, bất lịch sự khi phản kháng lại sự công kích đó.
Lấy nhu chế cương
Trong cuộc sống, đôi khi bạn có thể gặp phải tình huống như sau: Một nhân viên trẻ tuổi phạm sai lầm khiến vị lãnh đạo A rất tức giận, mắng mỏ nhân viên này một cách thậm tệ. Nhưng vị lãnh đạo B lại tỏ ra rất ôn tồn, hòa nhã: Ông chỉ đến vỗ vai và mỉm cười với anh nhân viên vừa phạm lỗi. Kết quả là: Hành động của ông A khiến rất nhiều người thấy phản cảm, khó chịu nhưng chính sự thân thiện, khoan dung, hòa nhã của ông B lại có tác động rất nhiều đến anh nhân viên đó, thôi thúc anh nhìn nhận lại sự việc và sửa chữa sai lầm của mình.
Mỗi khi tức giận, cơ thể con người sẽ tiết ra một chất là adrenaline. Khi lượng chất này gia tăng, lượng đường trong máu và huyết áp của người đó cũng sẽ tăng cao, khiến họ cảm thấy bị kích động, mất đi khả năng tự kiểm soát mình. Trong trường hợp này, chỉ cần một câu nói mỉa mai, châm chọc đến họ cũng có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Lời nói dịu dàng không phải là công cụ vạn năng, nhất là với những người không có lương tri, không có khả năng thấu hiểu, những người “chỉ ưa nặng mà không ưa nhẹ” nhưng lại rất có tác dụng với những người có đủ tỉnh táo, có khả năng suy xét, nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo. Vì vậy, chúng ta cần vận dụng những từ ngữ mềm dẻo một cách hợp lý trong từng tình huống để đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
Sự khéo léo sẽ giúp bạn thoát khỏi những tình huống khó khăn
Bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng rơi vào những tình huống khó xử, thậm chí có khi còn cáu giận, tức tối vì không thể làm gì để thoát khỏi những tình huống đó. Thế nhưng đôi khi, chỉ cần một câu nói khéo léo, nhẹ nhàng lại có thể giúp bạn hóa giải nguy cơ, thoát khỏi những tình huống khó khăn một cách dễ dàng. Trong một buổi diễn thuyết, một người chuyển cho Tổng thống Mỹ Lincoln một tờ giấy được gấp đôi. Ông mở ra và thấy trong đó chỉ có duy nhất một từ “Đồ ngốc”. Tổng thống cố giữ vẻ bình tĩnh và nói: “Tôi đã từng nhận được rất nhiều thư nặc danh, tất cả số đó đều chỉ có nội dung thư mà không có tên người gửi. Nhưng hôm nay thì hoàn toàn ngược lại: Người gửi đã chỉ viết tên của mình mà quên không viết thêm cho tôi một dòng thư nào!”.
Trong những tình huống khó xử, sự trấn tĩnh có thể giúp bạn kiểm soát tốt tình hình, khống chế được cảm xúc của người đối diện và thoát khỏi khó khăn một cách dễ dàng.