Tài liệu: Bạn gái cần hiểu đúng hàm nghĩa của từ “nhân tài” như thế nào?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mỗi khi nhắc tới nhân tài, chúng ta thường nghĩ ngay tới các nhà khoa học, các học giả hay những nhà phát minh vĩ đại trên thế giới
Bạn gái cần hiểu đúng hàm nghĩa của từ “nhân tài” như thế nào?

Nội dung

Bạn gái cần hiểu đúng hàm nghĩa của từ “nhân tài” như thế nào?

Mỗi khi nhắc tới nhân tài, chúng ta thường nghĩ ngay tới các nhà khoa học, các học giả hay những nhà phát minh vĩ đại trên thế giới. Thực ra, cách hiểu “nhân tài” như vậy là rất nhỏ hẹp. Nhân tài không nhất thiết cứ phải là một “nhà” gì đó cụ thể. Tuy những nhà khoa học, nhà phát minh, nhà sáng chế, giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư,... đều là những nhân tài nhưng bên cạnh họ vẫn còn một đội ngũ nhân tài khác nữa. Đó là những người luôn biết tìm tòi những điều mới lạ trong điều kiện làm việc bình thường nhất, biết kết hợp những giả thiết mới với thực tế để cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao hiệu quả làm việc; là những người luôn có tinh thần phấn đấu vươn lên và sáng tạo trong công việc; là những cán bộ có khả năng lãnh đạo, tập hợp, đoàn kết công nhân; là những người luôn đưa ra được những kiến nghị mới, có tinh thần trách nhiệm với tập thể, với sự nghiệp chung; là những người đang công tác trong ngành giáo dục luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người, có nhiều sáng kiến hay cũng như khả năng thuyết phục người khác,... Tất cả họ đều là những nhân tài. Điều đó cũng có nghĩa là tiêu chuẩn để đánh giá một người có phải là nhân tài hay không chính là những cống hiến, những thành tích nổi bật mà họ đóng góp cho quốc gia, cho xã hội chứ không chỉ là những tấm bằng, học vị hay chứng chỉ họ có được.

Một người không có lập trường tư tưởng vững vàng, không quan tâm đến vận mệnh của đất nước, không yêu tổ quốc, không muốn cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thì không thể gọi là nhân tài, cho dù người đó có tài trí đến đâu chăng nữa.

Mỗi khi nhắc tới những phát minh khoa học hay con đường phấn đấu, rèn luyện để trở thành một nhân tài, rất nhiều người thường dẫn ra câu nói của nhà bác học nổi tiếng Edison: “Thiên tài chỉ bao gồm 1% trí tuệ và 99% còn lại là mồ hôi cộng với sự phấn đấu”. Điều đó cũng có nghĩa là, muốn thành tài, chúng ta không còn cách nào khác là phải luôn cố gắng nỗ lực vươn lên. Tuy nhiên, lịch sử khoa học cũng chứng minh rằng, không phải bất cứ người nào luôn cố gắng nỗ lực vươn lên cũng có thể thành công và trở thành thiên tài. Ngoài sự nỗ lực, chúng ta cần phải có khả năng tưởng tượng và sức sáng tạo.

Một số người với những điều kiện đặc thù trong học tập và làm việc cộng với khả năng bẩm sinh và sự nỗ lực vượt bậc đã có được những thành công nhất định trong khoa học, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc. Tuy nhiên, số người đã được thành công như vậy không nhiều. Đa số chúng ta luôn trung thành với một vị trí công việc bình thường, ổn định để đảm bảo cuộc sống của mình; nhưng bên cạnh đó chúng ta vẫn có thể cống hiến được nhiều cho xã hội và trở thành những nhân tài. Ví dụ: Một người nông dân bình thường chân lấm tay bùn đã phát minh ra chiếc máy gặt đập liên hoàn, được đông đảo mọi người đón nhận; một người dân bình thường đã chế tạo được chiếc xe cứu hỏa minh, có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách để dập tắt đám cháy, cứu nguy cho người và tài sản.

Họ chẳng phải là một “nhà” gì đó cụ thể, nhưng ai dám nói họ không phải là những “nhân tài”. Vì vậy, dù bạn là ai, bạn đang làm công việc gì thì bạn đều có thể trở thành những người tài, có nhiều cống hiến cho đất nước và cho xã hội, chỉ cần bạn có quyết tâm, có tự tin và ý chí kiên định để theo đuổi mục tiêu mà thôi.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4192-02-633706364500191250/Nam-bat-thoi-co-vang-de-hoc-tap-nang-cao-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận