TẠI SAO PHẢI DÙNG CÁC TƯ TƯỞNG CỦA CÔNG TRÌNH HỆ THỐNG
ĐỂ CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH?
Chúng ta thường nhìn thấy một đường quốc lộ rất có trật tự giao thông bị đào bới lên do thay đổi hoặc làm mới ống nước máy, sau khi đã chôn ống nước xong, đường đã đào lại được sửa chữa lại. Trong thời gian lắp ống hoặc sửa đường, môi trường và giao thông chung quanh đều bị ảnh hưởng. Có khi cùng một đoạn đường chưa được bao lâu đã lại bị đào lên để chôn đường dây điện thoại, sau khi chôn xong lại sửa lại đường. Cứ đào đường rồi lại sửa đường vài lần như vậy sẽ hao phí rất nhiều tiền bạc và sức người. Nguyên nhân xảy ra tình trạng thi công lại là do việc thi công xây dựng các công trình thành phố như đường nước, đường điện, khí ga, điện thoại v.v. . . không được tiến hành thiết kế và quy hoạch một cách chỉnh thể.
Hiện nay khi tiến hành xây dựng các công trình, thành phố Thượng Hải đều phải có quy hoạch và thiết kế thống nhất trước. Ví dụ như công trình xây dựng đường vòng ngoài, nền cao của đường Diên An Đông đang được thi công đều được quy hoạch chỉnh thể để đảm bảo giao thông luôn được thông suốt, trước tiên là tiến hành thi công các đường ống dưới đất rồi lại tiến hành thi công nền cao mặt bằng, cuối cùng là tu sửa mặt đường, làm xanh môi trường, thay đổi hoàn toàn tình trạng trước đây. Ví dụ khác là công trình Bảo Cương vừa lớn vừa phức tạp cũng được hoàn thành theo thiết kế có trật tự và quy hoạch thống nhất và đã thu được hiệu quả, cũng như lợi ích rất lớn về kinh tế và xã hội.
Trên thực tế, các hạng mục xây dựng các công trình thành phố nói trên đều đã vận dụng các phương pháp và lý luận công trình hệ thống trong quá trình thực thi. Công trình hệ thống là phương pháp và lý luận lấy hệ thống lớn, phức tạp làm đối tượng nghiên cứu và được thiết kế, khai thác, quản lý, điều khiển theo mục đích nhất định nhằm có hiệu quả tổng thể tốt nhất. Nó là một môn kỹ thuật công trình được dùng để cải tạo thế giới khách quan và đã đạt được các thành quả thực tế. Tư tưởng của công trình hệ thống được vận dụng vào việc xây dựng các công trình thành phố, chính là xuất phát từ chỉnh thể toàn cục các công trình thành phố, xem xét đến mục đích, chức năng và mối quan hệ của các hạng mục liên quan của nó, tiến hành thiết kế, quy hoạch từ trên xuống dưới và tiến hành thi công có trật tự từ dưới lên trên.
Còn rất nhiều các ví dụ về việc dùng tư Tưởng của công trình hệ thống để chỉ đạo xây dựng công trình, ví dụ như công trình đập nước sông Đô Giang, Tứ Xuyên do cha con Lý Băng thời xưa làm chủ thầu, tên lửa cận đại, phóng vệ tinh nhân tạo, nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử, công trình xây dựng cầu Dương Phố và Nam Phố ở Thượng Hải.v.v. . .