Thành phố Teotihuacan
Thành phố Teotihuacan nằm cách thủ đô Mexico 50 km về phía Bắc, trong một vùng rừng núi.
Thành phố Teotihuacan được thành lập từ khoảng giữa thế kỷ I đến thế kỷ III, cách nay khoảng 2.000 năm, trải rộng trên một diện tích 8 dặm vuông (1 dặm 1,6 km). Người ta ước tính lúc bấy giờ có khoảng 200.000 dân sinh sống ở đây. Vào thời kỳ Hoàng kim của mình, tức vào năm 600 sau CN, thành phố này lãnh trọng trách quản lý một nhà nước mà có lẽ còn lớn hơn cả thành Roma, châu Âu.
Trung tâm nghi lễ của Teotihuacan đặt ở các công trình chính là Kim tự tháp mặt trời cao 75m tính từ bậc thềm, chiếm một diện tích 350m2 và Kim Tự tháp mặt trăng cao 42m cũng như đền ở Quetzal Coatl thờ loài rắn lông vũ của người Aztec. Trong thành phố Teotihuacan có khoảng 4.000 ngôi nhà xây bằng đá núi lửa, trát bùn và được quy hoạch theo hình ô bàn cờ và những cung điện được trang trí bằng các pho tượng tuyệt đẹp, sắp xếp theo một biểu đồ hình chữ nhật dựa theo các nguyên lý vũ trụ hài hòa. Thành phố được chia đôi bởi một đại lộ lớn, nối liền các chợ, đền thờ và các quảng trường. Thời bấy giờ nghề chính của dân chúng ở đây chủ yếu sản xuất các dụng cụ cắt gọt bằng đá.
Vào khoảng thế kỷ thứ VI sau CN, thành phố Teotihuacan thuộc một nhà nước hùng mạnh có lãnh thổ rộng lớn. Nhưng đến thế kỷ VII (khoảng năm 650), vì một nguyên nhân chưa rõ, thành phố này đã bị cháy trụi, toàn bộ đền đài, cung điện bị cháy và bị bỏ hoang phế trong nhiều thế kỷ sau đó. Đến thế kỷ XIV, khi người Aztec đến thăm trung tâm thương mại và tôn giáo cổ đại này tìm thấy những Kim tự tháp khổng lồ tại thành phố đồ nát, thì họ cho rằng mảnh đất này là do thần thánh xây, bởi con người bình thường không thể nào xây dựng được các công trình trên một phạm vi lớn như vậy. Do đó họ đặt tên cho nó là Teotihuacan có nghĩa là “Nơi ở của thần thánh”.
Người Aztec đã đưa thành phố vào những câu chuyện huyền thoại và họ tuyên bố rằng, những Kim tự tháp đó là nơi sinh ra của Mặt Trăng và Mặt Trời. Họ đặt tên cho ngôi đền thời Rắn Thần đã bị đổ nát là “Quetzal Coatl” (Thần Gió) mà hơi thở thành luồng gió của Thần đã mở đường cho Thần mưa Tlaloc. Những hình ảnh thể hiện bằng các tác phẩm điêu khắc của các vị Thần này, ngày nay vẫn còn ở trên các bức tường của ngôi đền.
Thành phố tiền Tây Ban Nha Teotihuacan được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hoá thế giới năm 1987.