Tài liệu: Thánh đường thạch vòm ở Jérusalem

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sau khi Muhammed qua đời, những người kế thừa (Calif, tức ''lãnh đạo tín đồ'') đầu tiên đều đóng đô ở Medina (tức Yathrib, nơi Muhammed tị nạn năm 622, sau khi bị giới thị dân giàu có Mecca đánh đuổi), một thành phố nằm cạnh Mecca
Thánh đường thạch vòm ở Jérusalem

Nội dung

Thánh đường thạch vòm ở Jérusalem

Sau khi Muhammed qua đời, những người kế thừa (Calif, tức ''lãnh đạo tín đồ'') đầu tiên đều đóng đô ở Medina (tức Yathrib, nơi Muhammed tị nạn năm 622, sau khi bị giới thị dân giàu có Mecca đánh đuổi), một thành phố nằm cạnh Mecca. Nhưng chẳng bao lâu đã xảy ra sự phân li. Những người Siít (tức phái Shiah - ''phái của Ali'', con rể của Muhammed) xem Ali và hậu duệ của ông là những Calif hợp pháp; trong khi đó, những người Sunnit (do từ "sunna'' nghĩa là ''con đường'', ý nói phái này theo đúng con đường mà Muhammed đã vạch ra), tin rằng Calif là một chức vụ có thể được đảm nhận bởi bất kì thành viên nào trong bộ lạc Qoraish của Nhà tiên tri.

Hình 70: Sơ đồ cấu trúc thánh đường Thạch Vòm.

Hình 71: Thánh đường Thạch Vòm ở Jérusalem

Hình 72: Nội thất thánh đường Thạch Vòm.

Sau khi giành được thắng lợi trong cuộc tranh chấp trên, dòng họ Umayya thuộc bộ lạc Qoraish đã sáng lập một triều đại mới ngư trị từ năm 661 đến 750 - đó là triều Umayyad.

Triều Umayyad đã dời kinh đô từ Medina sang Damascus (thủ đô hiện nay của Syria). Do sự chuyển dịch này, nền văn hóa Hồi giáo đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa cổ điển Hy-La của các vùng đất mà trước đó không lâu còn là lãnh thổ của đế chế La Mã. Kinh đô Damascus cũng là nơi tiếp giáp với các lãnh thổ Trung Á. Do vậy, đặc điểm nổi bật nhất của nghệ thuật Hồi giáo thời Umayyad là sự pha trộn rất thành công của các nhân tố văn hóa Hy Lạp, La Mã và châu Á. Từ sự pha trộn này đã khởi đầu một quá trình, mà về sau sẽ trở thành nét tiêu biểu cho toàn bộ nghệ thuật Islam - đó là tiếp thu, nhào nặn và sản sinh ra một nền nghệ thuật hoàn toàn mới từ những truyền thống nghệ thuật rất đỗi khác nhau.

Công trình lớn đầu tiên của kiến trúc Islam là thánh đường Thạch Vòm được xây dựng ở Jérusalem. Đây là một thí dụ của sự phối hợp hài hòa giữa các thành phần của những nền nghệ thuật Đông - Tây rất khác biệt nhau.

Công trình này được công nhận là một trong bốn kì quan của Hồi giáo (những kì quan kia là các thánh đường ở Mecca, Medina và Damascus). Thạch Vòm không phải là một thánh đường thật sự, mà chỉ là một nhà vòm được dựng trên một khối đá thiêng tên là Sakkra. Đây là điểm cao nhất trên núi Moriah, do vậy thánh đường có tên là Kubbat al-sakkra. Các tín đồ Hồi giáo tin rằng, chính từ khối đá này mà đấng tiên tri Muhammed đã bay lên thượng giới. Chứng tích của niềm tin vừa kể là đấng tiên tri đã để lại trên khối đá những dấu chân, mà chỉ những người có đức tin thật sự mới nhìn thấy. Tuy nhiên, nhà vòm đá này dược xây dựng không chỉ hoàn toàn vì lí do tín ngưỡng. Năm 684, tại Mecca đã xảy ra một vụ nổi loạn do Abdallah ibn Zober cầm đầu. Hậu quả là triều Umayyad bị tước mất một nguồn thu nhập rất lớn do khách hành hương mang đến Mecca, thánh địa thiêng liêng nhất của đạo Hồi. Để bù đắp vào sự mất mát này, vị vua đương thời Abd-Al-Malik, năm 691, đã quyết định xây dựng một nhà thờ che giữ khối đá kể trên. Lúc này, Jérusalem đã trở thành thành phố thiêng liêng của Hồi giáo. Đại bộ phận dân cư của nó ngay từ thế kỉ VIII đều là người Ả Rập.

Đựợc dựng trên một tòa nhà tám cạnh vốn được xây bằng những khối đá vuông và có chu vi gần 160m, nhà vòm cao trên 33m được làm bằng gỗ, nhưng bên ngoài có phủ một lớp mạ bằng đồng thau. Bước qua một cánh cửa rất lịch sự, khách tham quan sẽ nhìn thấy nội sảnh được chia thành từng góc nhô bởi các dãy cột hướng tâm bằng đá hoa cương mài láng. Các cột này nguyên được thu từ các phế tích kiến trúc của La Mã. Mắt cửa (nằm giữa vòm và khung cửa) nổi bật lên nhờ các hình khảm thực vật rất tinh tế. Các hình khảm nằm dưới nóc vòm còn đẹp hơn nhiều. Chạy chung quanh gờ của hàng cột nằm ngoài cùng là các hàng chữ màu vàng trên nền xanh đo một nghệ nhân tên Saladin khắc năm 1187. Đây là kiểu mẫu hiếm thấy của nghệ thuật trang hoàng kiến trúc.

Tuy nhiên, vật có giá trị nhất trong ngôi đền không phải là những công trình nghệ thuật được sáng tạo bởi bàn tay con người, mà là một khối đá lớn, hình vát nhọn với chu vi khoảng 60m. Đó là khối đá thiêng Sakkra.

Người đương thời đã miêu tả vẻ đẹp của nóc vòm thánh đường như sau : ''Bình minh ló dạng, khi những tia nắng đầu tiên đập vào nóc vòm, và lớp phủ màu vàng của nó phản chiếu những tia nắng này, lúc đó toàn bộ thánh đường là một cảnh tượng ập vào mắt người xem, một cảnh tượng mà không thể thay ở một nơi nào khác trong cả thế giới Hồi giáo, cũng như chưa tưng nghe thấy có một công trình nào được xây cất trước đó, có thể so sánh về vẻ đẹp với Thạch Vòm''.

Trong số những công trình kiến trúc đầu tiên được người Hồi giáo dựng lên, Thạch Vòm là công trình duy nhất được xem là còn nguyên vẹn về cấu trúc, tuy có bị thay đổi một ít trong quá trình tôn tạo sau này.

Do đó, ngoài giá trị nghệ thuật sẵn có vốn thu hút nhiều chú ý của các nhà nghệ thuật, Thạch Vòm còn có một ý nghĩa,lịch sử lớn lao, tuy nó không hoàn thành được nhiệm vụ mà người chủ trương xây dựng nó đã giao phó: thay thế thánh đường Kaaba của Mecca trong vị trí là trung tâm của thế giới Hồi giáo.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4206-02-633716057721875000/Cong-trinh-kien-truc-Hoi-giao/Thanh-duong...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận