Tài liệu: Công trình kiến trúc thời cổ La Mã Cổ Đại

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Đế chế La Mã đã đạt đến mức phát triển đỉnh điểm của nó vào thế kỉ II sau Công nguyên, cả về mặt lãnh thổ lẫn sự giàu có, thịnh vượng( ).
Công trình kiến trúc thời cổ La Mã Cổ Đại

Nội dung

Công trình kiến trúc thời cổ La Mã Cổ Đại

Đế chế La Mã đã đạt đến mức phát triển đỉnh điểm của nó vào thế kỉ II sau Công nguyên, cả về mặt lãnh thổ lẫn sự giàu có, thịnh vượng([1]). Địa Trung Hải trở thành biển nội địa, ''biển của chúng ta'' (Mare Nostrum), bị vây kín bởi các lãnh thổ thuộc quyền cai trị của các hoàng đế ngự trị ở La Mã. Nhân dân các vùng đất bị chinh phục đều nhất mực thần phục chế độ. ''Nền hòa bình kiểu La Mã'' (Pan Romana) không còn bị đe dọa bởi một biến động chính trị hay quân sự nào đáng kể cho đến những thập niên cuối cùng của thế kỉ II.

Khoảng thời gian yên tĩnh kéo dài gần cả trăm năm đó đã là cơ hội thuận tiện để Roma, trung tâm thành trị của đế chế, mau chóng phát triển thành một thành phố khổng lồ với hơn một triệu dân. Đó cũng là khoảng thời gian mà những tầng lớp thống trị ra sức hưởng thụ số của cải vật chất dồi dào từ khắp mọi miền của dế chế ùn ùn đổ về Roma. Làm sao tận hưởng hết mọi lạc thú mà nguồn của cải dồi dào đó đã tạo ra, đấy là mối bận tâm chính của các tầng lớp thống trị.

Việc đầu tiên là phải xây dựng Roma thành một thành phố thật đẹp cho xứng với vị thế trung tâm của nó. Với nguồn nhân lực dồi dào, vật liệu xây dựng phong phú, kĩ thuật kết cấu tiến bộ, nghệ thuật tổ hợp không gian hoàn thiện; tất cả đã cho phép người La Mã thực hiện được ước vọng của họ là biến Roma ''từ một thành phố làm bằng đất sét thành một thành phố cẩm thạch'' (bởi hoàng đế Augustus).

Là một dân tộc có đầu óc thực dụng, thích sự bề thế, đồ sộ, người La Mã, khi thiết kế một công trình kiến trúc, thường để ý đến công năng sử dụng của nó hơn là tìm kiếm sự hài hòa, cần đối giữa công trình với môi trường chung quanh. Đối với họ, cái đẹp, cái tinh tế, cái chất thơ mà người ta thường thấy ở các công trình kiến trúc của người Hy Lạp phải nhường chỗ cho cái hùng vĩ, đồ sộ, nguy nga. Vả chăng, đây cũng là cách người La Mã muốn tỏ cho các dân tộc bị họ khuất phục thấy sự vĩ đại, tráng lệ và giàu có của đế chế họ. Do vậy, những đường nét uốn lượn được thay bằng những nét sổ thẳng hình học. Những chi tiết tinh vi không được ưa chuộng bằng vẻ phẳng phiu, bền chắc. Dáng mảnh dẻ không làm họ hài lòng bằng vóc dáng vững chãi, tuy lắm khi làm cho công trình trông có vẻ nặng nề, thô kệch, nhưng lại khỏe hơn, chắc chắn hơn.

Giải thích những khác biệt trong quan điểm thẩm mĩ giữa người La Mã và người Hy Lạp, người ta cho rằng những năm dài chinh chiến với mối bận tâm phải duy trì ''Pax Romana'' trong một đế chế rộng lớn đã làm người La Mã đánh mất ý nghĩa thi vị của cuộc sống. Tất nhiên, không phải là người La Mã không biết hưởng thụ cái đẹp, chất thơ của cuộc sống, nhưng nhu cầu phải tồn tại trong một đế chế rất phức tạp về thành phần dân tộc và văn hóa đã chi phối tất cả. Vả chăng, các thành phố La Mã thường quy tụ rất đông dân (từ vài trăm đến cả triệu). Giải quyết mọi nhu cầu đặt ra bởi một khối lượng người đông đảo tập trung trong một diện tích nhất định không đòi hỏi một đầu óc quy hoạch rất thực tế hay sao?

Khi xây dựng Roma, hay một thành phố nào khác, người La Mã đều tuân theo một đồ án bất di bất dịch: hình vuông hay hình chữ nhật với các cạnh thật vuông vức, được kẻ ô như bàn cờ. Thông thường có hai đường chuẩn chính cắt ngang thật vuông góc ngay tại trung tâm thành phố: đường decumanus chạy theo hướng đông-tây và đường cardo chạy theo hướng bắc-nam. Tại điểm giao nhau của hai đường này là một quảng trường lớn hình chữ nhật gọi là forum. Đây là nơi diễn ra các hoạt động công cộng, như: hội họp, mít tinh, diễu hành, giải trí, xử án, hành lễ tôn giáo... Nó còn là công trình kỉ niệm của riêng hoàng đế. Tại Roma, có nhiều forum như vậy, mang tên các vị hoàng đế Trajan, Cesar, Augustus ... Quần tụ quanh forum là những công trình công cộng khác như: tòa thị sảnh, cột tượng, thư viện ..... ở cửa ngõ dẫn vào thành phố, người ta dựng lên các khải hoàn môn.

Sự giàu có của đế chế đã cho phép người La Mã dựng lên rất nhiều công trình kiến trúc nằm rải rác trong khắp cả đế quốc. Những công trình này đã làm cho người đời nay phải thán phục trước vẻ đồ sộ, bền vững và tính ích lợi của chúng. Chúng tôi xin tập trung giới thiệu ba công trình được các nhà nghiên cứu nghệ thuật xem là tiêu biểu nhất cho nền văn minh La Mã, đó là đấu trường Colosseum, nhà tắm Caracalla và đền Panthéon.

Đấu trường Colosseum

Quá trình hình thành nên đế chế La Mã là một quá trình gây chiến không ngừng chống các dân tộc nhỏ bé hơn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và nếp sinh hoạt của người La Mã. Họ đặc biệt thích các trò giải trí tạo cảm giác mạnh, kể cả khi cảm giác này có được bằng mạng người. Đó là những trận đấu sinh tử giữa các mãnh thú với nhau, giữa người với mãnh thú, giữa người với người. Những thú vui này đối với người La Mã là một nhu cầu cần thiết không kém gì thức ăn, nước uống hàng ngày. Vì vậy, đã có nhiều hí trường được dựng lên. Đấu trường Colosseum là một công trình cỡ lớn đã được xây dựng không ngoài mục đích phục vụ cho những trò giải trí bạo lực như vậy.

Nằm giữa hai forum Cesar và Romulo, Colosseum là một công trình có mặt bằng hình êlíp với chu vi 527m, được chia làm bốn phần đối xứng bởi hai trục dài và ngắn lần lượt có kích thước là 188m và 156m. Công trình được khởi công vào năm 72 sau Công nguyên và hoàn thành năm 80 (dưới đời các hoàng đế Vespasius và Titus).

Khán đài được xây cao dần lên theo kiểu nền dốc bậc với sức chứa năm vạn người, trong đó 4,5 vạn là chỗ ngồi và 0,5 vạn là chỗ đứng (các tài liệu cổ còn đưa ra con số 8,7 vạn chỗ ngồi). Hàng khán giả đầu tiên cao hơn bãi đấu 5m để đảm bảo an toàn cho người xem, còn hàng khán giả trên cùng (có cả thảy 3 tầng) có độ cao khoảng bốn tầng lầu. Số dãy ghế chạy theo vòng tròn từ dưới lên trên có tới 60 hàng, chia thành 5 khu vực với những cửa ra vào riêng lẻ. Có tất cả 60 cửa ra vào như vậy. Hoàng đế và những người thân cận có lối đi riêng. Đó là đường ngầm dưới đất, nối trực tiếp với chỗ ngồi danh dự trên khán đài tầng trệt. Nằm sát cạnh đấu trường, khán đài này dành cho tầng lớp thượng lưu. Còn các khán đài trên cao dành cho hạng thứ dân. Dưới khán đài có những khoảng không gian dành cho việc nghỉ ngơi, được bố trí chạy vòng theo ba tầng nhà.

Công trình ban đầu chỉ có hai tầng, được nâng bằng cả một hệ thống tinh vi các cột chống kiểu dôrique, iônique, và corinthien, vòm cuốn, vòng cung giao thoa với hành lang vây quanh. Đến thời các hoàng đế Titus và Domitian, người ta xây thêm tầng thứ ba gồm toàn dãy cột có trổ những ô cửa nhỏ và trang trí cờ xí cho phù hợp với không khí ngày hội. Toàn bộ công trình cao khoảng 48m.

Hệ tường cột chạy vòng quanh mặt đứng công trình gồm 80 vòm cuốn đã cùng với hệ tường ngang hình nan quạt - gồm 80 bức cả thảy - đỡ toàn bộ khán đài và sàn các tầng của công trình. Cách tuyển chọn vật liệu đã chứng tỏ người La Mã nắm vững một số kĩ thuật xây dựng quan trọng. Phía trên tường chịu lực người ta dùng cuốn hình ống và cuốn giao thoa; vật liệu đá dùng làm bêtông. Còn đá cẩm thạch dùng cho những chỗ cần trang trí: cột, bệ cột, bậc lên xuống và chỗ ngồi.

Tường vây quanh hai tầng giữa và tầng trệt được thiết kế theo công thức cột - cuốn, nhờ đó tạo ra nhiều cửa cuốn. Cách thiết kế này làm công trình bớt đi vẻ nặng nề vốn có của một công trình đồ sộ bằng đá và tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài của nó. Trên mỗi bệ tường lan can của tầng giữa, ở giữa khoảng trống của các cửa cuốn người ta đặt một pho tượng. Tổng cộng có tất cả 160 pho tượng. Chúng góp phần làm tăng thêm vẻ uy nghi, đồ sộ, hùng vĩ của đấu trường.

Ở đấu trường Colosseum trước đây có đặt một pho tượng bằng đồng lất lớn của Neron, vị hoàng đế khét tiếng tàn bạo, nhưng nay không còn nữa.

Tầng trệt là tầng có kiến trúc tương đối phức tạp. Nó được lát gỗ và được ngăn thành nhiều phòng.

Tất nhiên, các thành phần cấu tạo nên đấu trường dẫu có đẹp mấy vẫn không thu hút sự chú ý của khán giả cho bằng bãi đấu, nằm ngay tại trung tâm của đấu trường.

Đó là một mảnh đất bằng phẳng hình chữ nhật, trên trải cát, kích thước 86m x 54m, cách li với khán giả bởi một bức tường cao, vì người ta thường tổ chức các trận đấu thú dữ (cọp, beo, sư tử). Nhưng hấp dẫn khán giả nhất là những trò đấu giữa người với nhau, được gọi là gladiator (do từ gladius, nghĩa là lưỡi gương), các đấu sĩ được trang bị gươm và khiên, trong khi thi đấu họ có quyền giết chết đối thủ của mình.

Trò giải trí này có lẽ bắt nguồn từ thời hoàng đế Valerius Maximus (khoảng năm 264 TCN). Thời đó, trận đấu chỉ bao gồm 6 đấu sĩ chia làm ba cặp. Nhưng về sau, số đấu sĩ tăng lên dần. Dưới thời hoàng đế Julius Caesar (100 - 41 TCN), con số này lên đến 600 đấu sĩ trong một trận đấu. Đó là những trận quyết đấu đẫm máu và tàn bạo. Năm 80, để mừng ngày hoàn thành đấu trường, người ta đã tổ chức trận đấu kéo dài cả trăm ngày. Còn dưới thời hoàng đế Trajan (98 - 117), đã có lần người ta tổ chức trận đấu với sự tham gia của 5000 đấu sĩ.

Sau khi đế chế Tây La Mã sụp đổ (476), đấu trường Colosseum bị bỏ phế. Các nhà quý tộc thời Trung cổ đã tháo dỡ nhiều phiến đá cẩm thạch quý để xây lâu đài, dinh thự. Thêm vào đó là sự tàn phá của thiên tai. Vào thế kỉ XVIII, một trận động đất mạnh đã làm sụp đổ hai phần ba đấu trường.

Từ thời Giáo hoàng Benoit XIV (1740 - 1788), Giáo hội đã dùng nơi đây làm chỗ phong thánh, đo đó Colosseum có được tu bổ phần nào. Đến năm 1874, công trình trải qua một lần tu sửa lớn nữa. Từ đó đến nay, nó được xếp hạng là một trong những kiệt tác văn hóa cần được thường xuyên duy tân và tu bổ. Nhờ vậy, Colosseum đã góp phần làm đẹp thêm thành phố Roma hiện đại.

Nhà tắm Caracalla

Người La Mã thực ra không chỉ thích những trò giải trí dữ dội và đẫm máu như trò đấu sĩ nêu trên, họ còn là một dân tộc biết hưởng những lạc thú êm dịu khác. Ngoài đấu trường Colosseum, một trong những nơi giải trí được họ ưa thích là nhà tắm Caracalla.

Đây là nhà tắm nổi tiếng nhất, cả về mặt tiện nghi lẫn quy mô đồ sộ của công trình, trong tổng số khoảng 4000 nhà tắm công cộng được xây dựng ở Roma vào khoảng thế kỉ IV. Con số lớn lao này cho thấy việc tắm nơi công cộng là thú vui phổ biến của người La Mã. Nhưng nhà tắm Caracalla còn được chú ý đến vì tính chất đa dạng trong các công năng của nó: đây không chỉ đơn thuần là nơi giải trí, mà còn là một công trình văn hóa với các thư viện và phòng đọc sách (các nhà văn thường đến đây để giới thiệu với độc giả những tác phẩm mới nhất của họ). Người La Mã còn chọn nơi đây để gặp gỡ bạn bè, bàn bạc công việc làm ăn, hỏi thăm tin tức của nhau. Nhà tắm cũng được trang bị những phòng thi đấu thể dục thể thao, các nơi nghỉ, khu dạo chơi, nhà hàng ăn, phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật. Tóm lại, đó là cả một xã hội La Mã thu gọn, mà mỗi công dân của nó có thể trải qua ở đó nhiều giờ trong ngày. Do vậy, kiến trúc nhà tắm ngày càng được mở rộng và phức tạp dần với đủ loại không gian cao, thấp, kín, hở, vuông, chữ nhật, tròn khác nhau, có cột hay không có cột...

Được khởi công vào năm 206 dưới đời hoàng đế Septinius Severus và hoàn thành năm 235 dưới thời hoàng đế Alexander, nhà tắm Caracalla là một công trình đồ sộ nằm trên một khu đất hình vuông có bề rộng mỗi cạnh là 350m, với tổng diện tích lên đến 14.000 hecta. Trong tòa nhà chính có kích thước 228 x 115m, các phòng tắm bố trí đối xứng qua trục chính. Những phòng này đều có sảnh vào riêng rẽ với những hàng cột để đảm bảo tốt cho việc đi lại. Phòng chính ở giữa được lợp bởi ba chiếc vòm lớn, có những cửa lấy ánh sáng ngay dưới sát những cung cuốn của vòm, làm cho nội thất của tòa sảnh lớn này tràn ngập ánh sáng, soi rõ những hoa văn trên đầu cột corinthien và ở những múi trần của vòm cuốn. Nếu tính từ nóc vòm, nhà tắm này cao đến 35m.

Gây ấn tượng mạnh với người đời sau là các phòng ở đây được xây rất rộng, tường được thiết kế thật dầy và chắc. Ngoài ra, nhà tắm còn được trang hoàng bởi vô số tranh khảm trên tường, tượng, phù điêu... Đó là những công trình có giá trị nghệ thuật tuyệt vời.

Khi đến đây, đầu tiên, khách sẽ cởi bỏ y phục ở phòng gửi quần áo, rồi bước vào phòng tắm nước ấm (tepidarium), sau đó chuyển qua phòng tắm nước nóng (caldarium) hay tắm hơi (sudatorium), và cuối cùng là phòng tắm nước lạnh (frigidarium). Khách tìm đến đây gồm đủ mọi hạng người, từ giới quý tộc cho đến hạng bình dân. Chỉ một hạng người bị cấm - những người nô lệ. Công trình có sức chứa đến 3.000 người một lúc. Do đó thiết bị kĩ thuật của công trình rất đáng chú ý. Bên trong tường của công trình có những hệ thống đường ống phức tạp để dẫn nước nóng và hơi ấm. Trên khu đất của công trình có bể nước chứa tới 33.000 mét khối nối liền với thủy kiều([2]) xây dựng bằng đá phục vụ cho công trình.

Đến thế kỉ VI, nhà tắm Caracalla ngừng hoạt động vì các đường ống dẫn nước bị phá hủy. Ngày nay, trên các phế tích còn sót lại của công trình người ta thường tổ chức những buổi biểu diễn ca nhạc vào những tối đẹp trời.

Đền Panthéon

Trong số ba công trình kiến trúc tiêu biểu cho nền nghệ thuật La Mã cổ đại, đền Panthéon là công trình được bảo quản tốt nhất. Lí do là sau khi đế chế La Mã sụp đổ, nó được chuyển thành nhà thờ Thiên chúa giáo (609). Nhờ đó, nó không phải chịu chung số phận bi thảm của vô số công trình nghệ thuật khác trước các biến cố dồn dập trong những thế kỉ đầu tiên của thời Trung cổ.

Đầu tiên, đền được xây dựng năm 27 trước Công nguyên, theo mẫu thiết kế và dưới sự chỉ huy của Agrippa, cánh tay phải của hoàng đế Augustus. Ông là một nhà tổ chức và xây dựng tài ba. Chính ông đã chỉ huy việc xây dựng lại Roma thành một trong những thành phố đẹp nhất thời cổ đại.

Được dựng lên nhằm làm chỗ thờ phụng các vị thần theo tín ngưỡng của người La Mã, đền Panthéon đã bị hủy hoại nhiều sau hai trận hỏa hoạn. Dưới thời hoàng đế Hadrian (117 - 138), nó được xây lại thành một ngôi đền hình tròn mà chiều cao từ mặt đền đến nóc mái vòm bằng với đường kính của nóc vòm: 43,5m. Việc thiết kế một nóc vòm có đường kính lớn như vậy là một việc làm táo bạo thời đó. Để chịu đựng sức nặng của nóc vòm đồ sộ này, người ta đã xây một khối trụ lớn có tường dày đến 6,2m. Dọc theo bức tường đày và tròn này, người ta trổ bảy hốc ngăn để làm phong phú thêm nội thất. Chính những hốc ngăn này cùng với những ô vuông (gọi là kétxông), mà các nhà xây dựng La Mã đã đục vào vòm mái và cửa tròn, đã hứng lấy nguồn ánh sáng duy nhất của công trình từ một ô tròn trên đỉnh vòm (đường kính 8,9m) đổ xuống. Cách thiết kế này đã phá vỡ cảm giác hữu hạn của không gian nội thất, vốn gần như đóng kín.

Nền sàn và mặt tường nội thất được trang trí bằng những tấm đá cẩm thạch nhằm tôn vẻ trang nghiêm bên trong. Trong khi đó, phần kết cấu chịu lực của tường được làm bằng bê tông, cốt liệu đá, phía dưới có trọng lượng lớn hơn, càng lên cao càng nhẹ dần. Ngoài ra, người ta còn trổ thêm những loại gạch kích thước lớn vào giữa những vành đai bêtông.

Hình 67: Đền Panthéon

Mặt bằng của đền Panthéon có vẻ đơn giản: ngoài phần đền thờ hình tròn nói trên, chỉ còn thêm một khối sảnh hình chữ nhật phía trước. Đây là khối sảnh lấy từ ngôi đền cũ xây dưới đời Augustus, đã bị thiêu hủy trong hai trận hỏa hoạn. Sự lắp ráp giữa hai cấu trúc khác nhau nhưng lại rất độc đáo, khiến cho vẻ đẹp của nó dường như nằm ngay ở chính sự tương phản giữa hai khối vậy.

Những cây cột chống được làm theo kiểu corinthien. Đây là những cây cột thành công nhất trong nghệ thuật kiến trúc La Mã cổ đại. Chúng cao 12,5m, có màu hơi đậm (đỏ và xám), mũ cột phía trên và đế cột phía dưới dùng toàn đá trắng...

Một điểm nổi bật trong cách xử lí nội thất của đến Panthéon là việc chia vòm lớn thành những ô vuông (tức kétxông) với những băng ngang vòng quanh ở dưới đáy vòm, đã tạo nên một khung cảnh bất thường và một không khí phiêu lãng. Cách xử lí này tỏ cho thấy khả năng làm chủ các kết cấu bằng bêtông của những nhà xây dựng La Mã. Hơn mười thế kỉ sau, cách xử lí kiểu kétxông này đã được các nhà xây dựng thời Phục hưng tìm đến học tập.

Sự vững chắc của đền Panthéon đã thách thức thời gian. Ngày nay, nó vẫn còn được sử dụng làm nhà thờ Công giáo.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4205-02-633716054448125000/Kien-truc-tieu-bieu-cho-nen-van-minh-Hy--...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận