Trung Quốc tìm ra hóa thạch chim cổ nhất thế giới
Hóa thạch của một con chim có lông, có lẽ là con chim cổ nhất tìm thấy xưa nay, vừa được phát hiện tại tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc. Bộ xương dài 55 cm, còn nguyên vẹn với những dấu vết lông rõ ràng
Ji Qiang, tại Viện Địa chất thuộc Học viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, cho biết con vật (được đặt tên khoa học là Jinfengopteryx elegans) cổ xưa hơn cả Archaeopteryx - mẫu vật từng được xem là con chim cổ nhất thế giới, tìm thấy ở phía Nam nước Đức vào năm 1861.
Jinfengopteryx elegans, với đầu hình tam giác và 36 răng nhẵn bên trong cái cơ ngắn, mọc lông trên toàn cơ thể. Ji cho biết một vài yếu tố khác đã đưa nhóm khoa học đến kết luận về niên đại của nó: Chi sau của con vật dài hơn chi trước, trong khi hóa thạch ở Đức có chi trước và sau dài gần bằng nhau. Răng của Jinfengopteryx elegans cũng nhiều hơn và dài hơn Archaeopteryx.
Dựa trên nghiên cứu về 205 đặc điểm của Jinfengopteryx elegans, Ji và cộng sự kết luận rằng con chim cổ đại ở Trung Quốc và ở Đức thuộc về hai loài có quan hệ chị em. Nhà nghiên cứu cũng cho biết hóa thạch mới tìm thấy đã tăng thêm sức nặng cho giả thuyết chim biết bay từ quá trình thích nghi với cuộc sống.
Các nhà khoa học trên thế giới hiện đang ngả theo hai giả thuyết về nguồn gốc biết bay của chim. Một giả thuyết cho rằng, chim biết bay từ trong quá trình chạy và nhảy. Còn theo giả thuyết khác, chim có được kỹ năng độc nhất vô nhị này là nhờ thường xuyên trèo lên cây cao, và lượn xuống đất.
(Theo Tân Hoa Xã)