Vườn quốc gia hang Mammoth
Trong hàng triệu năm, nước đã thấm và chảy qua lớp đá vôi có chứa nhiều hoá thạch ở miền Trung Kentucky làm xói mòn đá và tạo nên các lối thoát ngầm dẫn đến bờ sông Xanh (Green River). Cùng với thời gian, mức nước ngày càng một giảm đi và các lối thoát bên trên trở nên khô ráo và tạo nên một hệ thống hang động dài nhất thế giới mà con người được biết đến.
Hệ thống đường ngầm Mammoth uốn lượn kéo dài ít nhất trên 300 dặm và ở trên nhiều độ cao khác nhau. Tại nơi mà có thời gian các dòng suối ngầm dưới lòng đất đã chảy, có nhiều lối thoát hẹp âm thầm uốn luận xuyên qua các lối đi hẹp nhưng có trần hang cao hàng trăm feet (1 feet 0,3048 m), rồi thông ra các cửa hang rộng, các lối thoát theo chiều thẳng đứng hoặc như những đường ống rộng nhưng trần thấp có hình vòm. Động khổng lồ này hầu như nằm hoàn toàn dưới một lớp sa thạch không thấm nước và nhờ đó những giọt nước thấm qua đó mang theo khoáng chất và trong quá trình đó, các khoáng chất này tạo thành lớp thạch nhũ như những cột băng treo lơ lửng bên trên với nhiều hình thù kỳ lạ khác nhau. Dưới sàn đôi khi cũng xuất hiện các măng đá vôi nối với thạch nhũ ở trên để tạo nên những cột đá, hoặc trụ đá to hơn, có khi tạo thành những hình khối trông rất kỳ lạ. Ở các lối thoát khô ráo hơn, hơi ẩm thấm vào các bức tường để lại những sợi đá dài khoảng 10 inch hoặc những quả bóng tuyết nở như những chùm hoa trắng. Cả một khu rộng lớn tuyệt đẹp dưới lòng đất như vậy đã hấp dẫn du khách gần hai thế kỷ qua, sau khi một người thợ săn bất ngờ ngã rơi xuống hang vào năm 1799, trong lúc anh đang truy đuổi một con gấu bị thương, nhờ vậy mà người ta phát hiện ra hang động này. Trong hang có nhiều sâu bọ và cá sống cả đời ở đó mà không hề nhìn thấy gì xung quanh. Trải qua nhiều thiên niên kỷ sống trong bóng tối, mắt của chúng yếu đi và đối với một số loài không còn mắt nữa. Bị cách ly trong nhiều thế hệ, 50 loài sinh vật của hang này ngày nay đang có nguy cơ bị huỷ diệt do các chất ô nhiễm thấm qua các khe hở trên bề mặt.
Vườn quốc gia Hang Mammoth được UNESCO ghi vào danh sách Di sản tự nhiên thế giới năm 1981.