Chỉ định:
Dùng làm dung dịch keo thay thế thể tích huyết tương trong các trường hợp :
- Đề phòng và điều trị tình trạng giảm thể tích máu (ví dụ sau khi bị sốc do chảy máu hoặc chấn thương, bị mất máu trước-sau khi mổ, bị bỏng, bị nhiễm trùng).
- Đề phòng hạ huyết áp (ví dụ trong trường hợp có liên quan với gây mê toàn thân, gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống).
- Pha loãng máu.
- Tuần hoàn ngoài cơ thể.
Chống chỉ định:
- Đã biết là bị mẫn cảm với Hydroxyethyl Starch.
- Tăng thể tích máu.
- Ứ nước.
- Suy tim trầm trọng.
- Rối loạn đông máu trầm trọng.
Lúc có thai:
Sau khi dùng nhắc lại liều cao hàng ngày trên động vật, có dấu hiệu chứng tỏ gây độc cho thai và gây quái thai. Có thể điều này có liên quan tới việc dùng liều cao quá mức và kéo dài, mặc dù không loại trừ khả năng là do tác dụng riêng của thuốc gây ra. Hơn nữa, do nguy cơ gây ra các phản ứng dị ứng (phản vệ/thể phản vệ), mà điều này thì cũng không bị loại trừ, chỉ nên sử dụng Hemohes trong lúc có thai nếu đã cân nhắc thiệt hơn giữa lợi ích mong chờ với rủi ro tiềm tàng đem lại cho thai nhi.
Cho đến nay việc sử dụng sản phẩm này ở các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú vẫn chưa thu được kinh nghiệm gì.
Tương tác thuốc:
Khi sử dụng cho những bệnh nhân chưa xác định được nhóm máu, cần phải lấy mẫu máu để phân loại kiểu máu và xác định các ngưng kết bất thường trước khi truyền một lượng lớn Hydroxyethyl Starch (để tránh kết quả dương tính giả).
Có thể thấy nồng độ a-amylase huyết thanh tạm thời tăng cao khoảng gấp 3 lần giới hạn trên của mức bình thường sau khi truyền các dung dịch Hydroxyethyl Starch. Sở dĩ có sự tăng cường hoạt động của a-amylase là do có sự tạo phức enzym-chất nền giữa amylase và Hydroxyethyl Starch, làm chậm sự bài tiết qua thận và do đó không được coi điều đó là triệu chứng của thiểu năng tụy.
Tác dụng ngoài ý:
Giống như tất cả các dung dịch keo thay thế thể tích, phản ứng dị ứng (phản vệ hoặc thể phản vệ) với mức độ nghiêm trọng khác nhau có thể xảy ra sau khi truyền Hemohes. Chúng biểu hiện như là các phản ứng của da (nổi mề đay) hoặc có thể gây đỏ bừng mặt và cổ. Rất hiếm khi xảy ra trường hợp bị tụt huyết áp, sốc hoặc ngừng tim và hô hấp.
Liều lượng:
Hemohes phải được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch.
Tổng liều lượng, tốc độ truyền và thời gian truyền phụ thuộc vào lượng máu hoặc huyết tương bị mất và tình trạng của người bệnh, và nếu cần thì phải điều chỉnh bằng cách theo dõi các chỉ số thông thường của hệ tuần hoàn (ví dụ huyết áp). Nên nhớ rằng truyền quá nhanh hoặc dùng liều cao không thích hợp sẽ gây nguy cơ quá tải cho hệ tuần hoàn, đặc biệt là với Hemohes 10% làm tăng áp suất thẩm thấu keo.
Để phát hiện sớm các phản ứng phản vệ càng sớm càng tốt, 20-30 ml Hemohes đầu tiên phải được truyền thật chậm cho bệnh nhân dưới sự giám sát chặt chẽ.
Liều tối đa hàng ngày :
Không được dùng quá liều tối đa hàng ngày là 2 g Hydroxyethyl Starch/kg/ngày. Liều này tương ứng với 33 ml dung dịch 6%/kg/ngày (= 2500 ml/ngày đối với người nặng 75 kg) hoặc 20 ml dung dịch 10%/kg/ngày (= 1500 ml/ngày đối với người nặng 75 kg)
Tốc độ truyền tối đa :
Tốc độ truyền tối đa phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng. Ở những bệnh nhân bị sốc xuất huyết cấp tính có thể truyền với tốc độ lên đến 20 ml/kg/giờ (tương đương với 0,33 ml/kg/phút) và trong tình trạng tính mạng người bệnh bị đe dọa thì truyền nhanh 500 ml (truyền bằng áp lực). Nếu dùng biện pháp truyền áp lực, phải rút hoặc đuổi hết không khí ra khỏi chai trước khi truyền.
Cần phải hạ thấp đáng kể tốc độ truyền cho các chỉ định trước-sau khi mổ và cho những người bệnh bị bỏng và sốc nhiễm trùng.