Tin tức: AEC: Cơ hội mới, thách thức cũ

AEC: Cơ hội mới, thách thức cũ

Nội dung

Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN. (Ảnh: Quang Hòa)
Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều triển vọng mới về đầu tư, thương mại, việc làm... Dù vậy, còn đó những thách thức cũ về sức ép cạnh tranh hay sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trên sân chơi này.

Sự kiện AEC thành lập cuối tuần qua đã đánh dấu mốc mới trong quá trình tăng cường kết nối thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối cơ sở hạ tầng, mở cửa thị trường lao động. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đánh giá, sự kiện này sẽ mang lại nhiều cơ hội hội nhập của khu vực và đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy của thế giới.

Triển vọng sáng

Với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014, ASEAN được đánh giá là thị trường phát triển năng động. Vào sân chơi AEC, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn khi tiếp cận một thị trường chung rộng lớn với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối, tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do của các nước đối tác ASEAN.

Theo Bộ Công Thương, các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ hai cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau thị trường Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Mỹ và Liên minh châu Âu). Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN năm 2014 đạt 42,1 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2010. Đến hết tháng 10/2015, các nước ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam hơn 56,8 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế tính toán, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 14,5% và sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới nhờ tác động của AEC. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên 23,5% vào năm 2025. Đặc biệt, sự mở rộng đáng kể của ngành mậu dịch và vận tải hàng hóa, dịch vụ sẽ trở thành khu vực tạo việc làm chủ lực trong nền kinh tế, chiếm 41,3% tổng việc làm.

Sức ép từ sân nhà

Bên cạnh nhiều cơ hội và triển vọng, AEC cũng đặt ra những thách thức không mới. Sức ép cạnh tranh và nguy cơ thua ngay trên sân nhà là một trong những thách thức như vậy. Theo TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khi AEC chính thức hoạt động với thuế suất giảm bằng 0 thì hàng công nghiệp và nông sản của các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam. “Nếu không chuẩn bị tốt, Việt Nam sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, thậm chí người Việt Nam sẽ có nguy cơ phải làm thuê cho các doanh nghiệp ASEAN khác”, ông Doanh cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dự báo, ngành bán lẻ, tiêu dùng sẽ là ngành chịu tổn thương nhiều nhất. “Thách thức lớn nhất khi AEC thành lập là việc ASEAN thâm nhập thị trường, coi Việt Nam như cứ điểm của họ. 52% doanh nghiệp Thái Lan trả lời cơ hội lớn nhất của họ là ở thị trường nội địa của Việt Nam. Họ sẽ đi vào Việt Nam bằng hai chân, một là siêu thị lớn, hai là cửa hàng tiện ích nhỏ - thị trường truyền thống của Việt Nam”, bà Lan lo ngại.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi các mục tiêu AEC được hoàn tất, những sức ép từ các khía cạnh khác sẽ xuất hiện, đơn cử như ngành dịch vụ sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn, gặp những thách thức mới trong việc kiểm soát dòng vốn...

Doanh nghiệp cần chủ động

Băn khoăn, lo lắng là cảm xúc của rất nhiều chuyên gia kinh tế khi đánh giá về sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam tại các cuộc tọa đàm, diễn đàn thảo luận về AEC. Nhiều con số giật mình từng được đưa ra như có đến 80% doanh nghiệp chưa ý thức được hội nhập đang ở rất gần và những cơ hội và thách thức do AEC mang lại, 60% doanh nghiệp không có kiến thức về AEC...

Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp ở một số nước như Thái Lan, Malaysia đã đi tắt đón đầu và đang tận dụng rất tốt các cơ hội của AEC. Để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN, doanh nghiệp Việt phải chủ động chuẩn bị chu đáo , xây dựng các yêu cầu kỹ thuật như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm.

“Quan trọng nhất là cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin về việc cắt giảm thuế trong ASEAN, chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN”, ông Minh Anh chỉ rõ.

Hơn thế nữa, theo ông Trần Đức Minh - Phó Tổng thư ký Hội kinh tế Việt Nam, AEC không phải là mục tiêu hội nhập duy nhất của Việt Nam mà còn rất nhiều các FTA khác với các đối tác quan trọng. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung mọi nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển được khi Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.“Thành lập AEC chỉ là bước khởi đầu, trước mắt vẫn còn rất nhiều cơ hội, thách thức”, ông Trần Đức Minh nhận xét.

Xuân Cúc



 

Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều triển vọng mới về đầu tư, thương mại, việc làm... Dù vậy, còn đó những thách thức cũ về sức ép cạnh tranh hay sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trên sân chơi này.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2015/11/2C34A70007734348/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận