Tin tức: COP 21: Gập ghềnh đường đến Paris

COP 21: Gập ghềnh đường đến Paris

Nội dung

Các Phái đoàn từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ đến Paris tham dự Hội nghị COP 21 để cùng khẳng định tính cấp bách của việc giải quyết một nguy cơ an ninh phi truyền thống nóng bỏng: Biến đổi khí hậu.

Là chủ nhà của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), từ đầu năm 2015, Pháp đã tích cực vận động các nước tham gia và đóng góp cho hội nghị thành công với một thỏa thuận chung có tính ràng buộc cao, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.

Diễn ra từ ngày 30/11-11/12, COP 21 được đưa vào trong gần như tất cả chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo Pháp công du tới các nước và ngược lại. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng COP 21 có sứ mệnh cứu sống “cuộc sống của dân cư, đất đai, hệ thống sinh học” trên trái đất.

Hội nghị quan trọng bậc nhất thế giới

Từ thế kỷ XIX, các nhà vật lý đã lý thuyết hóa về vai trò của khí nhà kính, chủ yếu là carbon dioxide (CO2) trong không khí và hiệu ứng nóng lên sẽ tăng cùng với mức độ của các chất khí này trong bầu khí quyển. Nhưng điều này chỉ mang tính lý thuyết cho tới khi con người thực sự cảm nhận được hậu quả của sự nóng lên toàn cầu.

Theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhiệt độ bề mặt của Trái đất đã tăng trung bình 0,85°C kể từ năm 1880 và dự báo sẽ tăng 0,3-4,8°C từ nay đến năm 2100 tùy thuộc vào sự phát ra của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng sự khác biệt nhiệt độ giữa thế giới ngày nay và vào thời kỳ băng hà cuối cùng cũng chỉ là 5°C. Vì vậy, thay đổi rất nhỏ về nhiệt độ có thể là sự khác biệt lớn đối với cả hành tinh.

Năm 1992, các nước đã gặp nhau tại Rio de Janeiro (Brazil) và đạt được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Thỏa thuận này vẫn còn hiệu lực và ràng buộc các chính phủ phải có hành động để tránh sự biến đổi khí hậu nhưng không chỉ rõ họ phải làm gì cụ thể.

Đến khi Nghị định thư Kyoto ra đời năm 1997, các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico và các nền kinh tế mới nổi khác lại không đưa ra bất cứ mục tiêu giảm phát khí thải nào. Thậm chí nước dẫn đầu về “sản lượng” khí thải nhà kính như Mỹ cũng không tham gia vào Nghị định thư. Đến năm 2004, Nga mới phê chuẩn. Lúc này thì Nghị định thư Kyoto mới có hiệu lực sau gần chục năm kể từ khi ký kết, khi được các quốc gia đại diện cho 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn.

COP 21 có gì mới?

Tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, lần đầu tiên các nước phát triển và đang phát triển đồng thuận về giới hạn phát thải khí nhà kính. Trưởng đoàn đàm phán Liên hợp quốc về khí hậu Yvo de Boer phải thốt lên: “Chưa bao giờ trong suốt 17 năm đàm phán về khí hậu, các quốc gia khác nhau lại đưa ra nhiều cam kết như vậy".

Tuy nhiên, nhân loại đã đạt được tất cả mọi thứ trừ một bản hiệp ước. Bước ngoặt này vẫn chưa thực sự hiệu quả nếu như các lãnh đạo rời khỏi phòng họp mà không đạt được thỏa thuận chung cụ thể hơn dù những điều họ đã bàn thảo vẫn sẽ được ghi nhận.

Hiệp định sẽ ký tại Paris chủ yếu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mục đích là duy trì kịch bản về sự ấm lên chỉ đến 2°C từ nay đến cuối thế kỷ. Tuy nhiên, Hội nghị được xem là chuẩn bị cho một văn kiện hay quyết định cho COP 21 tại Bonn (Đức) từ ngày 19-23/10 lại chưa đáp ứng được điều khoản cam kết cần thiết do các tranh cãi về vấn đề phân phối tiền bạc, khoản đóng góp giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Dẫu vậy, vòng đàm phán tại Bonn cũng mang đến một dự thảo thỏa thuận dài 55 trang dự định dùng làm cơ sở thương thuyết tại thượng đỉnh sắp tới tại Paris. Đại diện Pháp phụ trách COP 21, bà Laurence Taubiana thừa nhận “còn nhiều việc phải làm” song vẫn tỏ ra lạc quan: “Chúng ta đã có được một cơ sở thực sự là mọi vấn đề đều được đưa vào văn bản dự thảo”.

Các quốc gia chịu trách nhiệm cho hơn 90% lượng khí thải toàn cầu hiện nay đã đưa ra mục tiêu của mình thông qua INDCs (Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định): Liên minh châu Âu (EU) sẽ cắt giảm 40% lượng khí thải so với mức năm 1990 vào năm 2030. Đến năm 2025, Mỹ sẽ cắt giảm 26%-28% lượng khí thải so với năm 2005. Gần đây, Trung Quốc - một trong những quốc gia tạo khí thải nhà kính lớn nhất thế giới (25%) cũng cam kết sẽ giảm 20-25% năng lượng hóa thạch đến năm 2030 và giảm đến 60-65% lượng khí thải nhà kính trên bình quân sản phẩm quốc nội của năm 2005.

Tuy nhiên, nỗ lực trên chỉ có thể giữ thế giới ở mức nóng lên 2,7-3°C, chưa thể đáp ứng yêu cầu từ các nhà khoa học. Do đó, nếu một Hiệp định Paris được thiết lập, nó sẽ cần một hệ thống đánh giá các chỉ tiêu giảm phát thải qua từng năm để các nước nỗ lực hơn nữa.

Những ưu tiên thương thuyết

Vấn đề tiên quyết chính là tài chính. Các nước nghèo muốn các nước giàu giúp đỡ tài chính để đầu tư vào công nghệ sạch nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện cơ sở hạ tầng để ứng phó với thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Pháp hy vọng có thể đạt được 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 để giúp các nước nghèo thích ứng với mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại Copenhagen, một phần vấn đề tài chính của thỏa thuận này đã được giải quyết vào phút cuối khi các nước giàu đồng ý cung cấp 30 tỷ USD để hỗ trợ tài chính bước đầu cho các nước nghèo đến năm 2020.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OECD) cho biết hai phần ba lượng hỗ trợ tài chính cần thiết đang được cung cấp. Viện Tài nguyên Thế giới chỉ ra rằng phần còn lại có thể được bổ sung bởi Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng phát triển khác và khu vực tư nhân. Đây là nền tảng của thỏa thuận Paris và các nước nghèo muốn bảo đảm rằng các cam kết này sẽ được đáp ứng.

Các đoàn đàm phán sẽ tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu phổ quát và ràng buộc có thể áp dụng từ năm 2020 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước đã nhất trí với nhau rằng thỏa thuận của COP 21 “phải khẳng định lại mục tiêu dài hạn của các thỏa thuận đã có trước đó”, nhất là duy trì gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2°C hoặc chỉ 1,5°C vào năm 2030.

Một vấn đề khác là thời hạn của thỏa thuận, tính cập nhật theo thời gian và các cách thức đánh giá lại cam kết của các quốc gia. Tại Hội nghị Durban (Nam Phi) năm 2011, các nước đã nhất trí trong năm 2015 phải đạt được một nghị định thư, được coi là công cụ mang tính pháp lý hoặc một giải pháp có sức mạnh pháp lý. Và thỏa thuận này chắc chắn phải có cơ chế ràng buộc, chế tài xử phạt, sự minh bạch và đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết.

Có lẽ đường đến Paris chưa bao giờ “gập ghềnh” như thế. Tiếng nói chung kiên quyết và mạnh mẽ là hành trang cần thiết cho các phái đoàn để hình thành tiến trình ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu đang đe dọa thế giới.

“Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế”. (Báo cáo INDC của Việt Nam gửi cho UNFCCC)

54% ý kiến khảo sát trên toàn cầu cho rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề rất nghiêm trọng. 51% số người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu đã và đang gây tổn hại đến loài người trong khi 28% khác lại cho rằng tác động nguy hiểm sẽ xảy ra trong vài năm tới. (Báo cáo Thế giới đang nghĩ gì về biến đổi khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu Pew, Mỹ)



Minh Tuấn
(tổng hợp)

Các Phái đoàn từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ đến Paris tham dự Hội nghị COP 21 để cùng khẳng định tính cấp bách của việc giải quyết một nguy cơ an ninh phi truyền thống nóng bỏng: Biến đổi khí hậu.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/thegioi/2015/11/E63BDB36E3A66165/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận