Tin tức: Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tắc, người dân lại chịu thiệt

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tắc, người dân lại chịu thiệt

Nội dung

Ngưng trệ do quy định chơi vơi?

Gói hỗ trợ tín dụng cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2013 và có thời hạn giải ngân tới hết ngày 1/6/2016. Song, ngay từ khi ra đời, gói hỗ trợ tín dụng này gặp không ít trục trặc do những quy định gây khó cho người vay như thời gian vay, lãi suất... Sau 1 năm triển khai, số người mua nhà được vay ít khiến nhiều người ví gói tín dụng này như “leo cột mỡ”. Rào cản lớn nhất đối với các đối tượng mua nhà ở xã hội chính là việc quy định tài sản thế chấp theo quy định của các ngân hàng.

nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Trước phản hồi của người dân và nhiều lần Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước đã "nới” thêm điều kiện vay gói tín dụng 30.000 tỷ để đẩy nhanh tốc độ giải ngân như lãi vay còn 5%/năm đầu tiên và kéo dài thời gian vay lên 15 năm. Đặc biệt, ngân hàng đã chấp nhận cho người dân thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để làm giao dịch đảm bảo vay tiền ngân hàng.

Song, không hiểu vì sao, sau hơn 2 năm giải ngân, mới đây Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 26 quy định về việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai khiến người mua nhà ở xã hội gặp khó.

Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Xuân cho biết, trước ngày Thông tư có hiệu lực (10/12/2015), ngân hàng nhận thế chấp bằng quyền tài sản hình thành trong tương lai cho khách mua nhà vay gói 30.000 tỷ đồng. Quy định mới bắt khách hàng phải đăng ký giao dịch đảm bảo nhà ở hình thành trong tương lai ở trung tâm giao dịch đảm bảo huyện, quận nơi có dự án. Trong khi đó, dưới địa bàn chưa có hướng dẫn nên không xác nhận cho người dân khiến gói hỗ trợ ưu đãi đã tạm thời bị ngừng cho vay.

Vị phó giám đốc này chia sẻ, ngân hàng ngừng cho vay với người mua nhà thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai cho tới khi Ngân hàng Nhà nước có quy định mới thay thế Thông tư 26. Hiện nay, nếu người mua nhà muốn vay gói 30.000 tỷ đồng thì phải thế chấp bằng tài sản khác.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, ngân hàng cam kết cho vay gói tín dụng này đã đạt 80%. Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước gây khó cho người mua nhà ở xã hội và tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có khả năng không về đích đúng hạn. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc cho người dân vay gói này. Bởi vì, người thu nhập thấp lấy đâu ra tài sản thế chấp khác ngoài chính tài sản là căn hộ hình thành trong tương lai.

vay mua nhà ở xã hội
Người mua nhà ở xã hội ở dự án Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) được ngân hàng
“lách” cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Lộc


Ngân hàng, chủ đầu tư đua nhau “lách”

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tiến Đông cho hay, Thông tư 26 ban hành để thích hợp với Luật Nhà ở mới và Nghị định 99 hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở. Theo quy định này, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép thế chấp tài sản bằng nhà ở hình thành trong tương lai song vướng ở khâu hướng dẫn công chứng thế chấp.

Ông Đông nói, Ngân hàng Nhà nước đang xem về vướng mắc pháp lý. Vấn đề hướng dẫn công chứng thế chấp liên quan tới Bộ Tư pháp. Bộ này cần phải ban hành thủ tục văn bản thế chấp theo quy định của luật. Hiện nay, hạn mức cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ cũng không còn nhiều. Ngân hàng sẽ phải phối hợp chứ không thể nào làm khác được.

Cũng theo ông Đông, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp để Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn. Luật Nhà ở mới có hiệu lực, Nghị định 99 mới ra và những bộ ngành liên quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư cho phù hợp. Các bộ liên quan hiện đang trong quá trình soạn thảo ban hành nên chưa thể thống nhất.

Nhiều ngân hàng thương mại và chủ đầu tư tự tìm cách “lách” để người dân được vay mua nhà. Tại một chi nhánh ngân hàng BIDV quận Hoàn Kiếm, nhiều khách hàng rất vui mừng khi chính ngân hàng “lách” ký kết hợp đồng tín dụng trước ngày Thông tư 26 chính thức có hiệu lực (10/12/2015).

Bên cạnh đó, chủ đầu tư tại nhiều dự án như nhà ở xã hội Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Quốc Oai (quận Hoài Đức, Hà Nội)... cũng hỗ trợ người vay mua nhà khi xác nhận chủ đầu tư chưa thế chấp dự án vay ưu đãi để khách hàng đủ điều kiện vay. Một lãnh đạo Công ty Handico 5, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đại Kim cho biết, nếu khách hàng không vay được vốn sẽ không có tiền nộp tiếp gây thiệt hại cho chủ đầu tư dự án. Đồng thời, chủ đầu tư thu lại nhà của người không đóng tiếp sẽ phải tổ chức bốc thăm bán lại cho các đối tượng khác đủ điều kiện gây mất thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Theo ông Đồng Ngọc Ba (Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm Pháp luật - Bộ Tư pháp), trên cơ sở phản ánh của báo chí về Thông tư 26 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, Cục sẽ kiểm tra về tính pháp lý. Nếu như tính pháp lý vênh, Cục sẽ tham mưu để sửa đổi. Bên cạnh đó, Thông tư đi vào thực tế có hợp lý hay không cần phải bàn cũng như xem xét lại.
Gói tín dụng hỗ trợ 30 tỷ đồng tạm thời bị tắc do quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về việc đăng ký giao dịch đảm bảo nhà ở hình thành trong tương lai.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng

Nguồn: batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/goi-tin-dung-30-000-ty-dong-tac-nguoi-dan-lai-chiu-thiet-ar74994


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận