Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất xử phạt nặng vi phạm trong giết mổ động vật. Cụ thể là các hành vi: Cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ; giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại cơ sở giết mổ.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt...
Ảnh minh họa
Đối với hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực tiễn xử phạt của Thanh tra cho thấy: Mức xử phạt 5 – 6 triệu đồng hiện hành đối với hành vi vi phạm này còn thấp và chưa đảm bảo hợp lý. Theo quy định xử phạt này, việc cố tình bơm nước vào động vật là gà và trâu, bò đều cùng bị một mức phạt, trong khi đó, trọng lượng cũng như giá trị của 2 động vật này khác nhau.
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước khi giết mổ và sản phẩm động vật sau khi giết mổ với mục đích gian lận thương mại.
Đối với hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại cơ sở giết mổ, theo quy định tại Điều 13 Nghị định 119/2013/NĐ-CP , hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại cơ sở giết mổ sẽ áp dụng biện pháp xử lý “tiêu hủy” đối với động vật, sản phẩm động vật (Áp dụng cho cả 2 trường hợp (1) Phát hiện sản phẩm động vật sau khi giết mổ có chứa chất cấm. (2) Phát hiện động vật có chứa chất cấm trong thời gian tập kết, nuôi nhốt động vật tại cơ sở giết mổ).
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tiễn xử phạt của Thanh tra cho thấy việc xử lý tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ còn chưa phù hợp, vì sau 15 ngày sử dụng chất cấm, các tồn dư chất cấm trong động vật sẽ bị đào thải hết. Vì vậy, đối với trường hợp động vật đang tập kết, chưa giết mổ cần cho phép thời gian đào thải hết tồn dư chất cấm, không nên áp dụng biện pháp tiêu hủy ngay để giảm lãng phí cho xã hội.
Tại dự thảo, Bộ đề xuất phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm vận chuyển, thu gom, lưu giữ, giết mổ động vật có sử dụng thuốc, hóa chất gây ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm không theo quy định của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý thú y; phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm vận chuyển, thu gom, lưu giữ, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
Từ khóa: Phạt , vi phạm , giết mổ , động vật
Share on Tumblr