Tin tức: Hiện vật độc bản Chăm phơi nắng mưa ở Bảo tàng Quảng Trị

Hiện vật độc bản Chăm phơi nắng mưa ở Bảo tàng Quảng Trị

Nội dung

Nhiều hiện vật độc bản Chăm ở Bảo tàng Quảng Trị sau thời gian phơi mưa nắng nay bị phong hóa, rêu mốc và ảnh hưởng đến tuổi thọ.
 

Bảo tàng Quảng Trị đang trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 hiện vật có giá trị, theo kiểu thông sử, giới thiệu lịch sử con người, mảnh đất Quảng Trị từ khi hình thành vào thời cổ đại cho đến ngày nay.

 
 

Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của bảo tàng có dấu hiệu xuống cấp. Đặc biệt, nhiều hiện vật văn hóa Chăm độc bản đang trưng bày ngoài trời, không có mái che bảo vệ bị phong hóa, đổi màu, ảnh hưởng tuổi thọ. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng khiến đường dẫn vào nơi trưng bày những hiện vật Chăm này ngập đến mắt cá chân.

 
 

Bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 và 2 có hình bán nguyệt, bằng đá sa thạch, được các nhà nghiên cứu đánh giá là độc bản, ẩn sâu nhiều giá trị văn hóa lịch sử cần bảo vệ... dùng trang trí kiến trúc đền tháp Chăm nửa cuối thế kỷ 9. 

 
 

Trên những hiện vật Chăm ngoài trời xuất hiện nhiều vệt mốc xanh, rêu phong lớn theo dòng nước chảy. Hai bức phù điêu này đang được bảo tàng Quảng Trị làm hồ sơ đề nghị là bảo vật quốc gia vì có ý nghĩa, giá trị lớn.

 
 

Tại nhà bảo tàng, nơi trưng bày các hiện vật cỡ nhỏ, đang bị lún nghiêng, nứt ngang dọc. Một phòng trưng bày ở tầng hai có trần làm bằng ván ép do thấm dột lâu ngày đã bị mục, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. 

 
 

Bà Nguyễn Thị Lệ Hiền, Trưởng phòng thuyết minh hướng dẫn Bảo tàng Quảng Trị kể, mỗi lần mưa, nước từ trên mái thấm dột, chảy tràn xuống sàn nhà, phải dùng thau, chậu hứng và lấy khăn thấm nước vắt khô để bảo vệ hiện vật. Đơn vị phải đặt biển cảnh báo khách tham quan không nên vào khu vực thấm dột tránh sự cố.

 
 

“Năm nay là bị dột nặng nhất, những ngày mưa là anh chị em phải huy động xô chậu, khăn giẻ để lau chùi. Hiện, một gian bị dột chúng tôi phải chặn lại bằng ghế, không cho khách tham quan”, bà Hiền cho hay.

 
 

Ông Lê Đình Hào, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, để bả o vệ, hàng ngày nhân viên phải đem phơi sấy, lau chùi các hiện vật, nhưng do bảo quản thủ công nên hiện vật giảm tuổi thọ.

 
 

Ông Lê Đình Hào kiến nghị ngành văn hóa tỉnh cần đầu tư kinh phí để trùng tu, sửa chữa hệ thống trần nhà, chống thấm dột và làm mái che bảo vệ hiện vật Chăm đang trưng bày ngoài trời, về lâu dài cần trang bị tủ đựng và máy sấy hiện đại để bảo quản.

 
Nhiều hiện vật độc bản Chăm ở Bảo tàng Quảng Trị sau thời gian phơi mưa nắng nay bị phong hóa, rêu mốc và ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Nguồn: vnexpress.net/photo/thoi-su/hien-vat-doc-ban-cham-phoi-nang-mua-o-bao-tang-quang-tri-3307436.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận