Có mặt tại phiên thảo luận, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết (quận 3) cho biết, cách đây 5 năm, TP đã rà soát đất công nhưng hiện nay, nhiều nơi đất công chưa được sử dụng hiệu quả. Bà Tuyết đề xuất, TP cần tiếp tục rà soát để sử dụng hiệu quả hơn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Khu dân cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, Tp.HCM) hiện vẫn tồn đọng hàng ngàn căn hộ chưa có dân vào ở
Về vấn đề mà bà Tuyết đưa ra, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Hiện trên địa bàn có 3 đơn vị cùng quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Đó là, Sở Xây dựng với chức năng quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý quỹ đất thuộc diện sản xuất, kinh doanh và Ban Chỉ đạo 09 (Sở Tài chính chủ trì) quản lý Quỹ nhà sản xuất, kinh doanh sắp xếp lại theo phương án công ty.
Trước đây, UBND các quận, huyện cũng tham gia quản lý nhưng khi Chính phủ ra Nghị định 34 và sau này là Luật Nhà ở 2014 thì Sở Xây dựng là đơn vị quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do TP là chủ sở hữu.
Hiện Sở Xây dựng đã có tờ trình gửi UBND TP về phương án thành lập Trung tâm quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước. Theo đó, trung tâm này sẽ nhận bàn giao và quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi các doanh nghiệp công ích quận, huyện cổ phần hóa.
Người dân không mặn mà bởi nhiều khu nhà ở tái định cư bố trí quá xa nơi ở cũ
Về việc khủng hoảng thừa nhà ở tái định cư, ông cũng Hùng cho biết thực hiện chỉnh trang đô thị, thời gian tới Tp.HCM phải lo di dời và tái định cư cho 20.000 hộ dân trên kênh rạch. Như vậy sẽ có khoảng 57.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi chương trình này. Thông tin từ các quận, huyện cho thấy, trong số này, có khoảng 42.000 trường hợp gia đình và cá nhân đủ điều kiện bồi thường và đủ khả năng tự lo chỗ ở mới, còn lại 15.000 trường hợp cần nhà nước hỗ trợ.
Vì thế, theo ông Hùng, quỹ nhà tái định cư vẫn là cần thiết. Thời gian qua, có nhiều nguyên nhân khiến TP chưa bố trí hết số quỹ nhà ở này, UBND TP cũng đã chỉ đạo quỹ nhà ở quận 2 tổ chức bán đấu giá 3.500 căn và 1.800 căn, đồng thời khi xây xong cũng sẽ bán luôn cho chủ đầu tư để kinh doanh quỹ nhà ở đó.
Ông Hùng cũng khẳng định, hiện nhu cầu tái định cư tại TP về sơ bộ vẫn còn 15.000 trường hợp, do đó TP vẫn phải lo. Còn sau này, đối với từng dự án cụ thể thì người dân có thể chọn nhà hoặc tiền.
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 5 HĐND Tp.HCM khóa IX mới đây, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM, nhận xét TP hiện đang khủng hoảng thừa quỹ nhà ở bố trí tái định cư, trong thời gian nhùng nhằng về đơn giá bồi thường thì quỹ nhà ở để không.