Tin tức: Khoảng trống về dạy nghề: vấn nạn toàn cầu

Khoảng trống về dạy nghề: vấn nạn toàn cầu

Nội dung

Giáo dục hướng nghiệp luôn là vấn đề đáng quan tâm ở nhiều nước, đặc biệt trong bối cảnh dân số ngày càng tăng kéo theo tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ. Trong khi đó, tình trạng nhà nhà muốn con theo học ở những trường danh tiếng, người người muốn đi học đại học trong khi lực chưa đủ. Điều đó khiến cho giáo dục hướng nghiệp bị xem nhẹ vì tư tưởng coi trọng bằng cấp vẫn hiện hữu dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang diễn ra ở nhiều nước, nhất là tại Việt Nam.

Khoang trong ve day nghe: van nan toan cau - Anh 1

Học nghề bị coi thường

Tình trạng giới trẻ thất nghiệp rất phổ biến, chủ yếu là những người không được đào tạo hoặc được đào tạo nhưng thiếu kỹ năng làm việc đang trở thành gánh nặng ở nhiều quốc gia. Vì vậy, những mô hình giáo dục hướng nghiệp được xem là biện pháp hiệu quả giúp giải quyết khó khăn này. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức City & Guilds, sự kỳ thị về giáo dục hướng nghiệp đang làm giảm sự lựa chọn của các học sinh, phải xếp thứ hai sau các trường đại học, học viện danh tiếng.

Việc mở rộng số lượng trường đại học đã và đang trở thành hiện tượng toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành nơi “sản xuất” sinh viên tốt nghiệp lớn nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc. Trong khi đó, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ năng nghề, không thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Theo BBC, tình trạng gia tăng dân số Ấn Độ sẽ khiến lực lượng lao động tăng lên 32% trong hai thập kỷ tới. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục triệu thanh niên Ấn Độ cần tìm việc làm. Nhưng hiện chỉ có 2,3% lực lượng lao động chính thức được đào tạo kỹ năng, quá thấp so với Đức (80%), càng thua xa Áo - quốc gia đứng đầu châu Âu về số người trẻ tham gia học nghề.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam. Trong khoảng hai thập kỷ qua, số trường đào tạo bậc đại học cũng mọc lên như nấm sau mưa. Đầu tiên là sự ra đời của hệ thống trường đại học dân lập, sau đó là nhiều trường cao đẳng được lên đời đại học. Cánh cửa đại học gần như mở toang khiến giới trẻ Việt “rủ nhau” vào đại học thay vì đi học nghề. Hậu quả là số người tốt nghiệp đại học và sau đại học tăng mạnh từ 60 nghìn người (năm 2010) lên gần 178 nghìn người (năm 2015). Trong khi đó, tình trạng thiếu lao động đã qua đào tạo khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đang diễn ra khá phổ biến.

Khoang trong ve day nghe: van nan toan cau - Anh 2

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trên thế giới gia đoạn năm 2005-2014

Nguồn: Cơ quan thống kê châu Âu - Eurosta

Ấn Độ thiếu trầm trọng lao động nghề

Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu việc làm và kinh tế, Ấn Độ không thể duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế nếu không ưu đãi tốt hơn cho các chương trình giáo dục hướng nghiệp hoặc dạy nghề. Trong thực tế, hàng triệu lao động Ấn Độ cần được đào tạo nghề để chuyển từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, xây dựng. Vậy mà cũng giống như nhiều quốc gia, tư duy của các bậc cha mẹ Ấn Độ lại muốn con mình theo học ở các trường danh tiếng, còn việc học nghề chỉ để làm những công việc thấp kém.

Kaltham Kenaid - thành viên của UAE - khẳng định: Xã hội đã tạo ra áp lực sai lầm dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực khi người dân coi rằng: “Giáo dục nghề nghiệp chỉ dành cho những người không học. Mọi người đều muốn sở hữu tấm bằng đại học”.

Đây không phải là thực trạng đáng buồn ở Ấn Độ mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Thậm chí ở cả cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ. Năm 2015, nước Mỹ chỉ có 410 nghìn thợ học việc, ít hơn một nửa so với Anh. Trong khi đó, nhân viên kỹ thuật thiếu đến 5 triệu người.

Trong khi đó, ở Nam Phi, việc dạy nghề được xem là lợi thế lớn với thị trường lao động. Bởi đất nước này có đến 54% thanh thiếu niên bị thất nghiệp. Thực tế này đặt ra yêu cầu lớn với các nhà lãnh đạo Nam Phi về tình trạng thiếu công nhân lành nghề. Trong khi đó, trong một buổi nói chuyện với học sinh trung học vào tháng 9/2015, Tổng thống Obama nói: “Việc không vào được ngôi trường nổi tiếng và có thương hiệu không có nghĩa bạn sẽ không nhận được nền giáo dục tuyệt vời”.

Vì vậy, Chris Jones - Giám đốc điều hành của City & Guild - cảnh báo cần dừng lại “định kiến lỗi thời”. Chình phủ nhiều nước cần thức tỉnh để nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp liên quan đến các ngành nghề. Họ cần suy nghĩ về chính sách kinh tế và những người cần được giúp đỡ, muốn tìm kiếm những công việc phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân.

Hương Nguyên

Giáo dục hướng nghiệp luôn là vấn đề đáng quan tâm ở nhiều nước, đặc biệt trong bối cảnh dân số ngày càng tăng kéo theo tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ. Trong khi đó, tình trạng...

Nguồn: www.baomoi.com/khoang-trong-ve-day-nghe-van-nan-toan-cau/c/19323623.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận