Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vì sao sinh viên Việt Nam ra nước ngoài nhiều, vấn đề chính là do chất lượng giáo dục .
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước chung tay phát triển kinh tế với tinh thần khởi nghiệp thì “chính các sinh viên phải là người khởi nghiệp đầu tiên”. Ảnh: VGP
Chiều hôm qua, 8/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với hàng nghìn sinh viên trường Đại học Hải Phòng.
Trao đổi với sinh viên, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 16% năm 2000 lên 51,6% vào năm 2015.
Tuy nhiên, nền giáo dục đào tạo vẫn còn những bất cập, yếu kém. Chất lượng giáo dục chưa cao, đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững…
Thủ tướng nêu vấn đề vì sao sinh viên VN ra nước ngoài nhiều? Vấn đề chính là do chất lượng giáo dục.
“Tôi vừa làm việc với Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản. Ông cho biết ở Nhật Bản có 38.000 sinh viên Việt Nam. Ở nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, thì viện, trường gắn chặt với sản xuất, kinh doanh, gắn với các vấn đề địa phương. Ở ta, giáo dục đào tạo tuy có nhiều thành tích, nhưng nhiều bạn sinh viên ra trường còn lớ ngớ lắm” - Thủ tướng nói.
Thực tế, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học hằng năm ngày càng tăng cao.
Theo nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên VBF) công bố hồi cuối năm 2015, có hơn 110.000 học sinh, sinh viên Việt Nam du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD mỗi năm.
Ước tính, người Việt Nam, mỗi năm chi khoảng 3 tỷ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế.
Trước tầm quan trọng của giáo dục đào tạo, Thủ tướng đã nêu ra một số “đầu bài” cho cán bộ, lãnh đạo, giáo viên nhà trường cũng như với các sinh viên.
Với nhà trường, Thủ tướng cho rằng, cần đổi mới cách quản trị, nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy mạnh tự chủ; tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra và được kiểm định chất lượng của tổ chức có uy tín.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
“Thầy cô giáo phải trang bị cho sinh viên tính năng động sáng tạo, chứ học đại học không phải là đọc - chép”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trường cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt những lĩnh vực có thế mạnh, làm sao xóa dần khoảng cách từ nhà trường tới thực tiễn cuộc sống...
Với sinh viên, Thủ tướng căn dặn cần sống có lý tưởng, sống có hoài bão. Cả nước chung tay phát triển kinh tế với tinh thần khởi nghiệp thì “chính các sinh viên phải là người khởi nghiệp đầu tiên”.
“Các em phải có hoài bão. Chúng tôi cũng trưởng thành từ những cán bộ, công dân bình thường, không phải tất cả đều sẽ trở thành thủ tướng, nhưng mỗi công dân tốt đều có thể đóng góp cho đất nước mình” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thụy Du
Theo Trí Thức Trẻ