Tin tức: Làm sao đứng vào danh sách "chuỗi thực phẩm an toàn"?

Làm sao đứng vào danh sách "chuỗi thực phẩm an toàn"?

Nội dung

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã công bố 69 địa chỉ cung cấp nông sản an toàn theo chuỗi để kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lọt vào danh sách này?

Lam sao dung vao danh sach "chuoi thuc pham an toan"? - Anh 1

Bộ NNPTNT đang thực hiện việc kết nối giữa cơ sở sản xuất an toàn với người tiêu dùng. Ảnh minh họa: TDung

Tại Hội thảo về Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn diễn ra hôm nay 9-5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Vũ Văn Tám cho hay, năm 2016 là năm hành động về an toàn thực phẩm và Bộ NNPTNT đặt ra 3 trọng tâm chính: tập trung thanh tra xử lý vấn đề chất cấm, vật tư đầu vào trái quy định; tăng cường truyền thông; kết nối sản phẩm an toàn đã được cơ quan chức năng xác nhận với người tiêu dùng.

Trong đó, đối với trọng tâm thứ 3, Bộ đã giới thiệu tới người tiêu dùng 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm an toàn được quản lý theo chuỗi và có thể truy xuất được nguồn gốc. Và đây mới là những địa chỉ ban đầu, danh sách những địa chỉ loại này sẽ còn được bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới.

Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), để một sản phẩm được xác nhận là sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm (cửa hàng, quầy hàng tại chợ, siêu thị ...), chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm trước tiên phải có nhu cầu và tự nguyện đăng ký để được xác nhận.

Khi các cơ sở đã tự nguyện tham gia, bước tiếp theo là các cơ quan quản lý sẽ xác định chất lượng của chuỗi cung cấp đó. Có hai hình thức là liên kết là giữa các cơ sở với nhau và doanh nghiệp làm độc lập từ khâu nuôi trồng tới phân phối ra thị trường.

Đối với chuỗi cung cấp thực phẩm liên kết, các cơ sở sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác/nuôi trồng thủy sản phải được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận GAP hoặc tương đương. Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thì phải ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến các cơ sở kinh doanh phải được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp là chủ sở hữu và quản lý toàn bộ chuỗi cung cấp từ sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng phải được cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ở tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm.

Sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các qui chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh, thành phố hoặc cơ quan được Sở NNPTNT giao nhiệm vụ sẽ là cơ quan xác nhận. Kinh phí thực hiện gồm kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Kinh phí lấy mẫu, kiểm nghiệm giám sát do chủ cơ sở kinh doanh chi trả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã công bố 69 địa chỉ cung cấp nông sản an toàn theo chuỗi để kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để doanh...

Nguồn: www.baomoi.com/lam-sao-dung-vao-danh-sach-chuoi-thuc-pham-an-toan/c/19330375.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận