Tin tức: Lúng túng với 'cây tỉ đô'

Lúng túng với 'cây tỉ đô'

Nội dung

Cây mắc-ca được đặt cho những mỹ từ “nữ hoàng mắc-ca” hay “hoa hậy quả khô”, ngay từ lúc loại cây này được đưa vào trồng đại trà, nó đã gây sốt dư luận với những hứa hẹn về một loại cây sẽ thay thế các cây công nghiệp lâu năm đang đồng loạt rơi vào khó khăn. Cây mắc-ca sẽ là “cây tỉ đô”, đem lại lợi nhuận và cơ hội đổi đời cho người nông dân. Thế nhưng, sau thời gian triển khai, những nông dân đang theo đuổi cây mắc-ca đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều người trồng cây 4 - 5 năm lại chặt bỏ, một số người giữ lại thì lúng túng tìm đầu ra!

Lung tung voi 'cay ti do' - Anh 1

Lão nông Nguyễn Đức Ba với vườn mắc-ca của gia đình.

Vừa trồng vừa lo!

Theo làn sóng trồng mắc-ca, nhiều nông dân đã trồng tự phát rồi khóc ròng vì cây không ra hoa hoặc có quả thì chưa biết bán cho ai! Ông Chu Văn Trịnh (xã Tà Nung, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình ông trồng cây mắc-ca xen vào giữa các đồi cà phê đã 4 năm nay. Hơn 1ha trồng mắc-ca, ông Trịnh dùng 3 loại giống khác nhau, trong đó chỉ có một giống mắc-ca Ông Ba là bắt đầu ra trái, hai giống còn lại một bông hoa cũng chưa có.

“Nghe thông tin rằng, hạt cây mắc-ca được mua với giá cao nhưng tôi chưa biết sẽ bán cho ai, ai sẽ thu mua nên không dám mở rộng. Được giới thiệu là cây dễ trồng, công chăm sóc ít, giá trị cao nhưng đầu ra còn bấp bênh nên tôi không dám liều vì vừa trồng vừa lo” - ông Trịnh nói.

Bên cạnh đó, nhiều người nông dân sau 4 - 5 năm chăm sóc cây, khi cây có trái thì không biết bán ở đâu. Ông Lê Văn Nuôi (huyện Krông Năng, Đắc Lắc) cho biết vườn mắc-ca 300 cây trên diện tích 3ha của gia đình ông đã trồng được 7 năm nhưng vẫn chưa bán được vụ nào. Hai năm nay, mỗi mùa thu được vài chục ký nhưng gia đình dùng để… rang ăn, cho người này người kia chứ chưa bán được đồng nào. “Khi trồng, nông dân được quảng cáo là “cây tỉ đô”, cơ sở chế biến sẽ được xây dựng ngay trên tỉnh nhưng tới giờ vẫn chưa thấy đâu. Nông dân cứ nghe “cây đổi đời” thì mua về trồng, đổi đời đâu chưa thấy, nếu tình trạng này kéo dài, gia đình sẽ thua lỗ, chặt bỏ, cây mắc ca trở thành “cây đổ nợ” chứ chẳng chơi” - ông Nuôi nói.

Một nông dân ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cho rằng, cây mắc-ca là cây rừng, sức chống chọi với sâu bệnh tốt nhưng rủi ro cao! Theo ông, không phải như lúa, hoa màu chỉ một mùa là biết có đạt sản lượng hay không, mình thay thế ngay, đằng này cây mắc-ca phải đến 5 - 6 năm mới biết là có quả hay không. Nếu không có quả, không biết sẽ phải xử lý như thế nào, bắt đền người cấp giống thì liệu có được không? Nhiều đơn vị cấp giống ban đầu cam kết sẽ đậu quả nhưng khi cây không đậu quả, nông dân thông báo cũng chẳng thấy họ hỗ trợ gì!

Lý giải cho tình trạng vừa trồng vừa lo: Lo không bán được hạt, lo cây không có trái… một cán bộ của của ngành NN-PTNN Lâm Đồng cho rằng, do người nông dân khi đi mua giống mắc-ca nhập ngoại hoặc các giống ghép của doanh nghiệp có tiếng, thấy giá quá cao, gần tới vài trăm nghìn một cây nên đã mua cây giống của nông dân tự ươm hạt, chỉ 20.000 - 30.000/cây nên cây không ra quả. Chặt bỏ cây mắc-ca, cây không có quả là hậu quả của việc trồng phải giống trôi nổi, kém chất lượng, không hiểu về kỹ thuật trồng cây mắc-ca nên phải chặt bỏ đi!

Nông dân tự bao tiêu sản phẩm!

Là mô hình của nông dân Nguyễn Đức Ba (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Vườn mắc-ca của ông Ba là một trong những vườn thực nghiệm đầu tiên trồng cây mắc-ca được các nhà khoa học cũng như giới chuyên môn đánh giá là thành công tại Việt Nam. Theo lão nông Nguyễn Đức Ba, trang trại mắc-ca của ông sử dụng nguồn giống và kỹ thuật chọn lọc từ Mỹ. Sau 10 năm, trang trại mắc-ca của ông đã cho hạt và mang lại sản lượng hạt lớn, sản lượng trung bình là 25kg hạt/cây, trong khi mức trung bình khoảng 10kg hạt/cây.

Lão nông Nguyễn Đức Ba cho biết, khi cây mắc-ca của gia đình cho quả, gia đình ông cũng khá lúng túng để tìm đầu ra, các con đã cùng ông thành lập Cty TNHH Maca Đại Việt để bao tiêu sản phẩm, đưa sản phẩm hạt mắc-ca ra thị trường, đến tận tay người tiêu dùng. Bà Nguyễn Bảo Châu, con gái ông Ba, phụ trách Cty TNHH Macca Đại Việt cho hay, bước đầu, với nguồn nguyên liệu sạch từ trang trại Macadamia của chính gia đình, sản phẩm macamadia rang sấy hiệu “Ông Ba” đã được đưa ra thị trường, giới thiệu sản phẩm Macadamia của Việt Nam tới một số thị trường quốc tế như Mỹ, Úc, Nhật, Pháp, Đức, Singapore…

Bà Nguyễn Bảo Châu cho biết thêm, trong suốt 5 năm qua, trang trại mắc-ca của gia đình đã chuyển giao giống và kỹ thuật trồng cho những người nông dân có nhu cầu lấy giống từ vườn cây mắc-ca Ông Ba. Nếu cây đã có trái mà nông dân vẫn cần hỗ trợ kỹ thuật, gia đình bà luôn sẵn sàng.

Chia sẻ về hướng phát triển của gia đình, bà Nguyễn Bảo Châu cho rằng, hướng đi của gia đình giống như “trong cái khó ló cái khôn”. Khi vườn mắc-ca ra trái mà không tìm được đầu mối thu mua, gia đình phải nghĩ cách “tự thân vận động”. Tuy nhiên, theo bà Châu, không phải nông dân nào cũng có điều kiện để có thể mở công ty, thành lập xưởng sản xuất để bao tiêu sản phẩm. Cho nên hiện tại, tìm kiếm đầu ra là một cái khó đối với người nông dân trồng mắc-ca.

Nắm được lo lắng của người nông dân, gia đình bà Châu khi hỗ trợ nông dân cây giống, kỹ thuật chăm sóc thì cũng cam kết bao tiêu sản phẩm. “Cây giống đã được kiểm định, được giới khoa học đánh giá tốt nên chúng tôi hy vọng sẽ góp phần phát triển và cải tạo nguồn giống macadamiai ở Việt Nam, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Đối với những hộ đã trồng mắc-ca nhưng chưa cho kết quả tốt, công ty sẽ hỗ trợ mắt ghép và kỹ thuật để cải tạo vườn cây. Bước đầu cung cấp sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu trong tương lai” - bà Nguyễn Bảo Châu cho biết.

Cây mắc-ca được đặt cho những mỹ từ “nữ hoàng mắc-ca” hay “hoa hậy quả khô”, ngay từ lúc loại cây này được đưa vào trồng đại trà, nó đã gây sốt dư luận với những hứa hẹn về một...

Nguồn: www.baomoi.com/lung-tung-voi-cay-ti-do/c/19328116.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận