Nhiều chủ trang trại tỏ ra rất bức xúc với nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bởi chính họ cũng là nạn nhân của tình trạng này...
Ông Nguyễn Văn Hiển ở thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) không khỏi bức xúc cho biết: “Nói đến chất cấm chăn nuôi, thường được phát hiện ở các trang trại chăn nuôi lợn, chứ chăn nuôi gà như chúng tôi thì không bao giờ sử dụng đến các loại chất kích thích để gà nhanh lớn và đẻ nhiều trứng, nhưng vẫn cứ bị ảnh hưởng. Trang trại nhà tôi có vài vạn con gà đẻ trứng, mỗi ngày bán ra vài chục ngàn con gà con, trứng bán thì không kể xiết, thu lãi trung bình 2-3 triệu đồng/ngày, nhưng từ khi có thông tin nhiều trang trại sử dụng chất cấm, giá bán gà thịt rất bấp bênh. Đếm trứng bán mà cũng thấy sốt hết cả ruột”.
Ông Nguyễn Văn Hiển ở thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) thu lãi 2-3 triệu đồng/ngày nhờ chăn nuôi gà Ai Cập. Ảnh: An Vũ
Hơn 10 năm gắn bó với trang trại chăn nuôi thuộc dạng lớn nhất nhì trong huyện, ông Hiển cho biết chưa bao giờ mình có suy nghĩ sẽ dùng các chất “bổ sung dinh dưỡng” cho đàn gà không rõ nguồn gốc. Mỗi tháng, ông mua 5 tấn cám ở những cửa hàng có uy tín, tuyệt đối không mua cám trôi nổi. “Nếu phát hiện đàn gà bị bệnh, tôi thường dùng thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y và cách li đúng thời gian trước khi xuất chuồng. Sản phẩm trứng, thịt gà cũng là nguồn thực phẩm hàng ngày của gia đình và người thân quen” - ông Hiển nói.
“Các cơ quan chức năng nên kiểm tra những cơ sở bán thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính họ mới là người xúi giục nông dân sử dụng các chất độc hại. Nông dân mới là những người khổ nhất vì sự thiếu hiểu biết” - ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Huy, ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đang có diện tích chuồng trại trên 5.000m2 với quy mô 250 con lợi nái và khoảng trên 800 con lợn thịt thương phẩm. Ông Huy cho hay: “Việc một số trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tôi nghĩ việc kiểm tra tại các trang trại này rất khó khăn. Để làm rõ thông tin xác thực, tôi cho rằng nên thanh tra đột xuất và ra quân đồng loạt trong một ngày từ thành thị tới nông thôn. Ở nhiều vùng nông thôn, chăn nuôi rất phát triển, vấn đề thức ăn, thuốc thú y “tràng giang, đại hải”, bà con nông dân cũng không có điều kiện để đi xác minh nên nhiều khi chính họ cũng bị oan”.
“Nhà tôi làm nghề chăn nuôi từ rất lâu rồi và không cần phải sử dụng đến những chất kích thích tạo nạc, vỗ béo, nhưng đàn lợn của gia đình tôi vẫn đều đặn xuất chuồng hàng tháng với chất lượng đảm bảo, được giá. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng nên thường xuyên tổ chức lấy mẫu từ các trang trại chăn nuôi để kiểm tra xem lợn có chất cấm hay không” - ông Huy nói.