Nhưng điều khiến người mua nhà tại các dự án trên quan tâm chính là những hệ luỵ của việc nợ thuế khi mà đầu tuần này, một vị đại diện Cục Thuế Hà Nội đã khẳng định “Cục sẽ kiến nghị TP Hà Nội tiến hành thu hồi dự án nếu doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì”.
23.000 tỷ đồng tiền nợ thuế
Theo số liệu mà ông Thái Dũng Tiến- Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cung cấp thì, tổng số tiền nợ thuế của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội tính đến thời điểm này đã lên tới 23.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế phí là 9.600 tỷ đồng, nợ thuế đất là 7.400 tỷ đồng và nợ thuế chậm nộp là 5.900 tỷ đồng.
Thậm chí, có doanh nghiệp số nợ lên đến hơn 320 tỷ đồng. Trong số các dự án nợ thuê,s có tới 66 dự án nợ lớn nhất với con số lên đến 4.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số nợ tiền sử dụng đất, có tới 3.200 tỷ đồng thuộc về các dự án không hề có “vướng mắc gì”.
Trước sự chây ì mang tính “hệ thống” của các doanh nghiệp, cách đây không lâu, Cục thuế Hà Nội buộc phải công khai danh tính của hàng chục doanh nghiệp và dự án đi kèm trên phương tiện truyền thông. Cơ quan thuế coi đây là một trong những giải pháp bất đắc dĩ để “thúc” các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Cũng trong 6 tháng đầu năm vừa qua, bằng các biện pháp từ tuyên truyền, động viên cho đến những cách xử lý cứng rắn nhất, Cục Thuế Hà Nội cũng đã thu được khoản nợ khoảng 6.300 tỷ đồng từ các doanh nghiệp. Trong số này, nợ thuế phí là 4.600 tỷ đồng, còn lại 1.700 tỷ đồng là các khoản nợ liên quan đến đất đai.
Sau khi bị Cục thuế "bêu tên" cũng đã có 22 doanh nghiệp chịu nộp thuế với số tiền khoảng 360 tỷ đồng. Trong đó, có 5 doanh nghiệp đã nộp xong toàn bộ số tiền còn thiếu nợ.
Tuy nhiên, đại diện ngành thuế Hà Nội cho biết, dù các doanh nghiệp đã bước đầu chịu nộp nhưng con số nợ thuế hiện nay vẫn còn quá lớn. Do đó, sắp tới phía Cục Thuế TP có thể sẽ áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn như đề xuất phong tỏa tài khoản, đình chỉ hóa đơn sử dụng hoặc công khai danh tính doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Riêng những doanh nghiệp vi phạm Luật Đất đai và chây ì quá lâu, cơ quan thuế sẽ kiến nghị với UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi dự án.
Nhiều doanh nghiệp nợ thuế bị Cục thuế Hà Nội nêu tên trên báo chí,
trong đó có nhiều doanh nghiệp địa ốc
“Khi phát hiện dấu hiệu không bình thường, chúng tôi sẽ xuống xác minh ngay xem trụ sở của doanh nghiệp đó thế nào, làm ăn cái gì? Từ đó đưa ra cảnh báo tới tất cả các doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác định rõ hành vi, thậm chí bắt giữ người chủ mưu, đưa ra khởi tố để làm gương”, một vị lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho hay.
“Tội gì mà không nợ”
Thực trạng các doanh nghiệp “hò nhau” nợ thuế bắt nguồn từ chủ trương của Chính phủ và UBND TP Hà Nội từ đầu năm 2013 với liên tiếp các nghị quyết của Chính phủ và quyết định của các địa phương chỉ đạo các bộ, sở, ngành phải tạo điều kiện, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp BĐS.
Thực tế thì không ít doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, do tác động của suy giảm kinh tế đã gặp phải khó khăn thực sự. Vì thế, nhiều doanh nghiệp được Nhà nước ưu ái cho hưởng nhiều ưu đãi như miễn, giảm, giãn thuế đến các hỗ trợ khác trong việc đầu tư kinh doanh, triển khai các dự án.
Đặc biệt, trong một văn bản của Bộ TN&MT hồi 2012 gửi UBND TP Hà Nội và Tp.HCM, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng vẫn phải cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà đối với các dự án có chủ đầu tư vi phạm.
Một doanh nghiệp hiện đang nợ thuế còn tiết lộ, vài năm nay, thị trường BĐS đã và đang trên đà khởi sắc, dòng tiền vào đã tăng đáng kể, và đương nhiên họ cũng không “khờ khạo” đến mức không biết việc nợ thuế sẽ bị tính thêm tiền phạt lên tới cả tỷ đồng.
Thế nhưng, bằng một phép cộng trừ đơn giản, doanh nghiệp biết được họ sẽ có lợi rất nhiều nếu đem khoản tiền phải đóng thuế đó gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất, sau đó lại trích một phần lãi để đóng tiền phạt nộp thuế chậm cho cơ quan thuế. Vì thế, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng “lợi thế, dễ thế thì không tội gì không nợ thuế”?!
Vị này còn cho hay, chiêu bài này không mới và từng có không ít doanh nghiệp áp dụng, nhưng đến nay xem ra nó vẫn rất “hiệu quả”, trong mọi giai đoạn, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước đang “thông cảm” với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt của ngành thuế thời gian gần đây, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng chiêu bài này, đặc biệt là các doanh nghiệp BĐS khi mà họ “hợp tác chặt chẽ” với các sở, ngành khác đồng thời bêu tên, không cấp sổ đỏ cho khách hàng…thì chủ đầu tư cũng đành ngậm ngùi nộp thuế.
Trong khi đó, một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc doanh nghiệp chây ì nộp thuế cũng có trách nhiệm một phần từ chính các cơ quan quản lý. Phần đa các dự án BĐS hiện nay đã và đang triển khai, thậm chí đã hoàn thành, thì tại thời điểm khởi công nhiều năm trước, TP Hà Nội đều cho phép áp dụng “thu tiền sử dụng đất tạm tính”.
Vì thế, hiện nay, nhiều dự án có nghĩa vụ tài chính với nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng số tiền họ phải tạm nộp ban đầu chỉ là vài ba chục tỷ.
Người mua nhà lo trắng tay
Tưởng chừng câu chuyện về nợ thuế chỉ là quan hệ giữa ngành thuế với doanh nghiệp, nhưng giờ đây, nó đang trở thành đề tài bàn thảo sôi nổi nhất trong giới đầu tư BĐS khi mà số phận những căn hộ, mảnh đất của rất nhiều người đã trót bỏ tiền ra mua vẫn chưa biết số phận thế nào, có được nhận một tấm giấy chứng thực đi kèm hay không.
Thậm chí, theo như lời của ông Cục phó Cục thuế Hà Nội thì với những dự án đã chây ì quá lâu, lại là cố tình vi phạm, thì cơ quan này nhất định sẽ kiến nghị TP thu hồi. Khi đó, dù quyền lợi người người mua, nhà đầu tư có được đảm bảo hay không thì những rắc rối trong quan hệ lợi ích giữa chủ đầu tư và khách hàng chắc chắn cũng sẽ không tránh khỏi rắc rối.
“Tôi đã trót mua một căn chung cư trên đường Nguyễn Trãi của Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội. Mới đây đọc báo thấy doanh nghiệp này hiện vẫn nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng mà cả nhà mấy hôm rồi mất ăn mất ngủ. Không biết hồ sơ pháp lý của căn hộ chúng tôi và cả dự án này tới đây có được giải quyết hay không. Đúng là vẫn bị tình trạng nhắm mắt mua nhà”, một vị khách hàng cho biết.
Cũng chung cảnh ngộ trên, chị Nguyễn Ánh Hồng, người mua một căn hộ của Công ty Đầu tư xây dựng Trung Việt tại dự án KĐTM Phú Lương (Hà Đông), cũng đang hết sức lo lắng khi doanh nghiệp này vừa bị bêu tên nợ thuế lên tới 193 tỷ đồng.
Người thân của chị Hồng thì góp tiền mua nhà tại dự án tổ hợp VP, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An của Tổng công ty Thành An cũng đang rối như tơ vò khi chủ đầu tư cũng được “lên báo” với số nợ thuế là 142 tỷ đồng.
Chị Hồng cho biết: “Nói thật, giờ bắt buộc phải theo và chờ đợi sự nghiêm túc của chủ đầu tư dự án, chứ có muốn bán lại những căn hộ này cũng khó. Chúng tôi thậm chí có thể mất trắng tay nếu dự án bị thu hồi”.
Nói về quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là người mua nhà của các doanh nghiệp địa ốc còn đang nợ thuế, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội đưa ra khuyến cáo: “Người dân không nên mua hàng hóa của những doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất, vì sẽ rất khó khăn trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Vị này cũng cho biết, hiện cơ quan thuế đang phối hợp với các sở, ngành của TP Hà Nội tiến hành phân loại các doanh nghiệp, những đối tượng được nhà nước ưu đãi nhưng lại không chịu nộp thuế hoặc đã triển khai dự án rồi, đã huy động tiền và có dòng tiền luân chuyển rồi nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất.