Tin tức: Phỏng vấn bà vợ đánh chồng: 'Tôi đánh để cảnh cáo, để giáo dục...'

Phỏng vấn bà vợ đánh chồng: 'Tôi đánh để cảnh cáo, để giáo dục...'

Nội dung

"Tôi đánh để cảnh cáo, để giáo dục...", bà vợ nói.

Phong van ba vo danh chong: 'Toi danh de canh cao, de giao duc...' - Anh 1

Bạo lực gia đình, cũng như mọi tội ác trên đời, phải được triệt tiêu từ những khi còn rất nhỏ. Bạo lực gia đình phải được coi là căn bệnh xã hội chứ không thể coi như bệnh gia đình, đóng cửa bảo nhau là xong

- Thưa bà, trước tiên chúng tôi xin ngỏ lời ngạc nhiên về bà.

Tại sao?

- Phần lớn phụ nữ bất hạnh ngày nay vì bị chồng đánh. Chỉ có bà làm ngược lại.

Á, tôi chỉ đánh có một lần thôi, trong một trường hợp đặc biệt thôi.

- Thưa bà, tất cả những ai đánh chồng đều đặc biệt. Làm gì có người đánh một cách thông thường. Vậy bà nện ông nhà khi nào?

Khi lão ta đánh con. Tôi điên lên, tôi không kiềm chế được.

- Bà đánh bằng gì?

Bằng nắm tay. Không hề sử dụng bất cứ loại hung khí nào.

- Bà đánh vào đâu?

Tôi nện hai cái vào vai, hai cú vào lưng và một cú vào mông. Nói chung, tôi toàn trừng trị phần mềm.

- Thưa bà, khi đánh xong, cảm xúc của bà ra sao?

Lẫn lộn. Cảm xúc pha giữa hối hận, pha chút ngạc nhiên và pha một chút… một chút hả hê.

- Chết, chết. Bà hối hận vì gì?

Đầu tiên vì đấy là chồng mình. Sau đó vì nhận ra vợ chồng vẫn yêu thương nhau, xưa nay chưa khi nào coi nhau như kẻ thù.

- Bà ngạc nhiên vì gì?

Vì không hiểu lúc đó mình lấy đâu ra hành vi “côn đồ” như thế. Bản chất tôi là cô gái đàng hoàng, có học thức, sinh ra trong một gia đình có giáo dục.

- Còn bà hả hê điều gì?

Tôi biết xã hội hôm nay có hàng ngàn phụ nữ đã, đang và sẽ bị chồng bạo hành trong vài giây, tôi có cảm giác mình đang trả thù cho họ. Tôi đại diện cho tầng lớp phụ nữ vùng lên.

- Thưa bà, tất cả chúng ta đều ca ngợi chị Dậu khi vùng lên đánh lại bọn quan lại trong tiểu thuyết “Tắt đèn”. Nhưng chưa ai ca ngợi một phụ nữ đánh chồng cả.

Chỉ toàn khóc thương cho họ sao? Về nguyên tắc, đánh nhau là chiến tranh. Có nhiều phương pháp để kết thúc chiến tranh, trong đó có cả phương pháp nhờ tới một cuộc chiến tranh khác.

- Ý bà là khi bà vợ biết đánh lại, bạo lực trong gia đình sẽ giảm hay sao?

…đáng tội, ý tôi đúng là như thế.

- Tôi xin nhắc cho bà biết, quan hệ vợ chồng không phải là cuộc trả thù.

Nhưng cũng nên có tính răn đe, chứ không phải chỉ toàn tuyên truyền hay giáo dục.

Phong van ba vo danh chong: 'Toi danh de canh cao, de giao duc...' - Anh 2

Tôi luôn luôn nghĩ bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước tiên là bằng pháp luật, sau đó mới bằng tình cảm, và ngày nay hình như chúng ta đang làm ngược lại

- Xin bà nói rõ ý này.

Ở nhiều quốc gia, chồng không bao giờ dám đánh vợ, dù vũ phu đến đâu. Vì chỉ cần người vợ hay hàng xóm gọi cảnh sát một câu là người đàn ông đó đi tù ngay, đi tù theo đúng nghĩa đen của nó. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta thiên về giáo dục, hòa giải. Nếu vợ chẳng may chỉ bị đánh bầm tím chứ không thương tích quá cao thì hội phụ nữ hoặc tổ dân phố mời ra giáo dục là cùng. Cho nên bất hạnh thay cho những cô gái chỉ bị chồng đánh vừa vừa chứ không quá nặng.

- Bất hạnh ở chỗ nào?

Cô ấy sẽ cứ việc mếu máo, cứ việc kêu khóc rồi nghe lời khuyên sau đó về nhà chờ chồng đánh tiếp. Như vậy có công bằng hay không?

- Đúng là không công bằng.

Bạo lực gia đình, cũng như mọi tội ác trên đời, phải được triệt tiêu từ những khi còn rất nhỏ. Bạo lực gia đình phải được coi là căn bệnh xã hội chứ không thể coi như bệnh gia đình, đóng cửa bảo nhau là xong.

- Vâng.

Tôi luôn luôn nghĩ bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước tiên là bằng pháp luật, sau đó mới bằng tình cảm, và ngày nay hình như chúng ta đang làm ngược lại.

- Sau khi bà đánh chồng, hàng xóm có thái độ ra sao?

Không ai biết cả. Tôi đánh để cảnh cáo, để giáo dục, không phải để nhận huy chương rồi đeo lên cổ. Khoe khoang.

- Còn ông chồng thì suy nghĩ thế nào?

Suy nghĩ thế nào tôi không biết, nhưng thái độ thì mềm hẳn. Rõ ràng chả ai muốn gây chiến tranh nếu biết là đối phương không sợ chiến tranh.

- Nhưng sau trận tỷ thí, hai vợ chồng có ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc với nhau không?

Làm gì có tỷ thí. Làm gì có đánh nhau vì đấy chỉ là tôi đánh chồng. Tất nhiên sau đó chúng tôi có ngồi lại, thậm chí nằm lại. Cả hai đều thấy sự việc xảy ra đáng tiếc, mất kiểm soát.

- Tóm lại là xung đột đã kết thúc trong đàm phán?

Có thể nói như vậy cũng được. Tôi rất mừng là xung đột này đã không kéo theo xung đột kia. Bạo lực đã không leo thang mà bị dập tắt.

- Qua những cú đấm của mình, bà muốn gửi thông điệp gì tới đàn ông?

Tôi không đại diện cho phụ nữ, càng không đại diện cho phụ nữ đoan trang. Nhưng tôi muốn nhắc các ông chồng rằng sự chịu đựng của vợ bao giờ cũng có giới hạn, và đừng quá lạm dụng điều này.

- Theo bà, nguyên nhân của việc phụ nữ bị bạo hành trong gia đình là gì?

Có rất nhiều. Do thói quen gia trưởng của chồng, do thói chịu đựng của vợ và do sự thờ ơ của xã hội.

- Và do nhiều phụ nữ không có võ?

Đúng vậy. Bằng chứng là khi các nữ vô địch Judo hoặc Karate lập gia đình, tình trạng bạo hành không khi nào xảy ra do các ông chồng không dám để nó xảy ra. Tất cả các bác sĩ đều biết, đàn ông kém chịu đau hơn đàn bà. Cho nên bề ngoài có vẻ hung hăng chứ khi bị sự phản kháng, nhiều ông chồng lập tức cụp tai.

- Thú thực, tôi nể bà. Nhưng tôi không dám đưa bà ra làm một tấm gương. Nếu phụ nữ nào cũng đánh chồng như bà thì bạo lực gia đình sẽ không triệt tiêu. Nó chuyển sang hướng khác.

Tất nhiên. Tôi xin nhấn mạnh là tôi không khuyến khích phụ nữ đánh chồng. Nhưng tôi khuyên thỉnh thoảng họ cần phản kháng. Mỗi người vợ hãy chọn lấy cách phản kháng thích hợp cho mình. Căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của chồng tôi khi đánh con, tôi đánh lại chứ tôi không dám đưa ra một công thức cho ai.

- Bà có nghĩ bà sẽ là chiếc lá báo hiệu mùa thu không?

Làm gì có mùa đánh chồng trên đời này. Chồng, về cơ bản, là người chúng ta nên yêu thương, nâng niu và chăm sóc. Tôi hoàn toàn tin tưởng điều đó. Nhưng một món ăn ngon nhiều khi nhờ có tý hạt tiêu, vậy một tình cảm với chồng đôi khi nên kèm theo… đe dọa.

- Tại sao phụ nữ nông thôn hay bị chồng đánh hơn thành thị?

Cả phụ nữ nông thôn lẫn thành thị thật ra phần lớn đều không biết rõ. Nhưng ở thành thị họ biết phản kháng ít nhất là tinh thần.

- Câu hỏi cuối cùng. Liệu có bao giờ bà tái phạm việc đánh chồng nữa không?

Xin nhà báo hãy để câu hỏi này treo lơ lửng.

Theo Người giữ lửa

"Tôi đánh để cảnh cáo, để giáo dục...", bà vợ nói.

Nguồn: www.baomoi.com/phong-van-ba-vo-danh-chong-toi-danh-de-canh-cao-de-giao-duc/c/19321490.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận