Tin tức: Phụ nữ làm nông nghiệp: Quyền lợi ít, cực khổ nhiều

Phụ nữ làm nông nghiệp: Quyền lợi ít, cực khổ nhiều

Nội dung

“Phụ nữ là lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu nhưng thu nhập thấp, ít quyền lợi, dễ bị tổn thương” – PGS-TS Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình-Giới nhận định tại buổi công bố kết quả nghiên cứu phụ nữ hoạt động nông nghiệp và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam ngày 12.5.

Phụ nữ hóa nông nghiệp

Nghiên cứu định tính do Viện Nghiên cứu Gia đình- Giới thực hiện năm 2015 tại một số xã ở Hải Dương, Hòa Bình, Bình Định, Tiền Giang. Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ là lực lượng chủ yếu tham gia trồng lúa và cây ăn quả. Bối cảnh nông thôn hiện nay, đất đai bị thu hẹp do công nghiệp hóa, thời gian hoạt động nông nghiệp mất ít thời gian hơn nhờ cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học, nhu cầu tham gia vào các ngành nghề phi nông nghiệp được mở rộng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, với quan niệm “nữ nội, nam ngoại”, đa số nam nông dân sẽ đi di cư, tìm việc chỗ khác hoặc chỉ làm vài việc “đàn ông”, nên gánh nặng của phụ nữ lại nhiều hơn. Phụ nữ trở thành người ở hậu phương, đảm nhận việc sản xuất lúa và cây ăn quả, chăm sóc con cái, gia đình, quán xuyến việc nhà, việc họ hàng và cộng đồng, còn thời gian thì làm thuê kiếm tiền tại địa phương.

Phu nu lam nong nghiep: Quyen loi it, cuc kho nhieu - Anh 1

Nữ nông dân ở Hải Hậu (Nam Định) phải đảm nhiệm nhiều công việc vất vả. Ảnh: Lê Hữu Thọ

Anh Trần, nông dân trồng lúa ở Thanh Hối (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết: “Cấy lúa là việc của đàn bà. Làm đất thuộc đàn ông. Vì làm đất các bà không cầm được máy cày, còn cấy thì nhẹ. Đàn ông hỗ trợ gánh mạ, gánh phân đưa đến ruộng”. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, do nam giới di cư nhiều nên lao động đồng áng dồn cả lên vai nữ nông dân. Phụ nữ ngày nay không chỉ làm các việc “truyền thống” như gieo cấy, làm cỏ mà đảm nhiệm cả các hoạt động vốn của nam giới như cày bừa, bón phân, phun thuốc sâu. Điều đó làm tăng áp lực công việc nông nghiệp cho phụ nữ. “Tình trạng phụ nữ nông thôn phải gồng mình gánh vác mọi công việc đồng áng, gia đình do chồng di cư khá phổ biến ở nông thôn. Điều đó có nghĩa họ ít thời gian chăm sóc bản thân, chịu thiệt thòi, rủi ro rất lớn về sức khỏe và tâm lý” – PGS Minh cho biết.

Chịu thiệt thòi

Những cải cách về chính sách đối với nông nghiệp nông thôn tạo nhiều thuận lợi cho nữ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, nam giới ở nông thôn là bộ phận chủ yếu được hưởng lợi trong quá trình cải cách kinh tế. Do đó, các chính sách cần phải có sự điều chỉnh để đánh giá đúng đóng góp của phụ nữ trong nông nghiệp, đồng thời có sự cởi gỡ để thúc đẩy quyền lợi cho phụ nữ”.
PGS Nguyễn Hữu Minh

Tuy là lao động chính trên đồng ruộng hiện nay nhưng mức độ tiếp cận nguồn lực và ra quyết định của phụ nữ trong gia đình và sản xuất lại thấp hơn nam giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong hoạt động trồng trọt hoặc tham gia dự án nông nghiệp, phụ nữ thường tham gia vào các khâu họp triển khai, tập huấn, thực hiện mô mình mà ít tham gia ở khâu quản lý và giám sát. Tương tự trong các mô hình khuyến nông, phụ nữ tham gia mô hình chăn nuôi, trồng trọt truyền thống mà ít tham gia mô hình cơ giới hóa. Phụ nữ cũng ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật và có ít cơ hội tiếp cận với thông tin khoa học kỹ thuật, dẫn đến gặp nhiều rủi ro hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, nhiều công việc nông nghiệp được cơ khí hóa để giảm gánh nặng cho nông dân, lợi ích này chủ yếu là cho nam giới – những người vốn chịu trách nhiệm tới các công việc có liên quan đến cơ giới như chuẩn bị đất, thu hoạch, vận chuyển…

Ngoài ra, điều kiện vay tín dụng vẫn có những điều bất lợi cho phụ nữ (yêu cầu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) trong khi đa số phụ nữ vẫn không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại xã Trường Thành (huyện Thanh Hòa, Hải Dương) có đến 97% hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, 99% được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận sử đụng đất mang tên cả vợ và chồng chỉ đạt 70%.

Đối với các quyết định liên quan đến hoạt động trồng cây ăn quả, người chồng có quyết định phần lớn đến vay vốn, bán sản phẩm, giống cây, mua công cụ sản xuất có giá trị lớn. Rất ít trường hợp cả hai vợ chồng cùng bàn bạc và quyết định. Anh Thành (Tân Hưng, Tiền Giang) chia sẻ: “Trước muốn mua gì, cho ai mượn do chồng quyết định, nhưng giờ phải hỏi ý kiến vợ. Bất bình đẳng giới chưa hết nhưng cũng đang dần dần bình đẳng hơn”.

Trước đó, Nghiên cứu Các yếu tố xã hội quyết định yếu tố bất bình đẳng giới năm 2015 trên hơn 8.000 người của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cũng chỉ ra rằng, phụ nữ làm nhiều việc nông nghiệp hơn. Trong sản xuất nông nghiệp, hai việc mà nam giới hay làm nhất là phun thuốc và làm đất. Còn phụ nữ sẽ tham gia chủ yếu các việc gieo trồng, bón phân, làm cỏ, thu hoạch, trông nom, chế biến, bán sản phẩm, quản lý thu chi… Còn trong chăn nuôi phụ nữ cũng làm chủ yếu các việc mua giống, chuẩn bị thức ăn, cho vật nuôi ăn, phòng bệnh, chăn thả, vệ sinh, chế biến, bán sản phẩm, thu chi… Đàn ông có làm nhưng tham gia ít hơn. “Sản xuất phụ nữ cũng làm nhiều hơn, 12/14 việc gia đình lại chủ yếu do phụ nữ đảm đương. Đàn ông làm nhiều ở việc thắp hương và sửa chữa đồ dùng. Đây là nghịch lý cho thấy sự bất bình đẳng giới trong phân công lao động, xuất phát từ những định kiến giới” – TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng ISDS nhận định. /.

TS Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: Không nên phân biệt
Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là đàn ông đều mặc định việc đồng áng là của phụ nữ. Tại hầu hết các địa phương, thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi vẫn là nguồn thu chính trong nhiều gia đình. Vô hình trung, người phụ nữ sức vóc có hạn lại phải gánh lên đôi vai của mình nhiều “quang gánh” hơn. Một nền nông nghiệp hiện đại với cơ giới hóa, tiên tiến và hiện đại trong sản xuất thì rõ ràng không được có chuyện phân biệt nam - nữ trong sản xuất. Chỉ khi nào chúng ta xóa đi được quan niệm “việc đồng áng là của đàn bà” thì nữ nông dân mới hạnh phúc trọn vẹn, gia đình giàu mạnh và bền vững được.

Chị Trần Thị Thương (Duy Tiên, Hà Nam): Không phải ai cũng hiểu và chia sẻ với phụ nữ
Gia đình tôi cũng xuất thân từ nông dân. Bà tôi, mẹ tôi làm đồng từ bé. Bản thân tôi cũng biết gieo sạ, cấy lúa. May mắn với gia đình tôi là bố tôi rất hiểu nỗi khó nhọc của nghề nông nên lúc nào rảnh là ông lại giúp đỡ vợ. Thế nhưng không mấy ai nghĩ được như thế. Hồi còn học đại học, tôi từng ghé nhà một người bạn ở sát biên giới phía Bắc, tôi thấy lạ là mẹ bạn ấy dù bận tối mặt tối mày nhưng bố bạn ấy thì suốt ngày nhậu nhẹt, la cà. Thậm chí, lúc bố bạn ấy say rồi, về nhà, đòi hỏi, mắng chửi, những người phụ nữ trong nhà vẫn phải cam chịu, làm hòa. Để nam – nữ bình đẳng trong làm nông nghiệp, cơ quan chức năng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các đoàn thể xã hội cần vào cuộc tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức ở những vùng quê, vùng sâu, vùng xa.
Trần Giang (ghi)

“Phụ nữ là lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu nhưng thu nhập thấp, ít quyền lợi, dễ bị tổn thương” – PGS-TS Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình-Giới nhận...

Nguồn: www.baomoi.com/phu-nu-lam-nong-nghiep-quyen-loi-it-cuc-kho-nhieu/c/19358679.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận