Tin tức: Syria: Nơi quần hùng Nga - Thổ

Syria: Nơi quần hùng Nga - Thổ

Nội dung

Máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, hôm 24/11. (Nguồn: BBC).
Lịch sử xung đột và nội chiến đương đại trên thế giới hiếm có cuộc chiến nào có nhiều ngã rẽ và bước ngoặt như những gì đang diễn ra tại Syria.

Đầu tiên chỉ là các cuộc biểu tình ôn hòa đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức, rồi nhanh chóng trở thành bạo động, nội chiến giữa các phe phái, sắc tộc. Tiếp đó, sự can thiệp trực tiếp của các nước trong và ngoài khu vực, kể cả các nước lớn như Nga và Mỹ, không giúp làm xung đột giảm nhiệt mà chỉ càng biến nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và làm gợi lại các nguyên nhân đưa đến hai cuộc đại chiến thế giới trong thế kỷ qua.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay SU 24 của Nga hôm 24/11 gợi ra nhiều thắc mắc hơn câu trả lời. Tại sao, cũng như Nga là nước đặt mục tiêu chống nhóm khủng bố IS lên hàng đầu trong việc can dự quân sự tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ lại “lạnh lùng” triệt hạ máy bay Nga? Liệu hành động này có phải là “xấu chơi”, “đâm sau lưng nước Nga” – như tuyên bố của Tổng thống Putin?

Thật ra, việc bắn hạ máy bay chỉ là bề nổi, còn bên trong thì các nghi ky, uất hận ẩn chứa đã lâu nhưng chưa có cơ bùng phát.

Thứ nhất, tuy cùng chống khủng bố nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga theo đuổi mục tiêu trái ngược. Nga coi việc duy trì chế độ Assad là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ giải pháp chính trị nào và chính quyền Assad mới là người chống khủng bố tích cực nhất. Còn Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây coi ông Assad là cản trở chính, nguyên nhân khiến IS có đất sinh sống và phát triển.

Thứ hai, khi can thiệp quân sự, Nga cho rằng tất cả các nhóm chống ông Assad, trong đó có IS, thực chất đều là các nhóm có nguồn gốc khủng bố và nhiều nhóm trong đó được Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây hậu thuẫn. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây cho rằng chống khủng bố chỉ là cái “cớ”, Nga chống IS thì ít mà chống các nhóm chống ông Assad thì nhiều. Khi chính quyền Assad được Nga ủng hộ ngày càng mạnh lên thì Nga ngày càng trở thành cái “gai” trong chính sách và chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ ba, từ vài trăm năm qua, Nam Âu và Trung Đông luôn nằm trong vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước từng trực tiếp xung đột hàng chục lần. Lần gần đây nhất là ngay sau Thế chiến II khiến Thổ phải tìm kiếm ô bảo trợ an ninh từ NATO bằng cách gia nhập liên minh này.

Thứ tư, nguyên nhân trực tiếp là việc Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Nga hôm 24/11 tấn công nhóm sắc tộc người Thổ (người Turk) ở sát biên giới với Syria, nói tiếng Thổ và được nước này bảo trợ. Ankara khẳng định nhóm này không liên hệ với IS, là “nạn nhân” của chính quyền Assad và hành động của Nga không khác lời tuyên chiến với Thổ.

Tình hình ở khu vực này hiện đang hết sức căng thẳng và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Là một nước lớn, Nga chắc sẽ không để vấn đề này trôi đi một cách dễ dàng. Nhưng phản ứng ra sao trừ phi phát động cuộc chiến tranh toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ lại là điều không dễ dàng do tiềm lực kinh tế, quân sự của Nga cũng có giới hạn, bản thân Nga đang gặp khó khăn kinh tế và phải xử lý hệ quả của cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ là một bạn hàng kinh tế quan trọng, mua tới hai phần ba khí đốt nhập khẩu từ Nga và đón ba triệu du khách Nga hàng năm. Thổ lại là một cường quốc quân sự với phi đội gồm 750 máy bay chiến đấu hiện đại các loại, lực lượng hải quân trang bị vũ khí hiện đại đủ sức vô hiệu hóa sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria, “khóa” eo biển Bosphorus nhốt toàn bộ hạm đội Biển đen của Nga. Chưa kể, nước này còn đang tìm cách lôi kéo 27 thành viên khác của NATO để ngăn các phản ứng có thể có tiếp theo từ Nga.

Tình hình tại Syria cho thấy câu chuyện không chỉ có vấn đề chống khủng bố mà còn có lợi ích sống còn sâu xa hơn của các bên liên quan. Nhiều khả năng, đây mới chỉ là điểm khởi đầu cho các diễn biến có thể còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần trong tương lai. n

PGS. TS Hoàng Anh Tuấn
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao

Lịch sử xung đột và nội chiến đương đại trên thế giới hiếm có cuộc chiến nào có nhiều ngã rẽ và bước ngoặt như những gì đang diễn ra tại Syria.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/BinhLuan/2015/11/AC736B29C88F31FE/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận