Tin tức: Vì sao thông tin điều tra vụ máy bay Nga hỗn loạn và tù mù

Vì sao thông tin điều tra vụ máy bay Nga hỗn loạn và tù mù

Nội dung

Ai Cập chưa công bố bất cứ thông tin chính thức nào về nguyên nhân máy bay Nga gặp nạn sau gần một tuần điều tra, bất chấp sự thúc giục của phương Tây.
vi-sao-thong-tin-dieu-tra-vu-may-bay-nga-hon-loan-va-tu-mu

Các điều tra viên thu thập chứng cứ tại hiện trường máy bay rơi. Ảnh: NYTimes

Kể từ khi máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet rơi trên bán đảo Sinai khiến 224 người thiệt mạng, chính phủ Ai Cập vẫn chưa công bố bất cứ thông tin chính thức nào về nguyên nhân thảm kịch, và đang khiến cả thế giới sốt ruột với sự mơ hồ và hỗn loạn thông tin, theo NYTimes.

Chính phủ các nước không tham gia vào cuộc điều tra như Anh và Mỹ mới đây đã nêu lên khả năng đã xảy ra một vụ đánh bom khủng bố trên chiếc máy bay xấu số. Tình báo các nước cũng tiết lộ nhiều bằng chứng cho thấy phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Sinai rất có thể đã nhúng tay vào vụ việc này.

Hôm 6/11, sau nhiều ngày ủng hộ Cairo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng mọi chuyến bay của Nga tới Ai Cập để "chờ kết quả điều tra chính thức". Mặc dù người phát ngôn điện Kremlin khẳng định quyết định này không phải là hành động ám chỉ đã xảy ra khủng bố trên máy bay, nó phần nào thể hiện nỗi lo lắng của Nga cho sự an toàn của công dân mình trước nguy cơ bị tấn công.

Chính phủ Ai Cập đã nhiều lần bác bỏ giả thuyết mà tình báo và nhà chức trách phương Tây đưa ra về khả năng đã xảy ra đánh bom trên chiếc máy bay, đồng thời chỉ trích những nhận định này là "quá sớm", "đáng ngạc nhiên" và "không có gì đảm bảo".

Theo quy định hàng không quốc tế, đại diện các nước Nga, Pháp, Ireland, Đức sẽ tham gia vào ủy ban điều tra do Ai Cập chủ trì để tìm hiểu nguyên nhân khiến chiếc máy bay gặp nạn, vì các nước này đều có liên quan đến quá trình sản xuất, kiểm tra, bảo dưỡng chiếc máy bay hoặc đường bay của nó. Một số quan chức châu Âu cho hay nhiều thành viên trong ủy ban đã hối thúc phía Ai Cập công khai nhiều thông tin hơn về quá trình điều tra.

Tuy nhiên, các quy định hàng không quốc tế này cũng cho phép Ai Cập kiểm soát mọi tuyên bố liên quan đến vụ việc, và đến nay Cairo đã liên tục bác bỏ mọi lời thúc giục công bố những thông tin ban đầu mà họ đã thu thập được, trong đó có dấu vết chất nổ tại hiện trường, các vết cháy trên thân máy bay hay thi thể nạn nhân, cũng như các dữ liệu mà hộp đen máy bay ghi nhận được.

Tuyên bố hiếm hoi mà Bộ Hàng không Ai Cập đưa ra hôm qua chủ yếu nói về quyết định của chính phủ Anh chở các du khách nước này đang mắc kẹt tại sân bay về nước mà không cho họ mang hành lý theo.

"Các hãng hàng không Anh đã bay mà không chở theo hành lý của hành khách. Sân bay sẽ không nhận chứa hơn 120 tấn hành lý bị bỏ lại", tuyên bố của Bộ trưởng Hàng không Ai Cập Hossam Kamal nhấn mạnh.

Theo giới quan sát, cách hành xử này của chính phủ Ai Cập trong một thảm kịch hàng không không phải là mới, khiến họ nhớ đến vụ chiếc máy bay mang số hiệu 990 của hãng hàng không Egypt Air gặp nạn năm 1999.

Tiền lệ

Ngày 31/10/1999, chiếc máy bay Boeing 767 của hãng Egypt Air đâm xuống vùng biển ngoài khơi đảo Nantucket, bang Massachusetts, Mỹ, khiến toàn bộ 217 người trên phi cơ thiệt mạng. Ban đầu, Tổng thống Ai Cập hồi đó là Hosni Mubarak đã đề nghị phía Mỹ phụ trách cuộc điều tra, vì chiếc máy bay rơi gần lãnh thổ Mỹ, và việc trục vớt xác máy bay dưới biển rất khó khăn, tốn kém.

Những chứng cứ mà các điều tra viên hai nước thu thập được sau đó nhanh chóng chỉ ra rằng cơ phó Gamil al-Batouti đã cố tình lao máy bay xuống biển để tự sát. Đoạn ghi âm buồng lái cho thấy Batouti đã nhiều lần giục cơ trưởng và một cơ phó khác ra khỏi buồng lái. Sau đó, ông ta tắt động cơ, chúc mũi máy bay xuống biển và nhiều lần hô to "Con trông cậy vào Thượng đế".

vi-sao-thong-tin-dieu-tra-vu-may-bay-nga-hon-loan-va-tu-mu-1

Binh sĩ Ai Cập canh gác tại hiện trường máy bay Nga rơi. Ảnh: Telegraph

Chiếc máy bay lao xuống gần ngang với vận tốc âm thanh, và Batouti đã tìm cách ngăn cản nỗ lực vào phút chót của một phi công khác để cứu máy bay. Cuộc điều tra của FBI cho thấy Batouti tìm cách tự tử sau khi bị cáo buộc có các hành vi lệch lạc về tình dục.

Khi những chứng cứ xuất hiện ngày một nhiều hơn, Tổng thống Mubarak lập tức triệu hồi đại diện của Ai Cập trong ủy ban điều tra về nước, và thay thế bằng một nhóm điều tra khác tuân theo sự chỉ đạo của chính phủ.

Theo ông James E. Hall, cựu chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, quyết định này đã khiến cuộc điều tra bị kéo dài và không thể ra được kết quả cuối cùng. Các điều tra viên mới của Ai Cập tìm cách ngăn cản ủy ban đưa ra bất cứ kết luận nào về hành động tự sát của phi công, liên tục vẽ ra các tình huống khác nhau, buộc ủy ban điều tra phải thực hiện các cuộc thực nghiệm lâu dài và tốn kém để bác bỏ.

Báo chí trong nước của Ai Cập thì liên tục đưa ra các giả thuyết về âm mưu của Mỹ, Israel và các nước khác trong vụ máy bay rơi, bởi trên máy bay có nhiều sĩ quan quân đội Ai Cập. Trên mặt báo, phi công Batouti được tung hô là "người tử vì đạo", và cuối cùng, nhà chức trách hàng không Ai Cập tuyên bố máy bay rơi là do trục trặc kỹ thuật, bất chấp sự phản đối của phía Mỹ.

"Cuộc điều tra này đã bị chính trị hóa ngay từ đầu. Các điều tra viên được cử sang Mỹ với nhiệm vụ phải chứng minh rằng Egypt Air không phải chịu trách nhiệm trong thảm kịch. Đó trở thành một nghĩa vụ quốc gi a", nhà báo kỳ cựu Hani Shukrallah của Ai Cập tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với tờ Atlantic của Mỹ năm 2001.

Nỗi lo sợ về kinh tế

"Tôi không cho rằng cuộc điều tra của Ai Cập trong thảm kịch máy bay Nga lần này sẽ minh bạch hơn những gì họ làm trong vụ Egypt Air 990", ông Hall nói với phóng viên NYTimes.

Theo cựu quan chức này, mong muốn giảm thiểu mối đe dọa từ nguy cơ đánh bom khủng bố của các lãnh đạo chính trị Ai Cập sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình điều tra. "Các điều tra viên an toàn hàng không ở Ai Cập đều chịu ảnh hưởng từ chính phủ, và tôi không nghĩ rằng điều đó đã thay đổi", ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ sáu, khi được hỏi liệu chính phủ Ai Cập có muốn giấu khả năng chiếc máy bay Nga bị tấn công khủng bố hay không, nhà báo Shukrallah thốt lên: "Chắc chắn là vậy rồi". "Có một điều mà bất cứ ai hay đến các sân bay Ai Cập đều biết rõ, đó là các biện pháp an ninh không được thực hiện tốt như yêu cầu", ông nói thêm.

Theo bình luận viên David Kirkpatrick, kết luận về một vụ khủng bố trên máy bay sẽ khiến nền kinh tế vốn rất mong manh của Ai Cập sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Sharm el-Sheikh là điểm sáng hiếm hoi về du lịch của Ai Cập trong thời kỳ nước này đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Nguồn thu từ du lịch, đặc biệt là từ Sharm el-Sheikh, là một trong những trụ cột quan trọng trong ngân sách quốc gia của Ai Cập hiện nay.

vi-sao-thong-tin-dieu-tra-vu-may-bay-nga-hon-loan-va-tu-mu-2

Người dân Nga đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch. Ảnh: Wtop

Du khách Anh và Nga là những người đóng góp lớn nhất cho nguồn thu du lịch của Ai Cập, và các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nếu mất đi lượng khách du lịch từ hai nước này, nền kinh tế Ai Cập sẽ chịu tác động rất nặng nề.

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng Ai Cập sẽ không thể giữ bí mật về cuộc điều tra thảm kịch hàng không này quá lâu, vì trong ủy ban điều tra có sự tham gia của các thành viên quốc tế. "Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép Ai Cập hưởng lợi từ sự tù mù", Michael Wahid Hanna, nghiên cứu viên thuộc Quỹ Century ở New York, nói.

"Họ sẽ phải đối mặt với hoàn cảnh khác với trước đây. Nếu họ có thể chứng minh được rằng đây không phải là một vụ đánh bom khủng bố và xóa tan được nỗi lo ngại của phương Tây, đó mới là đỉnh cao của sự chuyên nghiệp và minh bạch thực sự", chuyên gia này nhấn mạnh.

Trí Dũng

Ai Cập chưa công bố bất cứ thông tin chính thức nào về nguyên nhân máy bay Nga gặp nạn sau gần một tuần điều tra, bất chấp sự thúc giục của phương Tây.

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-thong-tin-dieu-tra-vu-may-bay-nga-hon-loan-va-tu-mu-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận