Tác giả: Sabahattin Ali
Thể loại: Tiểu thuyết
Ngày tôi 18 tuổi, một người bạn từ thuở thiếu thời đặt vào tay tôi cuốn sách ố vàng. Trên trang sách đầu tiên, có giọng chữ tròn trịa: Một cuốn sách cũ mà hay cũng đáng quý như một người bạn cũ, Bi nhỉ?
Vốn Thổ Nhĩ Kì là một đất nước xa lạ, Sabahattin Ali lại càng là một cái tên xa lạ với người Việt nói chung. Thế nhưng buổi chiều tôi cặm cụi ngồi đọc xong cuốn “Đức mẹ mặc áo choàng lông”, tôi đã trìu mến nắn nót viết dưới bìa sách những câu thơ tập tễnh:
Trên những trang giấy úa vàng nước thời gian
Tuyết vẫn rơi trên những con đường Thổ Nhĩ Kì khi mùa đông tới…
Và em nói với anh rằng em vẫn đợi…
Thổ Nhĩ Kì trở nên gần gũi. Sabahattin Ali trở nên gần gũi. Chàng thanh niên Raip và cô gái trong chiếc áo choàng lông thì chẳng những gần gũi mà còn đầy ám ảnh!
Raip, anh chàng sinh viên rời bỏ Thổ Nhĩ Kì đến Đức với ước mơ đổi đời của ông bố và sự lạc lõng của bản thân. Nhút nhát, rụt rè, tuổi 24 của anh là những tháng ngày cô đơn. Cho đến khi anh gặp bức tranh ấy, người con gái ấy. Maria – một thánh nữ trong chiếc áo choàng lông…Cô họa sĩ – cô gái kéo vĩ cầm hát ở quán bar – người đã khiến Raip nhận ra: Thật là sung sướng khi cuộc sống của anh đầy những ý nghĩ chân thành tốt đẹp, khi anh biết rằng trên trái đất này, có một người để anh có thể giãi bày tất cả những ý nghĩ từ đáy lòng mình…
Rồi tình yêu đến, lặng lẽ, mặc cho cái quyết tâm ban đầu, nỗi tự ti ban đầu của cô gái rằng hai người không thể yêu nhau. Vì cô không tin tình yêu, và cũng vì cô quá kì vọng ở tình yêu.
Trong thế giới hỗn loạn những đổi thay, tình yêu ấy đến, khiến cho hai con người lạc lõng nhận ra rằng sự tồn tại của mình có ý nghĩa trọng đại với một người nào đó. Cơn bệnh dài dặc của Maria đã khiến cô níu Raip lại và nói rằng, cô sẽ không để anh đi, một buổi mai hay bất cứ ngày nào khác…
Thế nhưng những tháng ngày tình yêu ngắn ngủi, Raip bị triệu hồi về Thổ Nhĩ Kì khi cha anh mất. Cuộc chia tay vội vàng, nhưng hứa hẹn một ngày gặp lại. Để rồi không bao giờ gặp. Để rồi, sau 10 năm oán trách, Raip mới biết được rằng, không phải người thánh nữ đó đã phụ bạc anh. Chỉ là cô đã chết…
Đậm dư vị triết lý, lối viết cũ xưa và đầy hoài niệm “Đức mẹ mặc áo choàng lông” gợi nên những xúc cảm da diết về những tâm hồn cô đơn luôn kiếm tìm, nhưng cũng luôn đánh mất nhau. Đó cũng là những tâm hồn đã không bao giờ mở cửa khi tình yêu ra đi. Chỉ còn lại là những cảm thông, những tin cậy của một tình bạn, tình yêu chân thành đến phút cuối mới hiện lên vẹn nguyên giá trị của nó.
“Đức mẹ mặc áo choàng lông” có lẽ là câu chuyện viết một cách đẹp đẽ và sang trọng nhất về hai chữ: Lặng thầm. Những con người lặng thầm. Những tình yêu lặng thầm. Những hi sinh lặng thầm. Và những nỗi đau lặng thầm đeo bám con người suốt cả cuộc đời.
Trên hết, là một nỗi buồn lặng thầm, miên viễn theo đuổi từ đầu cho đến cuối câu chuyện.
Thời gian qua đi, cũng đúng 10 năm khi tôi có dịp đọc lại cuốn sách này. Thực sự nó cũng không còn quá lung linh như cái thời mới lớn phát cuồng lên vì những cuốn sách hiếm hoi nữa. Cũng có thể vì tôi đã có dịp đọc nhiều cuốn sách kinh điển hơn, nổi tiếng hơn. Những câu chuyện tình éo le và bi kịch hơn…
Thế nhưng, với tôi “Đức mẹ mặc áo choàng lông” vẫn có một vị trí thật đặc biệt.
Cuốn sách ấy gợi lại một thời, thời của chính nó. Xa xôi, xa xưa, cũ trầm và đầy triết lý.
Và đẹp hơn, nó gợi lại một thời, thời của chính tôi. Một thời kì biết yêu, trân trọng và tràn đầy niềm vui khi có trong tay những cuốn sách hay và đẹp.
Và đúng như cô bạn tôi nói, nó cũng đáng quý như một người bạn cũ.
Ấn tượng quá sâu sắc với sự gặp gỡ của Raip và Maria. Sao có thể ngỡ ngàng như thế với lần gặp gỡ của 2 người, cảm phục sự tinh tế và sáng tạo của ngòi bút Sbahattin Ali. Raip đã gặp một con người “thanh nữ” mà ông đã bị cuốn hút, bị say mê, đắm chìm vào đôi mắt và tâm hồn sâu thẳm, thanh tú của nàng , và vô cùng bất ngờ hơn ông ko thể nhận ra , ko thể ngỡ rằng lẽ ra, theo lẽ thường của cuộc sống đã quen nhau từ lâu lắm rồi. Điều gì làm cho ông ko nhận ra nàng khi ngắm bức chân dung ông say mê trong suốt ngày này qua ngày khác và nàng thì đang đứng ngắm bức tranh cùng ông, ông ko ngước nhìn và để ý tới mọi người. Có lẽ ông đã quá say mê khám phá và cảm nhận thế giới nội tâm của Đức mẹ, mà ko thể dành tâm tư để nhân ra nàng trong thế giới thực tại…Mình tự hỏi nếu dựng thành phim thì đạo diễn nào có thể lột tả được sự tinh tế và bất nhờ, kì lạ đó của tác phẩm. Nếu có thì đạo diễn ấy thật …tuyệt. Thật thiên tài!
Và cái thế giới nội tâm của nhân vật mà Sbahattin vẽ ra thật mênh mông. Sự sắc bén của một con người có phải chính là nguyên nhân gây ra cái cô đơn dai dẳng, sâu hút của Raip?
(Trích nhận xét của một số bạn đã đọc)