Tác giả: Anh Khang
Thể loại: Truyện ngắn hay nhất
Một năm sau khi ra mắt “Buồn làm sao buông” (Cuốn sách bán chạy nhất Hội sách TP.HCM lần VIII - 2014), tác giả Anh Khang vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất mang tên Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và... Em. Tựa sách này đã phần nào thể hiện được câu trả lời tiếp nối cho mạch cảm xúc tất yếu của con người – bởi sau khi buông bỏ nỗi buồn cũng sẽ là lúc người ta bắt đầu thấy nhớ và tiếc những gì đã qua.
Vốn được mệnh danh là “nhà văn của những nỗi buồn”, với những tác phẩm đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc về những nỗi niềm trong tâm hồn người trẻ, thế nên Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và... Em có thể coi là một bước chuyển táo bạo của Anh Khang khi anh mang nỗi buồn và tình yêu tuổi trẻ đi… chu du tứ xứ thông qua những trang viết đậm chất du ký. Cuốn sách, vì vậy, sẽ gói gọn cả những điều mới và cũ, của một Anh Khang rất lạ mà cũng rất quen.
Bạn đọc yêu mến sự nhẹ nhàng của thể loại tản văn và tùy bút có thể tìm đến Chương 1 mang tên "Tim mỗi người là quê nhà nhỏ", thích mê những du ký đậm chất bụi đường và đầy những điều mới mẻ có thể đến ngay với Chương 2 - "Ai qua bao chốn xa". Muốn tìm về một Anh Khang nhẹ nhàng với những suy ngẫm về tuổi trẻ, nói hộ tâm tình của những người đã-từng-yêu có thể dừng chân bên Chương 3 - "Thấy vui đâu cho bằng mái nhà". Và khi khép lại cuốn sách, bạn sẽ thấy lòng mình đủ đầy với mọi cung bậc yêu thương, nhớ tiếc cũng như hiểu biết thêm những câu chuyện về nhân sinh, phận người và ngộ ra chân lý muôn đời: "Hóa ra, tất cả chúng ta, có đi nhiều nơi, mê mải đủ chốn thì nơi muốn đến nhất vào cuối đời, vẫn là trong-lòng-nhau".
Anh Khang ví đứa con thứ tư của mình là cuốn sách tựu trung đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc đã từng xuất hiện trong Buồn làm sao buông, Đường hai ngả người thương thành lạ, Ngày trôi về phía cũ. Nhưng bản thân độc giả có thể dễ dàng cảm nhận một Anh Khang rất khác và mới mẻ trong cuốn sách. Bởi Anh Khang đã thực sự làm mới mình. Bỏ qua mọi danh hiệu to tát (Tác giả best-seller, Hội viên Hội nhà văn…), bỏ qua những điều mà "Buồn làm sao buông", "Đường hai ngả người thương thành lạ", "Ngày trôi về phía cũ" đã làm được, bản thân Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và... Em khi đứng độc lập đã có thể làm nên một cú hích dữ dội.
Phần đầu cuốn sách mang tên "Tim mỗi người là quê nhà nhỏ". Đó là tất cả hoài niệm về Sài Gòn xưa, về gia đình, về nơi chốn neo lòng và về những người từng khiến thanh xuân của chúng ta xao động. Đó cũng có thể là tâm sự của bất kỳ đứa con nào cho quê hương đẹp đẽ đang dần thay lớp áo mới. Đó cũng là tất cả kỷ niệm về một tình yêu đầu đời trong lành và rất đỗi hồn nhiên, để đến khi rời xa rồi con người ta mới nhận ra chúng ta yêu một thành phố là bởi vì ở đó có một-ai-đó thân thương nhất của mình. Những dòng cảm thức, những chi tiết miêu tả rất gợi của một Anh Khang rất khác, mà như nhà văn Đoàn Thạch Biền – một cây bút lão làng của nền văn học Việt Nam đương đại - đã ví von: "Đã có nhiều tác giả viết về Sài Gòn nhưng Anh Khang viết cuốn tùy bút - du ký Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và... Em với góc nhìn khác. Nhìn từ bên trong vì đây là chốn quê nhà nơi mình sinh ra và nhìn từ bên ngoài bằng những chuyến đi xa. Để rồi nhận ra: "Đi là để được tái sinh thêm một cuộc đời khác... Và đi, còn là để biết nơi đâu thật sự là chốn mình luôn mong trở về”.
Bạn đọc thân quen của Anh Khang hẳn đều biết, anh đã bỏ rất nhiều thời gian cho những chuyến rong ruổi từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu để tìm cảm hứng viết nên “đứa con tinh thần” thứ tư. Và anh đã thu được những thành quả hoàn toàn xứng đáng cho sự đầu tư nghiêm túc của mình.
Với phần 2 "Ai qua bao chốn xa" - những trang viết du ký về những thành phố, vùng đất Anh Khang đã đi qua, có thể nói là phần hấp dẫn nhất của cuốn sách. Bạn hãy chuẩn bị trên tay chiếc di động, để có thể dễ dàng "Google" những vùng đất, những địa danh, những thức quà mà Anh Khang kể. Bởi chắc chắn chẳng ai có thể cầm lòng được trước những lời văn đầy cuốn hút được viết trải dài từ Cựu lục địa ở trời Âu cho đến các vùng cát nóng ở Trung Đông.
Và tất nhiên không thể thiếu những câu chữ giàu cảm xúc, đậm chất Anh Khang, như lời nhà văn Đoàn Thạch Biền đã tinh ý nhận xét: "Anh Khang đi du lịch một mình và hành trang duy nhất chỉ là Tình yêu. Đến bất cứ thắng cảnh nào, chàng trai này cũng liên tưởng và so sánh với Tình yêu, bởi như Khang đã ví von khi tới ngọn hải đăng ở đảo Santorini (Hy Lạp): “Tình yêu cũng là một thứ hải đăng. Dù đi xa đến đâu trong lòng vẫn dáo dác dõi tìm.”
Phần 3 mang tên "Thấy vui đâu cho bằng mái nhà" là phần khép lại cho nỗi nhớ "Sài Gòn và Em". Anh Khang tự sự: "Bởi lẽ, hạnh phúc của mọi cuộc hành trình rốt cục không nằm ở đoạn đường đã đi, mà chính ở khi quay về. Thấy vẫn có một bóng hình đứng chờ lặng lẽ, những kỷ niệm be bé ban sơ vẫn mỉm cười đón mình trở lại. Rưng rưng nhận ra, những thân thương xưa cũ hình như vẫn chưa một lần bội bạc. Dẫu mình đã khác lắm sau ngần ấy tháng năm."
Có thể thấy, dù đây là một tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành lẫn đột phá rất nhiều về phong cách, đề tài, thể loại… nhưng Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và... Em vẫn không làm mất đi “chất” riêng trong văn phong của Anh Khang – chàng tác giả của những nỗi niềm xưa cũ. Với anh, đi là để yêu hơn những điều đã cũ...
Và đó cũng chính là những gì mà bạn đọc sẽ tự gật gù bảo với chính mình sau khi đọc qua Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và... Em.
Mời các bạn đón đọc!