Truyện: Hồng Nhan Thầm Lặng

Tác giả: Sưu tầm

Thể loại: Truyện ngắn hay nhất

Đám tang người hàng xóm của tôi có lẽ là đám tang lớn nhất từ trước tới giờ của xóm này kể từ khi tôi có thể nhận biết được sự việc xung quanh mình.

 

Rất nhiều xe hơi, rất nhiều đòan khách và rất nhiều hoa. Không biết khi còn sống người hàng xóm của tôi làm gì, tôi chỉ biết đó là một người đàn bà đẹp, tuổi nhỏ hơn má tôi chút ít, độ 60, sống lặng lẽ một mình, ít giao tiếp, hình như không được thiện cảm của cư dân xóm tôi. Nhưng trong đám tang bà có cả những vị chức sắc của địa phương, có cả những lãnh đạo của thành phố và đặc biệt có một đòan khách tòan mặc quân phục, đeo huân chương trên ngực đến viếng bà, trong đó có nhiều người phụ nữ luống tuổi và gương mặt họ rất đẹp… Lạ nhất là có một người đàn ông Mỹ lớn tuổi đứng lặng bên linh cữu bà .

Cạnh di ảnh của bà là một tấm bảng nhung nhỏ đính một ngôi sao vàng trên nền quốc huy và gắn đầy cuống huy chương, huân chương. Và lần đầu tiên tôi biết tên của bà: Sương Mai.

Má tôi cũng lạ, bà túc trực ngày đêm bên đám tang. Lạ hơn, khi đòan người tới viếng tòan các bà có gương mặt đẹp, má tôi ra đón trong một trạng thái hồ hởi, không có vẻ gì thích hợp với không khí tang lễ. Má và họ ôm nhau, như chị em thân thiết, líu ríu những gì không rõ, hình như mắt ai cũng ngấn ướt.

Người đàn bà có tên Sương Mai, sát vách nhà tôi, tôi gọi dì Út, sống khép kín đến khó hiểu. Hàng xóm không mấy ưa bà vì bà gần như không giao tiếp với ai. Gương mặt đẹp, nhưng u buồn cứ làm cho người đối diện cảm thấy nặng nề. Khi tôi lớn lên, có vài lần nghe xì xào bà là "Me Mỹ” hồi chưa giải phóng. Tôi về nói má nghe, bị má giận, rầy một trận te tua, má không nói gì cho tôi hiểu hơn ngòai một câu: "Đó là một người con phải kính trọng và biết ơn vì chính sự hy sinh thầm lặng”.

Và rồi những mẩu chuyện rời rạc của mọi người tới viếng dù không rõ ràng nhưng đủ để tôi chắp vá thành chân dung một cuộc đời thầm lặng của người nữ anh hùng:

1.

Một người đàn bà không phải ở xóm tôi, ngồi xuống bàn nước cùng mấy người khách. Bà hướng về di ảnh của người đã khuất, nói như hối lỗi:

-Hồi đó tui đâu có dè cổ là người của cách mạng. Thấy cổ đi với Mỹ mà ghét, đuổi cổ không cho trọ nhà tui. Giải phóng, cổ về cùng với mấy ông Quân quản tới nhà thăm hỏi, rồi sau đó lo dùm cho sắp nhỏ nhà tui ăn học, công việc đàng hòang….

Một người hàng xóm của tôi phân trần:

-Cổ về đây ở hơn 30 năm mà tụi tui đâu có biết cổ làm gì. Nhìn cổ trẻ, đẹp, cũng có vài người đàn ông tới lui nhưng rồi sau không thấy ai. Thấy sáng đi làm, chiều về nhà, lui cui nấu ăn, dọn dẹp. Lâu lâu thấy có xe hơi đưa đón. Cổ hơi kỳ lạ, bí ẩn, không tiếp xúc với ai. Tụi tui ở đây không ai ghét cổ, nhưng không thích tính khí lành lạnh của cổ. Cũng có nghe xầm xì vài người nói, ngày trước cổ là gái bán bar, rồi lấy chồng Mỹ. Mấy người xóm tui hơi ác ý thì nói chắc vậy nên giờ không lấy được chồng. Thiệt tụi tui bậy quá.

Má tôi đang ngồi với những người đàn bà đẹp. Họ ngồi cũng lạ, tất cả hướng mặt về di ảnh dì Út Sương Mai.

Má tôi:

-Tội nghiệp nhỏ Út, nó nhỏ nhất, đẹp nhất trong đám chị em mình, vậy mà ra đi sớm nhất.

Giọng một bà:

-Nghĩ thương nhỏ Út quá, thiệt thòi nhất, chẳng có được một ngày sống cho riêng mình…

Một giọng khác:

-Tánh nó thế… Nhớ lại …. Mới đó đã hơn 30 năm… Lúc đó tụi mình chỉ mới ngòai 20 tuổi… Không ai tiếc tuổi xuân… Chỉ nghĩ tới cái ngày hòa bình mà quên hết…

Như một sự khơi nguồn, má tôi, mấy người đàn bà đẹp hồi nhớ lại những chuyện xưa về người đã khuất.

2.

Hộp đêm "Đêm màu hồng” nằm trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), nổi tiếng trong giới ăn chơi Sài Gòn những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Vào một ngày như bao nhiêu ngày bình thường khác của năm 1968 đầy lọan lạc chiến tranh và bóng áo lính Mỹ, lính Sài Gòn đặc ngòai đường phố, ông chủ của hộp đêm được thông báo có một cô gái trẻ cần gặp. Trong hôp đêm của ông có tiếng nhiều gái đẹp nhất Sài Gòn nhưng khi đối diện với cô gái trẻ này thì tất cả nhan sắc khác như bị lu mờ, ông đã sững sờ trong giây lát khi cô gái bước vào phòng làm việc của ông bởi vẻ đẹp vừa mong manh, thanh khiết như thiên sứ vừa kiêu sa lộng lẫy như một đại tiểu thư quyền quý qua ánh mắt, đôi môi, thân hình, bộ áo dài hồng nhạt và cả cung cách tự tin không một chút bối rối của cô gái.

-Thưa ông, em là Sương Mai, người nhà của ông Hai. Ông Hai gửi ông lá thư, mong được ông tiếp nhận em vào làm việc ở đây.

Ông Hai là một nghị sĩ trong Hạ Nghị viện Sài Gòn, là người bà con được kính nể của chủ hộp đêm. Không cần hỏi gì, chủ hộp đêm nhận ngay cô gái với đặc ân, ban ngày đi học, tối mới làm việc tại quầy bar, nếu thích cô có thể ra ngồi với khách, không bắt buộc như các cô gái khác làm trong hộp đêm.

Sương Mai với vẻ đẹp lạ, khả năng giao tiếp, đặc biệt là với các vị khách ngọai quốc đã mau chóng chiếm được sự tin tưởng của chủ và sự nể phục của các cô bạn cùng làm trong hộp đêm. Không lâu sau cô như một thỏi nam châm hút khách đến "Đêm màu hồng” mà trong số đó có nhiều khách là các sĩ quan, cố vấn Mỹ làm việc ở các cơ quan của Mỹ ở Sài Gòn.

3.

Trong một căn lán lợp lá dừa nước, bốn bề cũng thưng bằng lá dừa kín đáo dưới tán rừng miền Đông, cuộc gặp gỡ có ba người và cùng che mặt, chỉ chừa 2 đôi mắt, gồm hai người nữ trẻ qua dáng người, và một người nam mà qua giọng nói đã luống tuổi. Cuộc họp đang vào những phút cuối. Người nam lên tiếng:

-Đã tới lúc có thể phát triển mối quan hệ và tiếp cận sâu, chuẩn bị cho bước tiếp theo. Chiến trường đang cần những thông tin chính xác để đánh giá tình hình, để có được những phương án tác chiến cũng như xây dựng kế họach chiến lược trong giai đọan mới.

Một người nữ, giọng nói băn khoăn:

-Nhưng như thế phải xây dựng mối quan hệ sâu đậm với hắn mới mong có thể hòan thành bước tiếp theo. Người của ta còn trẻ. Liệu có quá thiệt thòi?

Người nữ kia, có lẽ rất trẻ qua giọng nói, nhưng cũng không dấu được sự dứt khóat, kiên định:

-Nếu để hòan thành nhiệm vụ, sẽ chấp nhận tất cả tình huống xấu nhất. Đừng lo gì cho tôi. Hãy chuẩn bị tốt đường dây.

Người nam dặn dò:

-Vậy ta sẽ triển khai theo đúng kế họach. Nên nhớ mọi người phải hỗ trợ nhau không được để xảy ra điều gì. Luôn cẩn trọng và cảnh giác giữ an tòan tuyệt đối. Chúc thành công.

Con hẻm nhỏ lâu nay không ngớt xì xào về chuyện cô gái trọ học tên Sương Mai đẹp như tiên, nghe nói học rất giỏi, nhưng lại đi làm ở hộp đêm, bữa nào cũng gần sáng mới về. Rồi sau lại dẫn một người Mỹ tới nhà trọ, và không ít lần thấy cô bước ra từ xe của người Mỹ này vào đêm khuya… Sau lưng cô đã có đôi ba lời ác ý: "Me Mỹ”, "Cave”... Cô càng ăn diện hơn, càng hay lên xe với người Mỹ đi chơi có khi đôi ba ngày mới về nhà trọ. Có lẽ chịu hết nổi những lời dèm pha của hàng xóm trong con hẻm về người ở trọ, và có lẽ thấy cũng chướng mắt với sự hư hỏng của cô học trò ngày càng ăn diện và cặp kè với người Mỹ một cách công khai, không muốn làm gương xấu cho lũ trẻ trong xóm, chủ nhà trọ bắt cô dọn đi.

4.

Người đàn ông Mỹ là tâm điểm cho tôi chú ý. Lúc tới, ông ta gần như đứng sững trước di ảnh dì Út, mắt rưng rưng, miệng nói gì đó có vẻ rất tha thiết nhưng cũng đầy đau đớn trước di ảnh. Một người cùng đi, chắc là của bên Sở Ngọai vụ thấy ông đứng quá lâu, tới dìu ông ra bên ngòai. Tôi đã nghe lỏm được câu chuyện của ông.

…Trong số khách tới Đêm màu hồng có một viên cố vấn Mỹ làm việc ở DAO - Cơ quan Viện trợ Quân sự Mỹ ở Sài Gòn, tên John. John thường tới đây vài lần trong tuần, nhưng từ hôm có Sương Mai trong quầy bar, như bị hút hồn bởi vẻ đẹp và giọng nói của cô, gần như các tối trong tuần, John đều có mặt, không mời bất kỳ cô gái nào ngồi cùng, không khiêu vũ, chỉ kêu mấy ly rượu, vừa uống vừa trầm ngâm cho đến gần nửa đêm mới ra về. Thấy Jonh có vẻ thật tình không như các khách Mỹ vào hộp đêm uống rượu, tìm gái giải trí, vui chơi nhất thời, ông chủ hộp đêm trong một buổi vắng khách đã thử ướm lời với Sương Mai, ông cũng tỏ ý nếu cô không muốn thì thôi, ông tôn trọng nguyên tắc của cô. Không ngờ Sương Mai thuận lời, hứa sẽ tiếp chuyện John.

Trong mắt mọi người, Sương Mai - John là cặp tình nhân Vi t - Mỹ đẹp nhất của Đêm màu hồng. Không ai tỏ ra ghen với Sương Mai, mà ngược lại quí mến cô hơn. Ông chủ hài lòng vì John nhiều lần mời bạn bè đồng nghiệp của mình và cả mấy người bạn sĩ quan thân thiết cả người Mỹ lẫn Việt tới hộp đêm vui chơi, sau họ thành khách thường xuyên. Các cô gái ở hộp đêm có thêm nhiều "mối” không phải tranh giành, chia phần và ganh tị nhau.

Không lâu sau, Sương Mai chính thức vào làm thư ký văn phòng của DAO, do chính John bảo lãnh vì là "vị hôn thê” của John. Trước đó cô muốn "đền bù” cho Đêm màu hồng nên giới thiệu mấy cô bạn cũng sắc nước hương trời tới làm, vừa đẹp lòng ông chủ, vừa có chỗ đi lại thăm viếng chị em bạn bè khi rảnh rỗi.

Xinh đẹp, duyên dáng và nhất là rất giỏi tiếng Anh, Sương Mai không mấy khó khăn khi làm quen công việc , lại là "hôn thê” của John nên được lòng sếp của văn phòng DAO. Vài tháng sau, cô đã được giao làm một số công việc quan trọng. Cũng là lúc mà tình cảm của John với cô không dừng ở "vị hôn thê” như bấy lâu, cho dù cô đã dọn về sống chung với John kể từ ngày rời khu nhà trọ trong hẻm nhỏ. Một đám cưới Việt - Mỹ tưng bừng, sang trọng, cô dâu Sương Mai đẹp lộng lẫy bên chú rể John quý phái, cùng tươi cười với mọi người…

Một người đàn bà đẹp:

…Và cũng từ thời điểm đó, trong căn cứ luôn nhận đươc những tài liệu tuyệt mật của Mỹ về các kế họach liên quan đến quân đội Mỹ ở Việt Nam, từ các cuộc hành quân, cách chiến dịch lớn nhỏ, di chuyển thay đổi phiên hiệu, quân số, các trang thiết bị phương tiện quân sự…

John kể:

…Vài bức điện mật của cơ quan CIA được gửi tới người đứng đầu văn phòng DAO - Sài Gòn, đề nghị kiểm tra nội bộ, vì không hiểu sao các kế họach tác chiến của Mỹ gần như bị đối phương biết trước, nên không thu được kết quả gì, chưa nói đến chuyện thất bại, thương vong. Những người Việt Nam làm ở DAO là đối tượng tình nghi đầu tiên, không lọai trừ cả Sương Mai, dù cô đã là phu nhân của viên cố vấn John. Một cái lưới bí mật được giăng ra để tìm ra kẻ "nằm vùng” của Việt Cộng. Mỗi người đều được thử trước tiên bằng phương tiện hiện đại mới nhất được trực tiếp gửi từ Mỹ sang - Máy phát hiện nói dối. Nhưng máy không phát hiện được gì.

John đã dùng ảnh hưởng của mình bảo lãnh để cho cô không tham gia "trò chơi” nguy hiểm của An ninh Mỹ, nhưng có lẽ lý tưởng quốc gia, danh dự nước Mỹ lớn hơn tình cảm đã làm cho John phải chấp hành quân lệnh, để vợ mình phải chịu thử thách, thật sự John luôn tin vào Sương Mai, không bao giờ nghĩ cô là tình báo Việt Cộng…

Cô ấy xinh đẹp, thông minh và không thể… Có lẽ thế mà người Mỹ chúng tôi đã thua ở Việt Nam.

Má tôi:

-Một hôm, Sương Mai được lệnh dịch xấp tài liệu của một chỉ huy tham mưu Việt Cộng mới bị bắt và chiêu hồi. Cầm xấp tài liệu trên tay, lướt qua, cô thấy những phiên hiệu đơn vị Quân giải phóng, những phương án tác chiến và kế họach hành quân, vũ khí trang bị cá nhân và các đơn vị phối hợp… Thầm nghĩ, những thông tin này mà lọt vào tay Mỹ thì không biết bao nhiêu hy sinh của đồng đội tính được… Làm sao mà thông báo cho trên biết… Nhưng có phải là cái bẫy không? Sương Mai đọc thật kỹ tài liệu, cô phát hiện ra một chi tiết, đó chính là phiên hiệu số hòm thư của đơn vị. Trước khi "vào thành”, cô đã được các cấp chỉ huy giảng giải kỹ về những ký hiệu, mã số… quân sự, trong đó có nói qua về số hòm thư của các đơn vị Chủ lực theo một trình tự và sắp xếp đặc biệt, chỉ bên quân bưu mới nắm chính xác thuộc đơn vị nào để bảo mật. Sương Mai, do đã được tìm hiểu nên cô nhanh chóng phát hiện sự khác biệt này. Cô nhận ngay ra đây là một cái bẫy. Và rồi nửa ngày sau, cô mang trả lại tài liệu với bản dịch chi tiết được đánh máy cẩn thận. Ở một căn phòng nhỏ vào thời gian đó, mấy viên an ninh Mỹ châu đầu xem màn hình, họ tỏ ý yên tâm.

… John kể như đang quay chậm cuồn phim hồi ức.

… Viên sếp văn phòng DAO gọi cô lên, giao cho một cặp tài liệu, trong đó là các kế họach cung cấp quân trang, quân dụng, vũ khí và những thiết bị quân sự khác, các chiến thuật đối phó với Chủ lực Quân giải phóng - Việt Cộng ở vùng chiến sự giao cho Tư lệnh Vùng quân đội Sài Gòn.Cùng đi có một viên chỉ huy người Mỹ, tháp tùng theo là một trung đội quân cảnh Mỹ để bảo vệ. Cuộc hành quân tưởng như khá trôi chảy, không gặp bất trắc gì suốt dọc đường. Sương Mai không lúc nào rời vị trí quy định và chiếc cặp tài liệu luôn được bảo vệ cẩn mật. Ngày cuối cùng, khi có thể kết thúc chuyến đi, quay về Sài Gòn, ở đọan đường một bên núi, một bên là vực sâu, thì cả đội hình bị lọt vào tổ phục kích của du kích Việt Cộng. Chiếc xe đầu và xe cuối bị trúng mìn nổ tung, cháy bùng như ngọn đuốc làm các xe không thể tiến - lùi hay tản ra, lính nhảy ra khỏi xe cuống cuồng để tránh bị trúng mìn tiếp theo, thì lại gặp phải một lưới đạn bắn như nan quạt không biết tránh vào đâu, chỉ biết chúi đầu xuống di chuyển sát chân núi nấp sau mô đá. Chiếc xe của Sương Mai bị đạn bắn vào bánh xe, cô lúng túng chưa kịp nhảy xuống thì thấy mấy bóng người tràn tới, một tiếng nổ lớn, trước mặt cô tối sầm, chiếc cặp cô ôm trên tay bắn tung đi đâu.

Không biết là bao lâu sau cô tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong một căn phòng rộng, mát, sạch sẽ, thoang thỏang hương thơm… Vài phút sau, sếp văn phòng DAO, theo sau là John bước vào.

John không dấu vẻ mừng rỡ:

-Ơn Chúa, em đã tỉnh, khi nghe tin dữ, anh đứng ngồi không yên, đòi ra ngay nơi em gặp nạn. Em đã mê man hết 2 ngày hơn. May mà em chỉ bị hôn mê do chóang sức ép của mìn, không bị thương ở đâu, nhưng bác sĩ bắt phải nằm thêm để theo dõi sức khỏe.

Sương Mai lo lắng đưa mắt nhìn sếp, yếu ớt:

-Những người kia thế nào rồi? Cặp tài liệu đâu?

-Ồ, cô đừng lo. Rất may, khi đơn vị ứng cứu ra tới nơi thì đối phương chỉ bắn cầm chừng chút ít, rồi rút hết do không chống cự nổi hỏa lực c ủa ta. Ta có bị thương vong mấy người, nhưng không ai bị bắt đi. Chiếc cặp tài liệu ngày hôm sau được tìm thấy ở sát mép vực, còn nguyên vẹn không suy xuyển gì.

5.

- Chị ơi, em không muốn giữ?

- Em nghĩ kỹ chưa? Đây là lần thứ 3 rồi, em mà tiếp tục thì sau này khó làm mẹ được.

- Nhưng em không thể có một đứa con lai. Em còn nhiệm vụ…

Chị lại thêm một lần xót xa cho Sương Mai, nhìn gương mặt đẹp như tạc bằng cẩm thạch của cô nằm thiêm thiếp trên giường, tim chị như bị vò xé. Không riêng Sương Mai, trong lưới chị phụ trách tòan những người con gái trẻ, đẹp, thông minh, giỏi giang. Họ đã vì sự nghiệp chung của Tổ quốc giao phó mà hy sinh sự trong trắng thiêng liêng của người con gái, hy sinh hạnh phúc được yêu và yêu và làm mẹ, chấp nhận sự ghẻ lạnh khinh bỉ của mọi người xung quanh…

Không biết bao đêm khi John buông Sương Mai trong sự thỏa mãn và ngủ vùi, thì cô mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà, nuốt tiếng thở dài vào sâu trong ngực đến buốt nhói khi nghe con thạch sùng tắc lưỡi. Cô không hề hối hận với những gì mình đã quyết định. Khi đã xác định "lên rừng” theo nghiệp cha, một cán bộ quân đội đang chỉ huy ngòai mặt trận trực tiếp chiến đấu chống quân thù, trả thù cho má và những người dân vô tội bị bom Mỹ giết hại, cô đã tự thề với chính mình, sẽ nhận bất cứ nhiệm vụ gì được giao, cho dù phải hy sinh tính mạng. Tính mạng không tiếc, tiếc gì những thứ khác. Vì sự nghiệp chung của cách mạng, vì ngày chiến thắng, cô quên bản thân mình… Nhưng có một vài khỏanh khắc, cô ý thức mình là một cô gái đẹp, đã từng có nhiều ước mơ về một tình yêu trong sáng, thơ mộng, một gia đình hạnh phúc có những đứa con trai, con gái xinh đẹp ngoan hiền thông minh… Bên cạnh cô bây giờ là kẻ thù, cho dù John chưa hề trực tiếp bắn giết ai, nhưng cô phải ôm ấp, phải âu yếm, phải tạo dựng một không khí gia đình luôn ngây ngất trong hạnh phúc của mật ngọt tình yêu… Niềm an ủi duy nhất mà cô luôn tự động viên mình, đó là nhiệm vụ mà cô được giao luôn hòan thành, nhờ đó mà ở chiến trường, những đồng đội của cô trong đó có cha cô cũng đỡ phải đổ máu hy sinh.

Cô nhớ lại những ngày đi học, tham gia phong trào sinh viên, cô đã từng xao xuyến trước ánh mắt của nhóm trưởng, một sinh viên trường Đại học Khoa học. Họ không nói gì với nhau ngòai trao đổi công tác, giao nhiệm vụ, nhưng ẩn chứa trong mỗi cái nhìn, mỗi lời nói là tình yêu thầm lặng, và họ biết nén lại… Ngày cô "lên rừng” nhận nhiệm vụ mới, cô đã phá nguyên tắc hẹn gặp anh, cô không nói gì nhưng hình như anh hiểu, anh chỉ nắm tay cô, bàn tay thật ấm, hơi ấm bàn tay anh như tiếp sức cho cô cả đọan đường dài sau này… Bây giờ anh ở đâu, làm gì cô không biết vì sau đó cô nghe nói anh cũng "lên rừng” nhận nhiệm vụ khác.. ..

6.

Sau cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 cùng các lọai máy bay chiến thuật hiện đại nhất của Mỹ vào các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam tháng 12.1972 của Mỹ bị thảm bại, cả nước Mỹ bàng hòang… Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ phải chấp nhận rút quân về nước. Nhưng không phải là chiến tranh chấm dứt. Mỹ chưa từ bỏ tham vọng và chuẩn bị xây dựng một chiến lược mới cho chính quyền và quân đội Sài Gòn khi không có Mỹ ở Việt Nam. Ngòai ra còn một số kế họach của Mỹ ở Đông Dương, đặc biệt là Lào, Cămpuchia, hai quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đối với cuộc chiến ở Việt Nam. Văn phòng DAO, hơn lúc nào hết có vai trò rất quan trọng, chỉ sau có Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Và nhiệm vụ của Sương Mai là làm sao lấy được tài liệu kế họach của Mỹ đối với Chính phủ Sài Gòn sau Hiệp định Paris, kể cả kế họach hậu chiến ở Việt Nam. Theo như trên cho biết, tài liệu này đã được Văn phòng Tổng thống Mỹ chuyển sang cho Đại sứ Mỹ và Chỉ huy Văn phòng DAO ở Sài Gòn.

Má kể:

…John được lệnh về Mỹ, và muốn Sương Mai theo cùng. Sương Mai, cho dù lý trí vẫn luôn mách bảo, đây là cuộc hôn nhân vì nhiệm vụ, nhưng suốt mấy năm sống chung, John chưa một lần nào nặng lời với cô, chiều chuộng cô hết mực. Chưa kể chính nhờ John mà nhiều lần cô đã có được những tài liệu, thông tin quan trọng, mà điều không thể thừa nhận, cuộc hôn nhân với John là vỏ bọc vững chắc để cô hòan thành nhiệm vụ. Nói không có tình cũng không đúng, nhưng sao cô cứ chông chênh. Cấp trên nói sẵn sàng để cô đi, vì cuộc chiến của Mỹ với Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, John về Mỹ nhưng làm việc ở Bộ Quốc phòng, cô có thể là kế họach hậu chiến của ta, nhưng cấp trên cũng sẽ không ý kiến gì nếu cô ở lại, tất cả là do cô quyết định. Điều quan trọng nhất là trước khi John về Mỹ, cô bằng mọi cách lấy được tập tài liệu mà trên đã chỉ thị.

Giọng của John:

… Văn phòng mở tiệc chia tay một số quân nhân làm việc ở DAO về Mỹ đợt đầu, trước đó có một cuộc họp kín chỉ có các sếp cấp phòng là người Mỹ tham dự, trong đó có John. Sương Mai là người Việt Nam duy nhất được biết nội dung cuộc họp, vì ở văn phòng DAO cô được xem là người Mỹ.

Một người đàn bà đẹp:

… Sương Mai run người khi cầm tập hồ sơ, nó chính là tài liệu mà cấp trên giao nhiệm vụ cho cô phải lấy bằng được. Làm cách nào để có một bản chụp, trong khi bên cô luôn có hai viên an ninh Mỹ giám sát, hơn nữa số bản sao được kiểm sóat chặt chẽ, in hư thì phải bỏ ngay trang đó vào máy cắt giấy và hủy bằng nhiệt thành tro. Cô vừa làm vừa nghĩ ra nhiều phương án để lấy được số tài liệu này. Và chỉ có John mới giúp cô hòan thành nhiệm vụ. Cuộc họp chấm dứt, mọi người chỉ kịp cất tạm tài liệu trong phòng làm việc của mình, khóa cửa ra nhập tiệc ngay, không tuân thủ quy tắc bảo mật tài liệu là phải bỏ vào tủ có khóa mã bảo vệ và chip điện tử báo trộm. Có lẽ tiệc tại văn phòng, mà người dự tiệc là người của DAO, chỉ có vài khách mời là quan chức cao cấp của Chính quyền Sài Gòn, mà họ phá quy tắc mất cảnh giác. Sương Mai cũng biết điều đó, và đó là cơ hội của cô.

Sương Mai tươi cười bên John đi vòng quanh phòng cụng ly với bạn bè, khách khứa, bất chợt cô lọang chọang, ly rượu nghiêng suýt đổ vào người John, kịp đỡ cô, nhìn sắc mặt tái mét của Sương Mai, John không chậm trễ, vội dìu cô vào phòng mình nghỉ tạm. Sương Mai muốn cho John yên lòng, ra dấu cô không sao, nghỉ mệt tí là có thể khỏe lại, John cứ ra ngòai với bạn bè. John là người chồng tận tâm và thương yêu Sương Mai hết mực, có lẽ lo lắng sức khỏe vợ mình, ra ngòai dự tiệc một chút thì John quay lại phòng, tỏ ý muốn đưa cô về nhà nghỉ. Sương Mai lúc này cũng muốn mau chóng rời khỏi văn phòng DAO, để có thể chuyển nhanh tài liệu ra ngòai cứ. Trước khi ra khỏi phòng, cô không quên nhắc John bỏ tài liệu vào tủ bảo mật cất. Nhìn John, trong cô chợt trào lên một tình cảm khó gọi tên, cô thương John.

John bồi hồi xúc động:

… Cho tới ngày cuối cùng tôi vẫn nghĩ Sương Mai sẽ theo tôi về Mỹ. Cô đi mua sắm nhiều vật lưu niệm của Việt Nam, may thêm mấy chiếc áo dài… Ngày hôm sau là ngày cả hai rời Việt Nam. Sương Mai ngỏ ý được đi cùng John ra vùng ven Sài Gòn lần cuối, nơi cô có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu trong một cô nhi viện. John chiều cô, nhưng không quên mang theo một tiểu đội quân cảnh Mỹ cùng đi để bảo đảm an tòan, vì nơi vùng ven đó là vùng cài răng lược, đang giao tranh giữa quân đội Sài Gòn và Việt Cộng sau Hiệp định Paris.

Một ngày lãng mạn và bình yên. Chiều muộn, sương đã giăng mờ mờ, khu rừng cây ban trưa thật yên tĩnh và thơ mộng thì bây giờ như chứa đầy sư đe dọa bí ẩn. John đề nghị quay về Sài Gòn, không ở lại thêm tránh bất trắc. Nhưng xe chưa ra khỏi khu rừng để ra lộ thì như một dàn pháo bông chói lòa trước mặt, tiếp theo là tiếng nổ ầm, chiếc xe quân cảnh bảo vệ đi sau bị hất tung lên cùng với nhiều tiếng la hét, chiếc xe của John cũng bị bật tung cửa, Sương Mai bị bắn ra ngòai, John không kịp dừng lại cứ thế lao xe đi như bản năng, trong khi tiếng súng bắn theo rất sát… Đến khi chợt cảm thấy không còn tiếng súng thì John cũng ra tới ngòai đường lộ. Không chậm trễ, John chạy thẳng tới ngay đơn vị đồn trú của Sài Gòn, yêu cầu chi viện quân vào lại khu rừng để tìm Sương Mai, nhưng bọn lính Sài Gòn không chịu đi, với lý do vào đó là nộp mạng cho Việt Cộng, vì giờ này là giờ của họ. John chỉ còn biết kêu Trời, bất lực. Trong lòng rối bời đau đớn lo cho số phận của Sương Mai. John không thể ngờ lại mất cô vào đúng lúc này…

-Vâng! Đó là thời khắc đau đớn nhất của tôi. Không còn thời gian để tìm kiếm, tôi chỉ kịp báo cấp trên là Sương Mai đã bị du kích Việt Cộng bắt hay giết… Khi về tới Mỹ, cùng cấp chỉ huy kiểm tra, rà sóat lại tòan bộ họat động của DAO ở Sài Gòn thời gian qua, tôi cứ lờ mờ một cảm giác, hình như Sương Mai có điều gì rất khó hiểu, kỳ lạ. Cô không giống bất kỳ người đàn bà Việt lấy chồng Mỹ, không ăn diện, không tiệc tùng, luôn trách nhiệm công việc và rất ý thức về thời gian. Phần khác, khi cấp trên báo tài liệu "hậu Hiệp định Paris” đã bị Việt Công nắm. Kiểm tra nguồn, tôi biết đó là tập tài liệu xuất phát từ tôi, cho dù không có mã số, nó đã bị che, vì khi đọc tôi đã để một dấu "chấm” vào trang cuối. Tôi chợt hiểu tất cả…

Tiếng của má:

… Sương Mai chỉ có thể làm được một điều duy nhất cho John, như một lời thầm cảm ơn những gì John đã vô tình giúp cô hòan thành nhiệm vụ, là không để John bị liên lụy, một khi tài liệu được gửi đi. Cô đã làm một thao tác nhỏ, che hết ký hiệu đánh dấu trên tài liệu trước khi chụp lại - mỗi một bộ tài liệu đưa cho ai đều có một ký hiệu riêng, mà ký hiệu đó chỉ cô và viên chỉ huy DAO được biết, đó cũng là một hình thức bảo mật, nếu tài liệu lọt ra ngòai sẽ truy được ai là người đã làm lộ.

7.

Sương Mai không còn phải che mặt bảo mật, cô được trên tuyên dương khen thưởng, mọi người làm một tiệc nhỏ trong Khu bộ để mừng cô bình yên trở về, rồi cô được phân công tác ở bộ phận dịch thuật tài liệu của địch mà ta thu được sau các cuộc giao tranh. Tuy không có ai nói gì, và các cấp trên luôn dành cho cô những ưu ái, lời khen hòan thành nhiệm vụ, nhưng cô vẫn đọc được đâu đó trong ánh mắt mọi người nhìn cô không được tự nhiên, họ hay tránh nói chuyện với cô, nếu cô có chủ động bắt chuyện thì họ nói dăm ba câu là kiếm cớ đi làm công chuyện. Những người đàn ông thì nhìn cô e ngại, đàn bà thì hay xì xào sau lưng cô. Cô nghe lóang thóang họ nói với nhau về việc cô từng là "gái bán bar”, lấy chồng Mỹ…

Tháng 4.1975, khi những tin tức chiến sự với những chiến thắng của ta khắp các mặt trận dồn dập bay về Khu bộ, thì cũng là lúc cô nhận được tin ngừơi cha của mình hy sinh khi đang chỉ huy đánh chiếm Buôn Mê Thuột, trận đầu mở màn chiến dịch "Hồ Chí Minh” lịch sử. Cô chưa kịp gặp lại người cha mà cô chỉ còn nhớ trong trí nhớ của đứa trẻ lên 6 tuổi, ba tập kết ra Miền Bắc, rồi ba quay lại chiến trường… Cha con chỉ được biết tin nhau qua những lời nhắn từ giao liên, mà cũng rất hiếm, vì nguyên tắc bảo mật công tác của cô và đường dây.

Nhóm trưởng của cô bây giờ vẫn trong thành, chị ấy đang lo những việc chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn. Lúc này công việc dịch thuật tài liệu địch không còn nhiều, chủ yếu là những bức điện và một số bài báo của các hãng truyền thông nước ngòai, công việc đó chỉ cần làm chút ít thời gian, cô rảnh nhiều, không biết làm gì ngòai việc giúp chị nuôi nấu cơm. Cô muốn trở về Thành công tác nhưng cấp trên không đồng ý. Có một điều gì đó cô cảm nhận được nhưng không rõ ràng, cấp trên hình như không muốn giao nhiệm vụ gì cho cô. Không biết có phải vì cô đã có một cuộc sống khác trước khi vào đây, hay cô có điều gì đó để khiến họ không còn tin tưởng cô. Cô nhớ lại, khi cuộc "đánh tháo” để cho cô thóat khỏi John và "biến mất”, trước đó cô đã phản đối ý định là bắn chết John. An tòan vào cứ, cô đã mất mấy ngày để báo cáo tòan bộ quá trình họat động, nhưng có một điều cô không nói là tình cảm của cô sau mấy năm chung sống với John, cô không thể nói là cô đã yêu anh ta, cho dù ban đầu là cuộc hôn nhân vì nhiệm vụ. Có lẽ việc cô phản đối giết John đã làm cho cấp trên không tin cô như trước…

Sài Gòn giải phóng, niềm vui trong mơ ngàn đời… Đơn vị chuyển quân về Sài Gòn. Cô lại được giao nhiệm vụ dịch các tài liệu địch để lại không kịp hủy trước khi rút chạy. Công việc đã làm cho cô quên đi tất cả, nhưng lại làm cô thấy buồn hơn mỗi khi ngày chấm dứt. Cô không có bạn, sống lặng lẽ trong một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu. Những người bạn gái làm ở hộp đêm trước đây phần lớn đã di tản hay trôi dạt về đâu cô không gặp, mà có gặp thì họ lại mang một mặc cảm, dẫu gì cô bây giờ là người của cách mạng, thuộc "tầng lớp” khác. Những đồng nghiệp trong đơn vị thì họ luôn giữ khỏang cách với cô. Cô gặp lại nhóm trưởng của mình. Chỉ có chị mới có thể hiểu những gì cô đang phải thầm lặng nuốt vào trong.

8.

Ngày ấy Sương Mai chưa đầy 30 tuổi, còn rất trẻ, cô lại đẹp, thông minh, giỏi, nhiều năng lực, những tài liệu do cô dịch đều được cấp trên đánh giá cao về sự chính xác tuyệt đối. Cô làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, và cô được nhiều người yêu quý, nể trọng. Có nhiều người đến với cô, nhưng sau một thời gian thì họ lần lượt ra đi. Giật mình quay đi quay lại, cô đã bước vào tuổi 40, 50, rồi 60, và cô cũng ngày càng sống thầm lặng hơn, chấp nhận sự cô đơn. Cô cứ ở mãi, ở mãi, một mình, không làm phiền ai, mà cũng ít giao tiếp với ai trong xóm, riêng mỗi má con tôi là thân thiện với cô.

Má thường xuyên sang nhà dì mỗi khi rảnh, có khi mời dì qua nhà, tổ chức nấu nướng ăn uống vui vẻ. Những lúc đó dì hay cười, còn má tôi nhìn dì ánh mắt cũng lấp lánh…

Má nói: "Ngày trước để hòan thành nhiệm vụ cách mạng, dì đã phải phá thai mấy lần. Lúc đó chiến tranh, điều kiện y tế không tốt, di chứng để lại sau này dì không thể làm mẹ. Tệ hơn, dì còn mắc bệnh ung thư, giai đọan cuối, không qua khỏi”.

-Sao trước tới giờ má không kể con nghe về dì?

-Con gái, khi Tổ quốc, đất nước bị xâm lược thì ai cũng nghĩ như dì, làm như dì, không chỉ riêng dì mà còn nhiều người đã hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

-Nhưng sao má lại biết chuyện về dì rành thế?

Má tôi mỉm cười, không nói gì.

Tôi chợt nhận ra, dì Út Sương Mai, má tôi và những người đàn bà đẹp kia có nhiều điều bí mật thầm lặng. Hình như trong một ngăn tủ, có lần tôi vô tình thấy má cất giữ rất nhiều cuống huân chương, huy chương như dì Út Sương Mai…

Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Nguồn: truyen8.mobi/hong-nhan-tham-lang-c8a7669.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận