Tác giả: Bích Ngân
Thể loại: Truyện ngắn hay nhất
Trong bóng tối loãng dần, Tâm đưa mắt nhìn nhưng không nhận ra con tàu mà sớm này nó đã đưa anh cùng nhiều ngư phủ ra khơi đánh cá. Nó lẫn đâu đó trong vô số con tàu trăng trắng neo san sát kéo dài ra cửa sông, nơi giáp biển. Cột buồm, cột hàng hải vươn chi chít như ăng - ten phố thị.
Nơi Bão Đi Qua
Nếu là tàu của mình, Tâm ước, mình làm cho nó có màu sắc và hình dáng khác biệt. Mình sẽ… Tâm bỏ ngang cái tương lai vừa thoáng đến. Anh bước một mạch xuống bến sông, nơi chiếc ghe cào, tài sản lớn nhất của gia đình anh đang cột vào đó. Nghe tiếng động, mấy con cá thòi lòi, cá bống sao vội trượt roèn roẹt trên bãi bùn lấp xấp nước. Gió đưa đẩy xạt xào cành lá vẫn nghe rõ tiếng rơi lủm bủm của những trái đước già. Nước triều đang lên. Tâm nới dây buộc ghe rồi bước vào nhà, quên khép cửa sau lưng. Hạnh hấp tấp vặn cao ngọn đèn, nói:
- Mình à, coi bộ nước hơi lớn!
Tâm quay ra khép cửa:
- Gió ngoài biển thổi vô mà, đâu sao!
Thấy vợ còn đứng bần thần, Tâm giục:
- Cơm chín dọn lên, anh ăn xong chuẩn bị đi là vừa!
- Đợi em hâm nồi cá kho!
Nồi cá bắc lên bếp, Hạnh lui cui gọt dưa bên ánh lửa, Tâm xem qua các thứ vợ đã ràng rịt trong nhiều túi ni lông: thuốc hút, thuốc cảm, kem đánh răng, nửa cục xà bông, chai dầu gió xanh mới bóc vỏ và lọ cốm nghệ, thứ thuốc nhân nhẩn khó nuốt mà Hạnh ép anh uống mỗi ngày. Tâm để lại chai dầu gió xanh dưới gối cho vợ và nhét lọ dầu cù là con cọp theo. Anh dồn các thứ vào túi xách đựng quần áo, nhấc lên rồi để xuống. Đi biển lần này đông, vui mà gọn. Ăn uống trên tàu lo hết. Tâm chỉ sợ cái bao tử trở chứng. Khi Hạnh bê mâm cơm lên, Tâm còn chồng lại mấy cái cần xé và vắt mớ lưới lên kèo nhà. Biết vợ không quen ăn sớm, Tâm ăn một mình và ăn rất ngon. Bới cho chồng chén thứ ba, Hạnh nghe tiếng lục cục của gà mẹ và tiếng lít chít của gà con. Chị mồi thêm cây đèn ống khói, bưng ra chuồng gà. Trở vào, Hạnh khoe với chồng:
- Gà nở được năm con, ba con khẽ mỏ.
Hạnh cho tay vào túi ni lông lôi ra ba trứng gà cùng với hai trứng cầm trong tay đưa ra trước mặt Tâm:
- Cái này phần anh mang theo!
Tâm buông chén đũa, cười cười:
- Lần này anh đi đông một tiểu đội mà em cho chừng đó trứng, làm sao chia?
- Ờ, há!
Hạnh vụt hiểu, sựng lại, phụng phịu. Tâm vui vui khi thấy vợ dù bụng mang dạ chửa, vẫn giữ được vẻ thơ ngây ngày nào. Tâm nhớ lại và thấy lâng lâng. Sự hồn nhiên mộc mạc như chài như lưới ấy đã buộc bước chân phiêu dạt của anh vào bến bờ này. Hạnh lần lại chỗ túi xách. Mở túi, chị thấy thiếu cái đài nhỏ như bàn tay mà đi biển lần nào Tâm cũng mang theo. Hạnh vào buồng mang cái đài ra, kéo miệng túi định bỏ vào, Tâm ngăn lại:
- Ở dưới tàu nghe nói có cả máy hát. Em để nhà nghe. Đừng lo gì cho anh – Ánh mắt Tâm bao bọc vợ - Lo là lo cho em ở nhà có một mình!
Hạnh dụi mặt vào ngực chồng:
- Ai nói anh em ở nhà có một mình?
- Ờ, ờ, còn con trai mình nữa!
- Con gái!
- Con trai!
- Con gái!
Tâm ôm lấy vợ. Đợt sóng yêu thương dồi lên khiến anh muốn ngộp thở trước cơ thể nở nang ấm mềm của vợ. Chợt tiếng gọi í ới nghe thật gần. Hạnh xô nhẹ chồng ra. Tâm lảo đảo trong mem nồng lở dở… Quảy túi lên vai, Tâm xiết tay vợ:
- Thôi, em ở nhà, đừng tiễn đưa, gió sớm sương sớm…
Tâm kéo sát vợ vào, ôm choàng cả hai mẹ con một cái rồi vội vã chạy đi. Hạnh nhìn theo chồng cho đến khi Tâm mất hút trong đám đông kẻ ở người đi lao nhao nơi cầu tàu. Lần lượt từng con tàu nổ máy, nhổ neo, rẽ nước tiến ra cửa sông lao xao sóng dưới bình minh toả lan.
***
Hạnh cầm mấy cái trứng đi ra chuồng gà. Ả gà mái đẻ bỏ ổ trứng đang lẽo đẽo theo gã chồng kiếm mồi quanh mấy tấm liếp phơi cá. Mẹ gà đang ấp vội xù lông, nghểnh cổ, mào dựng đứng, tái nhợt. Từ cuống họng nó phát ra mấy tiếng kêu rục rục, vừa tự vệ, che chở cho lũ con lít nhít trong ổ. Hạnh trả mấy cái trứng vào ổ gà đẻ rồi hốt nắm gạo và múc gáo nước đặt trước tầm nhìn của con gà mẹ. Sau một hồi đưa mắt láo liên dò xét, không thấy có nguy cơ đe doạ nào, nó nhảy ra khỏi ổ, sục lẹ vào gáo nước rồi đớp lia lịa những hạt gạo. Hạnh nhón nhén đến bên lũ gà con. Chúng đạp những đôi chân nhỏ xíu lên những cái trứng chưa nở và dẫm xẹp những vỏ trứng mà mới hồi đêm chúng còn loi ngoi trong đó. Hạnh đặt một chú gà con vào trong lòng tay, vuốt nhè nhẹ bộ lông trắng ngà mịn rức. Chú quẹt quẹt cái mỏ vàng tươi vào lòng bàn tay Hạnh và cất tiếng kêu chíp chíp. Lúc ấy, Hạnh nghe tiếng chân thậm thịch, tiếng nói râm ran và một tiếng gọi rồi nhiều tiếng gọi:
- Hạnh ơi!
- Vợ thằng Tâm ơi!
- Con ni, răng không đi tiễn chồng?
- Ôi giời, sao bỏ chồng lùi lũi một mình thế?
Hạnh thấy ấm như nắng sớm tràn vào. Ở làng cá này, người cố cựu chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Hầu hết là dân tứ xứ. Họ đến từ nhiều miền quê. Kẻ đến trước, người đến sau. Kẻ sắm được tàu đánh cá. Người tậu được đáy giăng giăng ngoài khơi. Và đông đúc là tập hợp những "chồng chài, vợ lưới, con câu". Nhưng với mỗi người, cái làng cá bên bờ sông rì rầm sóng biển này đã thành chiếc phao cho số phận lênh đênh, thành bến bình yên cho cuộc đời sóng gió. Họ bám vào đó và cùng bám với nhau.
Ló mặt vào cửa, Hạnh thấy hàng hiên hẹp và gian nhà nhỏ chật bước chân. Khi chị lệch bệch bước vào thì những cái miệng tép lặn tép lội dừng lại. Thay vào đó là những cái nhìn và dừng lại lâu lâu nơi cái bụng kềnh càng đã bắt đầu trĩu xuống của Hạnh. Rồi họ hè nhau, như người ta thường làm khi một con thuyền mắc cạn, đem kinh nghiệm của người từng vượt cạn truyền lại cho Hạnh. Yên tâm rằng Hạnh đã lãnh hội đủ, vài người quay lưng định về, liền bị kéo lại:
- Chồng con đi rồi mà mấy bà làm gì gấp? Ở lại đây quậy một hồi cho con Hạnh nó… khoẻ!
Nói câu đó là chị Ba Lài, người uốn tóc cao, nước da xạm nắng. Chị Ba hỏi Hạnh:
- Có gì đãi chị em điểm tâm hôn chủ nhà?
Hạnh còn đang lúng túng, chị Ba Lài đã xăm xăm bước vào trái bếp, bợ nồi cơm mà Tâm ăn dở đem ra đặt chình ình lên bộ vạt giữa nhà. Chị cầm đũa bếp nại cơm cháy với điệu bộ khó nhọc như đào phải đá khiến cho mọi người cười rộ. Không ai mời ai, cùng một lúc những ngón tay đeo cà rá mặt đỏ mặt xanh gặp nhau chỗ giề cơm vàng khấy! Họ nhồm nhoàm nhai ngon lành như những kẻ đói ăn. Đôi mắt dài sắc như mũi lao của chị Ba Lài vụt sáng khi thấy bó ngô khoai treo lủng lẳng trên vách nhà. Chị liền gỡ xuống, mang vào bếp, thổi lửa phù phù. Mùi khô nướng xộc vào mũi. Chị Năm Mận, người dong dỏng cao, có búi tóc to mượt sau gáy lên tiếng:
- Có khô mà không rượu chịu sao được, bây?
Chị Năm dứt lời liền có hai ba mái tóc uốn quăn tự nguyện đi mua rượu. Chị Năm dặn thêm:
- Nhớ mua chai bia nữa nghen! Ờ, nè, đi ngang nhà tao ghé lấy hộp sữa rọng trong tô để trên tủ chén.
Khi rượu mang về thì mọi người đã kê dép ngồi quanh đĩa ngô khoai đặt dưới đất giữa nhà (bộ vạt được dựng sát vách). Ly rượu đầy tới miệng được xoay vòng. Riêng Hạnh được chị Năm Mận làm cho một ca bia sữa ú ụ. Chắng mấy chốc căn nhà ồn ào như cái chợ. Chị Năm cạn ly, nhìn lướt qua mọi người, nói:
- U quả, mới vắng chồng mà lũ đàn bà đã thành quỷ!
Chị Ba Lài vặc lại:
- Đàn bà là đàn bà khi có đàn ông bên cạnh!
- Khi có chồng bên cạnh chớ!
Người đàn bà áo trong áo ngoài, giọng Quảng, chỉnh lại.
Gần một nửa ùa theo chị Ba Lài, còn hơn một nửa ủng hộ người đàn bà giọng Quảng. Chẳng bao lâu, cái nhóm chợ rối như bầy ong vỡ tổ. May mà hết sạch hai chai đế. Chị Năm không cho mua thêm, nói:
- Sười rười như vậy là vui rồi. Thôi, ai về nhà nấy, làm hết công chiện, chiều lợi đây quậy tiếp. Ờ, nè, chị dặn thêm – Ai có cái gì nhấm được nhớ mang theo. Đừng xách đít không, nghen!
***
Chiều. Mặt trời còn hơn một con sào mới lặn xuống biển và bầy gà còn đi long nhong ngoài đường đã thấy bước chân bôn sôn của chị Năm Mận. Tay chị Năm vung văng rẽ khô đuối to như cây quạt giấy xoè hết cỡ. Như những người đàn bà khác của làng này, chị Năm ít có lúc rỗi rãi. Vô số việc nhỏ, việc lớn trong nhà, tiếp một phần việc của chồng và thằng con trai, vá lưới, vá chài, đôi khi gặp con nước thuận chị theo chồng con ra khơi và cũng tháo vát như một ngư phủ. Chị Năm được nể nang không phải vì chiếc tàu mũi sơn đỏ chói chở được mấy trăm cây đá, cũng chẳng phải vì ngôi nhà mái bằng, nền gạch đỏ au và góc sân rộng phơi ăm ắp cá, mực, mà do bản tính bộc trực, rộng rãi và đôi tay mát mẻ khi chị làm bà mụ. Chị vào nhà, bỏ rẽ khô vào cần xé rỗng rồi trở ra nhấc bổng tấm cửa ván sang một bên:
- Nhà có cửa mà không để đón gió!
Ngọn gió mang hơi nước mát rượi tràn vào. Gió nắng phóng khoáng của xứ này đã xua đi những tâm tính bẩn chật. Chị Năm khoan khoái lùa mớ tóc loà xoà ra sau, miệng bảo Hạnh:
- Mày rà rà tìm coi đài nào có vọng cổ mở nghe chơi!
Tranh thủ lúc đợi chị em, chị Năm ngã lưng xuống vạt giường. Hạnh đem gối ra. Chị Năm kê dưới đầu, nói:
- Nằm trên cái gối Hạnh phúc này chắc tao phê quá!
Giọng Tài Linh cất lên. Chị Năm cựa mình rồi nằm im, chỉ phập phồng hơi thở. Bài vọng cổ dứt, hồn phách chị Năm mới tìm về:
- Con nhỏ lùn sủn mà sao nó ca mùi quá vậy, mày?
Hạnh ấm ớ. Lùn cao mập ốm thì có can hệ gì tới giọng hát? Hạnh muốn bẻ lại câu hỏi nghe kỳ cục của chị Năm nhưng không dám. Tuy chị Năm bỗ bã gọi mày xưng tao nhưng Hạnh chưa lúc nào tự nâng mình lên ngang hàng với người đàn bà từng trải và được cả làng nể trọng. Cái khoảng cách không chỉ là tuổi tác đã khiến Hạnh ngần ngại bộc lộ mình. Nhìn vẻ bồn chồn của chị Năm, Hạn e dè:
- Em nghe nói Tài Linh Vũ Linh sắp xuống hát ở miệt này!
Chị Năm nhổm dậy:
- Thiệt hôn? Ai nói?
- Thì… em nghe người ta đồn.
Chị Năm thở dài:
- Đồn thì đồn hoài mà có thấy bóng dáng ai đâu!
Thấy vẻ tiu nghỉu của chị Năm, Hạnh bối rối bèn quay lưng đi. Chị Năm gọi lại:
- Mày đi đâu đó?
- Em đi nhóm lửa nướng khô chuẩn bị…
- Để đó, lát nữa tụi tao làm, mày được miễn!
- Vậy… em đốt củi để có lửa than.
- Ờ, cũng được!
Mớ củi bắt lửa nổ lép bép, chị Năm bước xuống nói với Hạnh:
- Sáng giờ mắt tao giựt giựt hoài, chắc mấy ông đi chuyến này khá đa!
Hy vọng xoè nở dịu dàng nơi Hạnh. Chuyến này Tâm về mà kha khá, Hạnh thầm tính, mình sắm thêm một chiếc cà rá mặt hột dưa, chớ hai bàn tay trống trơn cũng kỳ kỳ. Còn Tâm sẽ không đeo sợi dây chuyền bằng bạc cũ xì đó nữa. Chợt Hạnh nhăn mặt, nhíu mày, bỏ dở dự tính trước cái đạp đau điếng của thằng bé (khi trêu chồng Hạnh bảo là con gái, ngược với linh cảm của người mẹ). Hạnh xoa xoa bàn chân nhỏ xíu của con và nghĩ xem nên mua thứ gì cho cu cậu thì chợt nghe giọng hốt hoảng của chị Năm:
- Trời ơi! Không biết mấy ổng có kịp quay về?!
Hạnh chạy lên, thấy chị Năm buông cái đài ra, trân trân nhìn nó. Hạnh nghe tiếng được tiếng mất của bản tin thời tiết. Xoáy vào tai Hạnh chỉ mấy từ "bão", "gió giật", "tàu thuyền". Dưới bếp, củi cháy rừng rực, lưỡi lửa loè khè khẹt. Chị Năm chạy vào dập lửa. Vội vàng, chị bảo Hạnh:
- Coi gói ghém đồ đạc rồi tới nhà tao, tao về trước đây!
Chị Năm đi khỏi, Đài lập lại bản tin thời tiết. Giọng đọc run run như anh ta đang dầm mưa. Một hồi lâu không gỡ được nắp rương. Hạnh chạy đi tìm con dao nhỏ để cạy lớp sét gỉ chỗ nút bấm. Mất thêm mấy phút nữa chị mới nhìn thấy cái cán dao màu cam thòi lên trên ống đũa. Chị cuộn thêm mấy cái quần, mấy cái áo của chồng, của mình, quơ lấy cái đài và bọc mớ đồ đạc của đứa con sắp sinh bỏ vào rương. Bầu trời đã sà thấp, bao phủ một màu chì xám xịt. Chim từng đàn hối hả bay về tổ. Bước thêm mấy bước, tiếng kêu chíp chíp của lũ gà mới nở níu Hạnh lại. Chị đặt rương xuống đất, quày quả quay vào.
Nơi Bão Đi Qua
Bão ào đến bằng những luồng gió với sức mạnh khôn lường. Đến được sau nhà, Hạnh thấy chuồng gà không còn trên mặt đất. Mấy tấm lá chằm đốp bao quanh chuồng và những tấm liếp phơi cá vờn vật trên không. Hai ổ gà bị những cánh tay lực lưỡng vô hình nhấc lên cao rồi đột ngột hất mạnh xuống. Tròng đỏ tròng trắng vương vãi. Ổ gà con không còn sót lại một tiếng kêu. Con gãy cổ, con bẹp đầu, con chỉ là một nhúm lông dúm dó. Và nhầy nhụa máu những chú gà chưa một lần được chui ra khỏi vỏ. Gió mỗi lúc một mạnh. Những luồng gió va đập nhau, giằng xé nhau và cuốn đi những gì gặp trên đường đi của nó. Cuốn phăng lên không trung bất cứ thứ gì không gắn vào đất: tấm liếp, tấm phên, mái lá, mái ngói, mái tôn và vô số vật dụng cần thiết hàng ngày. Tiếp đến nó giao chiến dữ dội với những gì gắn chặt vào lòng đất. Thảm đước, thảm vẹt xanh rì, choãi rộng hàng hà sa số cánh tay gân guốc bám chặt dãy phù sa chạy dọc theo bờ sông, phút chốc biến thành mục tiêu tàn phá của nó.
Trên đường đi đến nhà chị Năm Mận trú bão, ngoảnh lại, thấy ngôi nhà mình chỉ còn là đống đổ nát, Hạnh không đi tiếp mà quay ngược lại và lần xuống bến sông. Chiếc ghe cào, tài sản có được sau nhiều năm ki cóp vợ chồng Hạnh mới sắm được đang vật vã trong sóng gió. Đoạn dây buộc rít lên ken két. Hạnh cố rướn tới, chị chưa kịp với tay nắm lấy sợi dây thì cùng một lúc, những luồng gió giật chiếc ghe lên bờ, va mạnh vào mấy trụ cầu, vỡ ra nhiều mảnh.
Chị Năm Mận và chị Ba Lài tìm gặp Hạnh, vội xốc lên. Nửa người dưới của chị ướt sũng.
Trong cơn cuồng nộ của đất trời, Hạnh chuyển bụng với dấu hiệu bình thường tuy có mấy vết xây xát tứa máu ở tay, ở đùi.
Chị Năm Mận giữ vai trò một bà mụ điềm tĩnh đồng thời là vị chỉ huy lẹ trí của pháo đài nhao nhác người và không hề có thứ vũ khí chống đỡ nào ngoài lời thầm thì van vái Phật Trời. Chị Năm cắt đặt mọi việc đâu vào đó khiến cho nét mặt người lớn giãn bớt vẻ hoảng loạn, còn trẻ con la khóc inh ỏi giờ co trong lòng mẹ, lim dim ngủ trong tiếng gió giật, sóng gào, nước dâng, cây đổ, nhà sập.
Tuy nhiên, sự khốc liệt đang nén chặt trong lòng mỗi người còn dữ dội hơn sự huỷ diệt bao vây. Cho đến khi người đàn bà oằn mình trong cơn vượt cạn đã bật gọi chồng thì nỗi hãi hùng lên tiếng:
- Đừng, đừng gọi người đi biển!
Hạnh không dừng lại được. Ai đó vội bịt miệng Hạnh. Nhưng chị vẫn gọi. Rứt tim rứt ruột mà gọi. Tiếng gọi vút lên tận trời xanh, dội xuống mặt đất rùng rùng bão cuốn. Một bàn tay lẩy bẩy kéo chiếc khăn nhét vào miệng Hạnh.
Khi cái mầm sống khoẻ mạnh xé lòng mẹ ra đời, Hạnh vẫn còn cắn chặt góc khăn.
Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!