Tác giả: Sưu tầm
Thể loại: Truyện ngắn hay nhất
Đã thế cái đầu hơi to của thầy lại hay sùm sụp cái mũ lá rộng vành. Và đôi chân vốn đã ngắn lại đi kiểu chữ bát, thêm nữa hai bàn chân lại xỏ trong đôi giầy da thô cá sắt, mũi gồ đại bố. Nên trông thầy càng thấp, nhỏ, càng dị tướng dị hình.
Kộp kộp kộp... Đó, thầy Phùng đang bước trên hành lang dẫy lớp học trường Sư phạm sơ cấp tỉnh tôi. Chắc thầy rất muốn oai vệ. Nhưng khổ thế đấy, lúc đứng trông thầy buồn tẻ như cây rủ bóng, còn bây giờ cũng chẳng hơn gì, vì trong thế chuyển động đầu đổ về phía trước, tay vẩy phía sau, trông thầy tất tưởi, vất vả lắm!
Hay là cái tướng ẩn của thầy chỉ hiện ra khi thầy đứng trên bục giảng, trước học trò? Thì đây.
- Tôi là Phùng - Thầy cất tiếng - Phùng nghĩa nôm là phùng phình, là rộng. Nhưng theo nghĩa chữ Hán, phùng là gặp. Nhưng tôi là Vũ Bất Phùng, tức là không gặp. Không gặp gì? Không gặp thời. Nghĩa là lạc thời. Nghĩa là... thời đất nước có giặc, xung phong cầm súng ra mặt trận cũng không đắt!
Thôi thế thì đúng rồi! Khác hẳn! Khác hẳn! Cứ như là một thầy Phùng khác chứ không phải là một thầy Phùng thấp bé, còi cọc, tầm thường. Thoát hẳn ra cái lốt khoác ngoài hàng ngày, giờ đây bao nhiêu quý tướng trên gương mặt, trên thể chất thầy mới phát lộ ra hết. Mặt thầy tròn đầy, đầm ấm. Hai gò má thầy hồng nhuận. Đôi môi thầy là môi thiếu nữ. Hàm răng thầy đều nhỏ như hạt bầu. Và đặc biệt, giọng nói của thầy vừa ấm áp vừa vang vọng, cao quý và quyến rũ lạ thường. Lúc này thầy hiện lên như một kẻ hào sĩ thời hiện đại, vừa thông tuệ hoạt bát vừa hóm hỉnh tài hoa, cốt cách vừa cao thượng vừa có phần ngạo nghễ thông tục.
Ngạo đời tí thế thôi chứ thầy Phùng đâu có phải là kẻ lạc thời! Cuối mùa kháng chiến chống Mỹ, đúng 19 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Sư phạm sơ cấp tỉnh, thầy đã xung phong nhập ngũ. Và cuối cùng đã được chấp nhận. Nói cuối cùng được chấp nhận là bởi vì thầy đã phải dùng mẹo. Ví dụ: thầy uống thật nhiều nước, ăn thật no căng để tăng cân; thầy kiễng chân để đủ chiều cao khi người ta đo. Và người ta đã biết tỏng, nhưng rồi chính người ta thể tất cho bầu nhiệt huyết của thầy. Chỉ có điều là dẫu đã được nhập ngũ, thầy vẫn không được như người khác. Không được xung vào binh chủng pháo binh, xe tăng, đặc công hay công binh, bộ binh. Căn cứ sức vóc, dáng hình thầy, có nhẽ thế, người ta phân thầy về ngạch giữ kho thuộc ngành hậu cần. Suốt năm năm cuối cuộc kháng chiến thầy chỉ là anh binh nhất trông coi một cái kho đạn súng cối ở trong một khu rừng gần biên giới Căm pu chia. Suốt năm năm, người ta quên bẵng cái kho và tất nhiên quên luôn cả thầy. Suốt năm năm, chẳng biết người ta còn nhớ hay đã quên mình, thầy cứ việc mình mình làm. Thầy cứ như một kẻ tự vạch ra con đường và tự đi, dẫu chỉ có một mình. Suốt năm năm một mình một bóng cặm cụi, thầy canh giữ an toàn, không suy suyển một viên đạn trong cái kho đạn khổng lồ nơi rừng sâu nọ. Suốt năm năm thầy phải trồng bắp, trồng bí để tự nuôi mình. Phải tự săn sóc thuốc thang lấy khi ốm đau. Suốt năm năm sống trong lo sợ khủng khiếp là không được giao tiếp mãi thì sẽ quên mình là người, không biết mình là ai nữa. Thành ra để luôn nhớ mình là người, thầy phải làm việc, phải tự suy nghĩ, nghiền ngẫm và phải cử động cái miệng, thẻo lưỡi, tức là phải phát ngôn, phải nói liên tục. Nhưng mà nói liên tục một mình mãi thì cũng chán và vô nghĩa quá. Vậy thì hát. Mình hát cho mình nghe, thì cũng được chứ sao. Thầy hát liên tục. Thầy hát lúc dọn dẹp quét tước trong kho. Hát lúc lau chùi từng viên đạn cối. Hát lúc một mình phát rẫy. Hát lúc chặt cây, sửa lán, đóng giá đỡ, chuồng gà, lồng chim. Thầy hát qua ngày này ngày khác và nhờ đó phát hiện ra mình là người có giọng hát. Thầy có chất giọng baritông trầm ấm khá hay. Chứng cứ là mấy con vẹt, con yểng thầy bắt về nuôi cũng đứng ngẩn ngơ quên cả hót vì nghe thầy hát.
Thầy hát trong cô quạnh giữa miền rừng núi thâm u. Thầy hát đủ các thể loại. Từ dân ca quan họ, cò lả, trống quân đến các bài hát thời nay như Thiên thai, Suối mơ, Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù... Đặc biệt là môi thầy rất hay tung tăng mấy câu[/i] hát này trong bài Sơn nữ ca:
Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. [/i]
Sơn nữ ơi! Đừng làm thắc mắc thêm lòng khô cạn từ lâu nước mắt đầy vơi.[/i]
Lời ca trong chất giọng trầm buồn của thầy nghe mà cao ngạo mà nao lòng, muốn rơi nước mắt.
Thế đó, người ta đi vào cuộc chiến tranh thì có đồng đội. Còn thầy, thầy chỉ có một mình. Đó là những năm tháng thầy Phùng hát nhiều nhất và do phải tự thân vận động để tồn tại nên thầy có thói quen tự lực và rất khéo tay. Hoàn cảnh thật là một ông thầy tốt. Ông vun xới cái tài sẵn có, đào tạo thầy thành một người đa năng, việc tay chân gì cũng tự biết, cũng thông thạo hơn người!
* *
Cuối cùng thì người ta cũng nhớ đến cái kho bị bỏ quên suốt năm năm trong rừng. Và tiếp nhận cái kho nguyên vẹn cơ số đạn xong người ta mới khiêng thầy Phùng đến bệnh viện.
- Đồng chí có một khối u ở bên phổi trái.
- Thật à?
- Sao lại không thật?
Bác sĩ X quang nói, nheo cặp mắt thương mến và ái ngại nhìn thầy, một thân xác quắt queo còm cõi ốm o. Những tưởng thầy sẽ tủi thân tủi phận khóc oà. Nào ngờ thầy ngoạc miệng cười thành tiế ng khanh khách:
- Tôi không có khối u ở phổi thì mới là lạ, bác sĩ ạ. Năm năm liền ở trong rừng tôi toàn uống nước dưới tầng lá rụng vì chất độc của máy bay Mỹ rải.
Không chết vì nó thì tôi khinh nền khoa học kỹ thuật của bọn giặc này quá!
Thầy Phùng ngạo nghễ hát chờ đón cái chết. Nhưng thầy Phùng không chết. Vì sao? Vì số thầy chưa tận. Vì thầy cầm tinh con mèo. Mèo tiếng thế sống dai lắm! Vì bác sĩ X quang nọ xem nhầm bệnh phẩm. Thành ra cái chết của một ông đại tá béo ú, toàn mỡ là mỡ suốt mấy chục năm trường sống ở hậu phương an toàn định chuyển sang cho thầy mà không thành!
Không chết, thầy Phùng với cái vóc hình như có lỗi với đời, lại được người ta trả về cho nghề thầy. Trở về với nghề thầy, sau những năm tháng một mình một cuộc chiến trong rừng, mới hai mươi tư tuổi mà thầy trông đã lụ khụ và âm thầm như ông lão, tính tình cũng ngày càng lập dị khác đời như người già.
Người ta cho ăn mày là bố thí cho kẻ đáng thương. Còn thầy đang ăn khoai, có ông lão hành khất đến cửa xin ăn, thầy mời ông lão vào, úp bát mì ăn liền cho cụ ăn, rồi còn tỏ lòng cám ơn khi tiễn đưa. Hỏi vì sao thì thầy đáp: Đó là vì nhờ có người ăn xin mà ta mới có cơ hội bầy tỏ hảo tâm của mình. Cũng như ông - thầy nhìn sang ông hiệu trưởng - sở dĩ ông được chức tước to vầy, là nhờ anh em chúng tôi ngu si đần độn, xứ mù người chột làm vua, do vậy ông chớ nên ngạo mạn làm càn.
Trong buồng thầy ở, mạng nhện chăng đầy trần nhà. Ông hiệu trưởng nói kháy: “Thầy Phùng muốn nhờ tay nhện để giữ gìn môi trường sạch sẽ, không có ruồi muỗi!” Thầy bĩu môi lắc đầu: “Buồn trông con nhện chăng tơ. Có câu thơ cao siêu đó đấy, chứ đâu có[/i] phải cái gì cũng lấy vụ lợi làm đầu!” Đi đường thầy đội mũ ngược, để lưỡi chai che gáy phía sau. Thầy giải thích: phải nhớ đề phòng kẻ cắp ở phía sau và trên thế gian này còn ối kẻ không cầm tinh con ngựa mà rất thạo bài đá hậu!
Không! Mặc cho thầy hiệu trưởng sa sầm mặt mỗi khi nghe thầy nói có hàm ý châm chọc. Mặc cho ông hiệu trưởng tỏ vẻ không thích thầy, thầy vẫn là con người thích hợp với nghề thầy, thầy vẫn là người thầy được học trò kính phục và yêu mến, ngưỡng mộ. Đó là vì học trò qua thầy hiểu rõ thế nào là sự tận lực tận hiến chân thành của một người thầy. Đó là vì sức quyến rũ của tấm lòng và tài năng cùng sự uyên bác của thầy. Ôi, những tiết học thầy đứng trên bục giảng! Chẳng còn thấy đâu là cái thân xác quặt quẹo còm nhom của thầy nữa. Thầy biến hóa. Thầy như được hưởng phép lạ. Thầy thoắt trở nên một trang dũng hiệp vừa tài tử duyên dáng vừa oai phong lẫm liệt. Nghề nghiệp cho thầy cơ hội để thầy bộc lộ những năng lực ẩn giấu tiềm tàng. Để bùng cháy những cảm xúc thầm thì. Mắt thầy bừng sáng. Giọng thầy sang sảng. Cử chỉ hoà hợp với lời nói. Những ý tưởng mới lạ xuất thần kết hợp với cách phô diễn đầy màu sắc ẩn dụ đôi khi điểm xuyết cách nói lắt léo, vòng vèo dí dỏm, khiến học trò nhiều lúc ngẩn ngơ như ngợp trong một diệu cảnh huy hoàng. Diễm phúc thay cho những ai có một tuổi trẻ học đường được là học trò của thầy! Hạnh phúc quá khi được nghe thầy giảng một giờ! Thành ra học trò lớp khác thèm được học thầy quá, có đứa còn bỏ cả tiết học lớp mình, lén lút đến nghe trộm bài thầy giảng; chúng làm cho các thầy khác phát ghen.
Thầy dạy môn nào cũng hay. ở môn nào thầy cũng bộc lộ cái tài hoa đặc sắc của mình. Vòng tay một cái là thầy vẽ xong cái hình tròn, tròn xoe cứ như vẽ bằng com pa. Trong giờ địa lý, miệng thầy nói, tay thầy vẽ, mà bản đồ mỗi nước từng nét khúc khuỷu ở đường biên chính xác như bản đồ in. Những con chim, con mèo nhồi bông và những thí nghiệm do thầy khéo léo làm ra trong các môn sinh vật, vật lý, hoá học khiến các thầy khác lại một lần phải ghen tỵ. Thầy dạy nhạc thì thật tuyệt. Chất giọng vàng, giọng bạc của thầy dấy lên cả một phong trào ca hát trong nhà trường. Thầy là một con người đa năng, một nghệ sĩ đa tài. Tuy vậy, môn văn vẫn là môn thầy dạy hay nhất. “Thưa thầy, thầy tha lỗi cho em, nhiều hôm nghe thầy giảng thơ, em cứ như mê mị như ở trong cõi mơ ấy ạ”. Đó là lời tâm sự thành thật của cô Thủy, học trò lớp 9 với thầy. Thủy mười tám tuổi, mặt trái đào, mắt đen thăm thẳm bí ẩn như mắt con gái miền sơn cước, có mái tóc dài chấm kheo chân, có năng khiếu đặc biệt về môn Văn. Em rất ngưỡng mộ thầy và quý mến thầy. Nghe em nói vậy, thầy đáp: “Đừng khen thầy, vì nói hay không bằng nghe giỏi đâu, em!”
Thói đời ở đâu có tài đức, ở đó có đố kỵ ghét ghen. Huống hồ thầy hiệu trưởng Thức lùn tì, tóc rậm bờm ngựa, mắt ti hí, chân dài chân ngắn, tiên thiên bất túc lại vốn con người lòng dạ hẹp hòi. Thật tình thầy Thức trước nay tiến thân đều bằng thủ đoạn kèn cựa, đặt điều vu vạ. Hết lớp 12, thêm hai năm sư phạm nữa, câu viết còn chưa thành, bài toán một ẩn số giải còn sai, nói gì đến vi phân, tích phân với đạo hàm! Kiến thức xã hội thầy còn lỗ mỗ hơn. Đã thế tác phong lại lúi xùi, nói năng lại bộp chộp. Thầy chỉ được mỗi cái tài ganh ghét chê bai người. Thôi thì còn thiếu gì điều thầy Thức sàm báng, chê bai thầy Phùng. Chê từ cái dáng đi biểu hiện nỗi sướng khổ bất định của thầy. Sàm báng cả cái nét chữ bay bướm sinh động của thầy vì cho thế là lẳng lơ, đa tình. Bỉ bai cả việc thầy quyết tâm đi bộ đội bằng việc uống thật nhiều nước và kiễng chân khi đo chiều cao để khắc phục nhược điểm thấp bé nhẹ cân là cố đấm ăn xôi và tiếc thay xôi lại hẩm, vì cuối cùng là như tù giam lỏng trong một cái kho ở giữa rừng. Thầy Thức thấp kém lắm, thầy có biết đâu, khoảng thời gian sống một mình đó là cơ hội hiếm hoi của đời một con người. Con người phải được cá thể hoá đến triệt để trong tập thể. Con người phải tự ngẫm, tự suy xét ra điều hay lẽ phải chứ không thể a dua theo bầy đàn. Con người nhất thiết phải trở nên một kẻ có ích cho nhân quần. Chứ còn danh diện cá nhân đâu có phải là điều quan trọng. Thời gian một mình sống với cuộc chiến năm năm của thầy Phùng hoá ra là một trường học lớn. Nó quý giá gấp ngàn lần cũng quãng thời gian ấy sống nhởn nhơ ở h u phương của khối người!
Trên thế gian này, con người đâu có sống thân ái với đồng loại mình! Hay theo cách nói lắt léo, hóm hỉnh của thầy Phùng thì con người vốn không ưa nhau, họ chỉ nhăm nhăm tìm cách hại trừ nhau một cách thân ái thôi! Có phải thế không? Câu hỏi này xin cứ treo đó. Còn bây giờ đã đến một bước ngoặt của cuộc đời thầy Phùng rồi. Vào cuối năm học này, cả thầy lẫn trò ở trường sư phạm này đều đang xôn xao và kinh ngạc về một vụ kỷ luật mà nạn nhân là thầy Phùng. Thầy hiệu trưởng Thức nói gay gắt: “Quan hệ thầy - trò là quan hệ thiêng liêng, không thể làm cho ô uế. Thế mà đây, thầy Phùng đã cả gan viết một lá thư tỏ tình với cô học trò Thủy! Vậy, thử hỏi thầy Phùng có còn xứng đáng được tồn tại ở nhà trường sư phạm tiên tiến của chúng ta không?”
* *
Chưa đến mức phải ra khỏi ngành, thầy Phùng chỉ phải đổi lên dạy ở bản Pao Mao Chải thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh tôi. Từ tỉnh đi bộ ba ngày mới tới bản quê heo hút xa xôi này. Bản này có hai thôn cách nhau ba cây số. Xưa rày ở đây trẻ con chưa hề biết đi học là thế nào. ở đây, cán bộ xã thay vì ký thì ấn dấu ngón tay điểm chỉ vào cuối tờ công văn báo cáo do anh giáo viết hộ.
Năm năm trôi qua đánh vèo kể từ ngày thầy Phùng bị kỷ luật đưa về dạy ở Pao Mao Chải. Và điều kỳ diệu lại đã xẩy ra. Y như thời gian thầy Phùng là anh lính giữ kho đạn súng cối ở trong rừng vậy. Người ta có thể quên thầy, nhưng thầy không quên công việc. Đạn trong kho vẫn an toàn, không suy suyển. ở Pao Mao Chải còn hơn thế. Mặc người ta gây án oan, mặc người ta đầy ải. Năm năm qua, bản này đã có trường tiểu học hoàn chỉnh. Tất cả cán bộ xã đều đã đọc thông viết thạo. Hơn nữa, trường đã có một phân hiệu với hai cô giáo vốn là người Kinh khai hoang tự nguyện tham gia.
Công sức tạo nên điều kỳ diệu này trước hết thuộc về thầy Phùng. Thầy Phùng như kẻ đã tu luyện đạt chính quả, một mình sống trong những hoàn cảnh cô độc biết tự mình thoát ra khỏi sự chi phối của ngoại vật, tự vạch ra con đường đi theo lẽ phải, không cần sự mách bảo, sự an ủi, khích lệ của ai. Thầy Phùng, một bản lĩnh và một tài năng! ấy thế! Một anh nhà báo tỉnh tình cờ lạc đường vào Pao Mao Chải đã phát hiện ra thầy Phùng và trên tờ báo tỉnh anh đề nghị thầy phải được tuyên dương anh hùng. Trong bài báo của mình, anh còn kể tỉ mỉ nhiều mẩu chuyện kỳ khu về thầy. Trong vòng ba tháng thầy đã nói thạo và hát được tiếng Mông. Chính là những bài hát dân ca Mông của thầy đã gọi học trò đến lớp. Cả người lớn cũng mê tiếng hát của thầy. Rồi chính tay thầy phát nương gieo hạt bắp, trồng cây rau để tự nuôi mình và giúp các em có hoàn cảnh khó khăn. Vui nhất là chuyện thầy dựng một cây luồng cao chót vót ở phân hiệu của hai cô giáo đóng cách xa thầy ba cây số rồi bảo các cô mỗi khi cần thầy đến giúp đỡ thì kéo lên ngọn cây cột một mảnh vải trắng để làm hiệu. ở xa, điện thoại không có, trống gõ, kẻng khua cũng không nghe được, chỉ có mắt nhìn thấy thôi! Thầy nói thế và các cô giáo có bận bí quá đã kéo lên ngọn cây nọ cả chiếc áo lót áo con của mình! Ha!
Tất nhiên là bài báo đã gây ấn tượng mạnh. ủy ban tỉnh điện hỏi Sở giáo dục: Sao không kịp thời nhân Pao Mao Chải thành điển hình tiên tiến? Sở giáo dục lập tức chỉ thị cho phòng giáo dục huyện lập ngay một đoàn kiểm tra đi ngay Pao Mao Chải để xác minh. Và dẫn đầu đoàn kiểm tra này lại chính là thầy hiệu trưởng Thức ngày nao. Thì ra năm năm qua thầy Thức cũng đã kịp nhảy cóc lên chức trưởng phòng. Gặp thầy Thức ở Pao Mao chải, thầy Phùng cười, nói: “Thì ra, con lợn ở đầu đòn gánh này đến chợ, thì ở đầu đòn gánh kia, củ chuối cũng đến chợ!” Thầy Thức tảng lờ, không nói gì, thầy Phùng nói tiếp: “Hoá ra Tôn Ngộ Không hoá phép thần thông quảng đại thế nào cũng không ra khỏi bàn tay Đức Phật Như Lai nhỉ?” Thầy Thức vẫn ngậm môi, không hé răng. Cho đến tận khi đoàn kiểm tra làm xong việc, trước khi rút quân, thầy trưởng phòng mới đến trước mặt thầy Phùng, mắt ti hí lầm lì, nghiến răng trèo trẹo gầm ghè: “Này, đừng tưởng bở! Dám bầy trò kéo áo quần đàn bà lên cột cờ làm tín hiệu để gọi bạn tình, phạm húy điều thiêng liêng như thế, lần này thoát được để thành anh hùng thì thật là kỳ quái đó!”
* *
Nghĩ thế nào, thầy Thức nói thế, chứ thầy đâu có ý dọa dẫm. Thầy Phùng đã phạm phải trọng tội! Và lặng lẽ chẳng một lời kêu oan, thầy chấp nhận án kỷ luật bị sa thải ra khỏi nghề thầy.
Ra khỏi nghề thầy, cũng lại thật kỳ quặc, thầy Phùng vui vẻ gia nhập cuộc sống thường nhật của một người lao động lương thiện. Thầy trở thành một người thợ mộc khéo tay chuyên đóng bàn ghế và làm các đồ dùng giảng dạy cho các trường tiểu học, các lớp mẫu giáo ở thị xã này. Bây giờ, thi thoảng lại bắt gặp thầy sùm sụp cái mũ lá rộng vành, một mình một bóng ở một vỉa hè nào đó, vừa cặm cụi cưa đục vừa lẩm nhẩm mình hát mình nghe, lòng dạ vẻ rất thư thái thanh nhàn.
Thế đó, thư thái thanh nhàn thật, vì đâu có phải còn một miền xa chưa tới? Một chân trời chưa tỏ? Một ao ước chưa thành? Cuộc đời dấm dẳn như váy ba bức, khi nghiêm túc, lúc tếu táo, đều đã trải. Đời người như căn nhà lớn có nhiều căn buồng nhỏ, buồn vui, cay đắng ngọt bùi đều đủ chỗ chứa. Mới nghiệm ra rằng con người rất cần có những khoảng sống riêng một mình, tự mình trò chuyện, ca hát với mình, tự mình tìm đường và tự xét lấy mình.
Thế đó, ông thợ mộc Phùng ẩn mình dưới bóng cái mũ lá rộng vành, ngày ngày cắm cúi với công việc của mình. Cắm cúi một mình với câu hát quen thuộc thầm thì trên môi, nghe vừa ngạo nghễ vừa nao lòng: Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều, phiêu dạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi!...[/i]
Cho đến một hôm bất ngờ có một phụ nữ xinh đẹp mặt trái đào, mắt đen thăm thẳm bí ẩn như mắt con gái miền rừng, có búi tóc lớn, bắt gặp thầy. Người phụ nữ đó nắm bàn tay thầy Phùng, gọi to: “Thầy Phùng ơi! Em là Thủy đây, thầy còn nhớ cái đứa nghe thầy giảng thơ mà mơ màng mê mẩn không?” Thầy Phùng ngẩng lên, lắc lắc đầu: “Có lẽ em nhầm tôi với ai đó rồi!” Người phụ nữ kêu: Không! Không! Em nhầm làm sao được! Nói rồi, hôm sau chị lại trở lại. Cũng tại cái vỉa hè thầy Phùng đang chi chát đập dùi đục. Lần này nước mắt lưng chòng, chị nói: “Lỗi là tại em, thầy Phùng ơi!” Thì ra, hồi đó, chính chị đã viết một lá thư bày tỏ tình yêu với thầy và lá thư đó không hiểu bằng cách nào đã rơi vào tay thầy Thức rồi lập tức trở thành duyên cớ của câu chuyện vu cáo đê tiện với thầy. Chăm chú nghe người phụ nữ kể, nhưng vẫn như lần trước, thầy Phùng lại ngẩng lên, lắc lắc đầu: “Có lẽ em nhầm tôi với ai đó rồi!” Quyết đi đến cùng sự thật, hôm sau nữa, người phụ nữ xinh đẹp tên Thủy lại tìm đến. Lần này, chị xăm xăm bước tới và bằng một động tác dứt khoát, chị đưa tay lật cái mũ lá rộng vành ra khỏi đầu thầy Phùng: “Trời! Anh Phùng! Gương mặt anh thần thái anh tinh anh thế, em nhầm sao được!” Lần này, vẫn là kỳ quặc khác người quá thể, thầy Phùng lại lắc đầu, quanh co: “Tôi cám ơn em, nhưng tôi có một người em sinh đôi, giống tôi như đúc, Thủy à!” Tuy vậy, nói vừa hết câu, nước mắt đã ứa chan chan, thân mình run rẩy trong một linh ứng dị thường và người phụ nữ xinh đẹp tên Thủy đã kịp ngả đầu vào vai thầy, nức nở: “Anh Phùng! Thế nào thì với riêng em anh cũng đừng trốn lẩn nữa, anh ơi!”./.
Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!