Tác giả: Nguyễn Như Quỳnh
Thể loại: Truyện ngắn
- Chậc! Mày mà là con gái thì xinh phải biết!
Mà đúng là Hoàng giống con gái thật, không chỉ dáng vẻ bề ngoài mà cả tính tình nó cũng vậy. Hoàng nhút nhát, hay khóc đến nỗi mắt lúc nào cũng ươn ướt.
Có một dạo đi chợ cho má, ngang qua nơi những thằng con nít xóm trên ngồi bắt nòng nọc trên đồng, Hoàng bị cả bọn vây lại trêu ghẹo, chúng nắm tay chạy vòng quanh, nghêu ngao hát:
- Thằng bóng, thằng bóng...
Tủi thân, Hoàng bỏ cả đi chợ cho má, chạy về, vừa chạy vừa khóc. Thấy tôi, Hoàng càng khóc dữ:
- Xíu ơi, tụi nó...
Vậy là tôi lấy khúc tre má thường dùng chống giàn mướp sai quả, đi cùng Hoàng ra chỗ bọn con nít đang ngồi. Thấy tôi, một thằng cười khanh khách:
- Tụi mày nhìn kìa, thằng bóng đi với bà chằn.
Rồi cả bọn để tay lên miệng làm thành hình cái loa:
- A, bà chằn lửa, sửa cầu tiêu...
Tức quá, tôi lao đến, khúc tre dài hơn cả người tôi tỏ ra hiệu nghiệm. Không chạy kịp, đứa nào cũng có vết tre trên người và cánh đồng có một khoảng nát be bét bùn. Hôm đó, chúng tôi bị người lớn cho một trận tét đít. Má tôi lắc đầu:
- Bà mụ bả nặn lộn hay sao, mày là con trai, thằng Hoàng là con gái mới phải!
Mà má tôi nói đúng thật! Ngày đó tôi xấu kinh khủng, da đen bóng, tóc khô đét xén ngang cằm, cao và to hơn cả mấy chị hơn mình ba, bốn tuổi. Tôi không biết chơi mấy trò chơi con gái, không biết nhảy dây, không biết chơi bán đồ hàng cũng chẳng ưa gì búp bê … Bọn con gái chỉ rủ tôi chơi u hơi, mỗi khi có “tù binh” cần giải cứu, chỉ cần một mình tôi là cứu được tất. Chính vì vậy mà mỗi khi chơi trò này, tôi luôn được chọn. Còn lại, tôi bị cho “ra rìa”. Và vậy là tôi có ít bạn, Hoàng cũng ít bạn. Rồi chúng tôi thân nhau từ bao giờ không biết.
Quê tôi và Hoàng là vùng đất cuối tổ quốc nước chua mùi phèn nhưng đẹp kỳ lạ. Tôi thường gọi đó là thiên đường. Nhà tôi và Hoàng sát nhau, cách một hàng rào dâm bụt cao ngang đầu trẻ con. Giữa hàng rào đó là một lỗ hổng nhỏ - lối đi riêng của hai đứa tôi. Sau lưng nhà tôi và Hoàng là cánh đồng năng xanh bát ngát, xa xa mới thấp thoáng những ngôi nhà và vài đứa trẻ lạ lẫm đuổi bắt nhau trên đồng. Phía trước là con đường nhỏ, bên kia đường là cả một cánh đồng cỏ lau cao ngất ngưỡng. Nơi đó tôi và Hoàng thường chơi trốn tìm, hoặc bẻ hoa lau bó lại từng ôm to, hoặc chỉ đơn giản là nằm dài trên thảm cỏ lau cho đến lúc về hai đứa gãi sồn sột đỏ cả da…
Hoàng hay khóc, nhìn thấy cái gì hơi động lòng là nước mắt nó chảy ra: Con bọ cánh cứng tôi lỡ chân đạp phải nằm chỏng queo, cây đu đủ đực má nó chặt để trồng cây mới, mớ nòng nọc bị bọn con nít bắt lên bờ chết khô… Có lúc con chó mực nhà nó bỏ đi đâu mấy ngày là Hoàng cũng khóc đủ mấy ngày. Báo hại tôi đi khắp xóm tìm, tìm không ra phải sang xóm bên, vào tận mấy quán thịt cầy hỏi thăm. Mãi mới thấy con chó ở đâu chạy về, mừng quýnh, Hoàng cũng mừng quýnh, nước mắt càng tuôn nhiều hơn nữa.
Tôi sợ thấy Hoàng khóc đến nỗi tôi không dám khóc. Chẳng bao giờ người lớn thấy tôi rơi một giọt nước mắt. Ngay cả cái lúc trèo lên cây me hái trái cho má nấu canh chua bị té gãy tay, đau, nhưng tôi không khóc. Chỉ có Hoàng đứng kế bên, mếu máo. Nhìn mặt nó mà tôi phì cười, quên béng cái tay đau.
Một bận có rất nhiều người đến khu xóm nhỏ của chúng tôi. Họ mang theo xe ủi, xe tải, xe cạp đất. Người lớn bảo họ chuẩn bị làm đường, cất nhà.
Rồi con đường nhỏ đất đỏ trời mưa nhão, trời nắng bụi mù bị người ta trải lên bao nhiêu là đá. Con đường mới tinh chưa từng hiện hữu đó dẫn tới khu rừng tràm sâu tít cuối xóm. Nơi mà tràm bị chặt hết, người ta ủi đất, xây nhà - những ngôi nhà cao cao, có những khung cửa kính xinh xắn, có ban công… Tôi hay đạp xe chở Hoàng (vì tôi khỏe hơn nó nhiều) thong dong đi thăm các khu nhà mới. Có nhà còn đang dở dang, tôi vào trong xem, Hoàng đứng ngoài canh mà sợ khóc thút thít.
Nhưng cái đặc biệt không phải là khu nhà mới đó, điều khiến tôi thích thú là phía bên kia đường. Cánh đồng cỏ lau không còn nữa, người ta đã chặt bỏ hết, lấp lên đó một thứ cát mịn màng màu vàng. Ranh giới giữa bãi cát và con đường trước nhà chúng tôi là một cái ao mới tinh. Không biết người ta đào làm gì, cái ao hẹp nhưng kéo dài từ đầu đến cuối xóm, đất sình lắng nước trong veo. Rồi người ta lại lấp một khoảng của cái ao đó ngay phía trước nhà tôi đủ để làm một lối đi từ bãi cát đến con đường, chia cái ao dài ấy ra làm đôi, phía trên lại trải cát vàng. Tôi xúi Hoàng, hai đứa hì hục đào một cái rãnh nhỏ xíu từ cái ao bên này sang ao bên kia. Nước chảy vào rãnh làm thành con suối nhỏ trong veo đẹp kỳ diệu. Và nơi đó là thiên đường của chúng tôi.
Mỗi buổi chiều hoàng hôn đỏ rực sau cánh rừng tràm bên kia bãi cát, tôi và Hoàng ngồi bên con suối nhỏ, bới cát đắp hình, cho cát nhão chảy trên đôi bàn tay làm núi, làm lâu đài, nghe gió lạnh thổi rì rào đám năng mọc dưới ao tự bao giờ…
Tôi đậu đại học cũng là lúc cả gia đình tôi chuyển lên thành phố. Hoàng cũng đậu đại học, điều này không ngạc nhiên gì vì Hoàng vốn dĩ học rất giỏi. Má tôi bảo để Hoàng ở chung với gia đình tôi trên thành phố để đỡ tiền thuê nhà. Má Hoàng tỏ ý e ngại, má tôi cười xòa:
- Con Xíu nó như con trai, có gì mà ngại!
Trời đất, má tôi rõ ràng không nhận ra, tôi đã thay đổi rất nhiều sau bấy nhiêu năm. Da tôi đã trắng lên nhiều, tóc đen và mượt dài ngang vai. Còn cái sự cao ráo của tôi là một sự cân đối làm tôi hài lòng. Rõ ràng mấy cô người mẫu trên thành phố cũng giống như tôi đấy thôi.
Vậy là Hoàng lên thành phố, mắt đỏ hoe lúc chia tay gia đình. Giờ nó sẽ ở cùng với cả nhà tôi, nơi không còn nữa lối đi riêng dưới hàng rào dâm bụt.
Hoàng đậu đại học mỹ thuật. Tôi ngạc nhiên hết sức. Trước đến giờ có thấy nó vẽ vời gì đâu. Tôi hỏi, nó cười gượng gạo:
- Tại mình đã vậy, bạn bè mà biết cả chuyện vẽ sẽ chọc ghẹo thêm.
Tôi ký đầu nó:
- Mày ngốc thế, nếu tao mà biết mày vẽ đẹp thế sẽ không phải thức mất mấy đêm vẽ bài kỹ thuật.
Và để tạ lỗi, tôi bắt Hoàng phải vẽ cho tôi một bức tranh để treo trong phòng. Thế mà mãi tới gần nửa năm sau Hoàng mới trao cho tôi bức tranh đó. Bức tranh vẽ bãi cát vàng có con suối nhỏ, nơi hai đứa trẻ dưới ánh hoàng hôn ngồi xây lâu đài. Nhìn bức tranh, mắt tôi cay xè, Hoàng hết hồn:
- Xíu khóc đấy à?
- Đâu có, tranh vẽ bằng gì mà mắt tao cay quá!
- Bằng bột màu thôi mà, không lẽ Xíu dị ứng với bột màu?
- À, ừ… chắc vậy!
Cái thằng ngốc thật!
Hoàng hay kể tôi nghe chuyện trong lớp mấy đứa bạn bảo Hoàng là pêđê. Tôi bày ra một ý:
- Hôm nào mày chở tao vào trường chơi, tao giả làm bạn gái mày.
Hoàng rụt rè:
- Được không?
- Được chứ sao không!
Vậy là Hoàng chở tôi đi dự triển lãm tranh của trường nó. Khi nắm tay Hoàng, tôi cảm nhận được nó giật bắn người, mồ hôi bắt đầu rịn ra trong lòng bàn tay. Tôi khúc khích cười, nắm tay Hoàng chặt hơn đi giữa đám bạn. Đứa nào cũng tròn mắt, mấy bọn con trai xuýt xoa:
- Trời, thằng Hoàng coi vậy mà có nhỏ bạn xinh hết xẩy!
Hôm đó về, tôi cười nắc nẻ:
- Hôm nay mày giống con trai thật (sau này tôi mới thấy mình nói câu này thật ngớ ngẩn). Thế nào ngày mai tụi nó cũng có thái độ khác cho xem.
Nhưng người có thái độ khác đầu tiên lại là Hoàng. Chẳng biết đêm đó suy nghĩ gì mà sáng chở tôi đi học nó không nói tiếng nào, tôi gợi chuyện Hoàng chỉ ậm ờ cho xong. Đến trường tôi, Hoàng dừng lại một chút, bảo:
- Hôm nay Xíu về với bạn nhé, Hoàng có việc về trễ.
Và Hoàng về trễ thật, mãi tối mịt nó mới về, chỉ kịp chào mọi người rồi chui tọt vào phòng. Mấy hôm sau cũng vậy, Hoàng không dám nhìn thẳng tôi như mọi lần, có thì chỉ dám nhìn lén lúc tôi quay đi. Mà cái ánh mắt nhìn ấy lạ chưa từng thấy nó như vậy bao giờ.
Tôi chợt giật mình, không lẽ cái nắm tay của tôi làm thức tỉnh trong Hoàng những cảm xúc xưa nay vẫn im lìm ngủ? Hay vẫn còn một khía cạnh nào đó của con người Hoàng mà bao nhiêu năm làm bạn tôi vẫn không nhận ra? Tôi đã luôn bảo vệ Hoàng trước những tiếng xì xầm diễu cợt của mọi người nhưng lẽ nào lại vô ý nghĩ về Hoàng theo cái cách mà mọi người vẫn nghĩ…
Một ngày đang ở trong phòng, tôi nghe tiếng má tôi ngoài phòng khách:
- Con nói gì? Dọn đi là dọn làm sao?
Rồi có tiếng lí nhí gì đó của Hoàng và giọng má tôi lại vang lên:
- Không được, bác đã hứa với má con rồi! Không đi đâu hết!
Cuộc nói chuyện kéo dài vài phút nữa cho tới lúc giọng má tôi tuyệt vọng:
- Xíu ơi, thằng Hoàng nó đòi dọn ra ngoài ở nè con ơi!
Chân tôi cứng lại ngay cửa phòng, không biết nên làm gì nữa. Tôi nghe tiếng Hoàng chào má tôi, tiếng mở cửa và cả tiếng chân nó đi ra ngoài. Rồi như chợt bừng tỉnh, tôi chạy ra khỏi phòng, khỏi cổng, băng băng trên mặt đường xi măng nhám muốn bong cả chân. Cho đến lúc nhìn thấy bóng Hoàng xiên xiên dưới buổi ráng chiều yếu ớt. Tôi dừng lại, tim đập mạnh, những nhịp thở cuồn cuộn trong lồng ngực. Tôi cất tiếng gọi chợt nghẹn ngay cổ họng mình:
- Hoàng ơi!!!...