Truyện: Truyện Ngắn Hay: Ngày Tết Bên Cha

Tác giả: Sưu tầm

Thể loại: Truyện ngắn hay nhất

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, Tết cổ truyền luôn mang nhiều dấu ấn đặc biệt. Tết đến, mỗi người, mỗi cảm xúc khác nhau, nhưng đều có chung tâm trạng là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và nhớ bạn bè.

Mồ côi mẹ từ khi nó lên năm, em nó lên ba. Ông bà nội có tới sáu người con. Tất cả đều có gia đình riêng. Cha nó là trai trưởng sống với ông bà nội. Chăm làm, “khéo ăn, khéo co” tạm gọi đủ ăn qua ngày. Mẹ chúng qua đời, là mất đi một lao động chính, cuộc sống trở nên chật vật. Cha nó bàn tính với ông bà nội, gửi chị em nó lại để bôn ba tìm việc làm. Em Tiên của nó bị thiểu năng trí tuệ, nên không phân biệt sự mất mẹ khác với mẹ đi xa. Tiên nghĩ mẹ cũng đi làm xa như cha vậy.

ngay tet ben cha

Cha nó đi từ đó đến nay, tính cái tết này nữa là sáu cái tết. Hai năm đầu, cha nó còn về thăm đôi lần, với những món quà cho con, khi thì vài hộp bánh, khi thì bộ đồ mới và đưa cho bà nội chút ít tiền chợ. Cha nó kể là chạy xe hon đa ôm, ở gần khu công nghiệp Đồng Nai. Sau đó không biết cha nó làm ăn ra sao, mà ba năm nay bặt vô âm tín. Cả nhà lo lắng muốn đi tìm, nhưng trời đất rộng thênh biết đâu mà tìm.

Hằng năm cứ đến ngày đưa ông Táo, ông bà nội lại nói: - “Tết cha con về.” Thế là những ngày cận Tết, chiều chiều hai chị em dắt nhau ra ngã tư đường cái, chờ cha đến tối mịt. Không thấy. Chúng thui thủi dắt tay nhau về. Tiết trời se lạnh, may nhờ cái áo vá nhiều lớp, với những mảnh vải màu xanh, nâu, đen hình chữ nhật, hình vuông khâu chồng lên nhau, nên chúng không thấy lạnh. Ông nội đi làm thuê.

Chờ cha ngày tết.


Còn bà ở nhà nội trợ và chẻ nan đan bồ, kiếm thêm thu nhập, nên không có thời gian để tâm đến em nó. Mặc kệ Tiên la lếch, nghịch đất mặt mũi tay chân lem luốt. Bà nội chẻ nan, nó ngồi bên cạnh theo dõi từng thao tác của bà. Khi bà đi nấu cơm, nó bắt chước cũng lấy rựa chẻ thử. Lúc đầu chưa quen, cọng nan chỗ dày chỗ mỏng. Dần dần quen tay biết cách ra nan. Khi bà nội đan bồ thì nó chẻ nan. Nhờ vậy, mà bà đan ròng rã một ngày được hai chục thước bồ.

Lập đông trời trở lạnh, nó nghiêng người ôm em vào lòng ủ ấm. Tiên thỏ thẻ hỏi:

- “Chị, chừng nào cha về?”

- “Tết cha về.”

- “Không phải. Bà nội nói cha bỏ chị em con luôn rồi.”

Thỉnh thoảng có đêm, nửa khuya bất giác Tiên ngồi dậy gọi: - “Mẹ ơi! Mẹ!” rồi thút thít. Nó xoa lưng em dỗ dành: - “Ngủ đi em! Ngủ đi mai mốt cha mẹ về.”

Chú Lâm - ba của con Thy làm thầu xây dựng ở xa, cũng đã về nhà ăn tết. Chú xách lỉnh kỉnh bánh, mứt… Nhìn mà thèm thuồng.

Sáng mùng một tết, bà nội dắt hai chị em đi chùa lạy. Sân chùa sáng rực một màu trắng. Ai cũng muốn cầu phúc - lộc - bình an cho cả năm, nên người dân địa phương tụ về đây đông như ngày hội. Thấy con Linh, con Ngân tung tăng nắm tay ba mẹ vô chùa, nó chợt chạnh lòng. Không biết bà khấn gì. Còn nó cầu xin Trời, Phật phù hộ cho ba nó bình an, sớm về với nó. Chẳng biết con Thy từ đâu chạy ào tới, hớn hở giơ cao phong bao đỏ chóe khoe: -“Ba tao lì xì nè...” Con Thy vui bao nhiêu, lòng nó buồn bấy nhiêu. Không biết cha đi đâu mà không thấy về.

Nó mong cha đến vô vọng. Có lần nó hỏi: - “Sao cha con không về hả nội?” Bà nội ôm nó vào lòng an ủi: - “Chắc cha con bận việc quá nên không về được.” Tết này nó được mười một tuổi rồi. Nó thầm vái ông Trời, tết năm nay cha nó đừng bận việc, để về với chị em nó. Đã sáu năm rồi nó khao khát tình thương của cha. Nhớ mồ hôi hăng mùi cháy nắng của cha. Nhớ ngày nào cha đi làm về, chưa kịp rửa chân tay đã ngồi xổm, dang rộng hai cánh tay đón chị em nó vào lòng, hôn lên má hai đứa. Ba nó đi làm mướn. Mùa nào việc nấy.

Mỗi chiều đi làm về, quà cho chị em nó là những quả mọc dại trong rẫy. Khi thì những trái thù lù chín bóng lưỡng, ngọt lịm. Khi thì những trái nhãn lồng vàng rơi. Nó thích lắm. Ba nó còn bắt con cánh cam, lấp lánh nhiều màu sắc cho chị em nó chơi. Tới mùa thu hoạch đậu phộng. Nó biết chắc chắn chiều cha đi làm về, thế nào cũng có cho chị em nó những bụi đậu sai trái. Đã sáu năm nay nó không được cha ôm hôn, không được thấy cha đi làm về mỗi chiều. Nó gọi thầm: “Cha ơi! Con nhớ cha lắm. Cha ơi!” Mỗi khi nghĩ đến cha, khóe mắt nó đỏ và sống mũi cay cay…

Trong nhà giờ còn lại hai chị em nó, ông bà nội và cô út đang học lớp mười hai. Căn nhà lá lụp xụp dột nát, cứ tới mùa mưa thì thau, chậu, bày như bán hàng xén khắp nhà, để hứng nước mưa. Trên nóc mùng thì phủ tấm nilong lại thêm cái thau nhựa, từng giọt mưa rơi xuống chậu kêu “Tộc! Tộc!”. Nó thấy ông bà nội như hai bác rùa già, cõng trên lưng cái mai nặng nề, còn cố dốc hết khả năng cho nó và cô út đi học. Với hi vọng sau này có cái nghề nuôi than, không phải vất vả như ông bà, như ba của nó. Hoàn cảnh sớm dạy nó ý thức điều đó, nên năm nào nó cũng đạt học sinh giỏi, được trường xét cấp học bổng.

Mùng ba tết. Nó không còn hi vọng để mong cha về nữa. Bữa nay nó cùng mấy đứa bạn đi chúc tết thầy, rồi ghé nhà đứa này đứa nọ chơi cả ngày, mệt muốn ngủ sớm. Khuya thức giấc chống tay ngồi dậy để xuống giường đi tiểu, bỗng tay nó chạm phải ai đó. Nó căng mắt nhìn. Bóng đèn cà na phát ra những tia sáng màu xanh mờ ảo trong màn đêm. Nó nhận ra cô út Lành nằm cạnh nó. Sao cô út ngủ ở đây? Mọi bữa cô út ngủ giường bên cạnh mà. Nó tuột xuống giường nhìn sang giường cô út. Có ai đó đang ngủ trên giường của cô. Hình như… tới hai người lận. Mắc tiểu quá nó lần xuống nhà dưới, lấy cái bô bà nội để sẵn ở dưới bộ ván ra tiểu. Xong. Vì tò mò nó ghé mắt sát mùng, xem ai đã ngủ ở giường cô út? Ánh sáng mờ nhạt của đèn ngủ làm nó không nhìn rõ, chỉ ngờ ngợ dáng dấp có một người giống ai đó trông quen lắm. Lên giường nằm nó nghĩ ngợi mãi vẫn không đoán ra là ai. Suy nghĩ mòn mõi rồi thiếp đi tự lúc nào.

- “Ê! Về hồi nào vậy mày?”

- “Dạ con về hồi khuya, chú tư.”

Đang say ngủ nó bỗng choàng tỉnh. Hai con mắt ráo hoảnh. Hình như là tiếng của ba nó, đang trả lời với ông tư Hui nhà bên cạnh. Nó lật đật vén mùng, bước nhanh xuống đất, chạy ra sân nơi có tiếng nói của ba. Trời chưa sáng, ba nó đang quét sân.

Chúc bạn đọc có những ngày nghỉ tết vui vẻ, hạnh phúc nhất!

Nguồn: truyen8.mobi/truyen-ngan-hay-ngay-tet-ben-cha-c8a8560.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận