Truyện: Về Mái Trường Xưa

Tác giả: Sưu tầm

Thể loại: Truyện ngắn hay nhất

Xuống xe ôm, mới đi vài bước, ông chợt khựng lại bởi tiếng loa oang oang từ sân trường vọng ra.

 

 

Ai đó đang đọc diễn văn. Sấn sổ vô lúc này chỉ làm chộn rộn mất trật tự, phiền phức mọi người. Nghĩ vậy ông quảy túi xách tạt qua quán cóc chếch bên kia đường gọi cà phê, ngồi chờ. Chờ ai? Mới tới ông biết ai lạ quen trong đó mà chờ. Chờ gì? Sau lễ lộc nào mà chẳng có liên hoan, chẳng lẽ vì chuyện này?

Ngồi đây, qua lớp rào lưới sắt, ông quan sát khá rõ bên trong. So với trước khuôn viên trường được cơi nới rộng ra và cao bằng mặt lộ, khiến dãy phòng thời ông đi học như bị đẩy giạt ra, mái trũng xuống với màu rêu phong và tường vôi loang lổ úa vàng. Chắc sắp tới người ta sẽ sử dụng nó vào việc khác hoặc phá bỏ đi bởi trông nó có vẻ lạc lõng so với ba dãy phòng hình chữ u ngược, với mái tôn giã ngói đỏ au, tường sơn vàng rộm, ôm lấy khoảng sân khá rộng. Nơi đó, dưới bóng mấy cây dù xanh đỏ mọi người đang tề tựu làm lễ. Đối diện với trường, về phía triền núi là ngôi đình cổ, thờ Khâm sai Thống chế Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong việc huy động dân binh khai hoang lập ấp, đào kinh Vĩnh Tế, con kinh có giá trị lớn về kinh tế, quốc phòng.

Lão chủ quán khom người đặt li cà phê trước mặt ông: "Thầy đi dự lễ khánh thành à?". Ông chưa kịp đính chính tiếng thầy, lão lại tiếp: "Sao thầy không vô? ở trỏng đông lắm, toàn là quan chức với nhà giàu. Tay hiệu trưởng đang đọc diễn văn đó”. Giọng lão rất chói tai, ông cố dằn lại, mới bước chân về quê, không khéo xảy ra đôi co, hay ho gì. Ông bưng li cà phê đen nhắp một ngụm, mùi bắp rang, cơm cháy lừng lên. Cố cho nó tọt qua cổ họng, ông dằn li, gọi xẵng: "Tính tiền!". "Ba ngàn rưỡi". Lão chủ cộc lốc. Biết bị "chặt", ông móc tờ năm ngàn liệng lên bàn, đứng lên dợm bước. Bỗng lão chủ quán chộp tay ông, nhìn trân trân: "Thầy là… Mầy là… Hai Hoàng phải không?. "Từ, tôi đây". "Mầy không nhớ tao à?". Hai Hoàng đưa tay vỗ trán, giọng dịu lại: "Xin lỗi, tôi nhớ mang máng, ông là…". "ủng, Tư ủng nè!". Lão chủ quán vỗ ngực bình bịch, vẻ hớn hở. "à ạ… nhớ rồi! Sao bây giờ râu tóc mày bạc dữ vậy, ủng? Tao nhìn không ra". "Thì đã có cháu nội, cháu ngoại rồi, trẻ trung gì nữa". Họ cười rân rồi choàng vai nhau ngồi xuống. Đám học trò ngồi uống nước kế bên giương mắt nai nhìn qua, chẳng hiểu hai lão già đang làm trò gì.

"Mầy bây giờ ở đâu? Làm quan cỡ nào rồi?". Tư ủng hỏi: "Quan quyền mẹ gì, tao về hưu rồi. Mấy năm nay tao ở Cần Thơ. Còn mầy, ở sát bên trường sao không vô dự lễ?". "Ai mời mà đi. Thằng hiệu trưởng chỉ mời dân có tiền hoặc chức phận". Hai Hoàng cười khẩy. "Mầy già đầu rồi mà vẫn không bỏ tật nói khoé. Người ta góp của, mày góp công được không?". Đôi mắt bụp của Tư ủng chợt quắc lên: "Thấy cái mặt nịnh của thằng hiệu trưởng là tao ghét rồi, đời nào tao bước chân vô trường. Mầy coi, gần hai chục năm nay tao dựng quán bán nước bên cổng trường, học trò ra vô rất tiện lợi. Hồi đầu năm nay lợi dụng việc xây lại trường sở, nó kêu chính quyền tới đuổi quán để căng-tin tụi nó được độc quyền, buộc lòng tao phải dời qua tuốt bên đây. Lũ học trò muốn qua quán tao phải băng qua đường, mà xe cộ bây giờ mầy thấy đó…”. Đúng là xe cộ ở núi Sam bây giờ ghê thật, hai bánh, bốn bánh qua lại ầm ì như mắc cửi, lại thêm tiếng nhạc, tiếng ồn từ các quán xá, nhà trọ át hẳn tiếng loa bên sân trường. Chẳng nghe được gì, Hai Hoàng bực mình xẵng giọng: "Sao mầy không đâm đơn kiện?". "Đợi mầy nhắc, tao đã gởi cả chục lá đơn rồi nhưng chẳng lay chuyển được gì bởi mấy thằng chính quyền đã ngậm tiền đầy họng rồi, dù tụi nó biết rõ gia đình thằng hiệu trưởng là nguỵ rặt". "Vậy à? - Hai Hoàng tò mò - Tay hiệu trưởng nầy gốc gác ở đâu?". "ở tại xã nầy chứ đâu, nó là con ông Tình làm Hội đồng xã thời Nguỵ, mầy nhớ không?". "Không". "Vậy mầy nhớ thằng Mười không? Cái thằng đen như tràm cháy, hồi nhỏ tụi mình đặt nó là Mười mun đó”. "Thằng Mười nhà ở ngoài bờ kinh?". "Đúng". "Thằng Mười sau nầy làm trưởng đồn Nhà Neo, biệt danh là Mười cọp?". "Đúng! - Tư ủng vênh mặt lên, môi trề trề, nhả từng tiếng một - Cậu ruột của thằng hiệu trưởng đó!". Hai Hoàng ngồi lặng thinh, hồi lâu mới nói, giọng lạnh tanh: "Vậy thì sao?". Tư ủng vỗ bàn cái bốp, mắt trợn khu tô: "Thì sao à? Nó đã từng bắn mầy, từng trói tao, tội ác chất chồng, vậy mà mầy và lũ chính quyền ở đây để cho đám con cháu nó ngoi lên đè đầu cưỡi cổ dân xã nầy!". "Nhưng nó đã chết rồi, mầy lôi nó ra làm chi nữa? - Hai Hoàng thở dài - Nó chẳng có vợ con, chẳng biết trước giờ ai thờ nó?". "Thằng hiệu trưởng ác nhân thất đức đó thờ chứ ai".

Một tốp học trò cả trai lẫn gái vừa xà vô quán, chúng ơi ới gọi nước, huyên thuyên cười nói: "Ông ủng đâu rồi? - Có tiếng đàn bà ong óng phía sau - Vô đập nước đá nè. Già đầu rồi mà còn già chuyện!". Rõ ràng là giọng sai khiến của kẻ có quyền lực. Mẹ sai con cũng chưa nặng lời như vậy. Tư ủng lẹ làng chộp tờ năm nghìn rồi te te quay vô.

Nghe giọng điệu của Tư ủng vừa rồi, nếu là người lạ chẳng tưởng y là con nhà cách mạng gì đây. Thật ra suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ Tư ủng chỉ được cái giỏi trốn quân dịch. Chuyện y bị trưởng đồn Mười cọp (đúng ra là lính của Mười cọp) bắt trói và cả đánh đập chẳng liên quan gì đến cách mạng cả. Sở dĩ Hai Hoàng biết rất rõ như vậy là do lúc mới giải phóng ông làm trợ lí chính trị của huyện đội, ông được chỉ huy phân công về xã nhà "giảng bài" cho những người từng tham gia quân đội chế độ cũ nhưng không phải là đối tượng tập trung cải tạo dài hạn. Điểm học tập cũng tại sân trường tiểu học nầy.

Lúc bấy giờ Tư ủng làm phó Chủ tịch xã, phụ trách an ninh, quân sự. Từ sáng sớm anh ta dẫn tiểu đội công an, du kích súng ống, nai nịt chỉnh tề có mặt tại trường để bảo vệ điểm học tập. Những người tới trình diện học tập hầu hết ở lứa tuổi thanh niên, gồm đủ các sắc lính, đa số thuộc loại đơ-dèm, bị bắt quân dịch hoặc làm lính ma, lính kiểng. Họ đư c tập trung về đây mỗi người mỗi cảnh, tâm trạng không ai giống ai nhưng nhìn chung chẳng có vẻ gì căng thẳng nặng nề. Bằng chứng là họ vẫn bình thản bu quanh các gánh hàng rong, túm tụm chuyện vãn, cười nói bông lơn với cả anh em công an, du kích, bởi họ với anh em dẫu sao cũng là người cùng xóm, cùng làng, không bà con dòng họ thì cũng là bạn bè quen biết trước đây. Còn anh em du kích, công an và cả phó Chủ tịch Tư ủng cũng chỉ tham gia cách mạng khoảng mươi ngày, gọi là "cán bộ ba mươi" nên sự kính nể ở họ nếu có chắc cũng không nhiều.

Nhưng có lẽ phải trừ ra một người: Huỳnh Văn Mười, tức Mười cọp, thượng sĩ trưởng đồn Nhà Neo. Cũng như mọi người hôm đó y đã mặc vào cái áo sơ mi trắng dài tay (có lẽ để che giấu cái vết thẹo, vết xâm) và cái quần tây xám mốc. Mười cọp tới không quá sớm cũng không quá trễ. Kê khai ýi lịch trích ngang xong, y tự động cầm chổi quét sân, tiếp mọi người khiêng bàn ghế từ các phòng học ra, không ăn uống, không chuyện vãn với ai, một mình ngồi dựa cột hành lang, kéo xệ vành nón, đốt hết điếu thuốc nầy tới điếu thuốc khác.

Khi Hai Hoàng bước tới bục mi-cờ-rô chuẩn bị làm việc, Tư ủng chạy vô đặt trước mặt ông xấp danh sách vừa đăng kí rồi quay qua đứng nghiêm. Chẳng biết Tư học đâu tư thế đứng nghiêm mà cái bụng ễnh ra chình bình, cây côn 45 xệ tới gối trông thật tức cười. Hai Hoàng lướt qua danh sách, tổng cộng 76 người, coi như bằng quân số một đại đội. Chỉ một xã mà đã vậy, trong khi tổng cộng số cán bộ, chiến sĩ các khối dân quân chính đảng của huyện hôm từ căn cứ kéo về tiếp quản chính quyền chưa tới năm chục. Tình hình mới giải phóng rất phức tạp, với bấy nhiêu người huyện không tài nào quán xuyến nổi địa bàn. Vì vậy, huyện chủ trương lựa chọn những người xuất thân từ thành phần cơ bản, cơ sở cách mạng, cán bộ chín năm, có người thân đi kháng chiến, không dính dáng chế độ cũ vào các cơ quan ban ngành và nắm các chức vụ chủ chốt ở các xã ấp.

Tư ủng nằm trong tiêu chuẩn cuối cùng nầy, chính Hai Hoàng giới thiệu y vô làm xã, một phần vì y khai từng bị lính Mười cọp bắt trói đánh đập, mặt khác cũng vì nể tình thân quen bởi hai người từng học chung thời tiểu học. Hồi đó, làng Vĩnh Tế chỉ có một trường tiểu học. Làng bao gồm cả núi Sam và một đoạn dài kinh Vĩnh Tế vắt ngang qua. Học sinh của trường thường chia làm hai phe, phe núi và phe bờ kinh. Phe núi đông hơn nên thường lấn lướt phe kia. Thường là cãi lộn thôi chớ nếu đánh nhau thì chưa chắc phe nào thắng, bởi phe bờ kinh có thằng Mười làm thủ lĩnh, nó to con và đen mun, đôi mắt lộ nhìn ai không chớp mắt. Nó nổi tiếng gan dạ, một mình dám chấp hai ba thằng, đánh thua không bao giờ thưa méc thầy cô. Hoàng ở Núi Sam nhưng chẳng biết sao lại thích chơi với Mười. Mùa nước lên thường bơi xuồng ra bờ kinh rủ Mười đi câu cá, hái cà na. Mùa khô, có khi hai thằng lội qua kinh Vĩnh Tế lên đồng biên giới hái gương sen, bắt rùa rắn. Riêng ủng chẳng theo phe nào, cũng chẳng chơi thân với ai. Hở chuyên thì thọc méc thầy cô. Nó chỉ kiêng mặt thằng Mười vì có lần nó méc thầy gặp Mười leo vô rào đình bẻ nhãn, thầy phạt Mười quì vỏ mít. Tan trường nó bị Mười đón đường đánh sặc máu mũi. Trong cặp ủng lúc nào cũng có bánh kẹo, trước và sau giờ học miệng nó luôn nhai xàm xạp nhưng đố nhín cho ai miếng nào. Học hết lớp nhì, tức lớp bốn hiện nay, ủng nghỉ học ở nhà tiếp gia đình bán tạp hoá. Số học sinh còn lại sau khi vượt qua lớp nhứt, thi lên đệ thất chỉ còn khoảng một phần năm. Qua mỗi năm lại rơi rụng dần dần, đến năm đệ nhị chỉ còn lại hai người: Lý Văn Hoàng và Huỳnh Văn Mười. Kì thi tú tài bán phần năm đó mặc dù sức học hai người ngang nhau nhưng Hoàng đậu, Mười rớt. Hoàng không học tiếp vì phải theo người anh vào trong chiến khu. Còn Mười phải xách bị vô quân trường theo lịnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn. Trong danh sách học tập hôm ấy cái tên Huỳnh Văn Mười, bí danh Mười cọp được Tư ủng gạch đít và đánh dấu chấm to ở trước, ý muốn bảo Hai Hoàng cần lưu ý phần tử nầy.

ác ôn hay không, với ai có thể Hai Hoàng không biết bởi họ đi lính khắp các phương trời, còn với Mười ông quá rành. Sau khi rời quân trường với cấp bậc trung sĩ, Mười được bổ về Vùng IV chiến thuật. Năm 1970, nằm trong chiến lược mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương của Mỹ, sư đoàn y cùng nhiều sư đoàn khác vượt biên giới đánh qua Campuchia. Lúc bây giờ tập đoàn Lôn-nôn được Mỹ hậu thuẫn đã lật đổ chính phủ Hoàng gia, chúng mở chiến dịch tàn sát dã man Việt kiều. Trên sông Tiền, sông Hậu ngày nào cũng có cả chục thây bà con ta, nhiều nhứt là phụ nữ, trẻ em bị chúng giết hại thả trôi xuống từng xâu. Dĩ nhiên các lực lượng của ta được chính phủ Hoàng gia cho phép đứng chân bên đó cũng không thể yên ổn được với bọn phản động. Vậy là quân ta lâm vào tình thế lưỡng đầu thọ địch, cùng lúc phải chọi với hai lực lượng quân Lôn-nôn và quân Sài Gòn. Mặt khác các đơn vị ta còn phải căng sức bảo vệ đồng bào Việt kiều nên gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng lịch sử đôi khi thật trớ trêu, trước thảm cảnh đồng bào ta bị tàn sát, máu chảy ruột cũng mềm, một số đơn vị quân Sài Gòn quay súng tấn công quân "đồng minh" Lôn-nôn. Có trận quân Lôn-nôn bị quân ta đánh tháo chạy, dọc đường lại bị quân Sài Gòn đón đánh tả tơi. Quân Sài Gòn có lợi thế chiến xa, họ càn tới đâu sạch sành sanh tới đó. Đến khi xong chiến dịch, các chiến đoàn họ rút về bên kia kinh Vĩnh Tế, chỉ riêng phần gà vịt heo nghé, lính tráng ăn cả tháng trời chưa hết. Đúng là bọn phản động Lôn-nôn rước hổ vào nhà! Trận ấy Mười bị thương nhẹ ở tay và chẳng biết nhờ chiến tích gì y được cấp trên phong đặc cách lên thượng sĩ, cho thuyên chuyển về địa phương quân. Đổi tới đổi lui một vài nơi, cuối cùng y về trấn giữ đồn Nhà Neo nầy.

Đồn Nhà Neo nằm trong hệ thống đồn bót dày đặc dọc bờ kinh Vĩnh Tế, kéo dài từ Châu Đốc cho tới Hà Tiên. Cách bờ kinh phía tây vài trăm mét là biên giới. Yểm trợ cho hệ thống đồn bót nầy là các đại giang thuyền, xuồng bay nối đuôi vô ra ngày đêm, là các khẩu trọng pháo, trọng liên đặt trên các điểm cao, là các đèn pha cực mạnh quét dọc hai bờ kinh suốt mỗi đêm. Các đơn vị ta từ miền Đông, từ Campuchia muốn về vùng đồng bằng buộc phải vượt qua con kinh nầy. Bề rộng kinh Vĩnh Tế chỉ khoảng năm mươi mét nhưng nhiều đơn vị phải mất đôi ba tháng trụ lại giữa đồng trống đánh địch vẹt đường mới vượt qua được. Dĩ nhiên mỗi chuyến vượt kinh đều trả giá bằng rất nhiều xương máu. ác liệt quá nên cán bộ chiến sĩ ta gọi trại con kinh nầy là kinh vĩnh biệt. Riêng đồn Nhà Neo là một trở ngại lớn đối với các đơn vị địa phương mỗi khi về bám núi Sam hoạt động hoặc làm bàn đạp tiến ra tỉnh lỵ Châu Đốc. Đơn vị Hai Hoàng nhiều lần hạ quyết tâm nhổ đồn nầy nhưng lần nào cũng đều thất bại, bởi trưởng đồn Mười cọp - biệt danh nầy do bọn tề xã đặt cho y - vốn là người cố cựu ở đây. Địa hình, địa vật và cả dân tình y thuộc như lòng bàn tay. Mọi động tĩnh của ta ở bên kia bờ kinh hầu như y đều biết trước.

Trong buổi học tập hôm ấy, cái tên Mười cọp bị Tư ủng gạch đích đánh dấu không phải là vô cớ. Chính Hai Hoàng khi gặp mặt y cũng thấy căm giận trào dâng. Hận thù đâu dễ một sớm một chiều mà quên được nhưng chính sách của Mặt trận lúc đó không cho phép ai trả thù trả oán vì bất cứ chuyện riêng chung nào. Hoà bình rồi mọi người dù đứng ở vị trí nào cũng phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, hôm đó ông đã nói với anh em binh lính như vậy, kẻ thù chính yếu của dân tộc ta là bọn đế quốc, thực dân, suy cho cùng các anh em cũng chỉ là nạn nhân của chúng. Chính sách của Mặt trận Giải phóng là khoan dung độ lượng với những người lầm đường lạc lối, đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy lại. Ông còn diễn giải cho anh em binh lính hiểu được những nét lớn về đường lối, chính sách của Mặt trận; mưu mô thâm độc của bọn thực dân cũ, thực dân mới; truyền thống đấu tranh giữ nước của ông cha ta; sứ mệnh lịch sử của Đảng; nhiệm vụ của mọi người kể cả những người đã từng cộng tác với chế độ cũ. Có lúc ông nói với anh em binh lính như trao đổi tâm tình bởi gần tám mươi con người ngồi trước mặt ông có ai xa lạ đâu, nhiều người thuở nhỏ là bạn học dưới mái trường này, có người còn ngồi chung bàn, chung lớp, dấu tích có thể còn lưu lại trên những mặt bàn học trò kia. Giờ lịch sử đặt mỗi người mỗi vị trí khác nhau, nghĩ cũng đau lòng!

Cuối ngày học hôm đó, Hai Hoàng bảo Mười cọp và các trưởng đồn khác về nhà viết bản tường trình về quá trình làm việc với địch, ghi rõ chi tiết về từng trận đánh, về dân tình khu vực đóng quân… Số phận Mười cọp Hai Hoàng sẽ trình lên ủy ban Quân quản quyết định. Mấy ngày sau đọc bản tường trình của Mười cọp và hỏi thêm nhiều người khác, Hai Hoàng hiểu ra chuyện Tư ủng khai từng có hành động chống chính quyền cũ thật ra chẳng có gì. Hôm đó y may phước trúng một con số đề khá đậm nên nổi hứng vô quán ngồi nhậu một mình. Có tiền, lại sẵn hơi rượu y coi trời đất không ra gì. Ban đầu y chửi bới khơi khơi hàng xóm, cứ uống một hớp chửi một câu. Mọi người xúm lại khuyên bảo, y càng làm nư, khua tay múa chân chửi dài dài từ trưởng ấp, xã trưởng cho tới Tổng thống Thiệu. Xui cho y lúc đó có ba, bốn tay lính đồn Nhà Neo đi ngang qua, chúng xông vô thộp cổ y lôi ra giữa chợ, dộng cho mấy báng súng. Y khóc lóc lạy lục như tế sao, song vẫn bị chúng trói thúc ké xô về đồn. Thấy y van xin thảm thiết quá, nghĩ tình bạn học cũ, trưởng đồn Mười cọp chỉ sai lính nhốt y vô lô cốt cho muỗi chích một đêm cho bỏ tật phách lối. Đáng lẽ y phải bị giải về chi khu mà phần đòn roi tra tấn chắc chắn phải xứng đáng hơn nhiều. Sau đó chúng sẽ tống y vô quân trường thi hành quân dịch, rồi đẩy ra vùng I, vùng II làm bia đỡ đạn. Vậy mà sáng ra khi được thả về, ai hỏi, y vỗ ngực bảo có tiền mua tiên cũng được huống hồ mua thằng trưởng đồn! Rồi từ đó y tự xưng là thành phần đứng giữa, không theo phe nào. Nói nghe gan vậy nhưng khi chuyện tới tai làng lính y hoảng hồn cạo đầu chạy lên núi Sam, ở lẩn quẩn theo mấy am cốc cho tới ngày giải phóng mới hạ sơn về với vợ con.

Nhớ tích xưa của Tư ủng, Hai Hoàng chợt cười khan. Ông ngoái nhìn vô trong, thoáng thấy bóng Tư ủng thót lên xe đạp chạy về hướng Lăng Ông, có lẽ y được vợ sai khiến đi đâu đó. Ông chợt nghĩ phải chi xưa kia y kiên trì theo cách mạng chắc không đến nỗi bệ rạc như bây giờ. Thiếu gì những vị lãnh đạo huyện, tỉnh khởi đầu sự nghiệp từ xã ấp. Ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh vừa bi vừa hài cuối buổi chiều hôm đó. Sau khi ông dứt lời, Tư ủng bước lên bục dặn dò cánh trình diện một số công việc cụ thể. Y nói lập bập không đầu không đuôi. Hai Hoàng ngồi kế bên uống nước trà, ra hiệu cho y "thắng" lại. Chợt ông cảm nhận ra… Không, có thể rất nhiều người cùng cảm nhận ra, sau hai tiếng bùm… bùm âm âm từ phía tây là chuỗi âm thanh áo… o, áo… o rít lên rợn gáy. "Pháo kích!". Ai đó thét lên. Nhiều người đã kịp lăn xuống đất. ầm! ầm! Hai tiếng nổ đinh tai liên tiếp vang lên từ phía sau trường, làm rung chuyển cả mái ngói. Không ai bảo ai, mọi người túa ra xung quanh tìm chỗ ẩn náo. Mấy bà, mấy em nhỏ bán hàng rong bỏ mặc bánh trái đổ ngã, quáng quàng bỏ chạy, kêu la van trời. Bùm!… Bùm! Lại hai riếng đề pa nữa, nhưng lần nầy tiếng nổ vang xa ngoài đồng. Hai Hoàng chụp me-cờ-rô kêu gọi mọi người bình tĩnh chú ý lắng nghe tiếng đề pa và tiếng đạn đi, nhanh chóng rời khỏi khu vực nầy. Anh dợm chạy ra sau để xem đạn nổ ra sao chợt phát hiện Tư ủng nằm ngay đơ bên chân bục, đôi mắt trắng dã, đáy quần ướt nhẹp, ông nắm tóc mai y giựt mấy cái y mới hồi tỉnh, mặt ngơ ngác không còn chút máu. Thế là hục hặc ở biên giới Tây Nam đã bắt đầu, Pôn-pốt đã gây sự ngay. Ngày hôm sau Tư ủng dắt vợ con chạy tuốt về quê vợ ở Ba Thê, sau khi gởi lại lá đơn xin nghỉ việc vì lí do hoàn cảnh khó khăn!.

May hôm đó hai trái pháo rơi phía sau dãy phòng học nên không gây thương vong gì. Nhìn hai hố đạn nham nhở đen ngòm, bốc mùi khét lẹt, Hai Hoàng cảm thấy lo lo trong lòng. Hoà bình chỉ có mười ngày… Ông vừa đi vừa suy nghĩ. Khu trường giờ vắng hoe, con lộ nhựa phía trước cũng chẳng có bóng người hay xe cộ. Duy nhất chỉ có chiếc xe jeep của ông đang đậu nép bên cổng đình bên kia đường. Chợt ông phát hiện còn một người ngồi cuối dãy bàn với điếu thuốc cháy dở trên tay, dáng hờ hững như không hay biết chuyện gì xảy ra. Thì ra là Mười cọp. "Không về à?". Hai Hoàng tiến lại hỏi trỏng. "Chưa. Đạn pháo 105 phải không?". Mười cọp hỏi lại. "Chắc vậy". Vẫn trân trân nhìn về phía trước, y nói như để riêng mình: "Hoà bình rồi tưởng được yên rồi". Y liệng điếu thuốc, hai tay ôm đầu. Hai Hoàng ngạc nhiên nhìn y hồi lâu. Đoạn ông bưng khay trà lại, rót ra hai chung: "Uống trà!". "Cám ơn - Mười cọp xê chung trà về phía mình, giọng có vẻ thân thiện - Sau loạt pháo nầy là gì nữa ông dư biết rồi. Mai ông cho du kích mang ba lô theo tôi, xung quanh đồn và bên kia bờ kinh còn nhiều mìn và lựu đạn lắm. Chỉ có tôi biết chỗ và biết cách gỡ. Chắc nay mai sẽ cần tới nó". "Bỏ tiếng ông đi - Hai Hoàng vỗ vai Mười cọp - Lát nữa về tao sẽ báo cho xã đội chuẩn bị, nhưng anh em du kích toàn là lính mới không rành vũ khí đạn dược, mầy kêu đám lính cũ của mày tiếp đỡ nghen". Mười cọp mỉm cười gật đầu, nét mặt tươi ra. "Còn chuyện viết tường trình - Hai Hoàng tiếp lời - là do trên chỉ đạo, cứ trung thực mà viết. Yên tâm, chẳng có gì đâu".

Đầu năm 1977 Hai Hoàng được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh điều về tiểu đoàn chủ công của tỉnh làm đại đội trưởng, rồi tiểu đoàn phó, đứng chân vùng Bảy Núi.

Cuối năm đó, tiểu đoàn Hai Hoàng về đứng chân ở xã Nhơn Hưng. Vào một đêm tối trời địch bất ngờ bao vây tấn công một tiểu đội của tiểu đoàn đang chắm chốt bên bờ kênh Vĩnh Tế. Qua liên lạc vô tuyến Hai Hoàng biết rõ tiểu đội gặp khó khăn. Địch đông và hoả lực rất mạnh. May mà chốt giữ của tiểu đội vốn là nền đồn của Dân vệ trước đây nên công sự khá vững chắc. Trong khi đó trinh sát tiểu đoàn báo về địch đang phục kích nhiều nơi, đón lõng ta chi viện. Hai Hoàng liền điện cho Xã đội trưởng Huỳnh Vũ Hùng nhờ cho lực lượng đến cứu viện. Khoảng 15 phút sau từ chốt của tiểu đoàn hàng loạt ánh chớp xanh lè chợt loé lên cùng những tiếng nổ ùng oàng rộ lên liên tục. Tiếng súng địch yếu dần rồi im bặt. Sáng ra mới biết phía Pôn-pốt bỏ lại chung quanh chốt 11 xác, tiểu đội ta chết 2, bị thương 2. Ngay trong đêm đó tiểu đoàn địch rút chạy vào sâu bên trong biên giới. Hai Hoàng điện cám ơn Huỳnh Vũ Hùng, Hùng cười to trên máy, nói muốn được lấy vốn lẫn lời bằng… lựu đạn. Anh em du kích xã đang rất cần, sẽ cho người đến nhận. Thật bất ngờ một trong ba người đến nhận là đội trưởng Đội Cơ động của Xã đội, người chỉ huy trận đánh chi viện đêm rồi chính là Nguyễn Văn Mười, tự là Mười cọp! Sau một phút ngỡ ngàng hai người ôm chầm lấy nhau. Hai Hoàng vỗ vai Mười bồm bộp: "Khá lắm! Tao nghe tiếng đội Cơ động đã lâu, không ngờ đội trưởng lại là mầy". "Chẳng riêng gì tao, mười bốn thằng trong đội đều là… Nguỵ hết!". Hai Hoàng bụm miệng Mười: "Cấm! Từ nay tao cấm mày xài từ nầy. Đánh bọn Pôn-pốt thì ai cũng có nhiệm vụ như nhau cả, đều vinh quang cả. Đáng chê trách là những kẻ đã bỏ chạy". Lúc đó, người lính cần vụ mang tới một bi-đông trà đặt lên nền gạch. Hai Hoàng kéo Mười xuống bậc tam cấp. Nơi đây là đình Nhơn Hưng, một bộ phận của Ban chỉ huy tiểu đoàn đang đóng tại đây "Ông Hùng xã đội trưởng giỏi thật - giọng Mười có vẻ nghiêm trang - ổng chiến đấu giỏi mà sử dụng người cũng giỏi. Ai chịu ở lại chiến đấu dù xuất thân bất cứ đâu, ổng đều mạnh dạn giao vũ khí, giao nhiệm vụ". Hai Hoàng gật gật đầu nhưng không nói gì. Hai người lặng yên hút thuốc, uống trà. "Đời người cũng như làn khói thuốc - Giọng Mười trầm trầm, có vẻ triết lí - Mà nè, Hoàng, mầy có vợ chưa?". "Rồi, hồi tao mới chuyển về Tỉnh đội, còn mầy?". "Tao thì ai dám lấy, nghe hai tiếng Mười cọp thì đứa con gái nào cũng hoảng hồn bỏ chạy". Hai người cùng cười to nhưng tiếng cười của Mười có phần chua xót. Như không để ý, Hoàng nói: "Từ nay mầy cho tao khai tử tiếng "cọp" đi. Gọi mầy là Mười… lựu đạn được không?". Mười vụt đứng lên, hai tay cum lại: "Hay! Hay! Lựu đạn đâu? Mầy kêu lính khiêng ra đây". Hiểu được tâm trạng của Mười, Hai Hoàng đứng lên bá vai bạn giọng xúc động: "Mười à! Trăm sông dù uốn khúc, ngược xuôi thế nào rồi cũng đổ về biển. Tao, mầy tuy có thời rẽ ngã hai nơi nhưng giờ đã nhập chung một dòng rồi. Xong cuộc chiến tranh này, có dịp tao mầy về lại làng Vĩnh Tế, thăm bà con chòm xóm, thăm trường cũ cùng thầy cô, bè bạn. Rồi nhậu một bữa cho đã đời, chắc vui lắm, mậy!". Mười xiết chặt tay Hoàng, hai mắt đỏ hoe!

*

… Nắng đã lên khá cao, tấm bạt che mái của Tư ủng bắt đầu toả hơi nóng. Ông Hoàng hớp một ngụm trà nguội cho mát họng. Đám học trò trong quán đã tản từ lúc nào. Xe cộ cũng bớt qua lại, nhờ vậy tiếng loa từ bên sân trường vọng qua nghe cũng được ít nhiều. Hình như tới phần tri ân tri yết gì đó, ai đó đang đọc danh sách các Mạnh Thường Quân, các cựu học sinh đã đóng góp tiền của góp sức với Nhà nước xây dựng lại trường tiểu học nầy. Tên ông hình như cũng được nêu lên, rồi hình như có cựu học sinh nào đó là Việt kiều vừa tặng cả ngàn đô. Ông Hoàng chợt nghĩ tới Mười, phải chi y còn sống, với những thành tích y đóng góp trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chắc y cũng có một chỗ đứng tốt trong xã hội. Rồi y cũng có mặt trong lễ khánh thành nầy. Bạn già gặp lại nhau, vui mừng biết mấy!

Nhưng làm sao mà có mặt! Trong một lần chiến đấu Mười bám đuôi xe tăng và bị bắn cháy, Mười anh dũng hi sinh, thi thể bị cháy đen, đồng đội mang xác anh về chôn trong một cánh rừng sồi.

Hai Hoàng nghe được tin dữ nầy khi tiểu đoàn anh đang trấn giữ mạn bắc Tà-Keo, tình cờ gặp lại hai anh em Đội Cơ động đến xin lựu đạn hồi còn trong nước. Các anh em tường thuật lại đầu đuôi và cho biết sau mấy tháng tham gia chiến đấu trên nước bạn, thấy tình hình truy quét bọn tàn quân đã tạm ổn, các anh em không chính thức ở trong phiên hiệu nào, nên xin được quay về nước để kiếm đường làm ăn, sinh sống. Một năm sau đó do bị bệnh sốt rét nặng, Hai Hoàng được chuyển về nước điều trị. Sau đó anh được chuyển ngành, qua nhiều cơ quan, chức vụ. Trước ngày về hưu ông là phó giám đốc Sở lương thực tỉnh. Rất nhiều lần ông gõ cửa các cơ quan Chính sách, Thương binh xã hội để làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho Huỳnh Văn Mười, nhưng lần nào cũng vấp phải những nguyên tắc rắc rối về hành chính và cả những lạnh nhạt về tình người nên ông đành chịu thua. Có lần ông biên thư về xã Vĩnh Tế hỏi ý ki ến, chính quyền ở đó cho biết cha mẹ, anh em Mười không ai còn ở đây. Lúc còn sống ba của Mười không muốn nhắc tới chuyện nầy…

Hai Hoàng đứng lên bước nhanh vào cổng trường xưa. Tư ủng cũng vừa về tới nơi, y vội vàng dựa xe vô hàng rào đình rồi vẫy tay nói với theo: "Hai Hoàng, quay lại lấy tiền thối nè!". Chẳng biết Hai Hoàng có nghe hay không mà ông vẫn bươn bả bước qua cổng trường. Tư ủng ngồi phịch xuống ghế thở dốc. Quán giờ vắng hoe, trên chiếc võng mắc giữa cột quán và hàng rào đình bà vợ ông đang ngoẹo đầu ngủ khò. Bên kia trường tiếng hát của các em học sinh rộn ràng vang lên, tiếng đờn tiếng trống rập rình như thúc giục, Tư ủng chợt thấy lòng nao nao, và ông ngồi lặng yên. Khá lâu, ý chừng cũng mất ba mươi phút, ông chợt thấy có hai người đàn ông cỡ tuổi mình đang nắm tay nhau bước ra cổng trường. Ông rướn người nhìn qua, thì ra là Hai Hoàng và một người mặc sơmi, thắt cà vạt trông quen quen. Ông chộp nắm bạc lẻ chạy qua. Trời! Mười cọp! Ông không thể lầm với ai được bởi tướng tá cao lớn và đôi mắt lộ không hề chớp của y, và dù da dẻ y có phần nhàn nhạt hơn trước. Hay là anh, em gì của y? Tư ủng vỗ vỗ trán xem mình có nằm chiêm bao không?

Hai Hoàng vượt lên đặt tay lên vai Tư ủng, cười: "Mười mung, Mười lựu đạn đó chứ ai. Nó có chết đâu, người ta lầm với ai đó. Nó đã vọt sang Thái rồi sau đó sang úc, im hơi lặng tiếng mấy chục năm qua. Giờ khá giả rồi mới dẫn vợ con về thăm quê, mới về tới hồi chiều hôm qua". Người thắt cà vạt tiến về phía Tư ủng, đôi mắt lộ ánh lên niềm vui. Tư ủng há hốc miệng, đứng như trời trồng.

Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Nguồn: truyen8.mobi/ve-mai-truong-xua-c8a7163.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận