CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Thực hiện Chỉ thị số: 09/2005/CT-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; Kế hoạch số: 736/KH- UBND, ngày 05/9/2006 của UBND tỉnh về việc rà soát các thủ tục hành chính đang được thực hiện ở các cơ quan, tổ chức Nhà nước các cấp ở địa phương.
Kết quả công tác kiểm tra, rà soát đã phát hiện một số văn bản của Trung ương và địa phương quy định về thủ tục hành chính, phí và lệ phí không còn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ; một số văn bản của HĐND, UBND cấp huyện, xã ban hành trái thẩm quyền phải huỷ bỏ.
Qua công tác kiểm tra, rà soát đã phát hiện một số tồn tại, thiếu sót đó là: Một bộ phận cán bộ, công chức và một số cán bộ lãnh đạo cơ sở còn hiểu chưa đầy đủ về công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính Nhà nước nói riêng; việc chỉ đạo tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo việc thực hiện đúng các quy định về thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền; bố trí cán bộ, công chức chưa phù hợp với công việc, cán bộ còn yếu về nghiệp vụ dẫn đến công việc giải quyết còn bị chậm, kéo dài, hiệu quả chưa cao. Việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, phí và lệ phí tại nơi tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân, tổ chức ở một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, việc thu phí và giải quyết công việc chưa đúng với quy định, gây phiền hà cho công dân và tổ chức đến giao dịch.
Để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trên, đồng thời thực hiện có hiệu quả Quyết định số: 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007- 2010”; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các quy định về thủ tục hành chính, phí và lệ phí do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thuộc lĩnh vực, công việc ngành, địa phương quản lý trong giải quyết các công việc của công dân và tổ chức; có kế hoạch tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai các quy định về thủ tục hành chính, phí, lệ phí tại nơi tiếp nhận, giải quyết công việc của công dân, tổ chức. Bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm cao giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, tham mưu giải quyết các công việc của công dân, tổ chức. Kiên quyết khắc phục tệ quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho công dân và tổ chức; chấm dứt việc tự đặt ra các quy định về thủ tục hành chính, phí và lệ phí trái pháp luật.
- Thường xuyên rà soát các quy định về thủ tục hành chính, phí, lệ phí mà ngành, địa phương đang thực hiện để kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp. Đối với các ngành, huyện chưa thực hiện việc rà soát các thủ tục hành chính theo Kế hoạch số: 736/KH-UBND của UBND tỉnh, yêu cầu Thủ trưởng các ngành, đơn vị tiếp tục chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính, phí, lệ phí của ngành, địa phương và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp tổng hợp) trước ngày 30/8/2007 (Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện để báo cáo UBND tỉnh).
- Tổ chức triển khai thực hiện các mẫu giấy tờ do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới ban hành trong việc giải quyết các công việc của công dân, tổ chức; chỉ đạo kiên quyết việc giảm các giấy tờ, các khâu trung gian, rút ngắn thời gian trong giải quyết công việc của công dân tổ chức.
2. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện cơ chế “một cửa”.
- Các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đang thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc tiếp nhận, giải quyết các công việc của công dân, tổ chức theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, cần chỉ đạo đơn vị tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện; Rà soát lại kết quả triển khai thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, trên cơ sở đó tiến hành sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để đưa Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” đi vào hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của công dân và tổ chức.
- Sở Nội vụ (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh) có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc việc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế “ một cửa” tại các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và UBND cấp xã; tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh triển khai thực hiện mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”.
3. Về xây dựng chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh.
- Trên cơ sở kết quả rà soát các thủ tục hành chính theo Kế hoạch 736 của UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng dự thảo chương trình bổ sung văn bản quy phạm pháp luật năm 2007 của HĐND và UBND tỉnh để trình HĐND, UBND tỉnh xem xét, quyết định và chỉ đạo xây dựng văn bản mới thay thế các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh Lai Châu (cũ) ban hành đang có hiệu lực thực hiện; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản không còn phù hợp để ban hành văn bản mới.
4. Tổ chức thực hiện.
- Thủ trưởng các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện rà soát, các quy định về phí và lệ phí của ngành, địa phương, các đơn vị trực thuộc. Kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, xử lý các vi phạm theo quy định về thủ tục hành chính, phí và lệ phí, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức và công dân.
- Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo triển khai các kế hoạch về cải cách hành chính của UBND tỉnh, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác rà soát, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính, phí và lệ phí của các ngành, các cơ quan Nhà nước các cấp; phân công các ngành thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện đối với các ngành, huyện và cơ sở.
- Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc yêu cầu đột xuất các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh (thông qua Sở Nội vụ, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh để tổng hợp) theo quy định.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức thực hiện./.