Văn bản pháp luật: Chỉ thị 05/2010/CT-UBND

Nguyễn Hữu Vạn
Tỉnh Lào Cai
Chỉ thị 05/2010/CT-UBND
Chỉ thị
30/05/2010
20/05/2010

Tóm tắt nội dung

Về việc tăng cường thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Chủ tịch
2.010
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Toàn văn

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường thực hiện công tác bình đẳng giới

trên địa bàn tỉnh Lào Cai

____________

 

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện; nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn ngày càng được nâng lên; trong từng gia đình sự bình đẳng về quyền lợi học tập, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, nuôi con của phụ nữ đã được cải thiện; vị thế, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội; bản thân người phụ nữ cũng tích cực phấn đấu, tự vươn lên tiến tới xoá bỏ phân biệt đối xử về giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như: Nhận thức của cấp ủy chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương và người dân có nơi, có lúc chưa thực sự quan tâm đầy đủ về các mục tiêu thực hiện quyền bình đẳng, việc lồng ghép bình đẳng giới vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa rõ nét; việc bố trí sử dụng cán bộ nữ ở cấp cơ sở tham gia lãnh đạo quản lý còn thấp; một số phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa tự tin, chưa cố gắng vươn lên để khẳng định vị thế, vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống, gia đình; vẫn xảy ra nạn bạo hành ngược đãi đối với phụ nữ trong gia đình; tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở các xã vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh.

Trước thực tế đó, để công tác bình đẳng giới và các mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thiết thực cho sự phát triển bền vững của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp có trách nhiệm:

a) Lồng ghép công tác giới và bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động thuộc ngành quản lý.

b) Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; thu thập, xử lý thông tin số liệu về giới, bình đẳng giới; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học về bình đẳng giới.

c) Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá hàng năm định kỳ về tình hình thực hiện bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực phụ trách gửi về Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh hoặc ban hành theo thẩm quyền các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới.

b) Chủ trì, phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể cập nhật, tổng hợp xây dựng hệ thống văn bản nguồn về giới và bình đẳng giới;

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê và các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, UBND các huyện, thành phố thu thập và tổng hợp thông tin, số liệu về bình đẳng giới; cung cấp thông tin, số liệu về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá hàng năm và định kỳ về tình hình thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn báo cáo  UBND tỉnh.

d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới; bồi dưỡng kiến thức về giới và chính sách pháp luật về bình đẳng giới cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện và thành viên pháp luật cấp cơ sở.

4. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố xây dựng bộ máy, đội ngũ, cơ chế, chính sách cho cán bộ hoạt động về bình đẳng giới từ tỉnh đến huyện, xã.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện việc thu thập, tổng hợp số liệu thống kê về giới thuộc hệ thống chỉ tiêu quốc gia và tính toán chỉ số phát triển về giới của quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

6. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - TBXH hướng dẫn các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố lập dự toán ngân sách, quản lý và sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả và theo quy định của pháp luật.

7. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - TBXH và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; giới thiệu mô hình, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong việc thực hiện bình đẳng giới; phê phán hành vi, cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động truyền thông giáo dục ở cộng đồng, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án thông tin, giáo dục truyền thông về giới và bình đẳng giới.

8. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - TBXH và các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động đồng bào dân tộc ít người phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, theo dõi đánh giá nội dung về giới và bình đẳng giới thuộc các chương trình giáo dục trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan nghiên cứu thực trạng và dự báo xu hướng các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; đánh giá tác động kinh tế, xã hội trong tiến trình đô thị hóa đến việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

11. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

12. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục, chương trình có nội dung về bình đẳng giới; tăng thời lượng đưa các tin, bài tuyên truyền các hoạt động, tình hình thực hiện công tác bình đẳng giới của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

13. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tỉnh phối hợp vận động và hướng dẫn nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện và giám sát việc quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

14. UBND các huyện, thành phố:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các chính sách về giới và bình đẳng giới trên địa bàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về giới và chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đến từng hộ dân để biết và thực hiện.

c) Thu thập, xử lý thông tin, số liệu về bình đẳng giới; sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá hàng năm và định kỳ về tình hình thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn gửi về Sở Lao động - TBXH.

d) Kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.


Nguồn: vbpl.vn/laocai/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=29070&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận