Văn bản pháp luật: Chỉ thị 05/2013/CT-UBND

Chẩu Văn Lâm
Chỉ thị 05/2013/CT-UBND
Chỉ thị
11/11/2013
01/11/2013

Tóm tắt nội dung

Chỉ thị 05/2013/CT-UBND nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Tư pháp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
2.013
UBND tỉnh Tuyên Quang

Toàn văn


CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XÂY DỰNG, KIỂM TRA, RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Trong những năm qua, công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực: chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao; công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản được tiến hành thường xuyên, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội và điều hành của các cấp chính quyền địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản còn có những hạn chế như: Việc lập chương trình xây dựng văn bản ở một số lĩnh vực chưa sát với yêu cầu quản lý và phân cấp; chất lượng một số dự thảo văn bản chưa cao; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong hoạt động soạn thảo, tham gia ý kiến, thẩm định, thẩm tra văn bản có nơi có lúc chưa chặt chẽ; việc lấy ý kiến tham gia của đối tượng chịu sự tác động của văn bản còn ít, mang tính hình thức; hoạt động rà soát văn bản ở cấp huyện, cấp xã chưa hiệu quả; việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật có nơi còn chậm, chưa nghiêm túc.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do nhận thức về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản chưa đầy đủ; chưa có đội ngũ công chức pháp chế chuyên trách tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ soạn thảo, kiểm tra, rà soát văn bản của đội ngũ công chức còn hạn chế...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện); Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã) tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/2/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lập và điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh. Kiện toàn, bố trí công chức pháp chế để làm đầu mối tổ chức thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản của cơ quan, đơn vị.

3. Thủ trưởng cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chịu trách nhiệm về chất lượng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành.

4. Sở Tư pháp tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế chuyên trách tham mưu quản lý nhà nước về văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thẩm định kịp thời, đúng pháp luật các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; thực hiện việc tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền, rà soát, hệ thống hóa văn bản, kiến nghị xử lý những văn bản không phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Thường xuyên hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các cấp.

5. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phát hành và kịp thời đăng Công báo các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo quy định.

6. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; thường xuyên tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản, kịp thời xử lý những văn bản có nội dung trái pháp luật theo kiến nghị của cơ quan Tư pháp và cơ quan, người có thẩm quyền; củng cố, kiện toàn, bố trí đủ biên chế công chức của Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã bảo đảm đúng tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn; bố trí kinh phí nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định của pháp luật hiện hành.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản (gửi Sở Tư pháp) để tổng hợp.

Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 11 năm 2013 và thay thế Chỉ thị số 06/2006/CT-UBND ngày 19/6/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật./.

 


Nguồn: vbpl.vn/tuyenquang/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=32591&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận