Văn bản pháp luật: Chỉ thị 06/2007/CT-NHNN

Nguyễn Văn Giàu
Toàn quốc
Công báo số 780+781
Chỉ thị 06/2007/CT-NHNN
Chỉ thị
Hết hiệu lực toàn bộ
03/12/2007
02/11/2007

Tóm tắt nội dung

Về việc đảm bảo khả năng thanh toán và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán

Thống đốc
2.007
Ngân hàng Nhà nước

Toàn văn

CHỈ THỊ

Về việc đảm bảo khả năng thanh toán và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán

_______________________________

Trong mấy tháng gần đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 08 năm 2007 về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá chủ động và linh hoạt để rút tiền từ lưu thông về, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng tiền Việt Nam; các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, ủng hộ và thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, lạm phát diễn biến phức tạp, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, làm cho việc kiểm soát tổng phương tiện thanh toán gặp khó khăn.

Thực hiện Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ tết Nguyên đán Mậu tý 2008 và để đảm bảo khả năng thanh toán, kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, góp phần ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng và đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện một số biện pháp như sau:

1. Đối với các tổ chức tín dụng:

a) Rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh; kết hợp với đánh giá, dự báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thị trường tài chính - tiền tệ ở trong và ngoài nước để thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả.

b) Tăng cường quản lý vốn khả dụng, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, bảo đảm khả năng an toàn thanh toán để đáp ứng đầy đủ cho các nhu cầu thanh toán của khách hàng, nhất là chi lương, thưởng vào dịp cuối năm; duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn, nhất là tỷ lệ về khả năng chi trả tại Quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19 tháng 04 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Quyết định số 03/2007/QĐ-NHNN ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN.

c) Kiểm soát chặt chẽ tình hình biến động các khoản mục kinh doanh; cân đối vốn để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối có liên quan theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

d) Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp quy định tại Chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát qui mô, chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán nhằm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành Chỉ thị này; kiểm soát chặt chẽ mức tăng tín dụng phù hợp với mức tăng vốn huy động thực tế và khả năng kiểm soát chất lượng tín dụng; đảm bảo dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ tín dụng; việc thành lập các chi nhánh, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh phải chấp hành đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

đ) Thực hiện đúng thời hạn và đảm bảo tính chính xác các thông tin, báo cáo và điện báo theo quy định tại Quyết định số 477/2004/QĐ-NHNN ngày 28 tháng 04 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1747/2005/QĐ-NHNN ngày 01 tháng 12 năm 2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Chế độ báo cáo thống kê, Chỉ thị số 02/2007/CT-NHNN ngày 20 tháng 03 năm 2007 về việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng báo cáo thống kê trong ngành ngân hàng và các văn bản khác có liên quan.

2. Đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Đối với các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước, theo chức năng và nhiệm vụ của mình, tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp:

- Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá một cách chủ động, linh hoạt và theo nguyên tắc thị trường; tiếp tục rút tiền từ lưu thông về, cơ cấu lại tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bán ra có kỳ hạn ngắn, mua ngoại tệ ở mức độ thích hợp nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng tiền Việt Nam.

- Tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; chú trọng thanh tra, giám sát việc thực hiện cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán theo Chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN; áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

- Thống kê, giám sát và quản lý có hiệu quả luồng vốn ra, vào từ đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, vốn cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các tổ chức tín dụng; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế quản lý, giám sát và trao đổi thông tin về thị trường chứng khoán.

b) Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và thanh tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố; chủ động báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các khó khăn, vướng mắc về hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thành phố và đề xuất giải pháp xử lý. 

3. Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

b) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=13118&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận