ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
_____
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________
|
Số: 06/2013/CT-UBND
|
Vị Thanh, ngày 11 tháng 10 năm 2013
|
CHỈ THỊ
Về nhiệm vụ trọng tâm phát triển giáo dục và đào tạo
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
________
Năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;
Thực hiện Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu:
1. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường công tác phối hợp, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho phát triển giáo dục và đào tạo: đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa, lâu dài; tăng cường các trang thiết bị phục vụ dạy và học trong nhà trường; bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng nâng dần chất lượng.
- Sử dụng các nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hợp lý, đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, tránh lãng phí, dàn trãi.
- Tăng cường công tác quản lý các hoạt động giáo dục, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, khuyến khích các hoạt động xã hội hóa giáo dục, kêu gọi đầu tư cho giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Triển khai thực hiện các chương trình hành động của ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 và tập trung thực hiện các nội dung cơ bản nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục, đồng thời xây dựng lộ trình từng năm trong việc thực hiện các chỉ tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo.
- Tăng cường hoạt động tự thanh tra, kiểm tra của các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm túc, kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên trong toàn ngành.
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và dạy học.
- Triển khai các hoạt động thiết thực tiến tới kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục và đào tạo; triển khai các giải pháp nhằm đưa các hoạt động: cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" vào hoạt động thường xuyên của ngành.
- Tiếp tục triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và công tác xóa mù chữ.
- Thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ chuyên môn của các ngành học, cấp học theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục đến năm 2020. Nghiên cứu điều chuyển, điều phối giáo viên trong phạm vi quản lý đảm bảo hợp lý theo nhu cầu.
- Tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tổ chức đánh giá, phân loại giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các chuẩn đã ban hành.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố sử dụng có hiệu quả nguồn vốn để đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giáo dục và đào tạo.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng các ngành có liên quan làm việc với Bộ, ngành Trung ương để được hỗ trợ, bố trí vốn đầu tư xây dựng trường lớp học trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu đầu tư, nâng cấp Trường THPT Chuyên Vị Thanh; tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án xây dựng cơ bản khác; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng các trường mầm non, mẫu giáo ở những xã, phường chưa có trường mầm non, mẫu giáo.
- Tham mưu và thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trường lớp học, nhất là đối với các công trình bức xúc.
- Tiếp tục sử dụng kinh phí được giao một cách hiệu quả, đúng mục đích, đúng theo chế độ chi tiêu hiện hành; quan tâm việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy và học tập, đồng thời tăng cường công tác bảo quản và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, các trang thiết bị được trang bị; tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa đúng theo quy định.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiếp tục triển khai Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, có các giải pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh thuộc diện bảo trợ xã hội.
- Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh sáp nhập các Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện thành một Trung tâm chung do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý có các chức năng dạy nghề, giáo dục thường xuyên, giới thiệu việc làm.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về chủ trương đầu tư và cân đối vốn xây dựng trường, lớp học phục vụ năm học; đồng thời, cân đối vốn cho các huyện, thị xã, thành phố để tiến hành xây dựng trường lớp.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các hoạt động xã hội hóa giáo dục; ưu tiên các Chương trình, Dự án, các nguồn tài trợ hợp pháp cho phát triển giáo dục và đào tạo.
5. Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu trong việc sử dụng và cân đối ngân sách đảm bảo chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo đúng quy định.
6. Sở Xây dựng:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu trong việc quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp học và thực hiện kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng cơ bản.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phát triển và tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo nhằm kêu gọi, khuyến khích phát triển công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn; phối hợp với Công an tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các điểm internet trên địa bàn.
8. Sở Tư pháp:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học, ưu tiên cấp phát các loại tài liệu phục vụ cho tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật để hỗ trợ nhà trường thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
9. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo; tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm của ngành Giáo dục và Đào tạo để đưa vào triển khai thực hiện; tham mưu ban hành các chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm thu hút người giỏi, tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh.
10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện công tác giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ cho học sinh, sinh viên trong tỉnh; phát động và kiểm tra trường học có đời sống văn hóa tốt; hỗ trợ phát triển phong trào thể dục thể thao trong trường học.
11. Sở Y tế:
Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong việc thực hiện công tác y tế trường học nhằm chăm sóc sức khỏe giáo viên và học sinh, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng mở rộng, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (kiểm tra các cơ sở bán trú có bếp ăn, căn tin trường học), phòng chống sốt xuất huyết và công tác nha học đường.
12. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự trường học; phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong các hoạt động dịch vụ: hàng quán, internet, trò chơi điện tử, karaoke, giữ xe,… làm ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện của người học và an ninh, trật tự khu vực xung quanh nhà trường.
13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức giảng dạy bộ môn Giáo dục quốc phòng an ninh trong các trường học.
14. Sở Khoa học và Công nghệ:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất và xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo nhằm tăng cường đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy, cũng như các giải pháp hiệu quả để phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà.
15. UBND huyện, thị xã, thành phố:
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình, Đề án giáo dục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; đảm bảo các điều kiện về: biên chế công chức và biên chế sự nghiệp, các điều kiện về tài chính, tài sản, cơ sở vật chất trường, lớp học để phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể:
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo, kêu gọi các tập thể, cá nhân và toàn xã hội cùng quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương, thực hiện chuyên mục “Khuyến học, khuyến tài” theo định kỳ và chuyên trang giáo dục.
- Đề nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu giáo chức và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh:
+ Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyên truyền giáo dục đạo đức, nhân cách, giá trị sống trong học sinh, sinh viên; vận động học sinh đến lớp và có các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
+ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển các phong trào đoàn, hội, đội trong nhà trường; thực hiện các Chương trình tiếp sức đến trường.
+ Hội Khuyến học tỉnh tăng cường vận động để tạo các nguồn quỹ nhằm hỗ trợ cho những học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên học giỏi; đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc do vượt thẩm quyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Thành Lập
|