Văn bản pháp luật: Chỉ thị 13/2013/CT-UBND

Hứa Ngọc Thuận
Thành phố Hồ Chí Minh
Chỉ thị 13/2013/CT-UBND
Chỉ thị
13/08/2013
03/08/2013

Tóm tắt nội dung

Về triển khai thực hiện luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch
2.013
UBND thành phố Hồ Chí Minh

Toàn văn

 

CHỈ THỊ

Về triển khai thực hiện luật phổ biến, giáo dục pháp luật

trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

__________

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Đây là văn bản Luật quan trọng thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo hành lang pháp lý cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn cả nước.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, chưa có trọng tâm, trọng điểm; thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành, đặc biệt chưa huy động được sự tham gia của xã hội.

Để triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố

a) Tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các thể chế có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: các quy định về chế độ, chính sách cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố; Quy chế Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật thành phố...

b) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

d) Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ, nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố; kịp thời có các hình thức khen thưởng để động viên, khuyến khích những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

đ) Phát huy vai trò, trách nhiệm và ưu thế của các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố theo từng lĩnh vực, đảm bảo huy động được các nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Sở Tư pháp

a) Tăng cường vai trò của Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Đẩy mạnh việc rà soát, thẩm định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.

c) Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù; đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thành phố; thực hiện các biện pháp đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng.

d) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị về Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức sinh động, phong phú và phù hợp với đối tượng tuyên truyền; tăng cường số lượng tin, bài viết về pháp luật của các báo, đài; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tuân thủ nghiệp vụ báo chí, bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

b) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho việc in ấn tài liệu, hoạt động thông tin truyền thông đối với cá nhân, tổ chức tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo thẩm quyền.

c) Tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất bản, in ấn tài liệu, sách báo về pháp luật; kịp thời điều chỉnh những lệch lạc trong thông tin truyền thông về pháp luật; bảo đảm việc phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện đúng quy định, đạt kết quả cao.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc đẩy mạnh công tác giảng dạy, phổ biến kiến thức pháp luật trong nhà trường; chú trọng giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên; hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực của đạo đức xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật; phát huy vai trò của nhà trường trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Đổi mới, sáng tạo kết hợp chặt chẽ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; tăng cường nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong các chương trình ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, sinh viên.

c) Rà soát, bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn pháp luật, môn giáo dục công dân, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn hóa đội ngũ này theo quy định của pháp luật.

d) Bổ sung, nâng cao chất lượng Tủ sách pháp luật, Thư viện pháp luật và các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục trên website của các cơ sở giáo dục.

đ) Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ, chính sách liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc ngành quản lý theo quy định.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, chính sách pháp luật đối với người có công, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống mại dâm, ma túy và các nội dung khác thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

b) Thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng thuộc ngành mình quản lý.

c) Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ, chính sách liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc ngành quản lý theo quy định.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị và trong phạm vi công tác quản lý chuyên ngành.

b) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi về cấp phép quảng cáo cho cá nhân, tổ chức tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định.

7. Sở Tài chính

a) Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về sử dụng kinh phí, mức hỗ trợ từ ngân sách để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế tài chính về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

8. Các sở, ban, ngành khác

a) Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do ngành mình quản lý phù hợp với quy định của pháp luật.

b) Đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị mình.

c) Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực, có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

d) Bảo đảm kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

9. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể ở địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Bảo đảm kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện; rà soát, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

c) Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

d) Kịp thời khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực, có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.

10. Hiệu lực của Chỉ thị

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.

 


Nguồn: vbpl.vn/thanhphohochiminh/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=32400&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận