CHỈ THỊ
Về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng
________________________________
Thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác này và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng, từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tuy nhiên, công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ và nhập khẩu từ bên ngoài. Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa trong nước và thế giới, thị trường trong nước đã xuất hiện nhiều loại hàng giả, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm và một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm. Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng nói trên đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe nhân dân và môi sinh, môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng có chức năng chống hàng giả chưa thật sự nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác này. Tính chủ động, phối hợp trong nắm bắt thông tin, chỉ đạo điều hành, tổ chức đấu tranh với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng của các ngành, các cấp, các lực lượng thực thi còn nhiều hạn chế; tổ chức lực lượng đấu tranh chống hàng giả còn phân tán, chồng chéo giữa các ngành, các cấp, làm nảy sinh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động áp dụng các biện pháp chống hàng giả để tự bảo vệ sản phẩm của mình, chưa thường xuyên hợp tác chặt chẽ với cơ quan nhà nước có chức năng để chống hàng giả. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật hình sự và hành chính về xử lý hàng giả cũng có nhiều nội dung chưa rõ ràng, đồng bộ; các chế tài xử lý hành chính và xử lý hình sự chưa đủ răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả theo tinh thần của Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và khắc phục tình trạng trên đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần quán triệt và thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách sau đây:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các lực lượng thực thi chống hàng giả phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tác hại nhiều mặt, kể cả trước mắt và lâu dài do hàng giả gây ra; thấy rõ tầm quan trọng của công tác này đối với công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước; sản xuất, buôn bán hàng giả là tội phạm kinh tế nguy hiểm không chỉ gây tổn thất vật chất cho xã hội mà còn gây bất an cho nhân dân trong tiêu dùng và sức khỏe của cộng dồng. Người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải coi công tác chống hàng giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu hiện nay; phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, nắm bắt thông tin, chủ động, kiên quyết tổ chức đấu tranh ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng từ quá trình sản xuất nhập khẩu, phân phối và lưu thông hàng hóa; phải tiến hành đồng bộ các biện pháp đấu tranh ở mọi lĩnh vực, mọi nơi mà hàng giả có thể xuất hiện (chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa) để có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời, đặc biệt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng thực thi và các doanh nghiệp; phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng để phối hợp đấu tranh, tạo dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo pháp luật kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng phát hiện được.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các cơ quan thanh tra, kiểm tra kiểm soát chống hàng giả ở các ngành, các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra thuộc phạm vi quản lý của cấp mình.
2. Trước mắt, để kịp thời ngăn chặn xử lý tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng vật nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm và một số mặt hàng thực phẩm công nghiệp, giao Bộ trưởng Bộ Công thương – Trưởng ban Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trung ương (Ban Chỉ đạo 127 TW) chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học Công nghệ, Công an và các Bộ, ngành liên quan có phương án kiểm tra trong những tháng cuối năm 2008, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại hàng giả nói trên và chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương thực hiện tốt công tác này.
Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm trọng điểm và đồng bộ ở cả trung ương và địa phương, ở cả biên giới, cửa khẩu và thị trường nội địa nhưng không được gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các tổ chức, cá nhân; đối tượng kiểm tra gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, gia công, đóng gói, sang chiết, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nói trên; nội dung kiểm tra gồm việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, giấy phép sản xuất, kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đóng gói hàng hóa, nguồn gốc hàng hóa, nhãn mác hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ … để xử lý vi phạm theo pháp luật hiện hành. Các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất, sức khỏe con người, môi sinh, môi trường, vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề và truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các phương án kiểm tra phải thường xuyên được sơ kết rút kinh nghiệm, bảo đảm việc kiểm tra có hiệu quả cao, tránh gây ra những biến động trên thị trường.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát, hệ thống lại các loại phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng của các doanh nghiệp đã đăng ký và được phép sản xuất, nhập khẩu, đóng gói, sang chiết, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam để thông báo cho các ngành, các địa phương, các lực lượng có chức năng thực hiện việc kiểm tra; phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 127 TW tổ chức kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, chế biến, sang chiết, đóng gói, nhập khẩu hoặc phân phối các vật tư nông nghiệp nói trên nhằm ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng được sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường.
Bộ Y tế chấn chỉnh, tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở phân phối, bán lẻ thuốc phòng, chữa bệnh cho người, kể cả tại các bệnh viện; phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu tổ chức lại hệ thống phân phối thuốc phòng, chữa bệnh cho người ở thị trường nội địa phù hợp yêu cầu quản lý trong tình hình mới; phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 127 TW tổ chức kiểm tra ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 127 TW tổ chức kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng nói trên; chỉ đạo công an các cấp tập trung điều tra, khám phá các tổ chức, cá nhân, các đường dây, ổ nhóm sản xuất, chế biến, đóng gói, sang chiết, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ hàng giả để đưa ra xử lý kịp thời những vụ việc hàng giả nổi cộm theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 127 TW và các Bộ, ngành có liên quan tiến hành việc rà soát các quy định của pháp luật xử phạt hành chính và xử lý hình sự đối với vi phạm hành chính hoặc tội phạm về sản xuất và buôn bán hàng giả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý các nội dung chồng chéo, không rõ ràng, không thống nhất về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt hàng giả trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, các căn cứ xác định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, giữa hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường giám sát, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu để phát hiện xử lý theo pháp luật các trường hợp nhập khẩu hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa gian lận xuất xứ, quá hạn sử dụng; phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 TW nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ điều kiện làm việc, kinh phí bảo đảm thông tin liên lạc, phương tiện tuần tra kiểm soát cho các lực lượng có chức năng thực thi chống hàng giả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
5. Các lực lượng thanh tra, kiểm tra kiểm soát thị trường ở các ngành, các cấp cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng; Công an, quản lý thị trường phải là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống hàng giả ở thị trường nội địa theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp và có đủ quyền pháp lý để thực thi nhiệm vụ. Giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất các biện pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền năng của lực lượng Quản lý thị trường theo hướng nói trên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
6. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; nghiêm túc thực hiện các quy định về công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, ghi nhãn hàng hóa, đảm bảo chất lượng hàng hóa đúng với công bố chất lượng; chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và trước pháp luật đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình tránh bị làm giả; tổ chức phương thức quản lý để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, phản ánh kịp thời, trung thực chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan nhà nước ở các ngành, các cấp về công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, về tình hình hàng giả và công tác chống hàng giả của các cơ quan, lực lượng có chức năng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác chống hàng giả.
8. Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng ban Ban Chỉ đạo 127 TW phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức kiểm điểm, đánh giá toàn diện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1999 và Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả; đề xuất các giải pháp và cơ chế liên quan để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.