CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp
tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí
Ngày 11 tháng 10 năm 2006, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 41/TB-TW về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.
Để triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, đảm bảo cho báo chí nước ta hoạt động đúng định hướng, đúng pháp luật và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hội Nhà báo nước Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 41/TB-TW ngày 11 tháng 10 năm 2006; hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí tiến hành sơ kết, đánh giá hai năm thực hiện Thông báo số 162/TB-TW ngày 01 tháng 12 năm 2004 của Bộ Chính trị.
2. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các cơ quan chủ quản báo chí tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 05 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ), tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
a) Rà soát, điều chỉnh hợp lý quy hoạch hệ thống báo chí in và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử; xác định tính hợp pháp, sự phù hợp về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của các tờ báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình, các báo điện tử, trang điện tử trên Internet, nhất là các phụ san, phụ trương, chuyên đề... để sắp xếp lại theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt; kiên quyết đình chỉ các cơ quan báo chí không chấp hành đúng pháp luật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thường để xảy ra sai phạm hoặc giảm bớt các cơ quan báo chí trùng lặp về tôn chỉ, mục đích.
b) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về báo chí, xây dựng và ban hành các quy chế quản lý hoạt động báo chí theo Luật Báo chí; tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Báo chí hiện hành để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp.
c) Chủ động phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và các cơ quan chủ quản báo chí xem xét tổ chức và thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo của các cơ quan báo chí, chấn chỉnh công tác quản lý đội ngũ phóng viên; tổ chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.
d) Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, làm tốt công tác động viên, khen thưởng để phát huy tốt vai trò của báo chí; đồng thời, chỉ đạo uốn nắn kịp thời và xử lý đúng pháp luật các sai phạm của báo chí. Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí theo hướng dẫn của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin, thực hiện tốt một số việc sau đây:
a) Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Thông báo số 41/TB-TW ngày 11 tháng 10 năm 2006 của Bộ Chính trị và tiến hành sơ kết hai năm thực hiện Thông báo số 162/TB-TW ngày 01 tháng 12 năm 2004 của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trong Kế hoạch của Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 05 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ).
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục tiến hành thanh tra tài chính các cơ quan báo chí. Qua thanh tra, cần đánh giá tình hình hoạt động kinh tế, tài chính của báo chí, xây dựng chính sách, chế độ tài chính báo chí, giúp các cơ quan báo chí hoạt động có hiệu quả, thực hiện đúng pháp luật và các quy định về quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước; đồng thời xử lý đúng pháp luật những vi phạm về kinh tế, tài chính trong hoạt động báo chí.
c) Các cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền theo đúng các chủ trương, nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật.
Phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí thuộc quyền: sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí; rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích và không chấp hành nghiêm luật pháp, nhất là Luật Báo chí; thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí theo đúng quy định hiện hành.
Thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; rà soát, kiện toàn, bố trí đúng cán bộ lãnh đạo và đội ngũ phóng viên báo chí thuộc quyền, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, nghiệp vụ; kiên quyết thay thế những cán bộ, phóng viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, có quan điểm sai trái và khuyết điểm kéo dài.
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí trung ương, của địa phương khác đóng trên địa bàn và phóng viên hoạt động tại địa phương mình theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Văn hóa - Thông tin, Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy và Hội Nhà báo trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí và phân công tổ chức giao ban báo chí; động viên khen thưởng kịp thời và kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của các cơ quan báo chí và các phóng viên hoạt động tại địa phương.
đ) Các cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Luật Báo chí và các chủ trương, nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo và các quy định của Đảng trong công tác báo chí, thông tin, tuyên truyền; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tốt đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, không để lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động tiêu cực, vụ lợi hoặc làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và uy tín của nền báo chí cách mạng nước ta; các cơ quan báo chí đưa thông tin sai sự thật, không chính xác phải đăng cải chính theo đúng quy định của Luật Báo chí.
4. Xây dựng và thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin trên báo chí:
a) Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương xây dựng, ban hành quy định cụ thể về giao ban báo chí hàng tuần và giao ban lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí hàng quý; khẩn trương soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2006 Quy chế về người phát ngôn và việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương chủ động định hướng thông tin kịp thời, chính xác, nhất là những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự quản lý, điều hành của Chính phủ.
b) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương, các cơ quan, đơn vị phải cử người phát ngôn và xây dựng cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời, thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trước những thông tin mà báo chí nêu thuộc lĩnh vực Bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình phụ trách.
c) Thông tấn xã Việt Nam thực hiện tốt chức năng là cơ quan phát các thông tin chính thức về hoạt động của Đảng và Nhà nước; chủ động, kịp thời đăng, phát các thông tin bác bỏ những thông tin sai lệch, xuyên tạc và thù địch.
5. Xem xét, xử lý đúng pháp luật sai phạm của các cơ quan báo chí:
a) Căn cứ các quy định của pháp luật và các chủ trương, quy định của Đảng về lãnh đạo, quản lý báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các cơ quan báo chí có sai phạm, xác định rõ nội dung, tính chất, mức độ sai phạm, từ đó có hình thức xử lý thích hợp, đúng pháp luật đối với tập thể và cá nhân liên quan.
b) Việc xem xét, xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí phải được thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về chính quyền đi đôi với xử lý kỷ luật về Đảng, xử lý người trực tiếp có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và người có liên quan.
c) Cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá - Thông tin, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trong việc xử lý các sai phạm đối với cơ quan báo chí thuộc quyền theo đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị về công tác báo chí và Chỉ thị này, định kỳ báo cáo tình hình hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí cho Bộ Văn hóa - Thông tin.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm tổng hợp tình hình và hàng quý báo cáo kết quả triển khai thực hiện với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ./.