Văn bản pháp luật: Luật 06/2012/QH13

Nguyễn Sinh Hùng
Toàn quốc
Công báo số 473+474, năm 2012
Luật 06/2012/QH13
Luật
Hết hiệu lực một phần
01/01/2013
18/06/2012

Tóm tắt nội dung

Bảo hiểm tiền gửi

Chủ tịch Quốc hội
2.012
Quốc hội

Toàn văn

LUẬT

Bảo hiểm tiền gửi

_________

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Điều 3. Mục đích của bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

2. Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

3. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.

4. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

5. Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi

1. Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật này.

2. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi phải công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Điều 6. Tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Điều 7. Chính sách của nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

1. Nhà nước có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

2. Nhà nước có chính sách quản lý, sử dụng nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Nguồn thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được miễn nộp các loại thuế.

Điều 8. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi tại địa phương.

Điều 9. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.

3. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tiền gửi.

4. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tham gia tổ chức quốc tế về bảo hiểm tiền gửi của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

5. Ký kết thỏa thuận quốc tế hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.

Điều 10. Các hành vi bị cấm

1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi.

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm.

3. Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi.

4. Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Chương II

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM TIỀN GỬI, TỔ CHỨC

THAM GIA BẢO HIỂM TIỀN GỬI, TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi

1. Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này.

2. Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này.

3. Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi.

4. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

5. Có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

2. Được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

3. Nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn.

4. Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

1. Xây dựng chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

3. Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

5. Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm.

6. Tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này.

7. Quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn bảo hiểm tiền gửi.

8. Chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này.

9. Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

10. Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.

11. Bảo đảm bí mật số liệu tiền gửi và tài liệu liên quan đến bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

12. Tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động.

13. Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ.

14. Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tiền gửi, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Chương III

HOẠT ĐỘNG BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Mục 1

CHỨNG NHẬN THAM GIA BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Điều 14. Cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai trương hoạt động, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm:

a) Đơn đăng ký tham gia bảo hiểm tiền gửi;

b) Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 15. Niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi

Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi.

Điều 16. Thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị tạm thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tạm thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi đối với khoản tiền gửi chưa nộp phí.

2. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải thông báo công khai về việc thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam.

Điều 17. Cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép phục hồi hoạt động nhận tiền gửi.

2. Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi bị mất, rách nát, hư hỏng được cấp lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Mục 2. TIỀN GỬI ĐƯỢC BẢO HIỂM

Điều 18. Tiền gửi được bảo hiểm

Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.

Điều 19. Tiền gửi không được bảo hiểm

1. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

2. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

3. Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Mục 3. PHÍ BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Điều 20. Phí bảo hiểm tiền gửi

1. Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.

3. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

4. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.

5. Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Điều 21. Phí nộp thiếu, nộp chậm

1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại Điều 20 của Luật này, thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.

2. Trường hợp tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát hiện sự thiếu chính xác trong việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm thông báo và truy thu số phí còn thiếu hoặc thoái thu đối với số phí nộp thừa trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện.

3. Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nộp phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xử lý.

4. Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để nộp phí theo quy định tại khoản 3 Điều này lần thứ hai, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Mục 4. TRẢ TIỀN BẢO HIỂM

Điều 22. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm

Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

Điều 23. Thời hạn trả tiền bảo hiểm

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi.

Điều 24. Hạn mức trả tiền bảo hiểm

1. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Điều 25. Số tiền bảo hiểm được trả

1. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật này.

2. Số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi được quy định như sau:

a) Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định tại Điều 24 của Luật này. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.

3. Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.

Điều 26. Thủ tục trả tiền bảo hiểm

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm bao gồm văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm, danh sách người được bảo hiểm tiền gửi, số tiền gửi của từng người được bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều này, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.

4. Khi nhận tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

5. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trực tiếp trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi hoặc ủy quyền cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khác thực hiện.

6. Sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước và bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả số tiền bảo hiểm đó.

Điều 27. Xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm

Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả từ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm tiền gửi, kể từ ngày trả tiền bảo hiểm theo thông báo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này.

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được phân chia giá trị tài sản theo thứ tự như người gửi tiền và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Điều 29. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi

1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ.

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí.

Điều 30. Nguồn vốn hoạt động

1. Vốn điều lệ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi do ngân sách nhà nước cấp.

2. Nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi.

3. Nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

4. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Hoạt động đầu tư

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 32. Chế độ tài chính, hạch toán kế toán và kiểm toán

1. Chế độ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Năm tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật.

3. Báo cáo tài chính hằng năm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và xác nhận.

Chương V

HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN, BÁO CÁO

Điều 33. Trách nhiệm báo cáo và công bố thông tin của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các thông tin sau đây:

a) Thông tin về việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b) Thông tin về việc trả tiền bảo hiểm đối với người được bảo hiểm tiền gửi định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Kết quả thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 10 Điều 13 của Luật này theo định kỳ hằng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

d) Báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán và báo cáo hoạt động hằng năm;

đ) Các thông tin khác về hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm công bố thông tin về việc thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi và phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 16 và khoản 3 Điều 26 của Luật này.

Điều 34. Cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được phép tiếp cận dữ liệu thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm để tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiếp cận dữ liệu thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ.

Chương VI

THANH TRA, KHIẾU NẠI VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Điều 35. Thanh tra về bảo hiểm tiền gửi

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi.

2. Đối tượng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi là tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

3. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp luật về thanh tra.

4. Quy trình, thủ tục thanh tra về bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp luật về thanh tra.

5. Quy trình, thủ tục thanh tra về bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 36. Khiếu nại về bảo hiểm tiền gửi

1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm tiền gửi được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thực hiện như sau:

a) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm tiền gửi là tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Thời hạn giải quyết khiếu nại của tổ chức bảo hiểm tiền gửi là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại;

b) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người khiếu nại có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Điều khoản chuyển tiếp

Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng.

Điều 38. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Điều 39. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27704&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận