Văn bản pháp luật: Nghị định 115/2009/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 7+8/2009
Nghị định 115/2009/NĐ-CP
Nghị định
14/02/2010
24/12/2009

Tóm tắt nội dung

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí và Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định số 34/2001/NĐ-CP

Thủ tướng
2.009
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hàn Luật Dầu khí và quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định số 34/2001/NĐ-CP

______________________________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 09 tháng 6 năm 2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi sửa đổi, bổ sung

Nghị định này quy định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí (gọi là Nghị định số 48/2000/NĐ-CP) và Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định số 34/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ (gọi là Quy chế đấu thầu).  

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2000/NĐ-CP

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 3. Đối tượng được tiến hành hoạt động dầu khí

1. Các tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động dầu khí bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài.

2. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được tiến hành hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp đồng dầu khí ký kết với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí, Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. Việc tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thực hiện thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở ký kết hợp đồng dầu khí theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

2. Bãi bỏ khoản 1 Điều 4

3. Bổ sung khoản 8 Điều 4 như sau:

“8. Kế hoạch thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện” là tài liệu bao gồm những nội dung có liên quan đến giải pháp kỹ thuật, công nghệ, tổng chi phí, tiến độ có liên quan đến việc thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí.”

4. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 15. Nghĩa vụ thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí có nghĩa vụ thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác dầu khí phải lập Kế hoạch thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện, trích lập quỹ cho việc thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật, trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

3. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị và được Bộ Công Thương chấp thuận hoặc theo yêu cầu của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân có thể không thu dọn toàn bộ hoặc từng phần công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí.

4. Chi phí cho việc thu dọn được tính vào chi phí dầu khí được thu hồi.”

5. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 25. Kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò và hợp đồng dầu khí

1. Kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí

Trong trường hợp từng giai đoạn nhỏ hoặc cả giai đoạn tìm kiếm thăm dò hết hạn mà Nhà thầu vẫn chưa hoàn thành chương trình công tác thì thời hạn của từng giai đoạn nhỏ hoặc cả giai đoạn tìm kiếm thăm dò có thể được kéo dài nhưng tổng thời gian kéo dài không vượt quá thời gian theo quy định tại Điều 17 của Luật Dầu khí. Chậm nhất 90 ngày trước ngày kết thúc từng giai đoạn nhỏ hoặc cả giai đoạn tìm kiếm thăm dò, Nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải có văn bản nêu rõ lý do xin kéo dài thời hạn, trình Bộ Công Thương. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trình, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt việc kéo dài thời hạn.

2. Kéo dài thời hạn của hợp đồng dầu khí

Hợp đồng dầu khí có thể được kéo dài theo quy định tại Điều 17 của Luật Dầu khí.

Chậm nhất 01 năm trước ngày kết thúc hợp đồng dầu khí, Nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải có văn bản nêu rõ lý do xin kéo dài thời hạn của hợp đồng dầu khí trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Công Thương để thẩm định.

Trong thời hạn 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kéo dài thời hạn hợp đồng dầu khí.”

6. Bổ sung Điều 25a như sau:

“Điều 25a. Kéo dài thời hạn tìm kiếm thăm dò và thời hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp đặc biệt được kéo dài thời hạn tìm kiếm thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Dầu khí là các trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh.

Chậm nhất 90 ngày trước ngày kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò hoặc chậm nhất 01 năm trước ngày kết thúc hợp đồng dầu khí, Nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải có văn bản nêu rõ lý do xin kéo dài thời hạn tìm kiếm thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Công Thương để thẩm định.

2. Trong thời hạn 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ý kiến thẩm định về việc kéo dài thời hạn tìm kiếm thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí.”

7. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 30. Khai thác sớm

Trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò nếu Nhà thầu tiến hành khai thác sớm tại khu vực thuộc diện tích hợp đồng dầu khí thì phải trình Bộ Công Thương phê duyệt chương trình, kế hoạch khai thác sớm theo quy định của Luật Dầu khí, Nghị định này và pháp luật có liên quan.”

8. Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 35. Phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại vượt ra ngoài diện tích hợp đồng

Trong trường hợp phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại vượt ra ngoài diện tích hợp đồng dầu khí sang diện tích lô chưa ký hợp đồng dầu khí thì Nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có văn bản nêu rõ lý do xin mở rộng diện tích hợp đồng, trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Công Thương để thẩm định.”

9. Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 36. Hợp nhất mỏ

Trong trường hợp phát hiện dầu khí có tiềm năng thương mại của diện tích hợp đồng dầu khí vượt sang diện tích lô đã ký kết hợp đồng dầu khí thì các bên liên quan thỏa thuận lập dự án khai thác chung toàn bộ mỏ đó, trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Công Thương để thẩm định.”

10. Điều 37 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 37. Đấu thầu dịch vụ dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí được quyền ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ dầu khí với Nhà thầu phụ hoặc với các tổ chức, cá nhân khác để phục vụ hoạt động dầu khí.

2. Đối với hợp đồng dầu khí đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực, việc đấu thầu và ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí phải tuân thủ các quy định của hợp đồng dầu khí đã ký.

3. Đối với hợp đồng dầu khí ký kết sau ngày Nghị định này có hiệu lực, việc đấu thầu và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí được thực hiện phù hợp với các điều khoản của hợp đồng dầu khí và các nguyên tắc sau:

a) Bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án, công khai và minh bạch trong quá trình triển khai công tác đấu thầu và ký kết hợp đồng;

b) Phù hợp với đặc thù của ngành dầu khí trong tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí;

c) Ưu tiên sử dụng các dịch vụ dầu khí mà tổ chức, cá nhân Việt Nam có khả năng cung cấp.”

11. Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 43. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp liên doanh

Trong trường hợp hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh, các quyền và nghĩa vụ của Nhà thầu được quy định tại Luật Dầu khí, Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.”

12. Bổ sung Điều 43a như sau:

“Điều 43a. Thuế, phí và lệ phí áp dụng đối với hoạt động dầu khí

Các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí thực hiện kê khai; nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.”

13. Bãi bỏ Chương V, Điều 64 và Điều 65

14. Khoản 1 Điều 66 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Bộ Công Thương thẩm định hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dầu khí; cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh đối với các hợp đồng dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.”

15. Bổ sung Điều 66a như sau:

“Điều 66a. Quy trình thẩm định hợp đồng dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1. Hồ sơ thẩm định hợp đồng dầu khí bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định hợp đồng dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

b) Bản giải trình kinh tế, kỹ thuật;

c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức; Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân tham gia hợp đồng dầu khí;

d) Dự thảo hợp đồng dầu khí;

đ) Các tài liệu pháp lý có liên quan làm cơ sở đàm phán hợp đồng dầu khí.

Hồ sơ thẩm định hợp đồng dầu khí được nộp tại Bộ Công Thương gồm 08 bộ, trong đó có 01 bộ gốc.

2. Trình tự thẩm định hợp đồng dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đầu tư

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định hợp đồng dầu khí hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, các Bộ, ngành gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ Công Thương. Quá thời hạn trên, nếu cơ quan không có ý kiến bằng văn bản thì coi như đã đồng ý với kiến nghị trong hồ sơ thẩm định hợp đồng dầu khí;

c) Trong thời hạn 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương tiến hành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định và đề xuất ý kiến để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hợp đồng dầu khí.

d) Trên cơ sở phê duyệt hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà thầu tiến hành ký kết hợp đồng dầu khí;

đ) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hợp đồng dầu khí gốc đã ký kết, Bộ Công Thương xem xét, cấp Giấy chứng nhận đầu tư.”

16. Bổ sung Điều 66b như sau:

“Điều 66b. Quy trình thẩm định chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh

1. Hồ sơ thẩm định chuyển nhượng quyền lợi và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong hợp đồng dầu khí;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức; Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân tham gia hợp đồng dầu khí;

c) Hợp đồng chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí;

d) Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng dầu khí.

Hồ sơ thẩm định việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí được nộp tại Bộ Công Thương gồm 08 bộ, trong đó có 01 bộ gốc.

2. Quy trình thẩm định chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, các Bộ, ngành gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ Công Thương. Quá thời hạn trên, nếu cơ quan nào không có ý kiến bằng văn bản thì coi như đã đồng ý với kiến nghị trong hồ sơ thẩm định chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí;

c) Trong thời hạn 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương tiến hành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định, kèm theo ý kiến của các Bộ, ngành và đề xuất ý kiến để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí;

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.”

17. Bãi bỏ Chương VIII.

18. Sửa đổi từ ngữ:

a) Cụm từ ”cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí” trong Nghị định số 48/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí thay bằng cụm từ “Bộ Công Thương”;

b) Cụm từ “Tổng công ty Dầu khí Việt Nam” trong Nghị định số 48/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 được thay bằng cụm từ “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu

1. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 4. Đấu thầu rộng rãi

Hình thức đấu thầu rộng rãi được áp dụng trên nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Mọi tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 5 Quy chế này đều được tham gia dự thầu.”

2. Bổ sung Điều 4a như sau:

“Điều 4a. Chào thầu cạnh tranh

Chào thầu cạnh tranh được áp dụng trong trường hợp lô dầu khí có điều kiện địa chất phức tạp, mà tính đến thời gian hết hạn chào thầu chỉ có tối đa hai tổ chức, cá nhân có khả năng đáp ứng yêu cầu và đăng ký tham gia. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn tổ chức, cá nhân có hồ sơ chào thầu tốt nhất, báo cáo Bộ Công Thương kết quả lựa chọn để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.”

3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Chỉ tiêu đấu thầu

1. Các chỉ tiêu đấu thầu được nêu trong hồ sơ mời thầu bao gồm:

a) Tỷ lệ phân chia dầu khí lãi;

b) Cam kết công việc tối thiểu và cam kết tài chính tối thiểu;

c) Tỷ lệ tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được ủy quyền tham gia với tư cách là Nhà thầu dầu khí.

2. Căn cứ vào tiềm năng cụ thể của từng diện tích hoặc từng lô, Bên mời thầu bổ sung một hoặc một số chỉ tiêu đấu thầu khác như tỷ lệ thu hồi chi phí, hoa hồng chữ ký, hoa hồng khai thác, phí tham khảo tài liệu và chi phí đào tạo trong hồ sơ mời thầu.

3. Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại thuế, phí và lệ phí phải nộp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.”

4. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8. Kế hoạch đấu thầu

1. Bên mời thầu lập kế hoạch đấu thầu đối với các diện tích hoặc các lô, báo cáo Bộ Công Thương.

2. Kế hoạch đấu thầu bao gồm những nội dung sau:

a) Đánh giá sơ bộ tiềm năng dầu khí của từng diện tích hoặc lô;

b) Thời gian tiến hành đấu thầu;

c) Các chỉ tiêu đấu thầu;

d) Phương pháp đánh giá thầu;

đ) Hình thức đấu thầu.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ tài liệu kế hoạch đấu thầu, Bộ Công Thương hoàn thành việc thẩm định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.”

5. Bổ sung Điều 8a như sau:

“Điều 8a. Kế hoạch đấu thầu tổng thể lô dầu khí

Trước ngày 31 tháng 10 hàng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập kế hoạch đấu thầu tổng thể lô dầu khí của năm tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Công Thương để thẩm định.”

6. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 15. Tổ chức đánh giá thầu

Bên mời thầu thành lập tổ đánh giá thầu, bao gồm các chuyên gia của Bên mời thầu. Bên mời thầu mời các chuyên gia của các Bộ, ngành có liên quan tham gia tổ đánh giá thầu. Quy chế làm việc của tổ đánh giá thầu do Bên mời thầu quy định. Việc đánh giá thầu được tiến hành trong thời gian không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày mở thầu.”

7. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 17. Thẩm định kết quả đấu thầu

Bộ Công Thương thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan để thẩm định kết quả đấu thầu. Quy chế làm việc của tổ công tác liên ngành do Bộ Công Thương quy định.

Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ tài liệu liên quan đến kết quả đấu thầu, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu.”

8. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 20. Quy trình chỉ định thầu

Việc chỉ định thầu được tiến hành theo các bước sau:

1. Bên mời thầu trình Bộ Công Thương về việc chỉ định thầu, trong đó nêu rõ diện tích hoặc lô xin chỉ định thầu, lý do xin chỉ định thầu, tổ chức, cá nhân được chỉ định và các chỉ tiêu, điều kiện giao thầu.

2. Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt kết quả chỉ định thầu trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ Công Thương.”

9. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 23. Hiệu lực thi hành

Quy chế này áp dụng cho việc chọn đối tác ký kết hợp đồng dầu khí để thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.”

10. Cụm từ “Tổng công ty Dầu khí Việt Nam” trong Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định số 34/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ được thay bằng cụm từ “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.”

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2010.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=24820&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận