NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thú y
__________________________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y như sau:
1. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 30. Khai báo kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn
1. Khi vận chuyển, lưu thông trong nước động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch, chủ hàng phải khai báo và gửi hồ sơ kiểm dịch theo mẫu quy định đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh. Việc khai báo kiểm dịch được quy định như sau:
a. Khai báo trước ít nhất hai ngày trước khi vận chuyển nếu động vật đã được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định và còn miễn dịch; trước ít nhất từ mười lăm đến ba mươi ngày nếu động vật chưa được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định hoặc không có miễn dịch;
b. Khai báo trước ít nhất hai ngày trước khi vận chuyển nếu sản phẩm động vật đã được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y hoặc gửi qua đường bưu điện; bảy ngày nếu sản phẩm động vật chưa được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y.
Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xác nhận đăng ký kiểm dịch và thông báo địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch.
Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi động vật, sản phẩm động vật được tập trung tại nơi quy định, cơ quan kiểm dịch động vật phải tiến hành kiểm dịch.
2. Khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch hoặc động vật, sản phẩm động vật lạ chưa có ở Việt Nam, chủ hàng phải gửi hồ sơ đăng ký kiểm dịch theo mẫu quy định đến Cục Thú y.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y có trách nhiệm trả lời cho chủ hàng về cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện việc kiểm dịch, đồng thời gửi cho các cơ quan kiểm dịch động vật có liên quan để phối hợp thực hiện kiểm dịch.
3. Khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật, chủ hàng phải khai báo với cơ quan kiểm dịch động vật được Cục Thú y chỉ định để thực hiện việc kiểm dịch. Việc khai báo kiểm dịch như sau:
a. Khai báo xuất khẩu trước khi xuất hàng: theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;
b. Khai báo nhập khẩu: ít nhất tám ngày trước khi hàng đến cửa khẩu; hai ngày trước khi hàng đến bưu điện.
c. Khai báo tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam: ít nhất bốn ngày trước khi hàng đến cửa khẩu.
Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được khai báo của chủ hàng, cơ quan kiểm dịch động vật được Cục Thú y chỉ định có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch, cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất, các quy định khác có liên quan đối với trường hợp quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật”.
2. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 31. Khai báo kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật dưới nước và lưỡng cư
1. Khi vận chuyển, lưu thông trong nước động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch, chủ hàng phải khai báo và gửi hồ sơ kiểm dịch theo mẫu quy định đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh. Việc khai báo kiểm dịch quy định như sau:
a. Đối với thủy sản bố mẹ và con giống phải khai báo ít nhất ba ngày trước khi vận chuyển hoặc trước khi xuất hàng;
b. Đối với động vật thương phẩm, sản phẩm động vật phải khai báo ít nhất hai ngày trước khi vận chuyển hoặc trước khi xuất hàng.
Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xác nhận đăng ký kiểm dịch và thông báo ngay địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch.
Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi động vật, sản phẩm động vật được tập trung tại nơi quy định, cơ quan kiểm dịch động vật phải tiến hành kiểm dịch.
2. Khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch hoặc động vật, sản phẩm động vật lạ chưa có ở Việt Nam, chủ hàng phải gửi hồ sơ đăng ký kiểm dịch theo mẫu quy định đến Cục Thú y hoặc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y hoặc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm trả lời cho chủ hàng về cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện việc kiểm dịch đồng thời gửi cho các cơ quan kiểm dịch có liên quan để phối hợp thực hiện kiểm dịch.
3. Khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật, chủ hàng phải khai báo với cơ quan kiểm dịch được Cục Thú y hoặc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chỉ định để thực hiện việc kiểm dịch. Việc khai báo kiểm dịch như sau:
a. Khai báo xuất khẩu trước khi xuất hàng: ít nhất mười ngày đối với động vật; năm ngày đối với sản phẩm động vật;
b. Khai báo nhập khẩu trước khi hàng đến cửa khẩu: ít nhất tám ngày đối với động vật; bốn ngày đối với sản phẩm động vật;
c. Khai báo tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam: ít nhất bốn ngày trước khi hàng đến cửa khẩu;
Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được khai báo của chủ hàng, cơ quan kiểm dịch động vật được Cục Thú y hoặc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chỉ định có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch, cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất, các quy định khác có liên quan đối với trường hợp quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật”.
3. Khoản 2, khoản 4 Điều 57 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành đối với thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y phải nộp hồ sơ đăng ký với Cục Thú y; đối với chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản phải nộp hồ sơ đăng ký với Cục Nuôi trồng thủy sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 của Pháp lệnh Thú y.
Trường hợp thuốc không phải thử nghiệm hoặc khảo nghiệm thì nộp một bộ hồ sơ; thuốc phải thử nghiệm hoặc khảo nghiệm thì nộp hai bộ hồ sơ.
Đối với trường hợp nhập khẩu phải có một bộ hồ sơ bằng tiếng Việt và đơn đăng ký nhập khẩu kèm theo giấy phép lưu hành sản phẩm, giấy chứng nhận nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP hoặc chứng chỉ ISO, phiếu phân tích chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất cấp.
4. Trong thời gian bốn mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y, Cục Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành để xét duyệt hồ sơ, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, bổ sung hàng quý vào Danh mục thuốc thú y, Danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam”.
4. Khoản 2 Điều 58 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trong thời gian bốn mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trả lời kết quả”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.