Văn bản pháp luật: Nghị định 121/2008/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 642+643
Nghị định 121/2008/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực một phần
29/12/2008
03/12/2008

Tóm tắt nội dung

Về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông

Thủ tướng
2.008
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông

__________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông ngày 22 tháng 5 năm 2002;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về các điều kiện đầu tư theo các hình thức đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông nhằm mục đích kinh doanh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính” bao gồm các hoạt động đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát.

2. “Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực viễn thông” bao gồm các hoạt động đầu tư: thiết lập hạ tầng mạng viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng và cung ứng dịch vụ viễn thông, Internet.

3. “Hình thức đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông” bao gồm các hình thức đầu tư theo quy định tại Điều 21 của Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005.

4. “Nhà cung ứng dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam” là doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép viễn thông.

Điều 4. Thủ tục đầu tư

1. Các quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư và thủ tục đăng ký đầu tư được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt quy mô vốn, khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông phải lập dự án đầu tư và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Nghị định này.

3. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông thuộc diện phải thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:

a) Dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài không phân biệt quy mô vốn đầu tư.

b) Dự án đầu tư trong nước thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông không phân biệt quy mô vốn đầu tư.

c) Dự án đầu tư trong nước cung ứng dịch vụ chuyển phát và cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn từ 300 (ba trăm) tỷ đồng trở lên.

4. Thẩm quyền thẩm tra dự án đầu tư:

a) Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát và cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện phải thẩm tra.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư không thuộc diện quy định tại điểm a, khoản này.

5. Nội dung, quy trình thẩm tra dự án đầu tư thực hiện theo quy định của Pháp luật về đầu tư, quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 5. Thời hạn đầu tư

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư phải phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư.

Trường hợp thời hạn hoạt động của dự án đầu tư dài hơn thời hạn theo quy định của pháp luật về giấy phép chuyên ngành thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc cấp lại hoặc gia hạn giấy phép chuyên ngành theo quy định.

Điều 6. Giám sát dự án đầu tư

1. Việc chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư không bao gồm việc chuyển nhượng, giấy phép đầu tư chuyên ngành bưu chính, chuyển phát, viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng.

2. Việc chuyển nhượng vốn đối với phần vốn góp nước ngoài phải phù hợp với quy định tại Nghị định này và các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực có liên quan.

3. Trong trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư, chuyển nhượng vốn, tạm ngừng, hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét việc cấp lại hoặc thu hồi giấy phép chuyên ngành theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông.

Điều 7. Áp dụng pháp luật

1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này với quy định của Nghị định khác về cùng một số vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông thì áp dụng quy định của Nghị định này.

2. Đối với các điều ước, thỏa thuận hoặc văn kiện quốc tế khác mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có những quy định khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo các quy định trong các văn bản quốc tế đó.

Chương II

ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC VIỄN THÔNG

Điều 8. Dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông

Dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông phải thỏa mãn các điều kiện sau:

1. Điều kiện chung:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển viễn thông của Việt Nam.

b) Đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thông; quy hoạch phân bổ tài nguyên thông tin và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.

2. Điều kiện chủ thể:

a) Nhà đầu tư trong nước:

- Phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

- Trong trường hợp dự án đầu tư có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia thì phải có ít nhất một nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối và nhà đầu tư này có tỷ lệ phần vốn góp chiếm ít nhất 51% tổng số vốn đầu tư của dự án.

b) Nhà đầu tư nước ngoài:

-Phải liên doanh hoặc liên kết với nhà đầu tư trong nước đã được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng và cung ứng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

- Có tỷ lệ phần vốn góp phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam ngoại trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam có quy định thuận lợi hơn.

3. Vốn đăng ký tối thiểu:

a) Dự án đầu tư được phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng trên phạm vi một tỉnh, thành phố phải có số vốn đăng ký tối thiểu là 160 (một trăm sáu mươi) tỷ đồng.

b) Dự án đầu tư được phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng trên phạm vi toàn quốc phải có số vốn đăng ký tối thiểu là 1.600 (một nghìn sáu trăm) tỷ đồng.

Điều 9. Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng

Dự án đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng phải thỏa mãn các điều kiện sau:

1. Dự án đầu tư trong nước:

a) Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật.

b) Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia thì phải có ít nhất một nhà đầu tư có tỷ lệ phần vốn góp chiếm ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án.

2. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài:

a) Trong ba năm đầu kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản hoặc dịch vụ truy nhập Internet thì phải liên doanh với ít nhất một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép tại Việt Nam; tỷ lệ phần vốn góp của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam phải chiếm ít nhất 49% tổng số vốn đầu tư của dự án;

b) Tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam ngoại trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam có quy định thuận lợi hơn.

Điều 10. Giấy phép viễn thông

1. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư lập đề án đề nghị cấp Giấy phép viễn thông.

2. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép viễn thông thực hiện theo pháp luật chuyên ngành về viễn thông.

3. Nhà đầu tư được cấp Giấy phép viễn thông trong trường hợp có đề án thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Đúng với dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi thẩm tra.

b) Đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành về cấp phép tài nguyên thông tin, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, giá cước, kết nối, đảm bảo an ninh thông tin…

c) Trường hợp đề án đề nghị cấp Giấy phép viễn thông không phù hợp với nội dung của dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi thẩm tra và (hoặc) không đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông từ chối cấp Giấy phép viễn thông.

Chương III

ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH

Điều 11. Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát

Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Điều kiện chủ thể:

a) Đối với dự án đầu tư không gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư phải là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư cung ứng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát.

b) Đối với dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc cá nhân thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.

c) Đối tác nước ngoài của dự án đầu tư:

- Trường hợp đầu tư để cung ứng dịch vụ chuyển phát quốc tế thì phải là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát hợp pháp tại nước sở tại.

- Trường hợp đầu tư để cung ứng dịch vụ chuyển phát thư quốc tế thì phải là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát hợp pháp tại nước sở tại và có mạng chuyển phát trong phạm vi hợp tác.

2. Tỷ lệ vốn góp:

a) Nhà đầu tư trong nước được thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn đầu tư trong nước để cung ứng dịch vụ chuyển phát.

b) Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được hợp tác đầu tư theo các hình thức đầu tư trực tiếp để cung ứng dịch vụ chuyển phát với phần vốn góp của bên nước ngoài tối đa đến 51% và phù hợp với quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

c) Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập liên doanh với nhà đầu tư trong nước với tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trên 51% hoặc thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2012.

Điều 12. Giấy phép bưu chính

1. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư thực hiện các công việc sau:

a) Thông báo hoạt động kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát.

b) Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành về bưu chính đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát thư.

c) Đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan đối với trường hợp nhà đầu tư trong nước làm đại lý dịch vụ chuyển phát thư cho tổ chức chuyển phát nước ngoài.

2. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép bưu chính thực hiện theo pháp luật chuyên ngành về bưu chính.

3. Giấy phép bưu chính được cấp trong trường hợp đề án thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Đúng với dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi thẩm tra.

b) Đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành về bưu chính.

c) Trường hợp đề án đề nghị cấp Giấy phép bưu chính không phù hợp với nội dung của dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi thẩm tra và (hoặc) không đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông từ chối cấp Giấy phép bưu chính.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11602&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận