Văn bản pháp luật: Nghị định 16/2012/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 271+272, năm 2012
Nghị định 16/2012/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực toàn bộ
30/04/2012
12/03/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Thủ tướng
2.012
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

____________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực du lịch.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

3. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm quy định về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, kinh doanh ô tô vận chuyển khách du lịch;

b) Vi phạm quy định về kinh doanh lưu trú du lịch;

c) Vi phạm quy định về xúc tiến du lịch;

d) Vi phạm các quy định về hoạt động du lịch khác.

4. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch không quy định tại Nghị định này thì được áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, tổ chức Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài (gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, giấy chứng nhận thuyết minh viên;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc bổ sung đủ nội thất, tiện nghi, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch;

b) Buộc thực hiện đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật;

c) Buộc hoàn trả khách du lịch hoặc sung quỹ nhà nước những tài sản đã thu bất chính của khách du lịch;

d) Buộc nộp đủ số tiền ký quỹ theo quy định;

đ) Buộc thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật;

e) Buộc gắn biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật;

g) Buộc bổ sung đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý, nhân viên phục vụ tương ứng với tiêu chuẩn từng loại, hạng cơ sở lưu trú dịch vụ theo quy định của pháp luật;

h) Buộc gắn biển hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng với quyết định xếp hạng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

i) Buộc dỡ bỏ hủy bỏ ấn phẩm, biển quảng cáo, biển hiệu, đồ dùng, trang thiết bị vi phạm quy định của pháp luật;

k) Buộc tháo dỡ, tiêu hủy các vật phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch, chấm dứt các chương trình quảng bá đối với một số hành vi vi phạm quy định về hoạt động xúc tiến du lịch;

l) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường gây ra;

m) Buộc thi hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Mục 1

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH LỮ HÀNH, HƯỚNG DẪN DU LỊCH, KINH DOANH Ô TÔ VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH

Điều 4. Vi phạm quy định về thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh lữ hành cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chính thức hoạt động kinh doanh.

2. Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thay đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi tên doanh nghiệp, thay đổi địa điểm đặt trụ sở của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

3. Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp thay đổi người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành.

4. Không thông báo bằng văn bản về việc thành lập, thời điểm bắt đầu hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập, chính thức hoạt động.

5. Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đứng đầu, thay đổi tên, thay đổi địa điểm của chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

6. Không thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Du lịch, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày mất giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

7. Không thông báo kịp thời cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tai nạn hoặc rủi ro, sự cố có thể xảy ra với khách du lịch.

Điều 5. Vi phạm quy định về kinh doanh lữ hành

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa không đủ ba năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành;

b) Sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không đủ bốn năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành;

c) Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa không đủ ba năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành;

d) Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không đủ bốn năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành;

đ) Hợp đồng lữ hành thiếu một trong những nội dung theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không có chương trình du lịch bằng văn bản cho khách du lịch hoặc đại diện nhóm khách du lịch;

b) Không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định;

c) Không giải quyết yêu cầu, kiến nghị chính đáng của khách du lịch theo quy định pháp luật;

d) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để thực hiện chương trình du lịch mà không có hợp đồng bằng văn bản với hướng dẫn viên du lịch hoặc hợp đồng không có đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định;

đ) Không hướng dẫn, cung cấp thông tin liên quan đến chương trình du lịch khi bên nhận đại lý lữ hành yêu cầu;

e) Không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch cho khách du lịch;

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành sử dụng giấy tờ xác nhận về thời gian làm việc không đúng với thực tế để điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật;

c) Sử dụng hướng dẫn viên dùng thẻ hết hạn để hướng dẫn cho khách du lịch.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng phương tiện, trang thiết bị không bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp đã quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Nghị định này;

b) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định;

c) Sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên để hướng dẫn cho khách du lịch.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có ít nhất ba hướng dẫn viên du lịch quốc tế;

b) Không mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định;

c) Thay đổi chương trình du lịch, tiêu chuẩn, dịch vụ đã ký kết mà không được sự đồng ý của khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch;

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm đủ số tiền ký quỹ đối với hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định;

b) Tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trong giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

c) Thu tiền ngoài hợp đồng hoặc các hành vi thu lợi bất chính khác từ khách du lịch;

d) Không quản lý hoạt động, kinh doanh của các Chi nhánh, Văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp theo quy định pháp luật;

đ) Không quản lý khách du lịch theo hợp đồng, chương trình du lịch đã ký kết;

e) Kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

g) Không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định của pháp luật;

h) Sử dụng tên doanh nghiệp, tên giao dịch, tên viết tắt không đúng với tên đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoạt động kinh doanh;

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch tại Việt Nam;

b) Hoạt động kinh doanh lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng, chấm dứt hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh lữ hành.

8. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh lữ hành không đúng nội dung trong giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

9. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động, kinh doanh lữ hành;

b) Hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

10. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và c khoản 5; các điểm a, d và đ khoản 6 và điểm a khoản 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 và điểm a khoản 9 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm e khoản 6 Điều này.

11. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung đủ phương tiện, trang thiết bị bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

b) Buộc thực hiện đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

d) Buộc nộp đủ số tiền ký quỹ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này;

đ) Buộc hoàn trả khách du lịch hoặc sung quỹ nhà nước những tài sản đã thu bất chính của khách du lịch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh đại lý lữ hành cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đại lý lữ hành bắt đầu hoạt động kinh doanh;

b) Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, thay đổi tên, địa chỉ của đại lý lữ hành cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi;

c) Không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch của bên giao đại lý lữ hành cho khách du lịch;

d) Hoạt động không đúng địa chỉ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tẩy xóa, sửa chữa, sao chép làm sai lệch nội dung chương trình du lịch của bên giao đại lý lữ hành;

b) Bán chương trình du lịch với giá cao hơn giá của bên giao đại lý lữ hành;

c) Hoạt động đại lý lữ hành mà không có đăng ký kinh doanh đại lý lữ hành;

d) Kinh doanh đại lý lữ hành mà không có hợp đồng đại lý lữ hành bằng văn bản với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hoạt động đại lý lữ hành cho doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để bán chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài;

b) Tiếp tục hoạt động kinh doanh đại lý lữ hành khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đại lý lữ hành.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hoàn trả khách du lịch hoặc sung quỹ nhà nước các khoản thu không đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên có hành vi không đeo thẻ, giấy chứng nhận trong khi hành nghề.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thuyết minh không đúng, không đầy đủ nội dung giới thiệu tại điểm du lịch, khu du lịch;

b) Không mang theo chương trình du lịch, giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong khi hành nghề hướng dẫn;

c) Không hướng dẫn cho khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, nội quy, quy chế nơi đến tham quan, du lịch và tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương;

d) Không cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình, chương trình du lịch cho đại diện nhóm khách du lịch, khách du lịch.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành;

b) Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch trong khi thực hiện chương trình du lịch;

c) Cho người khác sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch, giấy chứng nhận thuyết minh viên để hành nghề;

d) Sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch, giấy chứng nhận thuyết minh viên của người khác để hành nghề;

đ) Sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch đã hết hạn;

e) Kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch, giấy chứng nhận thuyết minh viên.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tẩy xóa, sửa chữa nội dung thẻ hướng dẫn viên du lịch, giấy chứng nhận thuyết minh viên để hành nghề;

b) Sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa để hướng dẫn cho khách du lịch là người nước ngoài.

c) Thuyết minh tại khu du lịch, điểm du lịch mà không có giấy chứng nhận thuyết minh viên.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định;

b) Sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, giấy chứng nhận thuyết minh viên giả để hành nghề;

c) Tùy tiện thay đổi chương trình du lịch, cắt giảm tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch;

d) Giới thiệu sai lệch giá trị văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, truyền thống, đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam;

đ) Lợi dụng hoạt động hướng dẫn du lịch để thuyết minh, cung cấp thông tin làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội;

e) Đưa khách du lịch đến khu vực cấm;

g) Thu tiền ngoài hợp đồng hoặc các hành vi thu lợi bất chính khác từ khách du lịch.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2; các điểm c, d, đ, e và g khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3; các điểm a và b khoản 4 hoặc tái phạm hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm c, d, đ, e và g khoản 5 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận thuyết minh viên từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3; điểm a khoản 4 Điều này;

d) Tịch thu tang vật sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm d, đ và e khoản 3; điểm b khoản 5 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hoàn trả khách du lịch hoặc sung quỹ nhà nước những tài sản đã thu bất chính của khách du lịch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, g khoản 5 Điều này.

Điều 8. Vi phạm quy định về kinh doanh ô tô vận chuyển khách du lịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng/xe đối với hành vi sử dụng xe ô tô dưới 09 chỗ ngồi không đảm bảo nội thất, tiện nghi, trang thiết bị theo quy định để vận chuyển khách du lịch.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/xe đối với hành vi sử dụng xe ô tô từ 09 chỗ ngồi đến dưới 24 chỗ ngồi không đảm bảo nội thất, tiện nghi, trang thiết bị theo quy định để vận chuyển khách du lịch.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng/xe đối với hành vi sử dụng xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên không đảm bảo nội thất, tiện nghi, trang thiết bị theo quy định đối với xe ô tô vận chuyển khách du lịch.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/xe đối với hành vi sử dụng xe ô tô chuyên dụng (caravan) hoặc ô tô hai tầng không đảm bảo nội thất, tiện nghi trang thiết bị theo quy định đối với xe ô tô vận chuyển khách du lịch.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tự ý thay đổi lịch trình vận chuyển mà không được sự đồng ý của khách du lịch;

b) Không gắn biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật;

c) Sử dụng lái xe ô tô vận chuyển khách du lịch không có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch;

d) Sử dụng nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch không có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật;

b) Không làm thủ tục cấp lại biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật;

c) Không mua bảo hiểm hành khách cho khách du lịch theo phương tiện vận chuyển.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch giả để hoạt động kinh doanh;

b) Mạo nhận xe ô tô vận chuyển khách du lịch.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch giả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung đủ nội thất, tiện nghi, trang thiết bị của xe ô tô vận chuyển khách du lịch để bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc gắn biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 Điều này;

c) Buộc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về thành lập và hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam

Hành vi vi phạm quy định về thành lập và hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam thì áp dụng theo các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 13; các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 14 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại để xử phạt.

Mục 2

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH LƯU TRÚ DU LỊCH

Điều 10. Vi phạm quy định về kinh doanh lưu trú du lịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đặt cơ sở lưu trú du lịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ sở lưu trú du lịch chính thức đi vào hoạt động;

b) Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đứng đầu cơ sở lưu trú du lịch, thay đổi tên cơ sở lưu trú du lịch cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi;

c) Không thông báo bằng văn bản khi áp dụng mức phụ thu cước viễn thông trong cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thực hiện.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về mẫu biển tên, hạng cơ sở lưu trú du lịch;

b) Không gắn biển hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi đã được Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng;

c) Không ban hành, niêm yết nội quy, quy chế của cơ sở lưu trú du lịch;

d) Không thông tin rõ ràng, công khai về số lượng, chất lượng và niêm yết giá cả các dịch vụ, hàng hóa cho khách du lịch;

đ) Không treo quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch tại vị trí dễ thấy tại quầy lễ tân.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hoạt động kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật;

b) Không đủ số lượng, diện tích buồng ngủ theo tiêu chuẩn tương ứng với từng loại, hạng cơ sở lưu trú theo quy định của pháp luật;

c) Không đảm bảo tiêu chuẩn về nơi để xe và giao thông nội bộ, khu vực sảnh đón tiếp theo quy định của pháp luật;

d) Không đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn nhà hàng, bar theo quy định của pháp luật;

đ) Không đảm bảo tiêu chuẩn khu vực bếp theo quy định của pháp luật;

e) Không đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn phòng hội nghị, hội thảo, phòng họp theo quy định của pháp luật;

g) Không đảm bảo tiêu chuẩn trang thiết bị, tiện nghi khác theo quy định của pháp luật;

h) Không đảm bảo tiêu chuẩn về dịch vụ theo quy định của pháp luật;

i) Không đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng phương tiện, trang thiết bị không bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch theo quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật;

c) Không bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý, nhân viên phục vụ tương ứng với tiêu chuẩn xếp hạng theo yêu cầu của cơ quan quản lý về du lịch.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch sau ba tháng, kể từ khi cơ sở lưu trú du lịch chính thức hoạt động kinh doanh;

b) Không đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, công nhận lại hạng cơ sở lưu trú du lịch trước ba tháng, kể từ khi hết hạn công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;

c) Sử dụng hình ảnh ngôi sao gắn tại cơ sở lưu trú du lịch hoặc trên các ấn phẩm, biển quảng cáo, biển hiệu, đồ dùng, trang thiết bị sử dụng tại cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được công nhận hạng hoặc không đúng với hạng cơ sở lưu trú đã được công nhận.

6. Phạt tiền 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng tên cơ sở lưu trú du lịch, tên giao dịch, tên viết tắt không đúng với tên của cơ sở lưu trú du lịch đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoạt động kinh doanh;

b) Thu tiền ngoài hợp đồng hoặc các hành vi thu lợi bất chính khác từ khách du lịch;

c) Thu phí dịch vụ không đúng quy định.

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch sau khi đã thông báo tạm ngừng, chấm dứt hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.

8. Các quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này cũng được áp dụng đối với nhà khách, nhà nghỉ của bộ, ngành, địa phương có hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, khoản 8 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý, nhân viên phục vụ tương ứng với tiêu chuẩn từng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 3; điểm c khoản 4 Điều này;

b) Buộc bổ sung đủ phương tiện, trang thiết bị đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc hoàn trả khách du lịch hoặc sung quỹ nhà nước những tài sản đã thu bất chính của khách du lịch đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 6 Điều này;

d) Buộc dỡ bỏ hủy bỏ ấn phẩm, biển quảng cáo, biển hiệu, đồ dùng, trang thiết bị đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và điểm c khoản 5 Điều này;

đ) Buộc gắn biển hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng với quyết định xếp hạng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng.

Mục 3

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ XÚC TIẾN DU LỊCH

Điều 12. Vi phạm quy định về hoạt động xúc tiến du lịch

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Nội dung sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch không phù hợp với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia đã được công bố;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chương trình khuyến mại du lịch đã thông tin, quảng bá;

c) Quảng bá sản phẩm du lịch không đúng với nội dung và chất lượng thực tế;

d) Sử dụng sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch không có hoặc không đúng tiêu đề, biểu tượng chung do Tổng cục Du lịch quy định.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động xúc tiến du lịch làm phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo dỡ, tiêu hủy các vật phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch, chấm dứt các chương trình quảng bá đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này.

Mục 4

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH KHÁC

Điều 13. Vi phạm quy định về tài nguyên du lịch, quy hoạch phát triển du lịch

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi khai thác tài nguyên du lịch trái quy định của pháp luật trong khu du lịch, điểm du lịch hoặc trong khu vực đã được quy hoạch phát triển du lịch.

Điều 14. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường du lịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết nội quy bảo vệ môi trường theo quy định tại nơi dễ quan sát trong cơ sơ lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, trên phương tiện vận chuyển khách du lịch.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không có công trình vệ sinh công cộng đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường trong cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, trên phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định;

b) Không tiến hành phân loại rác thải theo quy định trong cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, trên phương tiện vận chuyển khách du lịch;

c) Không bố trí cán bộ theo dõi, quản lý công tác bảo vệ môi trường du lịch tương ứng với từng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không tiến hành thu gom, xử lý rác thải theo quy định trong cơ sở lưu trú du lịch và khu du lịch, điểm du lịch và phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định;

b) Xâm hại đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã nơi có tài nguyên du lịch;

c) Chặt phá, bẻ cành hoặc có hành vi khác làm thiệt hại cây xanh, thảm thực vật nơi có tài nguyên du lịch.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không báo cáo định kỳ hàng năm về công tác bảo vệ môi trường du lịch theo quy định của pháp luật;

b) Không bố trí phương tiện, thiết bị thu gom, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định tại cơ sở lưu trú du lịch, trên phương tiện vận chuyển khách du lịch, trong khu du lịch, điểm du lịch.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm tại các điểm a và b khoản 2; điểm a khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này gây ra.

Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý, hoạt động kinh doanh trong khu du lịch, điểm du lịch

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Không ban hành nội quy, quy chế quản lý khu du lịch, điểm du lịch;

2. Ban hành nội quy, quy chế của khu du lịch, điểm du lịch trái với quy định pháp luật;

3. Vi phạm quy chế của khu du lịch, điểm du lịch.

Điều 16. Xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc kê khai hoặc kê khai, khai báo không trung thực, không đúng thời hạn theo yêu cầu của người thi hành công vụ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của người thi hành công vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Cản trở công tác của đoàn kiểm tra, thanh tra hoặc người được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra;

d) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trì hoãn, trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính, quyết định thanh tra, kiểm tra của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;

c) Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật đang bị kiểm tra, thanh tra hoặc tạm giữ;

d) Hành hung người đang thi hành công vụ.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thi hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; các điểm a và b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này.

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 17. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008, Điều 30 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi tại Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2007 đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của địa phương.

Điều 18. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Thanh tra viên Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thi hành công vụ có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có trị giá đến 2.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 3 Nghị định này;

đ) Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này;

e) Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa của lĩnh vực du lịch;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này;

e) Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển

Cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại Nghị định này.

Điều 20. Thẩm quyền xử phạt của thanh tra ngành khác

Trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước được Chính phủ quy định, Thanh tra viên và Chánh Thanh tra các cơ quan thanh tra ngành khác có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch được quy định tại Nghị định này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành mình.

Điều 21. Ban hành mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính

Ban hành kèm theo Nghị định này các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 4 năm 2012.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 149/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27319&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận